Thứ năm, 02/05/2024,


Người viết hành khúc ngày khởi nghĩa (22/08/2009) 

Là những thanh niên yêu nước đồng trang lứa ở Hải Phòng thời tiền chiến - Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận và Xuân Oanh đều tham gia hướng đạo rồi tham gia hoạt động bí mật trong Việt Minh.

 

So với Văn Cao, Nguyễn Đình Thi nổi tiếng ở ngoài đời, Đỗ Nhuận nổi tiếng thời ở lao tù, thì Xuân Oanh còn chưa được nhiều người biết đến. Khi Văn Cao đã có "Tiến quân ca" hào hùng, Nguyễn Đình Thi đã có "Diệt phátxít" chất ngất, Đỗ Nhuận đã có "Du kích ca" hào sảng, thì Xuân Oanh mới có vài bài hát phổ biến trong số ít bạn bè.

Nhưng ngày 19.8.1945 khởi nghĩa ở Hà Nội, đã không chỉ là ngày lịch sử của dân tộc, mà còn là ngày lịch sử cho cuộc đời sáng tác âm nhạc của Xuân Oanh. Và lịch sử âm nhạc đã ghi danh Xuân Oanh vào đúng ngày lịch sử này.

Ngày ấy, Xuân Oanh nhịp bước cùng đoàn biểu tình đi từ Văn Điển đến Nhà hát Lớn Hà Nội. Không khí thăng hoa của đoàn người - ngày chặt đứt xích xiềng nô lệ để trở thành người tự do đã nhập vào Xuân Oanh một chất men kỳ lạ, khiến cho Xuân Oanh vừa nhịp bước, vừa lẩm nhẩm giai điệu mở đầu hành khúc: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày...".

Cứ thế, vừa nhịp bước vào thành phố, giai điệu hành khúc vừa tuôn chảy: "19 tháng 8 chớ quên là ngày khởi nghĩa/ Cờ bay nơi nơi/ Muôn ánh sao vàng...". Giữa biển người trào dâng, giai điệu tráng lệ đã cuộn sóng tới ước vọng. Khi đoàn biểu tình tới Nhà hát Lớn Hà Nội thì cũng là lúc bản hành khúc ngày khởi nghĩa đã được viết xong trong trí nhớ.

Ngay chiều hôm đó, hành khúc "19 tháng 8" đã được tác giả ký âm và truyền đi khắp nẻo phố phường. Đâu đâu cũng có những quản ca tập hát cho anh em đoàn thể. Và rồi khi chiều buông cũng là khi bình minh của cách mạng đã chói chang trong ánh sáng của giai điệu lịch sử này.

Như hoàn thành một nhiệm vụ bình thường của cách mạng, Xuân Oanh lại lao vào các công việc bề bộn của những ngày đầu tự do, cũng chẳng hề ý thức rằng cùng với "Tiến quân ca", "Diệt phát xít", "Du kích ca", "19 tháng 8" đã bước vào bất tử. Khi Nam Bộ kháng chiến, Xuân Oanh lại bừng khởi một bản ballade đầy chất lính gửi theo đoàn quân Nam tiến.

Cứ thế, bước chân Xuân Oanh bươn trải trong trường kỳ kháng chiến để sinh ra những giai điệu mới, in trên các tờ báo Lao Động, Độc Lập... và đọng lại một "Quê hương anh bộ đội" lấp lánh tài hoa, vượt thời gian tới hôm nay và chắc chắn đến mãi mai sau: "Nơi ấy có con đường tắm nắng vàng tươi, bờ tre nhà vách mới...".

Vừa sinh ra những giai điệu mới, Xuân Oanh còn là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho Tổ chức Hoà bình thế giới - tiền thân của Liên Hiệp các Hội hữu nghị hoà bình thế giới hôm nay.

Cuối cuộc kháng chiến, trong khi đang đi công tác cùng Uỷ ban Quốc tế giám sát đình chiến ở VN tại Đà Nẵng, nghe tin đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan đã khai thông, mở ra đường giao thông hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa, Xuân Oanh lại vút cao một ca khúc ngợi ca "Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa" bay bổng và hân hoan. Cũng như thế, những năm đầu hoà bình, giai điệu "Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp" quả là giai điệu thấm sâu vào mọi tâm hồn: "A! Tổ quốc ta Việt Nam muôn năm". Ông thật xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước.

Bao nhiêu năm qua, sáng tạo khiến người nghệ sĩ đa tài Xuân Oanh trẻ hơn tuổi 87 đang đè trên đôi vai. Từ căn nhà chật chội ở góc phố Tràng Thi - Quán Sứ (Hà Nội), những câu thơ Xuân Oanh bay xa vô cùng, những khung tranh Xuân Oanh rộng ra vô biên, những bản dịch thơ VN, trong đó đặc sắc nhất là thơ Hồ Xuân Hương đang phủ sóng đến nhiều khu vực...

 

Nguyễn Thụy Kha

(Nguồn: Báo Lao Động)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: