Đầu tháng 8, khi thông tin Hội Nhà văn Việt
1. Tôi nói với Cao Duy Sơn về sự bất ngờ. Ông cười, bảo: “Chính mình khi nghe tin ấy cũng còn bất ngờ mà. Lâu nay mình vẫn tâm niệm, viết văn là sự đối thoại với chính mình, giải phóng năng lượng bản thân chứ không nhăm nhăm tìm sự nổi tiếng và đoạt giải thưởng. Văn học với mình là việc phải làm, một cách tự nguyện, chứ không ai bắt ai ép”.
Năm trước, khi biết tin Hội Nhà văn Việt
“Ngôi nhà xưa bên suối” được viết trong khoảng 4 năm, từ 2002. Ở đó, vùng đất với ngọn núi Phịa Phủ hiện ra, những câu chuyện chất chứa vẻ đẹp của một thời đã mất. Đấy cũng chính là âm hưởng chung của tập sách. Và nếu chọn một truyện tâm đắc nhất trong tập, thì Cao Duy Sơn chọn “Súc Hỷ”. Với người Tày, Súc là Chú. Câu chuyện “Chú Hỷ” đã làm nhiều người nhớ lại một tục lệ đã mất ở miền núi - đó là hát khai xuân vào ngày mùng 1 Tết. Ngày đó, người có “sứ mệnh hát khai xuân” sẽ mặc những bộ quần áo rách rưới giống như những người ăn xin, đến từng nhà hát lời chúc cầu một năm mới ấm no, an lành... Và chủ nhà sẽ đặt một đồng tiền vào cái giỏ mà người hát khai xuân đeo bên mình.
Mỗi khi đặt bút viết một truyện ngắn hay khởi đầu cho một tiểu thuyết, Cao Duy Sơn thường rất đắn đo, thậm chí ông lúng túng. Sau mỗi cuốn sách ra đời, sau mỗi giải thưởng nhận được, Cao Duy Sơn lại càng thấy mình cần phải thận trọng hơn với trang viết. Có những đêm ông ngồi vào bàn viết, rồi lại đứng lên. Đứng lên rồi lại muốn ngồi vào bàn viết. Nhưng cuối cùng, ông buông bút. Bởi vì nếu có cố, cũng không viết được hơn những gì mình đã viết. Còn bởi, ông muốn thử thách mình, và không muốn lặp lại, dù đó chỉ là một chi tiết, một câu chữ hay dùng. Ông nói với tôi, khi tập hợp những truyện ngắn để làm tập “Ngôi nhà xưa bên suối” (NXB Văn hóa dân tộc, 2007), ông đã nhất quyết gạt đi một vài truyện ngắn. Đó đều là đứa con do ông sinh ra, ở những thời điểm khác nhau, trong những suy tư gửi gắm khác nhau, nhưng khi đứng chụm lại, thì ông phát hiện ra những điều bất ổn. Qua rồi cái thời thích ra sách, thích sách dày, Cao Duy Sơn đã khắt khe với chính mình, thận trọng với chính mình. Nhưng ngay cả khi đã nghiêm khắc với bản thân, thì ông cũng đủ tỉnh táo để nhận rằng, tập sách ấy chưa phải là một ngôi sao sáng của làng văn Việt
Tôi nói với Cao Duy Sơn, điều ấy đã nhiều người nói, và cuối cùng, đó vẫn chỉ là một câu biện minh cho những trang sách nhợt nhạt, thậm chí là vô cảm. Ông cười nói: “Mình không sớm bằng lòng với những trang viết của mình, mình cũng không sớm hài lòng với những giải thưởng mình đạt được. Văn chương đó là một chuyến đi dài. Chuyến đi ấy, chỉ khi nào người viết dừng lại, không còn sống nữa, thì mới biết đâu là tác phẩm hay nhất của đời người cầm bút ấy. Mình đã viết về vùng đất mình được sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt mấy chục năm đầu đời đầy ắp những kỷ niệm. Bây giờ viết ra, mình thấy vui, vì qua đó, đã có nhiều người biết hơn, nhiều người tìm về cái lũng Cô Sầu heo hút của mình. Mình đã giới thiệu được vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học”.
2. Nhưng Cao Duy Sơn là ai? Nhiều người đã hỏi tôi như thế khi biết tin “Ngôi nhà xưa bên suối” được đề cử giải văn học ASEAN. Sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng tôi muốn kể lại câu chuyện mà cách đây không lâu Cao Duy Sơn đã kể cho tôi: “Tháng 4-1984, lần đầu tiên mình được tham dự trại sáng tác tại thị xã Tuyên Quang. Lúc đó, tình yêu của mình với văn chương thì có, nhưng văn chương là gì, truyện ngắn là thế nào? mình vẫn còn mơ hồ lắm. Nhưng được đi trại thì cũng rất phấn khởi rồi. Hôm đầu, các trại viên đều phải trình bày đề cương sẽ viết gì. Một số người lên trình bày. Rồi cũng đến lượt mình. Mình chợt nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé nhưng ánh mắt thì rất sáng. Đó là nhà văn Nguyễn Thành Long - người nổi danh với truyện “Lặng lẽ Sapa”. Mình cảm thấy run. Ông nhắc: “Cậu trình bày đi”, mình lại càng run hơn. Mình không có gì để trình bày cả, mình biết trình bày cái gì bây giờ. Nhưng rồi mình vẫn cố gắng để trình bày những gì đang nghĩ. Mình nói một lúc, thì “ông mắt sáng” bảo: Cậu trình bày kịch bản điện ảnh đấy à? Thôi, ngay cả đề cương còn không viết được thì viết văn làm gì. Cậu về đi... “Ông mắt sáng” dứt lời, mồ hôi mồ kê mình toát ra, ướt sũng. Mình cảm thấy sự bẽ bàng. Mình xấu hổ, ngượng ngùng. Mình đã định xách tay nải ngược về Cao Bằng mà sống, nhưng rồi có mấy người động viên và mình quyết định ở lại”.
Vẫn theo Cao Duy Sơn thổ lộ, thì chính những nhận xét nghiêm khắc của nhà văn Nguyễn Thành Long “đã trở thành một bài học cho mình. Điều đó giúp mình thấy rằng những gì mình biết về văn chương còn quá nhiều non kém. Người ta không thể biến văn chương thành trò chơi, thành sự giải trí linh tinh được. Sau đó, mình ở lại trại, ngấm ngầm học hỏi và chuẩn bị. Mình đã cố gắng để viết ra cái truyện ngắn đầu tiên, theo lối nghĩ của mình. Mình âm thầm viết, không nói cho ai, cũng không cho ai đọc trước, âm thầm sửa đi viết lại tới 14 lần, cuối cùng cũng xong. Đó là truyện “Dưới chân núi Lục Vèn”. Đến ngày nộp tác phẩm, mình đem truyện đi nộp. Cũng lo lắng lắm. Hôm sau, mới 5 giờ sáng, “ông mắt sáng” Nguyễn Thành Long gõ cửa phòng. Ông đứng sững trước cửa nói: Được lắm, được lắm… Rồi sau đó khi tổng kết trại viết, truyện này được biểu dương. Nhà văn Lê Lựu mang về in trên Văn nghệ Quân đội. Đó là truyện ngắn đầu tiên, kỷ niệm với nghề viết mà mình không thể quên”.
3. Cao Duy Sơn đã viết hàng ngàn trang sách về vùng đất Cô Sầu. Nhưng ông bảo, vùng đất ấy còn quá nhiều chuyện, quá nhiều điều có lẽ đến chết vẫn chưa thể khai thác hết được.
Có người đã “tư vấn” ông nên chuyển sang viết về một đề tài khác, như Hà Nội chẳng hạn. Viết mãi về vùng đất của mình, với những phận người ít người biết tới cũng dễ thành nhàm. Điều đó khiến Cao Duy Sơn phải suy nghĩ. Trong ông xuất hiện một cảm giác như là sự hẫng hụt. Khi trò chuyện với tôi, dường như ông vẫn còn nguyên sự hoang mang đó. Ông đã hỏi lại tôi rằng, có nên chuyển hẳn sang một đề tài mới? Câu hỏi nghiêm chỉnh đó của ông khiến tôi bất ngờ. Nhưng tôi cũng đã nói với Cao Duy Sơn rằng, vùng đất Cô Sầu đó của ông là nơi một người “rất Tày” như ông đã hiểu, đã có quá nhiều trải nghiệm, vậy thì tại sao lại phải cố tìm cố hiểu một vùng đất khác, trong khi ngoài tài năng, thời gian sống của mỗi người đều có hạn. Mỗi người viết, nếu tạo ra được một cái “đặc sản” của riêng mình, thì đã là điều quý cho văn học. Bởi với tôi, dù sống ở đâu, Cao Duy Sơn vẫn là người đàn ông của lũng Cô Sầu (Trùng Khánh, Cao Bằng).
4. Đi tìm cuốn “Ngôi nhà xưa bên suối” ở ngoài thị trường không hề dễ. Hỏi nhà văn Cao Duy Sơn, ông tiết lộ, năm 2007, cuốn sách được in với… 870 cuốn. Ông dành phần lớn tặng bạn bè. Rồi năm ngoái, “Ngôi nhà xưa bên suối” được in lần thứ 2, lần này số lượng lại còn khiêm tốn hơn lần đầu: 300 cuốn.
“Ngôi nhà xưa bên suối” là tập sách mỏng nhất của Cao Duy Sơn, chỉ hơn 180 trang sách, với 7 truyện: “Súc Hỷ”, “Song sinh”, “Chợ tình”, “Hoa bay cuối trời”, “Hòn đá bi màu trắng”, “Hoa Mộc Vương” và “Ngôi nhà xưa bên suối”. Toàn là những truyện ông viết giữa xôn xao phố xá, giữa khoảng nghỉ của những trang tiểu thuyết. Cao Duy Sơn nói với tôi: “Truyện nào mình viết cũng vất vả, không có cái nào ăn ngay cả. Cái nào cũng phải trải qua vài ba lần viết đi sửa lại”. Nhưng nếu so với các tập truyện đã in, ngay cả với tập “Những chuyện ở lũng Cô Sầu” từng được tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999 thì “Ngôi nhà xưa bên suối” là tập sách khiến Cao Duy Sơn hài lòng nhất, vì nó truyền đi được nhiều điều ông muốn nói. Nếu ai đó nói văn của ông trong tập truyện này đẹp, thì điều đó là một lời khen không làm tôi thán phục. Với tôi, văn ông mang vẻ đẹp mộc mạc, và khỏe khoắn. Đôi chỗ lối văn ấy có thể khiến người đọc chau mày, nhưng cuối cùng khi gấp cuốn sách lại, những câu chuyện của một vùng cao phía Bắc hiện ra, đôi khi rất khắc nghiệt, dễ ở lại lòng người đọc, khiến người ta tiếp tục phải nghĩ, thậm chí phải tìm đến vùng đất đó. Cao Duy Sơn không viết theo trào lưu, vì thế, nếu độc giả muốn tìm đến một thứ văn chơi chơi, đèm đẹp, hay một thứ văn gây “sốc” gây “sếch” thì “Ngôi nhà xưa bên suối” sẽ khiến bạn thất vọng.
NGUYỄN THANH BÌNH
(Nguồn: lethieunhon.com)