Thứ năm, 02/05/2024,


Cô gái và cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ (24/08/2009) 

"5 năm - nghĩa là hơn 1.800 ngày. Hơn 1.800 ngày, mình hiểu thế nào là nỗi đau sau chiến tranh. Không một tiếng bom rơi, không một làn khói súng, nhưng vẫn có những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt vội vàng, những nấm mồ liệt sĩ chưa rõ tên trong cuộc sống và giấc mơ của mình hàng đêm”. Những dòng đầy tâm trạng được viết nên từ một cô gái ngoài 30 tuổi làm tôi chú ý.

 

Càng đáng chú ý hơn khi cô gái trẻ ấy đã từ bỏ rất nhiều cơ hội riêng lo cho cuộc sống của bản thân mình để theo đuổi một công việc mà theo nhiều người là quá sức, là bao đồng, là chẳng lợi lộc gì: đồng hành trong hành trình tìm mộ liệt sĩ với hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước.

 

Duyên nợ

 

Tại buổi họp mặt thân nhân các gia đình liệt sĩ ở TPHCM hồi tháng 4-2009, đứng đón khách ngoài tiền sảnh là một cô gái trẻ mặc đầm dài, đi giày cao gót, tóc uốn khá sành điệu. Khi tôi còn đang chắc mẩm cô gái là nhân viên lễ tân của khách sạn thì đã thấy cô đĩnh đạc cầm micrô… phát biểu khai mạc. Thật bất ngờ: cô chính là giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công (Marin), người đồng sáng lập và chịu trách nhiệm chính của trang web: www.nhantimdongdoi.org - một trang web đã trở nên thân thuộc với rất nhiều gia đình liệt sĩ trên đất nước Việt Nam.

 

                   

Ngô Thị Thúy Hằng (bìa phải) tận tình hướng dẫn thân nhân liệt sĩ “giải mã” giấy báo tử.

 

Mỗi lần bắt đầu câu chuyện với thân nhân liệt sĩ, cô gái ấy thường có thói quen thanh minh: “Cháu không phải là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Cháu là Ngô Thị Thúy Hằng ở Trung tâm Quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sĩ và người có công Marin”.

Việc thành lập Marin cũng hết sức tình cờ, nói đúng hơn là nó bắt đầu từ một cuộc tìm kiếm vô vọng. Hằng có một người bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại mất, để lại di chúc cho mẹ cô là phải tìm cho bằng được mộ của bác. Cô nhớ lại: “Khi anh em tôi đã qua tuổi mẫu giáo, mẹ bắt đầu đi tìm. Mẹ đi khắp nơi, đến rất nhiều nghĩa trang, cầu viện đến cả thầy bói, nhà ngoại cảm mà vẫn không tìm được. Gia đình chỉ biết lấy ngày 27-7 hàng năm để giỗ bác”.

Mãi đến năm 2004, tình cờ, Hằng được một nhóm sinh viên mê tin học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội “rủ rê” lập trang web www.nhantimdongdoi.org. Bị thuyết phục bởi ý nghĩa xã hội của trang web, Hằng tham gia. Thế nhưng đến khi trang web ra đời được một thời gian thì lần lượt từng thành viên trong nhóm ra trường, tìm được việc làm là… bỏ cuộc. “Lúc đó, tôi có cảm giác nếu như trang web biến mất thì giống như mình đã cho gia đình liệt sĩ một hy vọng, một chỗ dựa rồi lại đột ngột dập tắt niềm hy vọng ấy” - Hằng nhớ lại.

Thời gian đó, cô đang tiếp tục cuộc hành trình đi tìm mộ bác. Nỗ lực của Hằng đã giúp cô tìm được nghĩa trang mà bác cô nằm, nhưng lại không tài nào xác định được mộ bác giữa 50 ngôi mộ vô danh. “Hàng tháng, tôi đến nghĩa trang thắp hương cho hết 80 ngôi mộ, trong đó có gần 50 ngôi chưa rõ tên. Lần nào về cũng u uất, buồn thương vô hạn. Có xa mấy đâu, từ Thái Bình sang Bình Lục, mà bác tôi sao đi đến mấy chục năm vẫn chưa về được nhà. Cuộc tìm kiếm của gia đình tôi tưởng chừng đã đến đích, tưởng chừng chỉ còn cách bác tôi một tầm tay với, vậy mà…” - Hằng nói như muốn khóc.

Thấm thía đến tận cùng nỗi đau của thân nhân liệt sĩ, cô quyết định duy trì trang web, với hy vọng giúp được điều gì cho hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm được người thân ở khắp mọi miền đất nước. Từ đó, cô cử nhân ngành báo chí chính thức bước vào “quãng đời đặc biệt”- chính thức thấp thỏm, hy vọng, khóc, cười cùng nỗi đau và niềm hạnh phúc của những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ.

 

Thử thách

 

Chấp nhận duy trì trang web, để trang web thật sự có chất lượng, là chấp nhận sự đánh đổi. Tốt nghiệp cử nhân báo chí, ra trường, Hằng từng làm phóng viên ở Tạp chí Sành Điệu, làm quảng cáo, làm biên tập viên ở Tạp chí Thời Trang Trẻ, làm thư ký biên soạn ở Viet Book. Thế nhưng, cho đến năm 2008, cô đã chính thức xin nghỉ việc để tập trung phát triển trang web.

Từ chỗ là một cô gái vô tư, sinh ra và lớn lên trong thời bình, Hằng gần như đã trở thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực chính sách cho người có công. Cô nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử của các đơn vị quân đội qua các thời kỳ. Bước chân cô đã đặt tới hầu hết các chiến trường xưa, bộ chỉ huy quân sự, các Sở LĐTB-XH, Phòng LĐTB-XH các quận, huyện, xã, sang tận địa phận Lào, Campuchia để tìm kiếm thông tin cung cấp cho gia đình liệt sĩ.

Cô giải thích: “Nhiều lần, chúng tôi đã tiếp xúc với những tờ giấy báo tử vẻn vẹn một dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam” hay chỉ ghi đơn vị chiến đấu là những chữ cái như KT, KB, KN, KH, P2, P1, những con số D301, 470, 471… Người thân liệt sĩ biết làm gì với những chữ cái, hay những con số ấy. Không manh mối, không phương hướng, việc tìm kiếm rất tốn kém, mất thời gian mà không có kết quả. Trong khi đó, tại các đơn vị - từ cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân khu đều có khá đầy đủ danh sách liệt sĩ thuộc các đơn vị, nhưng vì bí mật quân sự trong chiến tranh, phần nhiều giấy báo tử chỉ ghi phiên hiệu, rất khó khăn cho việc tìm kiếm”.

Sau một thời gian tìm hiểu, trải nghiệm thực tế, Hằng và các cộng sự đã hệ thống được cách giải mã các phiên hiệu đơn vị quân đội, các mặt trận qua nhiều giai đoạn được ghi trên giấy báo tử. Tìm được cách giải thích phiên hiệu nào, cô cho đăng lên trang web.

Chính thức hoạt động từ ngày 26-10-2004, đến nay, sau 5 năm, trang web www.nhantimdongdoi.org đã trở thành người bạn đồng hành, thành điểm tựa tinh thần của nhiều gia đình liệt sĩ. Hầu như ngày nào, trung tâm cũng nhận được rất nhiều thông tin, nhiều cuộc điện thoại xin được tư vấn, giúp đỡ. Hàng trăm thông tin phải xử lý, hàng chục thông tin cần được chia sẻ mỗi ngày.

Hằng và các đồng sự vẫn miệt mài thầm lặng hàng ngày bên máy tính, bên những trang thư, con chữ, hầu mong gắn kết, chắp nối những thông tin ít ỏi, rời rạc của từng liệt sĩ để có thêm manh mối giúp cho hành trình tìm mộ liệt sĩ của gia đình bớt phần mông lung và tuyệt vọng.

 

Cầu mong...

 

Một ngày cuối tháng 5-2009, Hằng vừa đọc thư vừa khóc. Đây là lần thứ 2, cô nhận được thư của cụ bà Ngô Thị Bốn, 86 tuổi, ngụ tại xóm 4, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhờ tìm mộ của chồng là liệt sĩ Nguyễn Tư, hy sinh ngày 4-9-1952. Nơi hy sinh ghi trên trích lục hồ sơ của liệt sĩ là Thanh Hương. Thư bà viết: “Tôi tuổi cao sức yếu không thể đi tìm mộ của chồng. Tôi đã hỏi rất nhiều nơi, hỏi rất nhiều người nhưng không ai trả lời cho tôi biết Thanh Hương là gì. Bản trích lục này phải khó khăn lắm tôi mới xin được tại Cục Thương binh - Liệt sĩ và Người có công của Bộ LĐTB-XH. Tôi có thư hỏi, họ cũng trả lời là: Không biết gì đâu, đừng hỏi!”. Thông tin còn lại trên bản trích lục là liệt sĩ Tư thuộc Trung đoàn 101.

Lá thư của bà cụ chỉ có duy nhất một manh mối là Trung đoàn 101. Hằng lao đến thư viện, tìm được cuốn lịch sử của Sư đoàn 325 và cuối cùng đã tìm ra địa danh Thanh Hương. “Thanh Hương nằm trong dãy làng kháng chiến xếp thành hình chữ Nhất, theo trục đường số 68 kéo dài từ bờ sông Thạch Hãn vào đến cửa Thuận An, trên dải đất cát bồi kẹp giữa biển với đoạn cuối của sông Vĩnh Định đổ vào phá Tam Giang”. Nơi đây là địa bàn chiến đấu của Sư đoàn Bình Trị Thiên.

Tìm được rồi, Hằng ngồi nắn nót hàng giờ để viết một lá thư dài hơn 2 trang A4 để giải thích, hướng dẫn cho cụ Bốn. Chuyện của cụ Bốn chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp đã được Trung tâm Marin chia sẻ và giúp đỡ. Cho đến đầu năm 2009, Hằng bắt đầu tổ chức những đợt họp mặt, tư vấn về cách thức tìm mộ từ giấy báo tử cho thân nhân gia đình liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố (TP). Hiện cô đã tổ chức họp mặt tại Hà Nội, TPHCM, TP Vinh, TP Hải Phòng. Cả ngàn người đã đến với Hằng để chia sẻ thông tin.

Hằng kể: “Hôm họp mặt ở Vinh, thấy một cụ bà mái tóc bạc phơ tay ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng được bọc trong bao tải, thấy cháu bé 6 tuổi ôm khư khư di ảnh của ông nội theo bố đến tham dự hội thảo, tất cả chúng tôi đã không kìm được nước mắt”. Thời gian thì vô tình, những đồng đội còn sống, những người cùng thời, những thế hệ con, cháu gần nhất của liệt sĩ rồi sẽ ra đi. Khi đó, dù thế hệ sau có bỏ ra bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc cũng khó lòng mà tìm được mộ hay trả lại tên cho những phần mộ liệt sĩ vô danh.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, Hằng quyết định dồn sức thực hiện dự án Đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến. Khi xây dựng thành công, kết nối được thông tin hoàn chỉnh nhất về liệt sĩ từ 3 nguồn: đơn vị chiến đấu, địa phương và thông tin từ gia đình, đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến sẽ là một nghĩa trang ảo lớn nhất cả nước. Chỉ cần một cái click chuột, thông tin về liệt sĩ sẽ hiện ra. “Khi tất cả thông tin về liệt sĩ được đăng tải trực tuyến, đó cũng là manh mối để kết nối với những đồng đội còn sống của liệt sĩ và từ đó, cơ hội tìm được mộ sẽ tăng lên” - Hằng hào hứng nói.

Để thực hiện được ước vọng có phần lãng mạn đó, hiện tại Hằng đang liên hệ với các địa phương, các đơn vị quân đội và gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước để hoàn chỉnh hồ sơ về các liệt sĩ. Đồng hành cùng cô là những sinh viên tình nguyện từ các trường đại học, các nhóm công tác xã hội tại từng địa phương.

Thấy Hằng cứ suốt ngày ăn cơm nhà rồi miệt mài đi như con thoi, bạn bè xót ruột: “Sức đâu, tiền đâu mà lang thang hết Trường Sơn, Quảng Trị rồi Đường 9 Nam Lào?”. Hằng chỉ cười: “Đằng sau mình còn hàng ngàn người thân liệt sĩ!”.

Có một chuyện vui là nhiều người cứ lầm tưởng Marin trực thuộc một cơ quan nhà nước và nhân viên hưởng lương của nhà nước. Thực tế, đây là một tổ chức tự nguyện, mọi kinh phí hoạt động đều do các thành viên và tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp. Có người ác miệng, bảo Hằng lập web để câu quảng cáo, lừa tiền. Cô cười xót xa: “Toàn những cô bác nông dân, có khi muốn gửi chút tiền ủng hộ trung tâm mà còn không biết cách gửi tiền vào tài khoản. Có người lặn lội từ Lạng Sơn xuống chỉ để cho mình một cái quạt, từ trong Nam ra chỉ để đưa mình những di vật cuối cùng của liệt sĩ, hay tặng mình một cây phong lan nở hoa đúng ngày giỗ liệt sĩ”.

Có dạo, vào blog cá nhân của Hằng, thấy một câu slogan: “Thấm mệt cái đường xa, mong sao đừng đứt gánh”. Trong entry đó của Hằng, cô kể chuyện mấy ông cán bộ, lãnh đạo ở tỉnh A, tỉnh B vô cảm trước nỗi đau thân nhân liệt sĩ mà cô đã gặp trong quá trình thực hiện dự án. Cũng trên trang blog cá nhân đó, nhiều hôm tôi bắt gặp Hằng khóc và thất vọng.

Cứ tưởng sau những chuyện ấy, cô sẽ thôi mộng tưởng, sẽ xếp lại những dự định dường như quá sức để trở về cuộc sống bình thường: kiếm tiền, lấy chồng, sinh con như bao cô gái khác. Nhưng rồi mỗi khi gọi điện tới trung tâm hay gặp cô ở một buổi họp mặt thân nhân liệt sĩ, lại vẫn thấy một Thúy Hằng đầy trăn trở, đầy cảm thông và kiên nhẫn giải thích đi giải thích lại không biết mệt về phiên hiệu đơn vị, trận đánh cuối cùng của liệt sĩ, hướng dẫn đường đi nước bước tìm mộ cho những bà cụ đã nghễnh ngãng hay những chị phụ nữ quê mùa, chỉ biết nấc nghẹn mà không nói nên lời… Lúc ấy, tôi chỉ biết cầu mong cho cô gái trẻ sẽ không bao giờ đơn độc trên hành trình hun hút kiếm tìm của mình…

 

ĐOÀN MAI HƯƠNG

(Nguồn: Báo SGGP)

      

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lê Minh Dung - leminhdungifc@yahoo.com.vn - 0937999939 - Gò Vấp TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 28/08/2009 12:26:46 PM)

Đọc bài  này của Đoàn Mai Hương thật xúc động. Tôi là một bộ đội tham gia đánh Mỹ, khi tham gia viết bài nhân kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt Sỹ 27/7 tôi có viết một truyện ngắn, câu chuyên về những kỷ niệm của những người lính chúng tôi. Mong được giới thiệu đến bạn bè. (Bài được đăng lại nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bộ đội Trường Sơn). Đây là một phần trong những câu chuyện về ký ức một thời của những người lính chúng tôi trong thời chiến và cả lúc đất nước đã hòa bình. Tôi xin trân trọng gửi đến bạn đọc câu chuyện này nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập QĐND VN 22/12 / 1944 - 22/12/ 2008 như một nén nhang lòng tưởng nhớ những đồng đội đả hy sinh cho ngày Đại thắng của Tổ Quốc và là lời cám ơn bạn đọc gần xa.

1. CUỘC GẶP GỠ GIỮA RỪNG Tôi quen chị thật bất ngờ, không phải một lần mà là hai lần, khoảng cách giữa hai lần ấy cũng thật kỷ lục, ba mươi sáu năm là khoảng cách của lần gặp đầu tiên và lần gặp thứ hai cũng là lần gặp cuối cùng! Tôi nghĩ rằng bất ngờ vì cả hai lần gặp chị đều như một sự sắp đặt đến vô tình và đầy bất ngờ vậy... Những năm tháng vượt Trường Sơn ngày ấycó bao nhiêu kỷ niệm không thể nào quên của những chiến sĩ trên đường vào chiền trường Miền nam làm nhiệm vụ , cái thời '' Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước...'' ấy. Cùng với những gian khổ, ác liệt, hy sinh mất mát dọc đường mà bom đạn quân thù tàn phá ngày đêm gây nên còn với biết bao nhiêu khó khăn từ thiên nhiên, hiểm trở của núi cao rừng sâu đầy những hiểm nguy kia ... mà chúng tôi những nam nữ chiến sĩ Quân Giải phóng, Thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến phải vượt qua... Gian khổ hy sinh là thế mà vẫn lạc quan, yêu đời...'' mà lòng phơi phới dậy tương lai'' đã có không ít những kỷ niệm thật đẹp trên đường ra trận... Tôi không thể nào quên được cái đêm ấy, là một đêm cuối tháng 7 năm 1970. Trời cứ tầm tã mưa suốt cả dọc đường hành quân, chúng tôi chỉ ăn lương khô mà không thể tìm ra chỗ nấu cơm cho bộ đội. Khu vực mà đơn vị tôi tạm dừng chân qua đêm ấy là bên bờ suối, một con suối rộng lòng chứa đầy đá mấp mô, cứ gồ lên lô nhô cản dòng nước chảy xiết, dò dẫm từng bước trên mặt đá rêu trơn nhẫy, chúng tôi bám vào dây rừng mà dò dẫm mà băng qua, chỉ sơ ý trượt chân là cả người lẫn quân trang cuốn theo dòng chảy xiết ấy, lũ mùa này hung dữ cứ như con ''heo rừng độc chiếc'' bị thương vậy. Vừa đói, vừa lạnh lại còn phải tự tìm cho mình một chỗ nghỉ qua đêm ở bãi khách. Chỗ ngủ thực ra là tìm lấy cho mình một chỗ mắc võng, cột ngang sợi dây phía trên rồi phủ tấm ni-non lên cột ra bốn phía như mái nhà che nước mưa đổ xuống, thế rồi leo lên võng nằm ngủ, đêm rừng Trường yên tĩnh lắm chỉ có tiếng mưa rừng rì rào không ngớt, thi thoảng lắm mới có tiếng mang, hoẵng gọi bầy thôi... Mưa rừng vào mùa này rả rích như không bao giờ ngớt...mọi người đều thấm mệt sau một ngày hành quân vất vả, rồi cơn buồn ngủ đưa cả đơn vị chìm vào trong giấc ngủ với bao nhiêu giấc mơ riêng của mỗi người... Bỗng một tiếng thét thất thanh của Phong từ phía trái tôi nằm , tôi choàng dậy và lao tới... Phong tay đang ôm bàn chân rên rỉ quằn quại, bàn chân bị rắn choàm quạp cắn phía trên ngón chân cái còn những dấu răng rắn cắn đang chảy máu bầm đen. Thì ra con rắn chui vào giầy của Phong tìm hơi ấm đã phản lại ân nhân nó khi Phong thò chân vào giầy trúng rắn. (Choàm Quạp là loại rắn rừng cực độc nhỏ con nhưng lại thích tìm vào nằm gần người cho ấm, nhất là hay chui vào trong giầy bộ đội mình để dưới đất). Mọi người xúm quanh Phong lo sơ cứu, garro cột chặt phía dưới bắp chân ngay, phòng nọc rắn chạy về tim thì nguy cấp khó bề qua khỏi. Phong mặt tái ngắt, phía dưới chân đã garro bắt đầu phù sưng và chuyển màu xám đen. Không thể chậm trễ nữa, tôi và một chiến sĩ nữa được giao nhiệm vụ khẩn cấp đưa Phong vào trạm xá của binh trạm gần nhất. Lúc này đã hơn 3 giờ sáng, rừng vẫn mù mịt trong mưa, tối và đầy hơi lạnh mà chúng tôi người cứ đầm đìa mồ hôi, men theo đường mòn phía trước bươn bả chạy tới, trên vai là Phong miệng cứ rên xì xì làm bước chân càng thêm quýnh quáng. Gần 4 giờ sáng, chúng tôi đã đưa được Phong vào hầm cấp cứu của trạm xa binh trạm đường dây 559, ở đây Phong đã được mấy y tá cứu chữa bằng mọi cách, có cả cách chữa rắn cắn của đồng bào dân tộc Lào vùng ấy bằng mấy thứ lá rừng. Phong đã qua được cơn nguy hiểm không phải mất mạng nữa, nhưng vì là rắn độc, cực độc như " Choàm Quạp'' xưa nay bị cắn có mấy người thoát khỏi lưỡi hái tử thần đâu, nên anh phải nằm lại theo dõi tiếp tục điều trị khi khỏe sẽ đuổi theo đơn vị ra mặt trận. Chị y tá có cái miệng cười thật hiền hậu làm ấm lòng chiến sĩ, đôi mắt to tròn đen láy như hạt nhãn quê tôi cứ chốc lại ngước nhìn chúng tôi như động viên và chia sẻ vậy. Trông chị khoảng chừng ngoài hai mươi tuổi, dáng người thấp đậm, da bánh mật giống như dân miệt biển vậy chị được phân công trực theo dõi và chăm sóc cho Phong. Gọi là chị bởi chúng tôi lúc ấy đều chỉ hơn tuổi muòi tám thôi! Chị nhìn chúng tôi như có vẻ cảm thông sự mệt mỏi và nôn nóng vì con phải trở về kịp cùng đơn vị hành quân vào sớm mai nên cất lời : ''Các đồng chí cứ yên tâm về đơn vị, đợi anh Phong khỏe chúng em sẽ trao trả tận tay đơn vị'' nói rồi chị cười và còn đùa thêm: '' không ai bắt mấtđồng đội của các đồng chí đâu''. Thấy chị vui vẻ và nói thế cũng ai cũng vui và yên tâm hơn, khi phải để Phong nằm lại. Trước lúc chia tay ở cửa hầm tôi nhìn chị như thầm cảm ơn và gửi gắm lại người đồng đội mình cho chị, trong cái khoảnh khắc ấy tôi bỗng như có một sự tò mò muốn tìm hiểu về chị bởi ít ra sau này còn có cơ hội gặp lại nhau...và tôi được chị cho biết vài thông tin ít ỏi về chị. Chị tên Lan, chị nói tên chị là tên một loại hoa rừng, quê vùng biển Vĩnh linh. Tôi cũng vội xé tờ giấy từ cuốn sổ nhỏ trong túi áo tôi, một tờ giấy ghi vội tên tôi và tên đơn vị mình, mảnh giấy là một bài thơ tôi viết dở ca ngợi những nữ thanh niên xung phong mở đường trên những tuyến đường Trường sơn ác liệt nhất mà đơn vị đi qua. Chúng tôi chia tay nhau thật nhanh với những cái nhìn chia sẻ và cái bắt tay nhau thật chặt. Thật may, anh em chúng tôi về vừa kịp lúc đơn vị chuẩn bị hành quân đi về phía Nam Lào. Câu chuyện sẽ dừng lại tại đây nếu như không có một cuộc gặp lại nhau cũng bất ngờ và lần này còn lý thú hơn, bởi chúng tôi không những đã là đồng đội gặp nhau trên chiến trường xưa mà còn có với nhau chung kỷ niệm về ngày ấy. Cuộc gặp lại nhau 36 năm sau. Ấy là một lần cách nay gần một năm tôi đang đọc những dòng comment trong bài viết mình trên YH! Blog 360. cho bài CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ viết tặng những đồng đội tôi năm xưa nhân kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt Sĩ 27/7... Tôi đang đọc kỹ những comment mà bạn bè viết chia sẻ với mình nhửng cảm xúc về bài viết ...những dòng comment như đang cho tôi hồi tưởng một cách lộn xộn xúc động, buồn vui nối tiếp theo những tình cảm bạn bè chia sẻ... và chợt dừng lại ở lời bình của một bạn blog có cái nick hoarungtruongson với hình avatar minh họa là một chùm hoa phong lan nhỏ xíu thật khiêm tốn, lần đầu tiên ghé thăm trang blog của tôi. '' Những cánh hoa một thời nở rộ trên rừng Trường sơn xin chúc mừng người đồng đội cũ!'' Lời bình không có gì thật gần với bài Thơ CÓ MỘT THỜI NHƯ THẾ mà tôi đăng ở trên cả nhưng lại cho tôi một ấn tượng và gợi lên sự tò mò... muốn tìm hiểu điều gì đó từ cái nick hoarungtruongson kia.

2. GẶP NHAU TRÊN YH! 360 BLOG Cảm xúc tôi cứ trào dâng lên theo nhịp đập tim mình, hồi hộp đến nghẹn ngào...cái cảm giác như bên kia phía cánh cửa ấy là một người thật đặc biệt với mình đang chờ đợi khi ta login vào nick ấy, hoarungtruongson! Và tôi đã đến, đã vào và mở tung tất cả các ngăn cửa...không bỏ sót một bài viết nào của chủ nhà, tôi có cảm giác như có chủ nhân của blod đang theo tôi từng bước từng bước để quan sát mình từ xa, trong khi tôi mải miết lật giở từng trang bài viết như cố lục lọi tìm tòi từ đây những ''kỷ vật '' cho tôi nhận ra người đồng đội ấy. Trang blog thật giản dị với nền themm nguyên thủy, bình dị... cái hình avatar, chùm phong lan rừng kia như bắt tôi cố lục tìm từ ký ức mình một cái gì ẩn hiện nơi những cánh rừng Trường sơn năm xưa. Tôi quyết định không comment cho các bài viết vội và click chuột vào phần gửi tin nhắn cho hoarungtruongson, với nội dung cảm ơn sự ghé thăm và chúc mừng bên bài viêt tôi, nhân tiện hỏi thăm it thông tin chủ nhà vì từ các bài viết đã đọc chân dung chủ nhân như có cái gì thật gần gũi với tôi đến khó tả... Hôm sau, tôi nhận được tin nhắn reply và biết chị tên Lan, từng là chiến sĩ quân y Binh Trạm Đường dây 559 đoạn biên giới Lào-Việt-Campuchia những năm 1970-1975. Chị cũng rất mừng khi biết tôi cũng đã từng là bộ đội có chung những kỷ niệm chiến trường xưa. Rồi chúng tôi mỗi ngày như càng gần gũi, thân thiết, chia sẻ những trăn trở, khó khăn của những đồng đội ngày ấy, và bây giờ đây trước thử thách của cuộc sống mưu sinh đời thường. Rồi có lần ký ức cũ hay linh tính đã cho tôi mạnh dạn hỏi thăm chị có phải là nữ y tá năm xưa mà chị là người đã chăm sóc điều trị cho bạn tôi bị rắn cắn cái đêm ấy...và thật bất ngờ nhận được yêu cầu add nick vào messenger mình, tôi liền bỏ ngay dòng tin nhắn viết dở định gửi chị và accep yêu cầu add nick vào chat cùng chị... Tất cả như vỡ òa ra từ những dòng chữ trong khung hội thoại, chúng tôi đã nhận ra nhau cùng với trí nhớ cứ mỗi lúc một hiện rõ về những hình ảnh, những khoảnh khắc kỷ niệm năm xưa hiện về rõ mồn một, 36 năm rồi chứ ít gì! Tôi hỏi thăm về chị thật nhiều, và về cả cái nickname hoarungtruongson kia, chị cho biết cái nick ấy là cái tên mà Phong bạn tôi đã đặt cho chị trước khi chia tay chị trở về đơn vị sau hai tuần nằm lại điều trị rắn cắn... Tôi như chết lặng khi thấy chị nhắc đến Phong, tôi biết chị chưa biết gì về bạn tôi từ sau khi chia tay ngày ấy. Chị kể tôi nghe những ngày ngắn ngủi được chăm sóc cho Phong và từ họ những tình cảm thiêng liêng trên cả tình đồng đội đã đến cũng đẹp và thơ mộng như những cánh rừng Trường sơn bạt ngàn khi chiều xuống thật hạnh phúc bên nhau, để rồi vội vã chia tay nhau lên đường đuổi theo đơn vị trên đường ra trận, họ hẹn hò nhau ngày gặp lại, và chờ đợi nhau hẹn ngày giải phóng... Chị càng tâm sự tôi càng như lặng đi, tay chân run rẩy từng ngón trên bàn phím cứ như lạc đi trong hồi ức mình, phía chị cũng đang kể và hồi tưởng những kỷ niệm về ngày ấy với Phong, chị đâu biết rằng Phong đã cố gắng ngày đêm vượt trạm và gặp lại đơm vị gần ba tháng sau đó. Anh đã anh dũng hy sinh trong lần đơn vị tôi đánh vào giải phóng chi khu Dầu Tiếng đầu tháng 4 năm 1975, trong tay tôi anh ra đi như muốn nói lại điều gì mà không kịp! ... Tôi hỏi thăm chị về cuộc sống hiện tại như để tránh câu hỏi của chị không biết lúc nào về Phong, và chị kể tôi thật ít về những điều tôi muốn biết về chị... Chị nói ngày ấy sau lúc đơn vị chúng tôi đi vài tháng, chị được điều về tuyến sau, một trung tâm chăm sóc thương bệnh binh nặng từ chiến trường gửi về, công tác từ ấy đến nay và chị đang chuẩn bị nghỉ hưu. Chị nói mình không được khỏe, đau yếu suốt vì ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải trong chiến dịch phát quang rừng Trường sơn trong những thập niên 70. Câu chuyện về Phong, tôi cứ lưỡng lự chưa kịp kể cho chị nghe thì vắng bặt mấy tháng liền không thấy chị online, cũng không có bài mới trên blog chị ... cho đến một lần nhận được tin nhắn từ một nickname mới lạ với cái tên @nuhoatruongson viết cho tôi như vội vã ít dòng: '' Em mệt lắm giờ phải nằm viện luôn rồi, sức khỏe không còn bao nhiêu, chúc anh và những đồng đội của anh tiếp tục sống nhé'' và ký tên hoarungtruongson. Tôi nhìn cái tin nhắn, như một điềm báo không lành mà nước mắt trào ra làm mờ dần những dòng chữ trên tin nhắn và rồi cũng cố nhìn cái nickname mới @nuhoatruongson như một sự bám víu mong manh...

3. HOA NỞ GIỮA RỪNG TRƯỜNG SƠN. Cứ hy vọng rồi sẽ gặp, chờ đợi rồi sẽ tìm ra những gì mình mong đợi. Tôi đã tự an ủi mình như vậy trong suốt ba tháng sau khi nhận được tin nhắn trở lại từ @nuhoatruongson: '' Mẹ con đã không qua khỏi cách nay ba tháng vì bệnh tình quá nặng. Hậu quả của chiến tranh, những năm tháng làm nhiệm vụ trên chiến trường Trường sơn đã để lại di chứng chất độc da cam căn bệnh quái ác mà mẹ đã mang trong mình từ hơn ba mươi năm qua. Trước khi mất vẫn không quên dặn dò nhắn tin cho bác và người đồng đội năm xưa...'' Thật lạ, tôi đã không khóc, hay không thể khóc được trước sự thật quá đau lòng vậy, chị Lan ơi, bông hoa rừng trường sơn, tôi đã có lỗi với chị, đã không cho chị biết sự thật về Phong, nhưng thôi bây giờ gặp lại nhau chốn ấy, hai người bạn, hai người đồng đội của tôi ơi hãy tiếp tục nối lại những gì còn giang dở trên kiếp người ... mà yêu mà thương mà bù đắp cho nhau thật nhiều nhé! Phải mất mấy ngày sau khi nhận được cái tin nhắn của @nuhoatruongson tôi mới bình tĩnh và liên lạc lại với chủ nhân tin nhắn để làm sáng tỏ những điều chưa biết hết về chị. Không khó khăn khi tôi chủ động add nick vào messenger của @nuhoatruongson, và được gặp cháu Nụ, cháu chính là con chị, cháu đã tốt nghiệp Đại học ra trường và đi làm ít năm hiện đã có một gia đình hạnh phúc. Nụ còn cho biết mẹ đã không đi xây dựng gia đình và cứ ở vậy nuôi dạy cháu, mẹ luôn sống trong kỷ niệm chiến trường... mặc dù sau này ở trong Trung tâm có nhiều chú bác thương binh mẹ rất thương, rất quí... Thế là đã rõ, sau khi tôi biết được tuổi cháu và nhẩm tính ...cái ngày dạo ấy. Chuyện của hai người năm xưa, Phong và Lan, giờ họ sẽ hiểu nhau hơn, yêu thương nhau đến vạn kiếp chẳng quân thù nào có thể hủy diệt chia lìa họ được nữa. Tôi ngậm ngùi trong suy nghĩ nhưng chợt thấy lòng như cũng vui lên, hãnh diện lên hơn vì những người đồng đội tôi ngày ấy. Trong hy sinh ác liệt một mất một con của cuộc chiến, bất chấp hoàn cảnh, họ vẫn yêu, một tình yêu vượt lên trên cả sự chết chóc, khốc liệt và hiểm nguy, và tình yêu đẹp đẽ của những người chiến sĩ giữa núi rừng năm xưa đã đơm hoa kết trái. Vượt lên cả sự hy sinh, chia cắt của chiến tranh và cả gian khó của những người lính thời hậu chiến, người còn sống vẫn giữ gìn và nuôi dưỡng một thế hệ mới, những bông hoa rừng trường sơn năm nào lại tiếp tục tỏa hương cho đời... TIN NHẮN CUỐI CÙNG PHẦN CUỐI. Nụ vừa nhìn tôi vừa nói trong tiếng nấc nghẹn mà nước mắt đã tràn ra chảy dài xuống đôi gò má khi tôi trao cuốn sổ tay nhỏ và nói rằng, đây là kỷ vật duy nhất của người mà cháu cần biết. Hai tay cứ níu chặt lấy tay tôi không rời như sợ mất đi vật gì thật thiêng liêng vừa tìm lại được, nhưng mong manh hơn cả làn khói mỏng, chỉ sợ tan biến mất. Trong căn phòng làm việc của tôi bỗng thật im lặng, chỉ còn lại tiếng gió thổi rè rè từ cái máy lạnh và tiếng thút thít chừng như đã cố kìm nén từ cháu Nụ. Tôi bàng hoàng trước tình cảm của cháu, hình như tôi cũng nín thở thật lâu...không nói thành lời dù là an ủi, hai bác cháu nhìn nhau và hình như cùng lúc nhìn ra phía cửa phòng, mặc dù không có tiếng gõ cửa. Trong im lặng và đôi mắt nhòa lệ, chúng tôi cùng như thấy có bóng dáng Phong và Lan đang thấp thoáng phía ngoài chờ đợi... Tôi bất chợt đứng dậy mở cửa như một phản xạ khi có khách và nhìn ra ngoài mới biết chỉ là ảo giác. Nụ cũng đã kịp bình tĩnh lại, sau khi giấu lau nhanh những giọt nước mắt chưa khô và xin phép phải về nhà khách của đoàn công tác để kịp chuyến làm việc chiều nay với các đơn vị theo kế hoạch. Tôi giao cho cháu cuốn sổ tay đã ố vàng và mòn gáy bởi thời gian, là kỷ vậy của Phong tôi giữ lại từ ngày ấy, bên trong chỉ chép mấy bài hát ...nhưng trang đầu tiên thì lại có đầy đủ thông tin về Phong, ấy là họ tên ngày nhập ngũ và đặc biệt quan trọng ( theo lời Nụ) mà cháu rất muốn có nó đó là địa chỉ quê của Phong. Giờ thì cháu đã biết được tất cả những điều mà mẹ cất giữ kín trong lòng hơn ba mươi năm qua, âm thầm nhung nhớ và dành như trọn vẹn tình yêu còn lại cho con. Điều bí mật đến thiêng liêng ấy không chỉ của riêng mẹ, mà còn là một dấu hỏi luôn nằm sâu trong tâm trí và cứ lớn dần theo sự khôn lớn của Nụ... Tôi đã không thể không cho cháu biết rõ thêm câu chuyện cái đêm giữa rừng Trường sơn năm ấy, về Phong, về người nữ y tá năm xưa và mối tình của họ. Và Nụ chính là sự đơm hoa kết trái của một tình yêu thật đẹp giũa những người lính trong hoàn cảnh một mất một còn trước cuộc chiến. Tôi không có quyền cất giấu mãi những điều bí mật và thiêng liêng ấy cho riêng mình. Chúng tôi chia tay nhau và không quên hẹn liên lạc lại với nhau. Nhìn dáng Nụ đi vội khuất hẳn ra xe, lòng tôi thấy nhẹ hơn, cảm giác như vừa có người sẻ bớt cái gánh nặng đã theo mình cả chặng đường dài mấy chục năm... Đây cũng là lần gặp mặt đầu tiên giữa cháu Nụ và tôi từ sau cái tin nhắn cuối cùng của chị Lan, mẹ cháu dặn phải liên lạc với những người đồng đội cũ của mẹ trước khi từ giã cuộc sống này. Tôi và cháu đã liên lạc trao đổi với nhau thật nhiều qua Yahoo mail và qua Yahoo messengger... Hai tuần sau, tôi nhận được điện thoại báo tin đã tìm về được quê Phong, cái làng nhỏ của một xã sát biển phía nam Huyện Tiền hải Thái Bình. Ở đây, cháu đã gặp được bà nội, là mẹ Phong nay đã già yếu ngoài bẩy mươi và mấy người cô cậu là em ruột Phong. Mọi điều bất ngờ, lạ lẫm và thân thương ruột thịt dường như xảy ra cùng lúc khi Nụ cất tiếng gọi Bà ơi và chìa ra cuốn sổ tay kỷ vật của Phong, và chỉ mới vài câu vắn tắt về mình, Nụ đã làm cho cả cái gia đình cuối xóm này bỗng ồn ào sôi động như chính Phong vừa trở về nhà ... ...mọi người đổ đến như và bất ngờ như vừa tìm được Phong sau bao năm lưu lạc vậy. Nụ bất chợt nhìn lên bàn thờ và và như dán mắt vào cái tấm hình chú bộ đội thật trẻ đang như tươi cười với cô, một thứ tình cảm thật đặc biệt tỏa lan tràn ngập lòng mình ...ai đó đã đốt sẵn mấy nén hương đưa cô, dìu đến bên bàn thờ Phong, Nụ đã đứng như vậy thật lâu, nước mắt cứ nhòa đi càng làm cho khuôn mặt Phong khi ẩn khi hiện trên tấm hình...cô biết đấy là cha mình, người mà mẹ đã bao nhiêu năm chờ đợi và hy vọng... Nụ nghĩ về mẹ, nghĩ về những tháng ngày lớn lên không có bố, và bây giờ dâng lên trong lòng một một nỗi tiếc thương, tiếc thương vô bờ bến về mẹ, về bố, cho cả mình... Nhưng bây giờ Nụ đã có bà nội, các cậu, bao nhiêu người thân yêu mới, có nhiều điều để yêu thương, một quê hương gốc gác đến cội nguồn, một cuộc sống mới với ý nghĩa và mong muốn phải sống tốt hơn, vượt lên, vượt lên nữa để xứng đáng với sự hy sinh của cha mẹ mình đã đổi lấy cho tương lai này.

P/s: Như tôi đã hứa với cháu Nụ, chỉ kể chuyện về mẹ cháu trong khuôn khổ của một bài ký ức, và không thể thỏa mãn bạn đọc do những phần không được phép đề cập thêm vì tính chất riêng tư, mong các bạn hết sức thông cảm. Trích từ ký ức đồng đội của Le Minh Dung.

Các bài khác: