Thứ tư, 30/10/2024,


Mở cửa cuộc đời từ bóng tối (14/08/2009) 

Có một cô gái khiếm thị ở An Giang, chẳng biết máy vi tính là gì, vậy mà chỉ sau một năm phấn đấu, cô đã làm “thầy” của hơn 20 học trò không may mắn như mình để cùng bước vào thế giới tin học. Cô là Phan Thúy Phượng – giáo viên dạy vi tính của Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai (TPHCM).

 

Tuổi thơ bất hạnh

 

Lên 3 tuổi, Phượng bị bệnh sởi. Sau một cơn sốt cao, mắt cô không thấy được nữa. Thấy mấy bạn lấy chữ ra đọc nghe vui quá còn mình chỉ biết ngồi buồn, Phượng kể: “Buồn lắm, đi đâu cũng thấy đụng tới đụng lui. Khi thì đụng đổ nồi canh, có lúc bước lọt xuống sàn nhà tối ngày gây khó khăn cho mọi người xung quanh”. Nhưng buồn nhất với Phượng vẫn là không được chơi đùa như các bạn, rồi  không thấy mặt ba mẹ, chị em ra sao. Phượng kể, khi còn nhỏ có lúc muốn nhảy sông tự tử nhưng rồi nghĩ lại “nhỡ mình chết thiệt thì người ta sợ không dám ra tắm sông nữa”.  

Cô phải làm quen dần với cuộc sống trong bóng tối và tìm đến ngôi trường dành cho những bạn trẻ khiếm thị ở tỉnh An Giang. Phượng học đến lớp 5 thì phải nghỉ vì không còn lớp nào để học nữa. Thế rồi, vận may cũng đến. Một ngày đầu năm 2003, một số người đến trường mà Phượng đang học để tuyển một nữ học sinh khiếm thị cho Dự án tin học dành cho phụ nữ nông thôn khiếm thị. Hôm ấy, Phượng là người duy nhất của tỉnh An Giang trúng tuyển. Cùng với Phượng là ba bạn nữ khác đồng cảnh ngộ khác đến từ Đồng Nai, Tây Ninh và Bến Tre. Và khóa tin học đầu tiên triển khai dự án của Trung tâm tin học dành cho người khiếm thị Sao Mai (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã hình thành chỉ với bốn học viên.

 

Mở cửa bóng tối...

 

Với một người sáng mắt, làm quen với máy vi tính đã khó, đằng này, với Phượng, cái khó ấy lại càng gấp bội phần. Ban đầu, những buổi học đơn thuần chỉ để làm quen với vị trí các nút trên bàn phím, Phượng cứ lần mãi. Nút A, trên là Q dưới là Z; số 1 là sắc; 2 là huyền; 3 là hỏi… Đơn giản thế mà tay Phượng cứ lóng ngóng không quen. Hai tuần lễ đầu, Phượng và các bạn chỉ có mỗi một việc duy nhất là nhớ vị trí các nút trên bàn phím. Lần mãi, mò mãi riết cũng quen. Nhớ vị trí các phím xong, Phượng bắt tay vào tập soạn thảo văn bản. Lại thêm một thử thách. Người thường nhìn bằng mắt còn Phượng thì bằng cảm giác, bởi hơn 20 năm sống, đi lại, sinh hoạt chủ yếu cũng bằng cái “cảm” ấy nên Phượng học khá nhanh.

 

           

 

          Còn một rào cản nữa, đó là tiếng Anh. Phần mềm chuyên dụng dành cho người khiếm thị tiếp cận với máy tính hoàn toàn bằng tiếng Anh, và lại phát âm khá nhanh, trong khi Phượng có học ngoại ngữ ngày nào đâu. Lúc đầu nghe máy đọc là khó nhất. Thế rồi Phượng nghe tới nghe lui, nghe tới khi mọi người đã đi ngủ hết, Phượng vẫn nghe. Bây giờ, Phượng đã rành hết mọi thứ. Mở máy ra, nghe máy đọc là Phượng hiểu ngay.

Sau hơn một năm học vi tính và văn hóa, Phượng là người duy nhất được giữ lại giảng dạy tại trung tâm sau khi khóa học kết thúc. Do đặc thù của trung tâm nên mỗi khóa học, chỉ có 3-4 học viên. Nhưng niềm vui lại nhân lên sau mỗi khóa học bởi đến nay Phượng đã có gần 20 người gọi bằng “cô”. Đó là những lớp học mà khoảng cách tuổi tác giữa cô và trò không đáng là bao. Họ cùng nhau san sẻ chuyện đời, việc học, ước mơ mà câu chuyện thần tiên - là vượt qua bóng tối.

Hiện tại Phượng đang là sinh viên khoa giáo dục đặc biệt tại trường ĐH Sư Phạm TP.HCM và cái ước mơ vượt qua được bóng tối để thực sự trở thành một con người hữu ích cho xã hội của Phượng đã hoàn toàn trở thành hiện thực.

 

THẠCH THẢO

(Nguồn: Báo SGGP)

 

------------------------------------

LBT: Không chỉ có vậy. Phan Thúy Phượng còn thể hiện được một tâm hồn đẹp, trong trẻo và đằm thắm qua những vần thơ. Xin mời nhấn vào đây để đọc những bài thơ mà Phan Thúy Phượng đã gửi tới Lucbat.com tham dự cuộc thi “Ngàn năm thương nhớ”.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: