Trong Truyện Kiều có hai nỗi đau lớn: nỗi đau về thân phận của người con gái bị chà đạp và nỗi đau về sự ly hương: phải sống nơi đất khách quê người.
Những câu thơ lục bát trong thơ Nguyễn Du rất đắc địa khi diễn tả sự da diết, sự rớm lệ của con người khi rơi vào tình cảnh tha hương. Để diễn tả tình cảm thiêng liêng này, Nguyễn Du là người đã cho thấy sự đắc địa của thể loại thơ này, sự bàng bạc mà nhói đau, sư giản dị mà sâu lắng:
...Bốn phương mây trắng một màu
Trông vời cố quốc biết đâu là nhà…
...Đoái xem muôn dặm tử phần
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa…
...Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ, ngổn ngang bời bời
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm…
Nỗi nhớ về cố quốc, cố hương, nhìn ngóng về quê nhà đến mòn cả con mắt thì chỉ có Nguyễn Du mới tả đến như vậy, mới da diết đến như vậy. Cảnh quê người trong thơ Nguyễn Du bao giờ cũng hiu quạnh:
...Buồn trông phong cảnh quê người
Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa…
Đất khách quê người bao giờ cũng buồn tủi:
...Từ đây góc bể chân trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân…
Luôn ở tâm thế lưu lạc:
...Từ con lưu lạc quê người
Bèo trôi, sóng vỗ chốc mười lăm năm…
Hoặc:
...Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buốn trông ngọn nước mới sa
Mây trôi man mác biết là về đâu
Buốn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buốn trông gió cuốn mặt duềnh
ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Chung quanh những nước non người
Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu…
Sống ở quê người đã buồn đã tủi, chết ở quê người không chỉ buồn tủi, ai oán và còn đáng sợ:
Sá chi thân phận tôi đòi
Dẫu rằng xương trắng quê người quản đâu…
Thôi con còn nói chi con
Sống nhờ đất khách, chết chôn quê người…
Tâm trạng này hoàn toàn khác với cảnh được sống trên quê hương: tưng bừng, giữa con người và thiên nhiên có sự giao hoà đầy xuân sắc:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngòai sáu mươi
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa…
Phong cảnh quê người không chỉ trông thấy những cảnh buồn thảm, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà ngay cả thời gian cũng nặng nề tưởng như đo đếm được:
...Ba thu dồn lại, một ngày dài ghê
...Đêm thu khắc lậu canh tàn
Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương…
...Đêm thu một khắc một chầy
Bâng khuâng như tỉnh như say môt mình…
...Tẩy trần mượn chén giải sầu đêm thu…
...Một trời thu để riêng ai một người
...Trời đông vừa rạng ngàn dâu
Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà…
...Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân…
...Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng…
Trong Truyện Kiều nỗi đau chia xa, nỗi đau chia ly là nỗi đau xao xuyến cả đất, cả trời, cả sao và cả trăng:
Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Bụi hồng dặm cuốn chinh an
Trông người đã khuất máy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường...
Ví nỗi chia ly con người đau đớn tột cùng như xẻ vầng trăng của vũ trụ ra làm đôi thì quả nhà thơ đã coi trái tim của con người thật sự là đấng quyền năng bậc nhất của thế gian này vì nó bao trùm cả vũ trụ...
Nguyễn Du là người đã thành công trong việc sử dụng thể thơ lục bát để diễn đạt tình cảm thiêng liêng của con người đối với “quê cha đất tổ”, là nơi mà đối với người Việt giống như một đức tin tôn giáo, mảnh đất thừa kế được coi là đất gia đường hương hoả. Đối với người Việt, không có nỗi bất hạnh nào hơn, đau đớn nào hơn đối với một con người khi không có nổi một “tấc đất cắm dùi”...Nếp sống, nếp nghĩ này đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt. Có lẽ vì những tín điều đó mà đất ở Việt
Vì thế, Nguyễn Du đã từng được Hoa Đường Phạm Quý Thích người đồng thời với ông đánh giá:'có con mắt trông thấu cả sáu cõi, có tấm lòng nghĩ suốt cả ngàn đời'…
Tác giả Phạm Viết Đào