Nhà văn lên tiếng bằng tác phẩm, người nghệ sỹ múa nói bằng ngôn ngữ hình thể và vũ điệu, nhạc sỹ nói bằng giai điệu và tiết tấu. Nói một cách khác, con công thì múa, con nghê thì chầu. Cuộc sống sinh động và sâu sắc hơn chính nhờ các ngôn ngữ như thế.
Tuy nhiên, văn nghệ sỹ nhiều khi lên tiếng trực ngôn và trực diện về một vấn đề sinh tử hay nóng bỏng của cuộc sống. Khi đó, anh ta nói tiếng nói của cộng đồng và nếu được lắng nghe, nó sẽ rất hữu ích; nó thúc đẩy cuộc sống đi nhanh, đi đúng hướng hơn.
Hồi chúng ta đánh Mỹ, nhà văn Pháp Giăng Pôn Sác đã lên tiếng đòi đưa đế quốc Mỹ ra toà; ca sỹ Mỹ Giên Phônđa đã đi đầu đoàn phản chiến và hát; nhà báo Úc Bớcsét đi khắp thế giới “gõ chiêng” về tội ác chiến tranh…Tiếng nói của họ khi đó là rất hiệu quả, họ đã được thiên lương của cả loài người lắng nghe và sự lên tiếng đã thắng.
Đến đây cần chia sự lên tiếng của văn nghệ sỹ ra làm hai. Một là người lên tiếng đã nổi tiếng, chính sự nổi tiếng đã tạo hiệu ứng nhanh và tức thì cho lời nói/cho người phát ngôn. Nhưng cũng có khi “nói phải củ cải cũng nghe”.
Hồi đánh Mỹ, chỉ cần gõ kẻng thôi đã có hàng vạn người nghe, huống chi đó lại là thơ Phạm Tiến Duật, là ca sỹ Giên Phônđa? Ở đây, vào lúc tâm thế xã hội sẵn sàng lắng nghe, những chân lý giản đơn của người nói dễ khiến anh ta trở nên nổi tiếng. Khi xã hội phân tâm, lời nói muốn được lắng nghe thì cần hai yếu tố: Ai đang nói? Anh ta nói cái gì và nói như thế nào?
Mươi năm trước, ở Pháp đã có cuộc triển lãm tranh tượng làm bằng toàn đồ phế thải, một trong các tác phẩm là chính gã hoạ sỹ khoác lên người loẻng xoẻng vỏ đồ hộp. Hoạ sỹ ấy không nổi tiếng, nhưng cái cách anh ta nói đã nhanh chóng đi vào lòng mọi người để đạt hiệu ứng xã hội.
Quan sát tiếng nói trực ngôn của văn nghệ sỹ mươi năm qua, ngoại trừ một số nhà văn như Thanh Thảo, Nguyễn Quang Thiều… tôi thấy có hiện tượng “gì cũng nói” và “ai cũng nói” khiến cho tiếng nói của họ tạo hiệu ứng tiếng ồn. Nó lẫn vào với dư luận, vào “vấn đề & dư luận” của các tờ báo hôm nào cũng phải có bài. Ai cũng nói và gì cũng nói khiến cho lời nói dễ đổ lá khoai.
Vì quả thực, tại mỗi thời điểm, chúng ta chỉ có thể giải quyết rốt ráo nhiều lắm là một vấn đề. Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời là Phó thủ tướng phụ trách khoa học kỹ thuật có lần nói vui rằng, nghe các nhà KHKT nói về cái mũi nhọn của ngành mình, đâu cũng mũi nhọn nên người ta dễ hình dung ra nền KHKT nước nhà như quả mít!
Tôi có một vài kinh nghiệm phát ngôn. Năm 1993, tôi viết bài “Cần coi giỗ tổ Hùng Vương là quốc lễ”; tôi nói rằng Quốc khánh 2-9 là rất quan trọng, Quốc tế lao động 1-5 cũng rất quan trọng nhưng cả dân tộc có một ngày giỗ tổ, có một ngôi đền chung lại chỉ để cho mấy ông bà xã hương trông nom là chưa ổn...
Vài năm trước tôi đã lý sự, trong khi toán học người ta kỵ đề thi ra giống bài tập ở sách giáo khoa thì môn văn lại chỉ quanh đi quẩn lại có Chữ người tử tù với Vợ nhặt trẻ đã thuộc làu làu là cớ làm sao? Tôi không rõ tiếng nói của mình có được những người mang trọng trách xã hội bỏ vào tai không và, suy cho cùng cái đó có hay không cũng không quan trọng. Tôi cảm thấy là tiếng nói của mình là một đòi hỏi chung và chính đáng. Nhà văn nói riêng, văn nghệ sỹ nói chung là phải lên tiếng về cái đòi hỏi của xã hội, của tiến bộ và cái đẹp.
Nhưng lâu nay nhiều người trong số chúng tôi đã im lặng trước một số vấn đề gây xôn xao trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí cả những vấn đề trọng đại của đất nước. Vì tôi cảm thấy đã có nhiều người nói và chúng có nguy cơ làm thành tiếng ồn. Trong trường hợp này, hẳn có người sẽ nói, ví dụ, anh là ai mà dám nói đến sự to tát của quốc kế dân sinh?
Cho nên, suy cho cùng, sự im lặng của chúng tôi cũng không phải là thượng sách; nếu không nói đó là một dấu hiệu không ra làm sao!
Văn Chinh
(Bài tham gia diễn đàn “Vì sao văn nghệ sĩ im hơi lặng tiếng” của VietNamNet)
Dương Phượng Toại - duongphuongtoai@gmail.com - 0982 367 982 - Quảng Ninh
(Ngày 27/08/2009 09:23:04 PM)
Đúng vậy. Bài của nhà văn Văn Chinh khiến chúng tôi ngộ ra nhiều thứ trong cách nói và Tiếng nói Nhà văn lâu nay. Không chỉ báo Văn nghệ trung ương mà ngay các báo văn nghệ địa phương bây giờ cũng đang có mục tiếng nói Nhà văn hoặc văn nghệ sĩ cho có đủ đầy tiếng nói. Xem có vẻ sang trọng lắm ngay bên lề báo. Song hầu như tiếng nói của họ rơi vào im lặng và cố tình im lặng. Nhiều khi nói ra còn bị mặc cảm. Tác phẩm của kẻ vừa nói có hiệu quả ngay sau đó bằng cách không được đăng. "Cho ông ta biết thế nào là..." Chả lẽ im lặng? Im lặng lại cũng không là Thượng sách! Đúng là chả biết ra làm sao!
|