Tôi vừa gặp một chuyện không biết là vui vui hay… đáng buồn, liên quan đến sự trùng bút danh của tôi (và của một số bạn viết). Số là tuần trước, một cán bộ trẻ của Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt
Tôi rất ngạc nhiên khi ở Vinabook.com có giới thiệu cuốn Nét độc đáo trong thơ Chế Lan Viên tác giả Vân Long, NXB Văn hóa Thông tin, và cuốn Nét độc đáo trong thơ Xuân Diệu, tác giả Vân Long cũng của NXB trên mà không phải là tác phẩm của tôi. Cả hai cuốn đều ghi ngày xuất bản tháng 12 -2008. Trong khi cũng trong Quý IV – 2008 tôi cũng cho phát hành cuốn Trần Lê Văn - Những chặng đời - những chặng thơ, do tôi biên soạn, rồi tháng 11 tới, phát hành cuốn Ngô Quân Miện - Đất núi – Làng văn. Cả hai cuốn cùng do Hội nhà văn và gia đình hai nhà thơ nói trên uỷ nhiệm cho tôi biên soạn! Vậy là có hai ông Vân Long cùng làm một loại sách, tha hồ mà đụng hàng! À quên! Đụng thương hiệu!
Tôi xin nói thêm: Ngoài thơ, chân dung văn học và nhiều bài viết trên các báo, ở tiểu ngạch biên soạn, tôi từng có các cuốn khác như Xuân Quỳnh – thơ và đời, 1996, Mùa thu quê Việt, thơ tuyển về mùa thu,1999, Thơ hay có lời bình (100 bài thơ hay được bình) Ngẫm trong thơ… đều lấy bút danh Vân Long, cái tên ngỡ đã được xã hội hoá, sau 60 năm làm thơ, viết báo và có mặt trong các Tuyển tập thơ, đăng ký tiểu sử, nhân thân trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại do Hội nhà văn Việt Nam xuất bản, lưu chiểu tháng tư 2007. Tôi thoáng nghĩ vui: đến lúc nào đấy, nhận được nhuận bút từ Google (chẳng hạn) gửi cho tác giả, họ lại gửi nhầm của ông Vân Long kia cho tôi, thì lại phải làm thủ tục trả lại!
Trong giới viết, đã từng có sự trùng bút danh một cách “zui zẻ”. Một lần nhà thơ Trần Lê Văn gặp một bài thơ ký tên mình trên tờ báo mình vẫn đăng bài. Ông cho là báo đã in nhầm tên tác giả. Hoá ra không phải! Có một ông Trần Lê Văn (tên trong chứng minh thư) mới làm thơ. Nếu nhà thơ Trần Lê Văn kiện ông này lấy bút danh trùng tên, có khi nhà thơ thua kiện, vì giấy tờ tùy thân của nhà thơ Trần Lê Văn (sinh năm 1920) ngụ ở 47 Hàm Long là Trần Văn Lễ, không chính hiệu bằng ông kia! Nghe đâu lúc đầu Trần Lê Văn (2) không chịu đổi tên, tên bố mẹ đặt cho mình sao lại không được quyền giữ nó! Sau có người bạn thơ rỉ tai ông này: “ Ông ạ! Tôi cho là ông sẽ nhiều lần bị làm phiền về sự trùng tên, nếu có ai khen: Ông làm bài thơ Từ góc ao làng cho cậu con liệt sĩ, đọc cảm động quá! Hoặc: Cuốn bút ký Sông núi Điện Biên, ông phải thâm nhập thực tế, sống trên đó bao lâu mới viết được cuốn ấy ? Rõ ràng là ông phải thanh minh, và người nghe tuy không nói ra, nhưng ông thừa biết họ sẽ nghĩ ông là kẻ giả danh Trần Lê Văn! Sau đó ông Văn (2 ) phải đổi tên là Quang Đãi Trần Lê Văn, sau hình như rút gọn Quang Đãi Trần Văn cho cách xa hẳn tên thật của mình! Còn hai ông bạn văn khác của tôi: Ông nhiều tuổi, nhà văn Vũ Bão (không phải tên khai sinh) xuất hiện trước với tiểu thuyết Sắp cưới bị phê phán một thời. Ông sau trẻ hơn, tên khai sinh (mới thật) là Vũ Bão, nhưng vốn là một thức giả, ông thấy ngay vấn đề từ khi đưa in truyện ngắn đầu tiên: Nếu cũng lấy tên thật làm bút danh, mình viết hay hơn thì có thể người ta khen nhà văn Vũ Bão (Sắp cưới ) độ này viết hay quá! Nếu viết dở hơn, nhà văn Sắp cưới có thể mắng mình là đội danh Vũ Bão để làm xằng, thôi thì lập sự nghiệp ngay từ tay trắng, từ cái tên mình tự chịu trách nhiệm về mình, dù hay, dù dở! Nghĩ vậy, ông liền xoay ngược tên thật thành bút danh Bão Vũ! Nhà văn Vũ Bão nghe vậy cười khà khà : “ Ồ! Hoá ra người ngay lại sợ kẻ gian!” . Quả nhiên, đến nay nhà văn Bão Vũ đã có một bề dầy tác phẩm, có những truyện hay mà Vũ Bão khi còn sống rất khen, và tự cho là mình không viết nổi. Vũ Bão giỏi viết hài hước, trào lộng, Bão Vũ thì hiện thực, trữ tình! Tiếng tăm và bề dầy tác phẩm của hai ông (nhờ thực tài) chẳng ai chịu kém ai! Nhưng sự đời, có phải ai cũng dễ nhận ra và giải quyết hợp lý hợp tình như hai ông Quang Đãi, Bão Vũ kể trên.
Trở lại bút danh của tôi, tôi đã chịu trách nhiệm về nó từ khi in bài thơ đầu tiên ở vùng Hà Nội tạm chiếm (1949), cho đến trên hai chục đầu sách sau này, không hề thay tên đổi họ!
Nhưng sau mấy chuyện vui kể trên, tôi có nỗi e ngại thật sự. Nếu chỉ là nhầm về quyền lợi thì dễ giải quyết, tôi ngại nhất trong việc phê bình, đánh giá ở lãnh vực văn học hiện nay, có nhiều chuyện rất tế nhị, nhạy cảm. Không phải chỉ phê phán dù sai hay đúng, mới lắm chuyện phiền, mà khen quá lời cũng là vấn đề thuộc nhân cách nhà văn! Có lúc nào đó, có khi tôi phải “lãnh đủ” về những ý kiến của ông Vân Long (2) (xin phép tạm gọi) trước công luận, mà người ta chỉ nêu Vân Long đã viết như vậy! v.v… Dù cái tên của tôi chỉ là một ngọn đèn le lói, không phải bóng đèn nghìn oát, nhưng hãy cho tôi chỉ chịu trách nhiệm những gì tôi viết ! Bút danh không phải là thương hiệu để đem nhãn hiệu trình tòa, khi bị xâm hại thì nhờ tòa can thiệp. Luật thì chưa có điều khoản nào về việc trùng bút danh. Ở thơ, tôi đã từng bị trùng tên, nhưng thơ và người làm thơ ở ta mênh mông và nhiều như nước biển. Có người làm thơ ở vùng sâu, vùng xa không có sách đọc hoặc không chịu đọc sách báo, mua vui bằng mấy vần thơ thì chả nói làm gì!
Không rõ Hội nhà văn Việt Nam hay Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam có cách gì hay để bảo vệ “thương hiệu” cho nhà văn? Còn tôi thì không biết làm gì khác hơn là thanh minh ở những cộng đồng có nhiều bạn bè, đồng nghiệp biết mình như báo Văn Nghệ, Trannhuong.com…
Vân Long
Hội viên Hội nhà văn Việt
(Nguồn: Website Hội Nhà Văn)