Đã xuất bản 2 tập truyện ngắn, mới đây có tiểu thuyết đầu tay vào vòng chung khảo một giải thưởng văn học, cây bút Tiến Đạt tâm sự, chính tuổi thơ nghèo khó, tủi nhục về tinh thần là chất xúc tác mạnh mẽ cho trang viết của anh.
* Vốn là một cây viết thành danh với những truyện ngắn, điều gì khiến anh thử sức với thể loại tiểu thuyết?
- Mỗi thể loại có cái khó và sức quyến rũ riêng. Thực ra, lúc đầu tôi có ý định viết một truyện ngắn trên cái tứ các nhân vật phải giải mã những bài toán, những bí ẩn tâm hồn và tinh thần bằng chính thể xác của họ trong hành trình kiếm tìm hạnh phúc. Khi viết, bỗng thấy đề tài này mình có thể viết dài hơi hơn, có thể 'nói' được những gì mình đã và đang ấp ủ bấy lâu nay nên tôi chuyển sang thể loại tiểu thuyết.
* Đầu cuốn 'Thể xác lưu lạc', anh đề dòng 'khuyến cáo': 'tác giả không có khả năng chịu trách nhiệm… về danh tính, sự kiện, dữ liệu...'. Dòng chữ này có phải là kết quả của việc trang viết của anh bám quá sát với thực tế mà anh trải nghiệm và liên quan đến?
- Có lẽ do tác giả còn 'non tay' nên phải cảnh giác cao độ như thế, vì đây là tiểu thuyết chứ không phải bài phóng sự hay hồi ký! (cười). Từng tác phẩm, cho dù báo chí hay văn học ít nhiều chuyển tải tâm tư, tình cảm của chính người sáng tạo. Tôi quan niệm nhà văn thì cần phải trải nghiệm và dấn thân, bản lĩnh đối diện với những va đập, chống đỡ với nhiều thứ từ chính cuộc sống và tâm hồn mình, có như vậy may ra mới tìm cho mình những chất liệu tốt có khả năng tạo ra những sản phẩm sống động, có sức hút riêng, lung linh, và không bị độc giả nhận xét là… giả. Còn trải nghiệm như thế nào, sau đó gieo vào trong tác phẩm với liều lượng ra sao, nêm nếm gia vị để trở thành món ăn được độc giả ưa thích thì tùy thuộc vào phong cách của từng người viết. Tôi dám cá cược với nhà báo, chẳng nhà văn nào thống kê được có bao nhiêu… phần trăm tác giả trong tác phẩm! Có khi, chính sự bí ẩn này lại là yếu tố tạo nên sự tò mò, hiếu kỳ, quan tâm của độc giả. Mà độc giả muốn giải mã, trước hết cần tìm mua sách đọc.
* Sau khi sách phát hành đến nay, anh đã nhận được 'khiếu kiện' nào về sự trùng hợp mà cuốn sách nêu ra?
- Tôi đang... chờ, nhưng chưa thấy 'em' nào khiếu kiện gì cả. Nếu có trường hợp này xảy ra, tôi sẽ nhanh trở thành tỷ phú, vì sách của tôi phải in nối bản dài dài, cháy hàng liên tục!
* Để viết được 'Thể xác lưu lạc', bản thân anh đã 'lưu lạc' ra sao?
- Tuổi thơ tôi gắn liền với ngôi chợ nhếch nhác và làng quê hẻo lánh, buồn tẻ. Rồi tuổi thanh niên cũng phiêu bạt khắp nơi, cũng đã trải qua nhiều thua thiệt về vật chất, không ít tủi nhục về tinh thần, cũng như chịu những vết thương tâm hồn. Những va đập, 'lưu lạc' chính là liều thuốc bổ để tôi sống lạc quan, mạnh mẽ hơn, nhận diện được những phù phiếm, hào nhoáng bề nổi và có thêm chất xúc tác, nguyên liệu khi viết. Nhân vật chính tên Trần trong tiểu thuyết Thể xác lưu lạc xuất thân trong một gia đình tiểu tư sản, phong lưu, đào hoa, tài giỏi, khôn ngoan và muôn mặt. Nói chung, giữa tác giả và nhân vật chính có khoảng cách khá xa về nhân thân, nhưng có lẽ giống nhau ở 'tâm thế lưu lạc' chăng?
* Không ít lần trong thế giới và cuộc sống trên trang viết của anh đầy rẫy những mặt trái của xã hội, nếu vin lại câu 'sống rồi mới viết' như một nhà văn Việt Nam nổi tiếng từng tuyên ngôn thì anh đã 'sống' được bao nhiêu phần trăm để viết ra những trang viết như thế?
- Tôi không nghĩ là mình thích khai thác những mặt trái của xã hội. Trong vai một độc giả, tôi sẽ không bỏ tiền ra nhà sách mua những sản phẩm 'nặng mùi' và có tính 'minh họa đơn điệu' như thế. Phản ánh, hóa giải và chế ngự những mặt trái của xã hội là công việc chính và được xã hội phân công cho các nhà xã hội học, các nhà đạo đức học, các nhà tâm linh học và của các chính khách. Đối với giới viết văn chúng tôi, điều quan tâm nhiều nhất và sâu nhất là thân phận con người. Tất nhiên, trong quá trình phản ảnh thân phận con người, những mặt trái xã hội là chất liệu, là gia vị.
* Từ tập truyện ngắn 'Tội lỗi tự nhiên' đến 'Thể xác lưu lạc', trang viết của anh thường lấy tình dục và mối quan hệ giữa đàn ông, đàn bà làm trục trong các mối quan hệ dẫn dắt câu chuyện. Với anh, sex trong văn chương có vai trò và ý nghĩa như thế nào?
- Cô đơn và tình dục là hai món không thể thiếu, thậm chí theo suốt thời gian tồn tại và hiện hữu của con người. Tình yêu và tình dục là sợi dây chính kết nối và níu kéo đàn ông và đàn bà. Trong cuộc sống và trong tình yêu, tình dục là đề tài lớn, vấn đề mang tính hệ trọng. Vì vậy, theo tôi, tình dục trong văn chương cũng là đề tài không thể thiếu và luôn gây hiếu kỳ, tạo được sự đồng cảm, hấp dẫn đối với độc giả. Dĩ nhiên, những trang viết khiêu dâm thì chỉ giải quyết tính tò mò nhất thời nếu so với tác phẩm chuyển tải được thông điệp tình dục gắn liền với tình yêu lãng mạn và vĩnh cửu xoay quanh thân phận con người.
* Lần đầu tiên viết tiểu thuyết lại lọt ngay vào vòng chung khảo của một giải thưởng văn học đang được chú ý, cảm giác của anh ra sao?
- Vui nhưng không bất ngờ, vì ngay từ đầu tôi không có chủ ý dự thi.
* Nếu anh khẳng định viết không vì giải thưởng thì vì sao rốt cuộc anh gửi tiểu thuyết đầu tay của mình tham dự giải?
- Thực ra, tiểu thuyết Thể xác lưu lạc hoàn thành đầu năm 2008, nhưng vì một số lý do chủ quan và khách quan nên 'lưu lạc' tại thị trường sách khu vực phía nam. Nhờ người bạn thân cũng dân viết văn giới thiệu đến công ty sách Bách Việt trụ sở đóng tại Hà Nội, mục đích của tôi là in sách chứ không phải dự thi. Sau khi đọc bản thảo, có lẽ thấy tác phẩm phù hợp cuộc thi nên ban tổ chức và ban giám khảo đề nghị tôi cân nhắc tham gia. Giải thưởng cũng thích thật nhưng vì tôi không tự tin với tác phẩm khi dự thi với những tác giả, cây bút gạo cội khác. Sau khi biết sách sẽ in và phát hành trước khi công bố giải thưởng nên tôi đồng ý, với tinh thần rất lạc quan là thi chơi cho vui chứ không hy vọng gì! (cười).
* Nhưng khi tác phẩm của anh đã vào đến vòng chung khảo, anh đặt niềm hy vọng gì vào cuốn sách?
- Được người ta bỏ tiền ra mua bản quyền sách, được in sách là quan tâm lớn nhất của tôi. Tôi hy vọng tiểu thuyết Thể xác lưu lạc sẽ được độc giả chia sẻ và đón nhận, cho dù có thể là thiểu số.
* Sau 'Thể xác lưu lạc', anh còn dành sự quan tâm cho thể loại tiểu thuyết hay không?
- Tôi đang viết dở dang tiểu thuyết Kỹ nữ mặt tuồng, nội dung xoay quanh cô cave nuôi chí khôi phục loại hình hát bội cổ truyền của cha ông và một anh thanh niên trí thức suốt ngày lang bạt khắp thế gian vì lệnh truy nã do… chính mình ban ra. Nếu mọi việc suôn sẻ, đầu năm 2011 sẽ tìm chỗ in. Điều quan trọng để biến thành hiện thực là phải chống lại căn bệnh lười cố hữu khi đối diện với trang viết.
* Với anh, nghề viết văn khắc nghiệt nhất ở chỗ nào?
- Khắc nghiệt nhất có lẽ là chưa tập làm chủ được khi đứng trước những khen, chê, thậm chí phỉ báng và sỉ nhục - những điều thể hiện tính muôn mặt của đời sống văn nghệ. Cá nhân tôi tâm niệm, sống thì phải tập biết xem đại sự là tiểu sự (thậm chí có những trường hợp cần 'AQ' cần phải biết xem đại sự là 'vô tích sự'), rèn cảm xúc không quá vui khi được khen và hãy đón nhận những lời chê (có căn cứ) là… chân lý! Còn (giả định) gặp trường hợp quá khích phỉ báng và sỉ nhục trang viết của mình, tốt nhất là mình tìm cách đi chỗ khác chơi.
Anh Vân Thực hiện
(Nguồn: VnExpess)