Thứ năm, 02/05/2024,


NSND Lan Hương: Vợ chồng tôi có ý thức bù trừ cho nhau (18/08/2009) 

Thích phá phách, sáng tạo, bướng bỉnh, kiên quyết và khát khao, NSND Lan Hương đang say sưa với nghệ thuật trong vai trò Trưởng đoàn kịch Thể nghiệm Nhà hát Tuổi Trẻ. Với chị, sẽ chẳng số phận nào cản trở được thành công khi người nghệ sĩ hy sinh cho niềm đam mê chính đáng. Sau một thời gian dài vắng bóng trên màn ảnh, chị đã trở lại phim trường với vai Đàm hoàng hậu trong bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ” sẽ ra mắt chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

 

* Thưa chị, Đàm hoàng hậu do chị thủ vai có phải là một vai chính trong bộ phim "Thái sư Trần Thủ Độ"?

 

- Vai diễn Đàm hoàng hậu là một nhân vật khá quan trọng, sau vai Trần Thủ Độ và Trần Thị Dung. Đó là một hoàng hậu họ Lý không còn được Vua ưu ái, luôn tìm mọi cách giành sự ảnh hưởng quyền lực về phía mình. Có nhiều xung đột xảy ra trong suốt bộ phim, Đàm hoàng hậu về sau trở thành thái hậu, đó là một người đàn bà mạnh mẽ, nhưng vì đến thời điểm thời của bà không còn nữa, thì bà chịu bó tay. Sau khi nghiên cứu kỹ kịch bản, tôi có trao đổi với đạo diễn là cố gắng làm sao để lột tả được nhân vật Đàm hoàng hậu một cách con người nhất kể cả lúc bà ấy tàn ác. Cuộc chiến đấu của hoàng hậu với Trần Thị Dung trong phim hứa hẹn sẽ mang đến sự hấp dẫn cho khán giả.

 

* Một bộ phim cổ trang được đầu tư kỹ lưỡng chắc hẳn sẽ có rất nhiều cảnh quay đẹp, những khó khăn của diễn viên khi tham gia bộ phim này là gì thưa chị?

 

- Trước hết tất cả diễn viên trong đoàn đều phải hiểu lịch sử do Giáo sư sử học Lê Văn Lan hướng dẫn và học lễ nghi cung đình dưới sự cố vấn của các nghệ sĩ tuồng chèo, và đúng là diễn viên chúng tôi đã có những ngày làm việc khá vất vả. Có những cảnh quay ở Huế, dưới cái nắng chang chang, các diễn viên với những trang phục nhiều lớp vải, mồ hôi vã ra như tắm, mà vẫn phải diễn cho ra đúng chất trang nghiêm, cung kính của triều đình. Thời gian tới đoàn làm phim sẽ tiếp tục quay tại trường quay Hoàng Điếm, Trung Quốc, hy vọng thời tiết sẽ dễ chịu hơn.

 

* Không còn xuất hiện với điện ảnh một thời gian dài, lý do đặc biệt nào khiến chị quyết định trở lại với vai diễn Đàm hoàng hậu?

 

- Tôi cũng rất quan tâm đến điện ảnh và truyền hình, nhưng quả thật thời gian gần đây, qua các bộ phim, tôi chưa thấy vai diễn nào hợp với mình. Đây là một bộ phim chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên tôi cũng muốn góp sức mình, và một lý do nữa là đây là bộ phim cả chồng tôi (đạo diễn Tất Bình) cũng tham gia.

 

* Mải mê với vai trò chèo lái đoàn kịch hình thể, với sân khấu dường như chị cũng không còn mặn mà nhiều với nghiệp diễn xuất?

 

- Là một người nghệ sĩ cũng cần phải biết điểm dừng của mình. Tôi luôn tự nhủ: Xuất hiện liên tục trên sân khấu, cũng sợ nhạt. ở tuổi này tôi phải làm những việc có ích hơn, còn diễn xuất dần nhường lại bạn trẻ. Đến với kịch hình thể, tôi như tìm thấy hạnh phúc thứ hai của cuộc đời mình.

 

* Đi tiên phong đưa kịch hình thể vào Việt Nam, chị có thấy mình thật dũng cảm khi ở phía Bắc, các loại hình kịch khác cũng đang bị khán giả thờ ơ?

 

- Thật ra kịch hình thể không phải là xa lạ với người Việt Nam, như tuồng cũng là một loại hình kịch hình thể một cách rõ nét. Khi được ra nước ngoài nhiều hơn để biểu diễn, tôi nhận thấy sân khấu của những nước có nghệ thuật phát triển đã tiến đến những bước tiến rất xa rồi, đó không chỉ là những vở diễn kịch nói đơn thuần như chúng ta đang làm, mà là một sân khấu tổng hợp của rất nhiều các hình thức nghệ thuật, để bắt kịp với thế giới chúng ta cần có những hình thức tìm tòi khác nữa. Hiện nay, kịch hình thể ở mỗi nước phát triển khác nhau, chính vì thế kịch hình thể mới ở giai đoạn đầu. Những vở diễn chúng tôi đã thực hiện như “100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử” “Biển vỹ tình yêu” cũng đang ở dạng thể nghiệm và nhận được rất nhiều phản hồi khác nhau của người trong nghề cũng như khán giả. ở Việt Nam, với thói quen thưởng thức nghệ thuật của đa số khán giả, nghệ thuật đương đại nói chung và kịch hình thể nói riêng vẫn còn là một khái niệm mới mẻ đến khó hiểu. Thậm chí, nó mới mẻ và khó tiếp cận với cả phần lớn giới làm nghệ thuật. Chính vì vậy mà với vở “Biển vỹ tình yêu” tôi đã xin tài trợ từ đầu năm để đi diễn mà cũng chưa thực hiện được, dù vở diễn khi công chiếu cũng có khá nhiều người khen ngợi, nhưng mang vở diễn đi nơi khác thì tôi không dám liều lĩnh. Doanh thu luôn là vấn đề khó khăn với những người làm nghệ thuật sân khấu thời gian này, khủng hoảng kinh tế càng làm mọi thứ khó khăn hơn, nhưng tôi đã xác định cho mình một con đường và tôi sẽ đi đến cùng con đường đó, kịch hình thể sẽ là bến đỗ cuối trong sự nghiệp của tôi.

 

               

 

* Dường như loại kịch mang màu sắc đương đại này phù hợp hơn với giới trẻ?

 

- Đúng là kịch hình thể phù hợp hơn với giới trẻ trước hết là nó lạ. Trong nghệ thuật, quan trọng là cái lạ. Tất nhiên tôi cũng biết rằng, cái lạ có thể không vĩnh cửu, nhưng nó sẽ làm thay đổi cái nhìn, khiến khán giả không cảm thấy nhàm chán. Đắm chìm trong không gian của vở diễn, họ được thỏa mãn nhiều hơn cái sự nhìn ngắm, xem, và nâng cao hơn về thẩm mỹ bởi người diễn viên biểu đạt bằng những ngôn ngữ cô đọng, đa ngữ, chứ tuyệt nhiên không thể dùng ngôn ngữ sinh hoạt, và cách đối thoại cũng khác, ngân nga, cao vút.

 

* Khi nhường lại sân khấu cho những lớp thế hệ sau, chị nhận xét thế nào về lớp diễn viên trẻ kế cận mình?

 

- Diễn viên là quá trình sáng tạo và thay đổi không ngừng. Thế nhưng càng ngày tôi càng thấy lứa sau khó bằng được lớp trước. Thế hệ nghệ sỹ trẻ hôm nay, đặc biệt là ở ngoài Bắc vấp phải một thời điểm khán giả đang rất hờ hững với sân khấu nên khó khăn hơn bọn tôi khi trước rất nhiều. Dù thế hệ trẻ ngày nay có thuận lợi tốt hơn về sự tiếp cận với những gì mới nhất của thế giới, tiếp cận ngay cả với thế hệ trên họ là bọn tôi, họ đã có thể nhìn ra con đường đi của mình. Thời trước, người nghệ sỹ có thể đi lên từ con số 0, rồi tiến đến số 1, số 2, vẫn được người ta chấp nhận. Nhưng thời bây giờ nếu đi lên từ con số 0 thì sẽ không được chấp nhận. Chính vì lẽ đó mà họ phải đốt cháy giai đoạn, họ phải vươn lên và tỏa sáng ngay lập tức. Cũng vì vậy mà họ phải chụp giật hơn một chút, để có thể sống, để chi tiêu, khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, nên nhiều khi họ bỏ qua những tinh tế trong biểu diễn, diễn vội vàng cho xong để chạy “sô” kiếm sống. Họ đi lại, nói cười, hành động rất nhiều, tung ra vô số chi tiết trên sân khấu, nhưng lại không biết rung động, suy nghĩ để tìm ra những chi tiết nghệ thuật thật sự. Họ giống như người quăng cả kho củi vào bếp mà không nhen lên được ngọn lửa nhỏ bé nào. Ngay cả những đạo diễn nước ngoài khi sang Việt Nam đều nhận xét rằng ở Việt Nam, những lực lượng mà đam mê sân khấu hầu như không còn nữa, mà người ta chỉ còn lên sân khấu cho nó xong chuyện, đó thực sự là một điều đáng tiếc.

 

* Cuộc sống riêng tư của chị với nghệ sỹ Tất Bình cũng nhận được không ít đồn thổi, nhưng giờ đây thấy chị thật nhiệt huyết và say nghề, sau những phút mệt mỏi của công việc, điều gì khiến chị thấy bình yên nhất khi về nhà?

 

- Tôi quan niệm một cách rất đơn giản, con người ta hạnh phúc nhất là không để hoài phí thời gian một cách vô ích, làm được nhiều điều có ý nghĩa. Và những điều ý nghĩa đó chính là niềm đam mê và mong muốn của bản thân, kể cả hạnh phúc gia đình cũng vậy. Cuộc sống của nghệ sỹ luôn phải đối mặt với những tin đồn, nhưng tôi và anh Tất Bình đã đến với nhau sau những đổ vỡ, nên lúc nào cũng có ý thức bù trừ cho nhau để đi suốt cuộc đời này. Hơn nhiều tuổi, lại cùng nghề, chồng tôi luôn trân trọng khoảng trời riêng, cả trong cuộc sống và sự nghiệp của vợ. Sau những giờ dành cho công việc, những phút rảnh hiếm hoi, tôi thích vẽ tranh, đây là niềm đam mê và cũng là những giờ phút giúp tôi cân bằng lại đời sống tinh thần. Tôi cũng thích sơn lại nhà cửa, trang trí căn nhà giống như khu vườn cổ tích với đầy thú nhồi bông, những con vật ngộ nghĩnh, hạnh phúc nhiều khi chỉ đơn giản thế thôi.

 

* Cảm ơn chị và về những chia sẻ chân thành!

 

 

Theo ANTĐ

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: