Thứ năm, 02/05/2024,


"Ôsin mà chủ nhà phải kính thưa thì..." (27/08/2009) 

Phim truyền hình 70 tập 'Kính thưa ôsin' sẽ công chiếu vào ngày 29.8. Bộ phim được thực hiện dựa trên phóng sự cùng tên đăng trên báo Lao Động (2007) của cây bút Huỳnh Dũng Nhân, trước đó đã lên sân khấu kịch khá thành công. 'Kính thưa ôsin' cũng là phim đầu tiên về cái nghề giúp việc rất thời sự hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân.

 

      

                            Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân

 

* 'Kính thưa ôsin...' - một cái tít thật ấn tượng, vấn đề ngóc ngách của đời sống đô thị... Trước Huỳnh Dũng Nhân, đề tài này được báo chí đề cập khá nhiều rồi?

- Hồi xưa, người ta gọi người giúp việc là người ở, con sen, kẻ hầu... rồi đến khi bộ phim có nhân vật là người giúp việc của Nhật, người ta 'mượn' luôn từ ôsin để chỉ người giúp việc nhà. Tôi nghe nói có người khuyến cáo không nên dùng từ ôsin. Nhưng cái từ này là dân Hà Nội dùng đầu tiên và đã thành quen miệng, chứ tôi chỉ dùng theo họ thôi. 

* Anh từng kinh qua 'đoạn trường săn tìm - nuôi ôsin...', hay mới chỉ 'kính nhi viễn chi'?

 - Tôi, với tư cách là chủ nhà mà không biết làm việc nhà và không có thời gian để được ở nhà, đã phải dấn thân vào việc đi tìm, nhờ bạn bè mách bảo và trên báo chí... để có được người giúp việc. Mà việc tìm người giúp việc còn khó hơn tìm... người yêu. Vì người yêu có thể có tình có tứ, không hợp lắm cũng không sao, còn người giúp việc phải thoả mãn hàng chục điều kiện không chỉ của chồng đưa ra, mà còn của cả vợ nữa (thí dụ... không được xinh hơn vợ). Trong ba năm, tôi đã tuyển... 7 người. Tưởng đã ghê, nào ngờ có người biết chuyện còn khoe họ tuyển tới... 13 người trong... 2 năm.

* Nghe nói, khi phóng sự ra mắt, đã có rất nhiều người chia sẻ với anh, đa số họ là những người cùng cảnh ngộ?

- Ngay sau khi báo đăng phóng sự này, một đồng nghiệp gọi điện cho tôi và bảo: Bài này hay nhất ở cái tít và cái tái bút. Tít thì rõ rồi. Nghề giúp việc mà chủ nhà phải 'kính thưa' họ thì phải biết họ có vai trò quan trọng thế nào. Ngày nay, chủ nhà sợ ôsin chứ không phải ôsin sợ chủ nhà. Còn câu tái bút là 'Xin các bạn đừng đưa bài này cho cô giúp việc nhà tôi đọc' nói lên một điều là tôi cũng sợ... cô giúp việc.  Anh đồng nghiệp còn doạ sẽ đưa bài báo cho cô giúp việc nhà tôi đọc (!!!). Tôi tự đưa luôn, ngán gì. Khi vở kịch công diễn, tôi cho cô ấy vé đi xem, ngồi hàng ghế đầu hẳn hoi. Cười suốt buổi. 

 

                 

                               Ê kíp làm phim 'Kính thưa Ôsin'

* Nhìn chung, ý tưởng của anh có được nâng tầm nhiều không, trong thế mạnh của sân khấu, điện ảnh?

- Vở kịch và bộ phim cùng tên với phóng sự của tôi đều hay. Vì họ đời hoá, chi tiết hoá, hài hước hoá và cũng khắc hoạ bằng ngôn ngữ sân khấu, ngôn ngữ điện ảnh các câu chuyện hay ý tưởng mà tôi nêu ra. Người xem dễ tìm thấy điều họ thích. Ngay các diễn viên, họ 'phăng' khá thoải mái các chi tiết hài vì họ cũng từng 'đụng' với nhiều người giúp việc ở nhà họ. Nghệ thuật khác báo chí ở chỗ đó, không thể bê nguyên mẫu vào được mà phải làm nó thăng hoa, điển hình về tính cách lẫn hoàn cảnh. Vở kịch 'Kính thưa ôsin' diễn ròng rã ở sân khấu 5B Võ Văn Tần hơn 2 năm vẫn hút khách. Đang định làm tập 2 mà chưa có nhà tài trợ. Vừa rồi, HTV đến thu. Bây giờ đạo diễn Trần Cảnh Đôn làm phim 70 tập. Tôi chưa được xem phim, nhưng nghe các đồng nghiệp đi xem ở họp báo, bảo OK lắm. 

* Vậy phóng sự thì không thể thăng hoa?

 - Phóng sự có nhiều cách nghĩ, cách viết. Có loại phóng bám chặt vào cái sự. Người ta thích cái sự vì cái sự nó hay quá. Nhưng cũng có loại phóng sự mà cái sự chả có gì đáng để nói. Nhưng người viết vẫn 'phóng' được bằng phong cách viết và tư liệu riêng, cảm xúc riêng, làm nó thăng hoa, bởi cái duyên ngòi bút hay cách nhìn nhận và lòng trắc ẩn của mình. Tôi nghĩ các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên và người viết phóng sự đôi nét giống nhau chỗ này: Biết làm hấp dẫn và thuyết phục mọi người ngay cả những chuyện bình thường nhất. 

* Tò mò một chút: Phóng sự 'Kính thưa ôsin...' được lên kịch, lên phim, anh nhận được nhiều tiền ' nhuận... ' chứ?

- Sau khi thành kịch, mỗi tháng tôi được chia tiền tác giả theo số ghế bán được, cũng xêm xêm 2 kỳ nhuận bút. Khi kịch được thu sóng HTV, tôi được hưởng một lần thù lao đủ đóng tiền điện thoại một tháng. Còn khi quay bộ phim cùng tên thì đạo diễn Trần Cảnh Đôn bảo: 'Tôi mua cái tên phóng sự 'Kính thưa ôsin' của anh, vì cái tên phóng sự 'đã' quá'. Giá tiền cái tên phóng sự này cũng đủ một chầu cho gia đình đi... Vũng Tàu. Đây cũng là lần đầu tiên tôi mua bán tác phẩm của mình có hợp đồng đàng hoàng, nhưng chỉ là bán một cái tên bài, một ý tưởng. Viết báo gần 30 năm nay, chưa bao giờ tôi bán cái gì hết.

 

Linh Tâm thực hiện

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: