Chủ nhật, 22/12/2024,


Hoa Hướng Dương - Mái nhà mơ ước (17/08/2009) 

Đà Lạt về chiều, cơn mưa thu bay bay và hơi lạnh bắt đầu thấm vào da thịt. Khách du lịch đi dạo muốn tấp vào ngay một quán cà-phê nào đó thật ấm để thưởng thức vị đắng mà chiêm nghiệm cái lạnh của phố sương mù. Tôi chợt nhớ đến “Hoa Hướng Dương”, nơi ấy tôi đã đến một đôi lần, có cái gì đó ấm áp tình người. Đây là lần thứ ba tôi ghé thăm Hoa Hướng Dương. Quán vắng,  tôi gọi thêm mấy bạn văn nghệ quen ở Đà Lạt đến ngồi cho vui. Hai cặp vợ chồng nhà thơ Nguyễn Tấn On và Đào Hữu Thức tức tốc có mặt.

 

           

 

*Hoa Hướng Dương “kỳ lạ quán”

 

Có người bạn nói với tôi rằng: “Ở đây cà-phê “rẻ”, rẻ trong ngoặc kép, bởi vì có thể khách sẽ không cần đến giá cả ly cà phê bao nhiêu tiền ở cái thành phố du lịch “giá cả trên trời”! Vào đây, điều “kỳ lạ” là quý khách sẽ không cần bận tâm tính toán thiệt hơn nếu tận mắt chứng kiến những điều thú vị rất nhân văn tại Hoa Hướng Dương.

 

Quả thật, quán nằm cheo leo trên một đỉnh dốc của con hẻm nhỏ (24-Nguyễn Du) Đường chính 26H Yersin - Phường 9 - Tp Đà Lạt. Hoa Hướng Dương có nhiều điểm khác biệt, bài trí không gian quán rất “lạ” và nhân viên làm việc cũng rất “đặc biệt” so với mọi nơi, cho nên Hoa Hướng Dương được xem như một quán cà phê “kỳ lạ” nhất không chỉ ở Đà Lạt, bởi chính cái sự có một không hai của nó. Kỳ lạ không phải vì vị đắng cà phê, mà vì “vị đắng cuộc đời” của những mảnh đời bất hạnh. Nơi đây có “mái nhà ước mơ” với tấm lòng thương yêu học trò của một cô giáo còn khá trẻ, làm công việc dạy trẻ thiểu năng trí tuệ. Hoa Hướng Dương không kinh doanh cho bất cứ cá nhân nào, ở đây chỉ là chỗ để các học trò kém phát triển trí tuệ trường Hoa Phong Lan (Đà Lạt) sau khi các em đủ 16 tuổi ra trường, tụ họp về vui cùng bè bạn làm việc, tiếp tục mơ ước của mình.

 

Tôi lên tiếng “Các bạn Hoa Hướng Dương đón khách đến nè!”. Hai gương mặt tôi không thể nào quên đó là Hữu Tâm, Trang Đài cùng các bạn khác ra chào đón. Đúng ra phải nói “Xin chào” thì có bạn nói “Cám …ơn”. Có lẽ “chuyện lạ” chỉ có những ai đã đến đây sẽ nghe câu chuyện “3 tháng, 3câu, 3chữ” cô giáo Châu Linh kể về 7 học trò thân yêu. Có ba câu thôi “xin chào”, “xin mời” và “cảm ơn” thế mà các học trò cứ “lộn tùng phèo” trong việc tiếp khách.

 

Nhớ hồi tháng 8/2006, tôi có gặp cô giáo Châu Linh cùng các bạn học trò thiểu năng về toà soạn báo Tuổi Trẻ làm nhân chứng “sống vì cộng đồng”. Cuộc gặp gỡ “Những con tim hội ngộ” trong tình yêu thương của đông đảo bạn bè khắp mọi miền đất nước, mỗi người một hoàn cảnh, thương nhau lắm. Tuy thời gian chỉ có một ngày nhưng có cả tiếng cười và nước mắt sẻ chia, hầu hết các học trò của cô giáo Châu Linh rất vui với những câu nói ngắn “Xin chào”, “xin… mời”, C…ảm… ơn” làm tôi nhớ mãi.

 

Nhận xét của hai người bạn Đà Lạt rất thật lòng: “Nếu là người lạ chưa chắc gì nhận ra quán cà-phê, bởi nhìn bề ngoài Hoa Hướng Dương như một gian nhà bình thường, không trang trí cầu kỳ hoa đèn, chỉ có tấm bảng hiệu đơn điệu. Giá mà có một địa thế thuận lợi hơn…”. Vâng, tôi nghĩ Hoa Hướng Dương rất có thể được nhiều người quan tâm.

 

Ngôi nhà này đã có hình dạng chữ L và bên trong đã được cô giáo Châu Linh trang trí lại bằng tranh ảnh của các học trò chậm phát triển vẽ. Hơn 10 cái bàn cà-phê thiết kế theo mẫu riêng của Hoa Hướng Dương, mỗi bàn có một cái giỏ tre xinh xinh cắm hoa, cài tấm thực đơn thức uống. Đặc biệt mỗi bàn có một cái chuông “cà-rem” bằng đồng nhỏ xíu. Ấn tượng rất lạ của người lần đầu tiên bước vào quán là đội ngũ nhân viên, các bạn bị bệnh thiểu năng, luôn nở nụ cười tươi đón khách.

 

Thường trực làm việc ở Hoa Hướng Dương hiện giờ có 7 bạn, chia làm hai ca, công việc chính là đón khách - “xin chào”, khách ngồi vào bàn tự mình nắm chiếc chuông rung lên các bạn đem giấy viết ra, khách chọn menu ghi vào - “cảm ơn”, rồi vào trong bưng thức uống đến - “xin mời”. Khách yêu cầu mở nhạc thì rung chuông, khách ra về cũng rung chuông toàn bộ các bạn ra tiễn khách - “cám ơn”. Có vậy thôi mà bao năm nay các bạn học đi, học lại trong môi trường làm việc này vẫn cứ lộn qua lộn lại, như khi khách ra về thay vì “cám ơn” các bạn  nói “xin mời” làm khách cứ luyến lưu.

 

          

 

          Cà-phê Hoa Hướng Dương tồn tại giữa lòng thành phố Đà Lạt phồn hoa đã gần 5 năm nay nhưng ít người quan tâm, có lẽ nhiều người không mấy bận lòng khi các quán cà-phê ở Đà Lạt dày đặc phố phường. Hoa Hướng Dương lại nằm ở địa thế không bắt mắt, thỉnh thoảng chỉ có bạn bè của cô giáo Châu Linh, sinh viên Sư Phạm Đà Lạt đến uống cà-phê “ủng hộ”. Lâu lâu mới có một số bè bạn là văn nghệ sĩ quen biết đến thăm, khách vãng lai năm khi mười hoạ mới ghé vào. Đây cũng là thua thiệt trong kinh doanh của các bạn nhưng chủ nhân và các học trò của mình luôn thấy vui vì có nơi để hoà nhập cùng xã hội.

 

*Hoa Hướng Dương- “Ước mơ nhỏ”

 

Gặp lại cô giáo Châu Linh và các bạn yêu mến của tôi lần này khiến tôi day dứt. Thoáng đã có chút mệt mỏi trên gương mặt Châu Linh, còn các bạn có tươi tắn ra đôi chút nhưng tương lai dường như vẫn mờ ảo như sương mù Đà Lạt. Bởi vì khả năng gánh vác đơn độc của cô giáo Châu Linh có hạn, cuộc sống của các bạn thì luôn cần những sự chở che, bao dung; các bạn cần phải được liên tục học hỏi, học thêm nghề nghiệp…

 

Nguyễn Thị Châu Linh là một cô giáo khá trẻ dạy ở trường Hoa Phong Lan dành cho học trò chậm phát triển trí tuệ Đà Lạt. Trường này có hơn 100 em thiểu năng dưới 16 tuổi, Châu Linh cùng các giáo viên ở đây hàng ngày dạy kỹ năng đời thường giúp các em tự phục vụ, giặt giũ, nấu nướng…, kèm dạy cho các em biết mặt chữ, giao tiếp… Những gia đình có con em bị chậm phát triển trí tuệ đều mơ ước sau ngày các em ra trường, có một công việc thích hợp để đi làm cho các em vui. Vì thực tế một số em đã ra trường lại trở về gia đình lầm lũi trong nhà, mặc cảm luôn thể hiện trên gương mặt đau khổ.

 

Biết được những trăn trở của nhiều phụ huynh, cô giáo Nguyễn Thị Châu Linh đã nuôi ý tưởng tìm một công việc gì đó cho học trò của mình sau khi ra trường. Công việc gì đây? Hằng đêm Châu Linh không thể nào chợp mắt với những trăn trở: “Nhất định mình phải tìm cho các em một công việc để các em đùm bọc yêu thương mà sống vui với mọi người”. Không công việc gì thích hợp giao tiếp bằng mở một quán cà-phê “đăc biệt” không toan tính vụ lợi riêng tư, tạo niềm vui và tiếp tục hành trình cùng với các em, để còn dạy dỗ các em vào đời. Đó là suy tư cuối cùng mà Châu Linh thấy phải “hy sinh”.

 

Tất nhiên “đặc biêt” không đơn giản chút nào. Mở quán cà-phê thì đòi hỏi: mặt bằng, vốn, rồi… đủ thứ chuyện để tạo cho cái quán thật sự “là ngôi nhà chung” của các em, vừa làm việc vừa sinh hoạt học tập. Sau một thời gian không suôn sẻ vì kẻ trộm viếng nhà, bao nhiêu vốn tiết kiệm từ đồng lương dành dụm để thực hiện ước mơ đã bị mất hết. Cô giáo Châu Linh trắng tay, tưởng chừng như mơ ước nhỏ nhoi không còn thực hiện được nữa. Hình ảnh các học trò “lầm lũi sống sau ngày ra trường” lại hiện lên trong giấc ngủ, có em nghe tin hỏi “Cô ơi, chừng nào tụi con mới có nhà để làm hả cô?”.

 

Châu Linh lại tự nhủ phải quyết tâm thôi, cô tâm sự với nhiều bạn bè nỗi trăn trở của mình. Sau đó được gia đình ủng hộ, Châu Linh dồn hết khả năng tiền bạc ít ỏi còn lại để mở quán. Thế là sau một thời gian khổ công chạy đôn chạy đáo cuối cùng quán cà-phê “đặc biệt” Hoa Hướng Dướng cũng ra đời vào ngày nhà giáo 20/11/2005, tại 26H Yersin - Phường 9 - Tp Đà Lạt.

 

Từ khi ra đời cho đến nay, doanh thu từ tiền lãi bán cà-phê chỉ đủ để chi cho 10 học trò ăn sáng mà cô giáo Châu Linh đã cảm thấy vui, thương yêu đoàn kết như một gia đình. Lúc các em ốm đau bệnh tật, Châu Linh còn bỏ tiền lương của mình phụ gia đình các em chữa trị. Bao nhiêu khó khăn mà cô giáo Châu Linh gánh vác, duy trì chỉ có bạn bè thân quen mới hiểu hết. Nhưng dẫu sao từ đó đến nay niềm tin yêu cuộc sống của Hoa Hướng Dương vẫn gắng gỏi tồn tại để vượt lên số phận.

 

Tâm sự với tôi, ước mơ của cô giáo Châu Linh hiện giờ là: “Em mong có được một số vốn tích luỹ để trang trải cho các em lúc bệnh tật ốm đau, mua một số dụng cụ giúp các em học vẽ… Hoa Hướng Dương sẽ có một phòng tranh do chính các em làm ra cùng với suy nghĩ ước mơ về cuộc sống mà các em mong muốn”.

 

Việc giúp các bạn kém phát triển trí tuệ hoà nhập bền vững với xã hội, rất cần đến sự giúp sức của nhiều tổ chức, cá nhân có tấm lòng nhân ái góp phần giúp Hoa Hướng Dương thêm gần mơ ước. Nếu các bạn quan tâm tìm hiểu thêm xin liên lạc số máy: 063.3822966 hoặc số máy của cô giáo Châu Linh: 0903.125492 để được cùng chia sẻ những vui buồn  của Hoa Hướng Dương../.

 

Tháng 8 năm 2009

Võ Tấn

Kp2 thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận

Điện thoại: 068.3855638

 

 

---------------------

Chú thích ảnh:

 - Hai cặp vợ chồng nhà thơ Nguyễn Tấn On và Đào Hữu Thức, trước cổng Hoa Hướng Dương;

- Các thành viên cà-phê Hoa Hướng Dương;

- Nguyễn Thị Châu Linh tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ năm 2006.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: