Thứ sáu, 20/09/2024,


Chìm, nổi gánh rối nước làng Rạch (13/08/2009) 

Trải qua bao thế hệ, con rối nước làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nổi chìm cùng số phận dân làng. Ngày nay, các nghệ sĩ nông dân không chỉ tiếp bước cha ông say mê sáng tạo, mà còn chủ động gìn giữ và phát huy nghệ thuật múa rối nước cổ truyền của quê hương...

 

Có một điều quý giá vô cùng là trong thời đại khoa học, công nghệ ngày nay đã làm thay đổi cuộc sống bình lặng vốn có nơi thôn dã, thì nghệ thuật múa rối nước cổ truyền quê tôi như một bảo tàng lưu giữ, phản ánh chân thực, sinh động những cảm xúc thăng hoa của con người, đất đai, làng mạc cùng với tất cả những phong tục, tập quán canh tác và các dụng cụ sản xuất nông nghiệp thuở xa xưa.

Cả làng Rạch đều biết đến rối nước, nhưng điêu luyện nhất phải kể đến những người có thâm niên với cái nghề tổ để lại. Ông Đặng Văn Khuể là trưởng phường rối kể về mình từ khi còn trẻ thơ bì bõm theo các cụ xuống ao làng tập múa rối. Các cụ ngày xưa dạy tập khắt khe lắm, mùa lạnh, để chống rét cóng, trước khi lội xuống ao phải uống hết một bát nước mắm mặn chát, nếu bỏ dở, các cụ cho nghỉ tập ngay! Có khổ luyện như vậy, thì thế hệ ông Khuể bây giờ mới được bà con suy tôn thành những lão nghệ nhân rối nước của làng.

 

        

                                    Rối nước làng Rạch

 

Đã là người Nam Định, hỏi mấy ai không biết đến câu hát văn? Mà cũng tài thật, các nghệ nhân rối nước quê tôi từ xa xưa đã đưa những lời ca đầy âm sắc ấy vào các trò diễn tạo nên nét duyên dáng có một không hai. Những nụ cười hồn hậu, những tiếng hò reo sảng khoái đồng điệu của gỗ và người cứ thế xích lại tình làng, nghĩa xóm. Với hơn 40 trò rối, thì hơn 40 tiết mục biểu diễn đều tạo được phong cách khác nhau như: Tiên giáng trần, tễu xưng danh, xay thóc, giã gạo, đánh cá, cày ruộng, cáo bắt vịt… Trong nhịp chiêng, trống, sáo, nhị, các bác nông dân cùng với cày, bừa, thóc gạo, vịt gà, tôm cá “gỗ” cứ lần lượt lách mành đi ra bì bõm trên mặt nước và tiếng vỗ tay, hò reo sảng khoái vang cả một vùng quê êm ả.

Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, nghệ thuật múa rối nước làng Rạch đã từng chạy lên bờ đi tìm các ao, hồ, ở tận Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây, Nghệ An… để diễn. Nhưng, theo cụ Đặng Văn Tạng cho biết thì rối làng Rạch có một thời gian bỏ ao hồ “ngủ” khá dài trong ba gian nhà chùa của làng. Và rồi, cho đến tận khi hòa bình lập lại, rối nước làng Rạch mới bắt đầu được gột rửa lớp bụi áp bức của chế độ thực dân phong kiến hà khắc. Những bàn tay khô ráp, những ánh mắt tràn đầy hy vọng của những nghệ sĩ nông dân đã mau chóng sơn son, thiếp vàng thổi hồn cho các con rối bừng tỉnh lội xuống ao bì bõm như thuở nào trong các ngày lễ, tết, hội hè của làng trên xóm dưới trong toàn xã nhà.

Từ năm 1975 đến nay, phường rối làng Rạch luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ban, ngành tỉnh Nam Định cũng như Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Hồng Quang nên “nghệ thuật múa rối nước cấp ao làng” đã thực sự được chắp thêm đôi cánh “chuyên môn hóa” bay sang tận Pháp, Thụy Điển và một số nước Tây Âu biểu diễn. Đặc biệt nhất là từ khi đất nước đổi mới, đời sống kinh tế ngày một khấm khá, thì hơi thở của các con rối bỗng dưng  ấm dần lên trong những đôi tay nghệ sĩ làng. Với kinh phí của Nhà nước tài trợ, cùng số tiền quyên góp của tất cả các thôn trong xã, làng Rạch đã xây dựng được một thủy đình khá độc đáo cũng như tạo thêm rất nhiều con rối và các trò biểu diễn mới.

Những lúc nông nhàn, ngoài chế tác thêm những con rối để biểu diễn, các nghệ sĩ múa rối làng Rạch còn kiêm luôn việc tạc tượng, cũng như chạm khắc một số vật liệu trang trí cho các đình, chùa bán để “lấy ngắn, nuôi dài”-nuôi niềm đam mê múa rối nước cổ truyền của làng. Ông Nguyễn Văn Căn nói vui với tôi: “May quá, tháng trước vừa bán được 4 pho tượng, 6 con hạc, 8 con sư tử, 4 con rồng và 6 đôi kiếm “gỗ”, có ngót 30 triệu đồng, cho nên từ giờ đến Tết kể cả trời rét, anh em phải dầm mình xuống nước cả ngày múa rối thì chẳng cần uống bát nước mắm như các cụ xưa cũng thấy ấm cái bụng rồi”.

Những năm gần đây, gánh rối nước làng Rạch ngoài những chuyến lưu diễn xa gần còn được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời lên biểu diễn cho khách du lịch xem. Có đi biểu diễn là có thêm kinh phí, có kinh phí là phường rối có thêm hy vọng bảo tồn và phát huy rối cổ cũng như sáng tạo thêm các tích trò phản ánh hơi thở cuộc sống ngày nay.

Anh Phạm Văn Mẽ, cho tôi biết: “Thời gian tới, chúng tôi đang có dự định đưa trò máy xát gạo, máy cày ruộng, máy tuốt lúa, ô tô, tàu điện xuống nước. Dự định là như thế, nhưng điều kiện kinh phí vẫn còn eo hẹp nên phải vừa làm, vừa đợi. Vừa là nghệ sĩ, vừa là nông dân, vừa là thợ xây, bởi thế chúng tôi phải tự thân vận động là chính. Anh em trong phường chỉ vì say mê rối nên sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mời là diễn thôi, chứ có ai hòng làm giàu bằng nghệ thuật múa rối làng đâu? Các thành viên trong gánh rối chẳng bao giờ nghĩ biểu diễn để bán vé lấy tiền khán giả, chỉ tùy thuộc vào lòng hảo tâm của đơn vị, địa phương mời thôi. Số tiền được tài trợ tuy không lớn, nhưng phường rối rất trân trọng và cũng rất cần để gồng mình bảo tồn và phát huy cái nghề tổ để lại. Hơn thế nữa, có kinh phí mới có phương tiện mà đi, mà “múa” được chứ?”.

Theo như lời anh Phạm Văn Mạnh, muốn có tiền thì phải đi biểu diễn xa quê liên tục, muốn đi biểu diễn liên tục thì phải có nhà thủy đình di động, cũng như dàn nhạc cho ra nhẽ thì rối làng Rạch mới “bì bõm” vang rộn nụ cười hồn hậu, mới quảng bá được sản phẩm văn hóa truyền thống lâu đời.

 

Bài và ảnh: Tô Văn Binh

(Nguồn: Báo QĐND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: