LBT: Nhà báo Ngô Thanh Hằng (Báo CAND) vừa gửi cho chúng tôi tư liệu dưới đây và cho biết: mình đã tình cờ sưu tầm được từ một blog có tên là 'Mõ Tre Làng' bài viết 'Đơn xin... người nổi tiếng xóa nợ', thấy nó cũng hay hay, thú vị, lại có liên quan đến thơ Lục bát, nên nhờ chuyển cho chuyện mục 'Sự kiện - Nhân vật' của lucbat.com.
Chúng tôi cho đăng lên trang web để bạn đọc cùng chia sẻ... Đồng thời, cũng mong muốn nhận được hồi âm của tác giả bài viết, có thể 'bật mí' cho độc giả biết: bút danh, địa chỉ, điện thoại, email... để tiện liên lạc.
Ngày ấy anh mới nổi tiếng, còn bây giờ thì anh đã… nổi tiếng lâu rồi. Những lúc rãnh rỗi tôi ngồi kiểm điểm cuộc đời và tủm tỉm cười: “Cái số ăn mày của mình mà cũng đã từng có “chiến công”… ăn quỵt được tiền của một người nổi tiếng!”: Tháng 11 năm 1982, tôi từ Học viện Lục quân Đà Lạt về nhận công tác tại Phòng Quân báo thuộc Bộ Tham mưu Quân đoàn 26 - Quân Khu I. Đơn vị có nhiệm vụ phòng thủ tỉnh Cao Bằng. Từ đơn vị cơ sở, bộn bề công việc, được cử đi học rồi về nhận công tác trên cơ quan chỉ huy cấp Quân đoàn, cảm thấy mình như kẻ khó được làm đầy tớ cho nhà giàu tốt tính.
Làm việc chính quy nên có nhiều thời gian rãnh hơn, tôi liền tỷ mẩn viết bài gửi cho một số tờ báo mà ngày đó tôi yêu thích như Tiền phong, Pháp luật, Quân đội nhân dân… Và để “gây lòng tin cậy, yêu mến” của cấp trên, tôi thường xuyên viết bài gửỉ cho Báo Quân khu I, Quân khu tôi đang phục vụ, mà chúng tôi hay gọi đùa là Quân khu “ết”. Hồi ấy chưa có khái niệm về bệnh AIDS, “ết” tiếng Tày nghĩa là Một, Quân khu “ết” là Quân khu I.
(Về khoản học tiếng Tày - Nùng, tôi học khá nhanh, thuộc hầu hết các từ thông dụng và sử dụng thành thạo. Lính ta chia trình độ nói tiếng Tày ra ba cấp: 1. Mù tịt, 2. Biết xin ăn, hỏi đường khi lạc, 3. Tán được gái bản.
Tôi đã đạt trình độ cấp 3 tiếng Tày. Vậy mà có một lần Tư lệnh Quân đoàn Đàm Văn Ngụy bất ngờ hỏi tôi: “Củ khoai sọ người Tày gọi là cái gì?” tôi đã phải “chào cờ”. Thấy em Thập, lễ tân của Văn phòng Tư lệnh Quân đoàn, là một cô gái Tày chính hiệu, xinh như mộng, trắng trẻo, mũm mĩm, xách cái phích nước đến gần, tôi liền phát tín hiệu cầu cứu… Em 'dẩu mỏ quăng phao': “Anh nói đi, là “mằn phước”! Nhắc đến ba lần mà tôi không nghe rõ để trả lời, nên bị Tư lệnh phê bình: Sỹ quan phòng Quân báo thế là kém… lạc vào trong dân mà không biết xin củ khoai sọ để ăn thì chết đói!
Tôi tự nhận mình là người có nhiều duyên nợ với làng báo. Thời ấy làm báo là một nghề… siêu trí thức! Nhiều người buôn chuyện: “Biên tập viên các Báo đều rất “chảnh”, cộng tác viên nào gửi bài đến phải đủ 5 lần họ mới chịu đọc bài lần đầu, gửi 20 bài mới đăng cho một bài… để giữ 'le' cho tờ báo. Nghe thế thì những ai có máu me làm báo tay ngang cũng phải thoái chí ngay từ vòng đầu. Sau này tôi mới biết đó chỉ là chuyện “nghe hơi nồi chõ”. Thực ra quy trình xử lý bài vở của một tờ báo bao giờ cũng bài bản: Bài của cộng tác viên gửi đến được Ban trị sự phân loại và chuyển ngay cho Thư ký tòa soạn, Thư ký tòa soạn chuyển đến các Ban chuyên đề của Báo cho các Biên tập viên đọc và biên tập. Các biên tập viên chia những bài đã đọc ra ba loại: Không sử dụng được, sử dụng được nhưng phải sửa bài và loại sử dụng được ngay rồi chuyển đến Trưởng ban biên tập phúc tra. Loại bài thứ ba của cộng tác viên thường rất hiếm vì vậy nên Thư ký Tòa soạn thường viết thư công tác gửi đến tác giả, nội dung rất ngắn gọn: “Tòa soạn đã nhận được bài (Tên bài báo) của đồng chí. Bài có nội dung tốt, chúng tôi sẽ sử dụng trong số báo tới. Chúc đồng chí khỏe và thường xuyên cộng tác với báo.”
Tôi là người hay nhận được những lá thư như vậy, trong những lá thư công tác gửi từ Báo Quân khu I đến tôi, người ký là Đặng Vương Hưng. Không biết anh giữ chức việc gì trong Tòa soạn mà ký tên không dấu. Chả sao, với tôi thế cũng đủ oách rồi. Thư anh viết toàn là lời động viên, khen và đề nghị tôi tiếp tục cộng tác. Trong Báo Quân khu I hồi đó tôi biết mỗi Tổng Biên tập lúc đó là Đại tá Vũ Đình Trụ, hình như là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu sang kiêm nhiệm. Thời ấy, sao mà Tòa soạn và cộng tác viên quý nhau thế, trân trọng nhau thế. Thời này, đôi khi đến một số tờ báo nhận nhuận bút, chỉ mấy phút mà phải trãi qua ba cung bậc tình cảm… đột ngột, khác nhau: Trưởng phòng Trị sự tay bắt mặt mừng, kế toán thì tiết kiệm nụ cười, thủ quỹ thì coi cộng tác viên như một... tên ăn cắp, săm soi từ đầu đến chân đầy vẻ cảnh giác!
Tôi viết bài đầu tiên gửi Báo Quân khu I và được đăng ngay. Tôi chả tài cán gì nhưng đã có chút thâm niên cộng tác viên ở báo khác. Căn cứ vào chủ đề của các ngày kỷ niệm lịch sử trong nước, tôi viết bài theo kiểu “tát nước theo mưa”, “hát theo bè”. Tỷ như tháng Hai thì chủ đề mừng Đảng mừng xuân, tháng Ba thì phụ nữ, đoàn Thanh niên, tháng Tư thì là miền Nam đại thắng, tháng Năm thì sinh nhật Bác… theo kiểu “đơm đó – cất vó theo lạch” kiểu này tỷ lệ bài được đăng rất cao!
(Kinh nghiệm đấy, đồng chí cộng tác viên nào áp dụng thành công, có hiệu quả thì nhớ trả “xiền” chuyển giao công nghệ “đơm đó- cất vó” ở Tòa soạn cho mình nhé).
Ngoài ra là viết những bài tạp bút thuộc giống trung, nghĩa là không hẵn là báo chí cũng chả phải văn chương, loại này Tòa soạn đăng ngay hay làm lương khô để dành chờ lấp chổ trống đều được…
Anh Đặng Vương Hưng viết chữ rất đẹp, nét bay bướm thoáng đạt, chữ nghĩa mạch lạc. Cứ theo sách bói chữ mà suy thì anh là một người tài hoa. Tôi cũng tin thế vì hồi ấy Báo Quân khu I được phát đến cấp Phòng của cơ quan chỉ huy từ Quân đoàn, Quân khu, đến tận từng Đại đội, nên một tháng tôi được đọc báo hai lần. Báo Quân khu I mỗi tháng ra hai số. Nó không thể là nhật báo, tuần báo mà đích thị là bán nguyệt san, nhưng hồi ấy chả ai quan tâm, cứ báo là được… Hồi ấy, báo là kênh thông tin thứ hai sau đài (thứ ba là thông tin của tuyên huấn).
Là bán nguyệt san, nhưng trong mỗi số có khi tôi đếm được tới 4 bài viết của anh, bài thì ký tên Đặng Vương Hưng, bài thì Vương Văn Đặng, Vương Đặng, Văn Đặng… nhưng đọc tinh ý thì cũng nhận ra chỉ là một người viết. Có điều bài nào cũng hay. Không có tài không thể làm được vậy. Đám sỹ quan ở phòng Quân báo Quân đoàn thường là những tên rất tinh quái và ma mãnh. Rỗi việc, chúng đem tờ báo đã được đọc đến nhàu nát ra phân tích, nhận định, đánh giá như thể làm công tác tham mưu tác chiến. Chúng nó bảo: Có hai khả năng, thứ nhất tờ báo Quân khu thiếu nhân sự, thứ hai là báo Quân khu chỉ có một người tài, một cây bút chủ lực là Đặng Vương Hưng. Có lẽ nhận định sau đúng hơn, vì hai ba năm sau báo Quân khu vẫn diễn kịch bản ấy và kéo dài cho đến lúc anh Đặng Vương Hưng đi học Trường Viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội…
Thời kỳ ở Quân đoàn 26 tôi thường được đọc những bài thơ lục bát của anh trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Quân đội nhân dân và cả tập thơ “Đang yêu”, không cứ gì tôi, lính tráng đều thích và thuộc khá nhiều thơ lục bát của anh.
Đáng lẽ tôi đã có dịp diện kiến con người trẻ tuổi tài hoa mà tôi hâm mộ này nhưng cả hai lần Hội nghị cộng tác viên do báo tổ chức, tôi được mời nhưng đều không có mặt. Lý do thì rất chính đáng.
Lần thứ nhất, năm 1984, tôi cầm giấy mời lên xin phép Đại tá Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Phạm Quang Bào, kèm theo giấy mời có cả giấy báo cáo xin phép thủ trưởng đơn vị cho tôi được “đi họp” của Tòa soạn hẳn hoi. Tòa soạn thật là chu đáo, giấy mời vẫn là nét chữ phóng khoáng của Đặng Vương Hưng.
Ông Đại tá lừ lừ như xe tăng, nhìn tôi lạnh lùng:
- Dẹp vụ đó lại. Cậu đã có nhiệm vụ khác quan trọng hơn chuyện báo chí.
Thế là khi Hội nghị cộng tác viên Báo Quân khu I khai mạc tại Thành phố Thái Nguyên thì cũng là lúc tôi đang chỉ huy toán trinh sát luồn sâu của Quân đoàn vượt biên giới… và suýt bị tóm sống cả đám vì bất ngờ đâm trúng ổ phục kích của đối phương vào lúc nửa đêm.
Thực ra lúc đó tôi cũng rất bực mình. Cả Tiểu đoàn trinh sát của Quân đoàn chả nhẽ không chọn được ai đáng mặt làm nhiệm vụ thông thường ấy mà lại phải điều tôi, một sỹ quan của Phòng Quân báo xuống trực tiếp chỉ huy thay cán bộ Tiểu đoàn. Tuy nhiên lúc đó tôi nghĩ chắc là cấp trên thử thách mình nên tôi chấp hành mệnh lệnh không điều kiện.
Lần thứ hai, đầu năm 1985, vẫn kịch bản cũ, vẫn ông Đại tá Phạm Quang Bào dứt khoát:
- Chẳng báo chí gì hết, đó không phải nhiệm vụ của anh!
Lúc này tôi đã được điều động về chỉ huy Tiểu đoàn trinh sát của Bộ tham mưu Quân đoàn. Lại một trận phục kích bắt tù binh. Trận đánh hòa vì ta mất tích một người và súng AK theo người, bị thương 1, địch chết 1, bị thương không rõ, nhưng ta thu được 1 súng AK, một đồng hồ mặt vuông, (loại này với ta lúc đó lạ vì ta quen dùng đồng hồ mặt tròn). Cái tình huống mất tích của Trung úy Trung đội trưởng Vương Văn Nghít vào sáng ngày 3/3 âm lịch năm 1985 là rất khó hiểu. Hôm ấy vào ngày tiết Thanh minh, người Tày gọi là “vằn xo slam bươn slam” là ngày lễ tảo mộ, pháo nổ đì đùng. Trận phục kích bắt tù binh được thực hiện sâu trên đất đối phương trong bối cảnh đó để tạo bất ngờ. Ta nổ súng trước nhưng sau đó mất thế bất ngờ do bên ta lính mới ú ớ hành động chạm chạp để đối phương kịp hoàn hồn chống cự. Trung úy Vương Văn Nghít chỉ huy trực tiếp phân đội thực hiện trận phục kích nhưng khi anh em rút về vị trí tập kết chả thấy anh ta đâu.
Tôi từ vị trí đóng quân của Tiểu đoàn, nhận được tin Vương Văn Nghít mất tích đã đi trên con đường đèo dốc gập ghềnh suốt đêm trên chiếc xe GAD 53 cà khổ, để đến nơi xảy ra trận đánh với quyết tâm tổ chức sục sạo tìm bằng được xác Vương Văn Nghít. Ba ngày đêm bám nắm lần mò tìm kiếm trên diện tích chừng 1 héc ta, tỷ mỷ từng ô nhỏ một, nhưng không thấy tăm hơi. Đến ngày thứ tư, cấp trên cứ đứng sau thúc giục, chả cần giữ bí mật tôi hiệp đồng với một đại đội cối 82 ly của đơn vị bạn sẵn sàng chi viện hỏa lực, rồi ra lệnh cho cả đại đội 1 của Tiểu đoàn dàn hàng ngang, mỗi người cách nhau một sãi tay, đạp tới đạp lui như đi bừa ngay trên lãnh thổ đối phương mà vẫn không tìm thấy gì…
Sau này, trước khi nghỉ hưu, Chủ nhiệm Trinh sát Quân đoàn Hồ Tá Minh có tâm sự với tôi nhiều chuyện “thâm cung bí sử” và dặn tôi tỉnh táo, cẩn thận đừng xốc nổi, ngẫm lại tôi mới thấy giật mình. Đã hứa vớí cụ Hồ Tá Minh sẽ giữ bí mật đến cùng những thông tin cụ cho biết nên tôi không nói ra ở đây. Cụ Minh người Huế, đi bộ đội từ năm 1950 thời đánh Pháp, cụ nói tiếng Pháp rất giỏi và là người rất chính trực.
Trở lại chuyện ăn quỵt tiền của người nổi tiếng...
Rời Quân khu I, tôi chả mang về xuôi được thứ gì, ba lô trống rỗng, quần áo chỉ bộ nghiêm, bộ nghỉ. Trong đầu chỉ có những bài thơ lục bát của Đặng Vương Hưng, tôi thích thơ lục bát của anh vì đơn giản là tôi thích thơ lục bát, vì theo nhận thức của tôi thơ lục bát là quốc hồn quốc túy thi ca Việt Nam. Tôi yêu thơ anh như yêu người trong mộng.
Phải đến mười năm sau, tôi đọc đâu đó một thông tin trên báo, rằng Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã xuất bản tập thơ lục bát “Học nhớ để quên” và bán sách theo phương thức bạn đọc gửi địa chỉ đăng ký về 100- Yết Kiêu- Hà Nội, tác giả sẽ ký tên lưu niệm và gửi sách theo địa chỉ, người mua trả tiền sau.
Tôi nghĩ: ông này chơi trò “thả gà ra để đuổi”, bán sách kiểu này là không màng lợi nhuận. Có lẽ ông chỉ muốn thăm dò dư luận xã hội về thơ lục bát và độ nổi tiếng của ông để mưu toan điều gì đó lớn hơn mà thôi.
Tôi viết thư đăng ký và mười ngày sau nhận được sách. Nhận sách rồi, đọc rồi nhưng tôi quyết định không gửi tiền trả. Chủ trương... 'quỵt'! Tôi tự luận rằng: chả nhẽ ở 100 – Yết Kiêu (Trụ sở báo An ninh thế giới lúc đó), có một nhà thơ lại hàng ngày lọ mọ ngồi trực cơ quan chỉ để đếm từng 10 nghìn đồng tiền lẻ bán sách rải rác từ khắp nơi trong cả nước gửi về ư?… Hoang tưởng quá! (Sau này tôi nghe tập thơ đó anh đã tái bản tới lần thứ 4, bán được hơn 40 ngàn cuốn, nhận được cả vạn lá thư bạn đọc, giữ 'kỷ lục Việt Nam' về thơ bán chạy của những năm đầu thế kỷ 21, chả biết có thật không?).
Mấy lại, người nhà quê chúng tôi có câu nói dân dã nhưng mà đem ra dưới ánh sáng tư tưởng và triết học để soi thì nó trở nên lời hay ý đẹp: “Cho thì còn, bán thì mất”. Tôi muốn giữ lại 10 ngàn đáng ra phải trả cho nhà thơ Đặng Vương Hưng để tự ý chuyển sách “mua” thành sách “tặng”, sách “cho” để có… kỷ niệm.
Tôi nghĩ: Tôi xứng đáng được anh xóa nợ bởi tôi đã có “thành tích” nhớ và yêu quý một nhà thơ lâu đến 25 năm và… còn lâu hơn nữa!
Ngô Thanh Hằng (st)
Điện thoại: 0989 098164;
Email: trangxanh64@yahoo.com
Nguyễn Đình San - dinhsansp@yahoo.com - - Đại học Sư phạm Hà Nội
(Ngày 25/08/2009 01:49:48 PM)
Tôi đã qua tìm kiếm của Google để vào trang Blog của Mõ Tre Làng. Ông này đúng là một cựu chiến binh đích thực, nên rất am hiểu về quân sự và có nhiều bài viết thuyết phục. Cảm ơn tác giả Mõ Tre Làng - Cái bút danh thật ngộ nghĩnh và thú vị nữa.
Vũ Xuân Quản - quanvx@songda-ait.vn - 0987 368 446 - 164-Nguyễn Tuân-Hà Nội.
(Ngày 25/08/2009 01:51:15 PM)
Bài viết dung dị, chân thật, như chính sự việc vậy, nên dễ đi vào lòng người. Lời kết của tác giả khá hóm hỉnh. Vũ Xuân Quản - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội !
|