Thứ bảy, 27/07/2024,


Những bước ngoặt cuộc đời (08/08/2008) 

'Nhiều lúc tôi nghĩ nếu không phải duyên nhau thì sớm chia tay để khỏi hệ luỵ đến ai, ở đời mức phấn đấu và sức chịu đựng có hạn đằng này bao nhiêu năm lăn lộn từ cơ quan này đến đơn vị nọ vẫn bị cái án treo chồng có vấn đề. Nhưng khổ nổi, cuộc đời ông từ tấm bé cũng vì cách mạng chẳng  phiền hà, câu nệ ấy vậy mà cứ lênh đênh mãi như con thuyền giữa biển đời sóng gió. Nhưng tôi đâu phải là người đàn bà háo danh bội nghĩa nên đành chấp nhận để khỏi mang tiếng phụ tình. Mà cũng đúng thôi ông chẳng mắc phải lỗi gì! Chẳng qua do sự tình gặp phải chuyện không may đó thôi' -  Lời bà Hoàng Thị Nhuần vợ của ông Nguyễn Văn Bộ, người trong 'kho chuyện' dưới đây tâm sự với tôi khi vừa gặp mặt.

 

               Vợ chồng CCB Nguyễn Văn Bộ khi còn trẻ.

 

            Nỗi oan từ chốn quê nhà
 

Từ khi đọc được bức thư mời tham gia kể chuyện đời tôi đăng trên báo Cựu chiến binh người cựu chiến binh Nguyễn Văn Bộ, hiện đang nghỉ hưu ngụ tại tổ 2 khu vực 7 phường Nhơn Phú thành phố Qui Nhơn, Điện thoại: 0983455172, như đất hạn gặp mưa, Ông liên tục điện thoại về các số máy của các người đại diện tủ sách tha thiết mời về nhà riêng để ông được giải bày “kho chuyện” buồn vui thời kháng chiến của mình. Nhưng vì ở xa cũng như cận tết Mậu Tý nên mãi đến ngày 10 tháng giêng nhà văn Đặng Vương Hưng mới điện cho tôi khăn gói về Qui Nhơn gặp ông.

Điều cảm nhận đầu tiên tôi được tiếp xúc với người cựu chiến binh ở tuổi 78 là tình cảm thiết tha, chân tình và cởi mở. Tôi vừa bước vào nhà theo lời hẹn trước, hai ông bà vui vẻ đón khách không có chút gì bở ngở. Ông xăn xái hướng dẫn tôi rữa tay rữa mặt, còn bà lui cui bày biện thức ăn đồ uống. Ông nói dẫu sao cũng còn ngày tết mời cháu nâng ly chúc cuộc hội ngộ đầu năm. Nhìn dáng vẻ quắc thước, tráng cao, lanh lẹ của ông khiến tôi dễ dàng nhận ra sự năng nổ của người lính trẻ năm xưa đến dường nào. Và ông không quên nhắc đi nhắc lại việc ông muốn ghi lại chuyện đời tư của mình không nhằm mục đích là muốn nổi tiếng hay nhằm mục đích phê phán điều gì. Nhưng dẫu sao cũng là cái dịp để ghi lại những kỷ niệm để lại cho con cháu hiểu về mình hơn. Và nói ra được, lòng sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn nhiều.

 

*

Nguyễn Văn Bộ sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xă Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Quê hương có đến hai lần được phong tặng danh hiệu xã anh hùng. Chính mảnh đất nầy đã hun đúc nên lòng yêu quê hương đất nước của cậu thiếu niên chân đất. Những năm 1946_ 1947, Nguyễn Văn Bộ được tổ chức phân công giữ vai trò Đội trưởng Đội thiếu niên xã Hoài Châu và tham gia vào đội thiếu niên đặc biệt bám địch nắm tình hình địch. Chính công tác đặc biệt nầy chỉ có những người trong tổ chức biết nên cũng gây không ít nghi kỵ về lập trường tư tưởng cách mạng của ông lúc bấy giờ cũng như sau nầy. Đến năm 1948 -1949 Nguyễn Văn Bộ chính thức là nhân viên địch vận của Trung đoàn 120. Do nhu cầu nhiệm vụ và khả năng hoạt bát nên năm 1950 chuyển sang nhân sự C1, D45 Quân khu V. Đến tháng 3 năm 1953, do bị bệnh sốt rét nặng không thể tiếp tục phục vụ ở đơn vị mà cần phải điều trị cho dứt điểm nên cấp trên cho ông được xuất ngũ. Trên đường đi, vì bệnh nghề nghiệp nên khi phát hiện một số thanh niên có vấn đề nên quyết bám theo bọn buôn lậu để biết thực hư như thế nào và khi công an bắt bọn nầy thì bắt luôn cả ông.

Qua thời gian theo dõi, thấy ông Bộ không có liên can gì đến vụ án nên được trả về và không kèm theo điều kiện quản thúc. Nhưng trong thời gian ông bị tạm giam để điều tra ít nhiều cũng gây một dư luận không tốt. Đây là một vết tì đầu đời để rồi nó đeo bám ông và làm cho ông nhiều khi bị nghi kỵ trong bước thăng trầm của cuộc đời.

Nhưng không vì chuyện bắt giam không có căn cứ ấy mà làm nhụt chí người chiến sỹ trẻ tuổi, về lại địa phương, ông Bộ tiếp tục tham gia công tác địa phương và được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ và ông luôn hoàn thành một cách xuất sắc. Tuy tuổi nhỏ không sao tránh khỏi những bồng bọt, tính nóng nảy, và phóng đãng nhưng nhờ sự giáo dục mực thước của gia đình căn bản có nề nếp và uy tín về gia phong nên ông đã trưởng thành khá sớm và nhận thức sâu sắc về đời sống chính trị. Tuy vậy “tì vết” thì vẫn cứ là…

 

 Đeo đuổi mãi tận phương xa đất người

 

 Một tình huống mà khi đọc lại các văn bản nhận xét về quá trình công tác của ông Nguyễn Văn Bộ mới thấy được ý chí phấn đấu vượt qua mọi thử thách trong mọi tình huống của người thiếu sinh quân. Khi hòa bình lập lại, chính quyền địa phương xét tiêu chuẩn đối tượng được đi tập tập kết rất chặt chẽ. Gia đình ông bộ là một gia đình cơ bản, cha là một bạch đầu quân Việt Minh tiền khởi nghĩa; mẹ là một mẹ chiến sỹ đảm đương, mọi thành viên trong gia đình đều tham gia cách mạng và có đến bảy người là Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam). Ông Bộ cùng một số anh em trong gia đình lên đường tập kết ra bắc với hy vọng sau hai năm theo tinh thần Hiệp định Gênve sẽ được đoàn tụ với gia đình vậy mà phải chịu kéo dài đến hai mươi mốt năm trời vào sinh ra tử.

Suốt bốn năm từ năm 1954 đến năm 1958 cậu thanh niên tháo vát Nguyễn Văn Bộ được điều về làm nhân viên bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện Việt Nam. Trong thời gian nầy là khoảng thời gian xuôi thuyền mát mái nhất đời ông. Do nhu cầu nhiệm vụ, tháng 06 năm 1958 ông Nguyễn Aí Công là anh ruột làm ở Ban Thống nhất Trung ương muốn cả gia đình tiên phong tham gia sản xuất tập đoàn miền Nam. Đó là Nông trường Sao Vàng ở Thanh Hóa, để làm gương cho phong trào thi đua.

Do tính năng nổ và tò mò học hỏi nên trong một thời gian ngắn tập lái xe chở đất đá trong núi san ủi mặt bằng nông trường, tay lái vững vàng ông được chuyển sang lái xe cho Nông trường Sao Vàng. Người cán bộ dẫn đường tỏ ra xông xáo, tháo vát lăn lội nên được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Sau khi tay lái thành thạo ông Bộ được trực tiếp lái xe riêng cho giám đốc nông trường bộ là Đại biểu Quốc hội, nên nhiều lần ông vinh dự tận mắt nhìn thấy Bác Hồ.

Ông Bộ tâm sự: Cuộc đời tôi tuy không thành đạt nhưng là người có hạnh phúc, tôi vẫn nhớ như in lần lái xe chở anh Phan Trữ, Đại biểu Quốc hội khóa 3 đi Hà Nội họp, tôi mới có dịp trực tiếp nhìn thấy Bác Hồ. Phải nói rằng cánh tài xế như chúng tôi mà được nhìn thấy Bác là niềm tự hào lắm. Một lần nữa mà chúng tôi không thể nào quên được đó là ngày mùng một Tết năm 1956, tại Câu lạc bộ Thống nhất miền Nam bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Bác Hồ đến chúc tết con em miền Nam. Cánh thanh niên chúng tôi lúc bấy giờ bàn nhau làm thế nào trong dịp nầy nắm được tay Bác. Thế là chúng tôi phân ra đứng canh các cửa trước của hội trường nhưng đến khi cuộc nói chuyện xong Bác lại ra cửa nào không ai biết, tiếc ơi là tiếc!

Một bước ngoặt trong cuộc đời Nguyễn Văn Bộ trong thời bấy giờ là việc lập gia đình. Đến nay, đã 47 năm trôi qua, ông hồi tưởng lại với những cảm xúc mộc mạc :

Tìm em năm ấy tận Sao Vàng

Dẫn tới hôn nhân quá gian nan

Duyên số hai ta trời sắp đặt

Đến giờ như thế vẫn an khang.

Vâng, tình vợ chồng vẫn chung thủy mặc dù những kỳ vọng nhiều khi vỡ mộng, chuyện vui buồn trong cuộc sống  không sao tránh khỏi những bất hòa. Nhưng trong lúc vui buồn lẫn lộn ông lại làm thơ để khuyên bảo nhau:

Em mà bảo thủ khư khư

Tư duy đổi mới kẻo hư cuộc đời

Rượu cay vì bởi men nồng       

Vợ mà biết ở buộc chồng phải theo

Sự bất hòa cảnh gieo neo

Làm cho gia cảnh thêm đau nát lòng

Nghĩ suy thấu đáo tam tòng

Sống bà thế hệ không đong cùng đầy 

Là một công nhân luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu, phấn đấu không mệt mỏi dù khai hoang sản xuất, hay tổ viên tổ lò rèn thuộc đội cơ khí đồng chí Bộ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đó là lời nhận xét công tác của ông Phan Trữ nguyên phó Bí thư đảng ủy, giám đốc nông trường quốc doanh Sao Vàng. Đến ngày 01-5-1963 ông Bộ được kết nạp vào Đảng. Đến tháng 8 năm 1963 đơn vị cử Nguyễn Văn Bộ đi học trường trung cấp cơ khí thuộc Bộ Nông trường và tiếp tục theo học Trường Sỹ quan Hậu cần thuộc Tổng cục Hậu cần.

Sau khi tái ngũ vào sư đoàn 324, Nguyễn Văn Bộ được giao giữ chức vụ Trạm trưởng sửa chữa rồi Trung đội trưởng thuộc D30, Quân khu 4. Tiêp đó là phụ trách Chính trị viên Đại đội thuộc D29…

Cuối năm 1968, D29 phối thuộc công trường 18 thuộc Cục Xăng dầu, do thiếu tá Mai Trọng Phước làm thủ trưởng chỉ huy thi công tuyến đường từ Khe Ve (Quảng Bình) qua đèo Mụ Giạ vào Na Tông đến Ka Vat (Khăm Muộn Lào), Ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Kỹ thuật xe máy Binh trạm 169 thuộc Cục Xăng dầu quản lý tuyến đường ống huyền thoại từ Vinh đến Ka Vát để phục vụ cho tuyến đường 559, thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn.

Tuy gian nan vất vả đến mấy cũng không nãn lòng trước khí thế của người chiến sỹ đang hừng hực lòng quyết tâm vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước. Nhưng có một điều mà làm cho ông tủi buồn dai dẳng đeo đuổi mãi trong tâm trí ông cho đến tận tuổi “U80”. Đó  là việc chính Nông trường Sao vàng nơi kết nạp ông vào Đảng và chuyển đảng tịch của ông về sinh hoạt đảng tại Binh trạm 169 lại là nơi ra quyết định cắt sinh hoạt đảng của ông vắng mặt. Với lý do: trong đợt chỉnh huấn và kiểm tra dân chủ ở Đảng bộ Nông trường Sao Vàng năm 1965, có người báo cáo cho rằng việc kết nạp đảng viên cho ông Bộ là không đúng tiêu chuẩn. Một việc làm hoàn toàn không đúng nguyên tắc của Đảng. Nếu như trong thời gian kiểm tra dân chủ xét thấy có vấn đề gì chưa rõ ràng thì đảng bộ lập hồ sơ chuyển đến đơn vị mới nghiên cứu giải quyết mới đúng vì ông Bộ đã được chuyển sinh hoạt Đảng hai năm rồi, đằng nầy tự ra quyết định hủy bỏ kết nạp đảng viên trong khi người ấy không còn sinh hoạt nơi đơn vị đó nữa thì không hợp lý chút nào. Còn đối với ông  trách nhiệm là một đảng viên nên bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng thể hiện vai trò tiên phong mà không hay biết việc gì xảy ra.

Một hình thức kỷ luật treo vô căn cứ như thế, đã khiến cho Đảng ủy đơn vị mới của ông Bộ cũng thấy bất hợp lý. Vì Đảng ủy nông trường ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Bộ từ năm 1965 cho mãi đến năm 1970 quyết định mới đến tay ông, trong khi đó đơn vị mới vẫn phân công công tác và ông luôn là một đảng viên gương mẫu.

Nỗi oan nầy biết tỏ cùng ai? Trước tình cảnh như vậy ông đành gởi đơn khiếu nại từ Uỷ ban Kiểm tra Đảng thuộc tỉnh ủy Thanh Hóa đến Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng và làm khó khăn đến nhiều người phải tổ chức kiểm tra ròng rã đến ba năm trời đằng đẳng.

Các cuộc thẩm tra từ lãnh đạo cũ đến nhân chứng ở địa phương Hoài Châu thì những phát hiện ý kiến về ông Bộ không đủ tiêu chuẩn vào đảng là không có căn cứ. Chúng tôi đọc lại toàn bộ văn bản cũ của các cơ sở đảng, chỉ huy lãnh đạo mới hay tâm trạng của ông ray rức là đúng thôi. Cuối cùng, mãi đến ngày 13 tháng 4 năm 1973, Thường vụ Binh trạm 169 mới ra quyết định khôi phục Đảng cho ông và được tính tuổi đảng liên tục từ năm 1963.

Giờ đây ngồi nhớ lại chuyện cũ, ông Nguyễn Văn Bộ tâm sự: Tôi không trách móc điều gì, ở đời mọi việc đều suông sẻ thì có chi phải nói, có trắc trở, có chút lẩn lộn mới giúp mình có thêm nghị lực. Nghĩ mà tội cho bà nhà tôi khi cưới nhau không được bao lâu phải làm việc ở nông trường, một thân một mình nách con dại trông chồng. Nhiều khi bà không chịu nổi nỗi nhớ thương nhưng đành ngậm ngùi im lặng.

Ông vừa nói vừa nhìn bà một cách trìu mến. Còn riêng bản thân ông Bộ trong khi bị cắt sinh hoạt đảng nỗi tủi thân không sao tránh khỏi nhưng bản thân tự đánh giá nếu chỉ vì một chút quyền lợi chính trị của mình mà lơ là nhiệm vụ là có tội với Tổ quốc, với nhân dân. Do đó, ông vẫn luôn luôn năng nổ với công việc và được các cấp chỉ huy khen thưởng có nhiều sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn như khi ở sư đoàn 324, dưới sự chỉ huy của Chủ nhiệm Hậu cần Thái Tư cho đoàn xe qua phà Thạch Cốc ở Vĩnh Linh khi lái xe lên batine vào nông trường đưa máy kéo lên được quá dốc thì trùi lại, huy động mọi ngươì ì ạch mãi vẫn không nhích chiếc xe lên dốc được.  Bằng sáng kiến dùng thân cây tre đập dập móc vào đầu xe để kéo còn đằng sau phụ đẩy thế là ông giải phóng được mặt phà còn trước đó huy động hàng trăm người dân vẫn không đẩy xuể.

Đặc biệt trong đợt thi đua lập thành tích đón mừng đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc ông là người lập thành tích kỷ lục vận chuyển xe ô tô đạt năng suất 236 tấn. Trong cái khó bó cái khôn, nhất là khi lắp đặt đường ống xăng dầu thiếu thốn đủ thứ , tuy là một trung cấp kỹ thuật nhưng ông tự mày mò, tận dụng từ cái ron con ốc để kết nối đường ống thành công. Nhất là khi đặt đương ống của Nga chi viện không thích nghi hết với môi trường dốc núi của Việt Nam nên khi bắc qua đỉnh đèo Mụ Giạ cao cao 900m thường xảy ra trở ngại. Chẳng hạn khi cho đường ống vận chuyển đồng hồ áp lực chỉ cho phép hoạt động 40 kg/cm2 nhưng ông vận dụng nguyên tắc lên đến điểm xung thì thể lỏng rơi tự do nên ông mạnh dạn cho vận hành đến 42 kg/ cm2 làm cho các chuyên gia phải thót tim nhưng cuối cùng do sáng kiến ấy mà đường ống vận hành tốt và khi vận chuyển đến đầu bên kia đồng hồ tự hạ xuống còn 25 kg/cm2 . Nhờ đó mà các đoạn sau cứ thế mà cải tiến. Sau này anh Nguyễn Ngọc Tài về nhận nhiệm vụ binh trạm trưởng binh trạm 169 thấy sáng kiến thành công nên tin tưởng giao cho ông tiếp tục cải tiến vòng bi 304 máy TC 330 của Trung Quốc làm mát bằng xăng sang làm mát và bôi trơn bằng mở.

 

“Thời ấy tuy khổ, nhưng tình đồng đội sao mà đẹp thế”

 

Cuộc trường chinh mà ông tham gia gian khổ không biết diễn tả thế nào cho hết. Dù là người lính được biên chế vận tải xăng dầu nhưng hồi tưởng lại khi ngồi với tôi ông bỗng giật mình: Trong những năm này giặc Mỹ đánh phá điên cuồng lắm. Chúng không bỏ qua một chi tiết nhỏ, nhất là những mục tiêu xăng dầu. Xây dựng tuyến ống xăng dầu từ Bắc vào Nam là một quá trình khó khăn gian khổ, hy sinh của cả quân và dân ta. Nhiều đồng đội của chúng tôi hy sinh. Còn bản thân tôi, trong chiến dịch Mậu thân nghĩ là mình đã bị chôn cùng với đường ống khi B 52 rải bom làm sập hầm. Nhưng may còn sống sót với thương tật để ngày nay còn gặp lại người thân. Nghĩ lại tinh thần quyết tâm của hàng vạn chiến sỹ xăng dầu như chúng tôi quả là một tinh thần phi thường, càng gian khó bao nhiêu tình đồng đội lúc cận kề cái chết càng cao cả bấy nhiêu. Đặc biệt hình ảnh đẹp của người thủ trưởng mãi khắc sâu trong tâm trí tôi cho đến khi lìa khỏi cuộc đời này.

Đó là anh Mai Trọng Phước, Binh trạm trưởng binh trạm 169, là người giúp cho tôi thêm niềm tin vào sự sáng suốt và công minh của đảng. Người đã hướng dẫn tôi cách thức lấy lại quyền lợi chính trị mà mấy năm trời bị mất. Chẳng những thế, khi tôi là một Trợ lý Ban kỹ thuật binh trạm, Sau những trận B52 rãi bom từ trường là phải đi kiểm tra tuyến máy.

Mỗi lần như vậy là trợ lý kỹ thuật nên tôi giành đi trước nhưng lúc nào thủ trưởng cũng bảo: Tao lớn tuổi rồi nên phải để tao đi trước.

Tôi luôn nhớ mãi lời anh dặn: Chiến tranh còn khốc liệt lắm, giặc Mỹ thâm độc lắm, chẳng những chúng thả bom, bắn roc két triệt phá ống dẫn dầu mà còn sử dụng bom bi cắt cụt chân cẳng chúng ta. Do đó các đồng chí không được chủ quan, khôn khéo cẩn trọng là hết sức cần thiết. Cho nên dù tôi đã già rồi vẫn xem anh Phước như người anh ruột thịt của mình. Với quân hàm Đại tá về hưu nhưng tình đồng đội, một tình cảm thiêng liêng gắn bó, đã từng sống chết, vui buồn mỗi khi gặp lại chiến sỹ thuộc hạ anh tỏ ra hết lòng với chiến sỹ. Anh không từ chối việc khó nào đang thiệt thòi chính đáng về quyền lợi, chính sách như chứng nhận thương tật, thương binh… Đối với tôi anh còn nhớ như in khi bị tôi bị thương quân y sỹ Nguyễn Ngọc Tuất chuyển tôi về tuyến sau, nhờ đó mà thủ tục chứng nhận thương binh cho tôi cũng dễ dàng.

Người lính Binh trạm 169 càng gặp khó khăn hơn khi dốc toàn sức lực trí tuệ đảm bảo xăng dằu cho tác chiến hiệp đồng binh chủng mùa xuân năm 1975, với phương châm kịp thời, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Trong quá trình diễn biến chiến dịch, hầu như việc liên lạc với gia đình bị cắt đứt. Do vậy chính vợ con luôn nhận những hung tin lă ông Bộ đã hy sinh. Chính những hung tin ấy mà bà Hoàng Thị Nhuần nhiều khi buồn chán nghĩ đến một tương. Mãi đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam mới chắc chắn mình còn sống về cùng vợ con.

Ngày gặp lại vợ con tôi cứ ngỡ là giấc mơ, không tin là sự thật vì những tin đồn ấy làm xôn xao dư luận trong cơ quan của bà, thậm chí lọt đến tai gia đình. Có người còn khuyên bà nên đi bước nữa vì tuổi đời còn quá trẻ. Nhưng bà nhất định ở vâỵ nuôi con. Nghĩ lại chuyện ấy tôi càng thương bà hơn.

Ông vừa nói chuyện với tôi vừa nhìn bà một cách trìu mến. Chuyện tình nghĩa vợ chồng như thế âu cũng do hoàn cảnh chiến tranh, vào sinh ra tử là lẽ thường tình.

Trong lúc chuyện trò rôm rã, bà Nhuần cũng tranh thủ trút bầu tâm sự: Chuyện cực khổ mấy tôi cũng chịu đựng nổi chẳng bao giờ phiền hà hay than trách điều gì vì thời buổi chiến tranh mà. Nhưng nỗi buồn lớn nhất trong đời tôi có lẽ cũng là quyền lợi chính trị. 12 năm công tác ở nông trường Sao Vàng từ khâu sản xuất ở xưởng đường nông trường đến khi đi học đánh máy về làm nhân viên đánh máy phục vụ phòng hành chính, lúc nào tôi cũng  phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dược giao.

Vừa nói bà vừa mở tủ lôi ra một cuộn giấy vo tròn to như ống nước loại lớn, toàn là giấy khen, bằng khen, huân huy chương, giấy chứng nhận lao động tiên tiến… đủ loại của cả hai vợ chồng cho tôi xem. Và bà tiếp tục tâm sự: Cháu nhìn xem, tuy trong lúc chồng ra trận tôi ở nhà một nách hai con, vừa công tác vậy mà năm nào cũng được khen thưởng hết cấp nầy đến cấp nọ. Thậm chí do nhu cầu lúc đó rất cần nhân viên đánh máy có tay nghề cao, tôi được rút về Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa để phục vụ văn phòng. Đặc biệt những hồ sơ trọng yếu các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều tin tưởng giao cho tôi thực hiện. Nhiều lần tôi được cơ sở Đảng giới thiệu đi học các khóa cảm tình Đảng nhưng lúc ở nông trường thì vấp phải chuyện chính trị chồng có vấn đề. Khổ thân tôi không hả cháu? Mục đích phấn đấu tu dưỡng cuối cùng của con người là quyền lợi chính trị thế mà vẫn trôi qua thời gian! Còn khi chuyển về văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, nỗi oan của chồng đã được thanh minh, tôi đuợc xem xét thì nghiệt một nổi người giữ hồ sơ chuyển công tác làm thất lạc tôi đành trở lại từ đầu. Trong lúc nầy cũng là lúc niền Nam được giải phóng tôi chuyển công tác về quê chồng ở tỉnh Nghĩa Bình, ra đi trên tay với một tờ giấy giới thiệu là một cảm tình Đảng đề nghị đơn vị mới tiếp tục theo dõi giúp đỡ. Như cháu biết đấy quá trình theo dõi giúp đỡ ở một đơn vị mới chân ướt chân ráo không dễ chút nào nên đành cảm tình mãi cho đến lúc về hưu. Nghĩ lại bao nhiêu năm cống hiến chỉ một sự lầm lẫn mà chịu thiệt thòi cả đời người. Thôi thì số mình có thế đành chịu, giờ tuổi già được sống gần chồng con chăm sóc cháu cũng hạnh phúc rồi.

Nhìn gương mặt bà vẫn hằn lên nỗi buồn miên viễn.

Sau khi giải phóng bà Nhuần được chuyển về công tác tại Ty Thương nghiệp tỉnh Nghĩa Bình. Trong chuyến đưa vợ con về Nam đầu tiên cũng hết sức gian nan. Gia tài sau 21 năm tập kết mang về chỉ vỏn vẹn có một chiếc xe đạp cả tàng được phân phối cho bà, một bao tải to đùng nào là mền mùng chăn chiếu và một chiếc va ly đựng quần áo bánh kẹo làm quà. Vì hành lý kềnh càng nên phải trả tiền xe đò rất nặng. Nghiệt nỗi lúc bấy giờ đón được chiếc xe chạy suốt Bắc- Nam không phải dễ. Thế mà khi xe đổ bến Qui Nhơn lui cui mang xuống xe chỉ có bao tải tạp nham và chiếc xe đạp còn chiếc va ly gọi là “của quý” ông bà lại bỏ quên trên xe, nên rốt cuộc họ đã trở về quê với bàn tay trắng, mọi thứ  phải sắm lại từ đầu!

Sắp xếp cho bà có chỗ ăn ở làm việc ổn định, ông phải trở về đơn vị vì lúc nầy ông là Trưởng Ban vận tải Binh trạm 169 Cục Xăng dầu sau đó chuyển công tác sang Cục Hậu cần. Tuy là đất nước được thống nhất nhưng ông phải chịu xa vợ con thêm 02 năm nữa đến tháng 09 năm 1977 mới được chuyển ngành về làm Phó phòng Kho vận Công ty Thực phẩm Nghĩa Bình và sau đó được phân công làm Trạm trưởng Xí nghiệp ô tô Sở Thương nghiệp tổng hợp tỉnh Nghĩa Bình mãi đến năm 1993 về hưu.

Với bản chất người lính nên khi còn khoát áo lính cũng như chuyển qua ngành dân sự ông vẫn luôn dặn lòng mình trung thành với Đảng với Tổ quốc và nhân dân không hề tơ tưởng tham lam dù là một cây kim một sợi chỉ. Do đó những nhân viên thuộc quyền ông lúc đương chức là thủ trưởng ky bo. Nhưng công việc không phải lúc nào cũng suông sẻ, nhất là trong khâu quản lý kinh tế vì nhiều lần ông tự đánh giá năng lực làm kinh tế của mình còn nhiều hạn chế. Có một trường hợp xảy ra ngoài ý muốn khi ông làm ở công ty vận tải thương nghiệp, tàu nhập xăng dầu về đơn vị không đủ đồ chứa, là người lính chuyển ngành nên ông dễ liên hệ với quân đội để mượn bồn chứa tạm trong khu vực quân đội quản lý. Nhưng không may chiếc bồn bị hoen rỉ mà không phát hiện được khi trữ nhiên liệu bị hao hụt nên cũng không tránh khỏi dị nghị về việc thất thoát tài sản, khi đoàn thanh tra vào cuộc mới làm rõ nghi kỵ nầy.

Với cương vị là một thủ trưởng của một xí nghiệp có liên quan đến tài sản Nhà nước vì lúc nầy mọi thứ đều quốc doanh hóa. Nếu để thất thoát một giọt xăng dầu là có tội với Nhà nước. Nên việc xuất nhập nhiên liệu mà không quản lý chặt, không tính toán kỹ và đánh giá chất lượng mỗi loại xe để cấp phát thì sự thất thoát là không cùng. Nhưng lợi thế của bản thân có nhiều năm phụ trách kỹ thuật nên hiện tượng “chảy máu” được hạn chế đến mức thấp nhất. Trong vai trò nầy không sao tránh khỏi sự chỉ đạo vượt quá nguyên tắc bị ông khước từ vì vậy nhiều lúc không được vừa lòng cấp trên. Đặc biệt trong thời bao cấp chuyện thường ngày xảy ra của cánh “giặc lái” là ăn xén xăng dầu vì đời sống lúc bấy giờ  cực kỳ khó khăn. Để tránh hiện tượng tiêu cực nầy ông đưa ra biện pháp là khen thưởng cao cho cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và quan tâm giúp đỡ công ăn việc làm cho người nhà của nhân viên nên mọi người trong cơ quan rất quí mến ông. Hơn thế nữa trong giới tài xế ông quan tâm chính là đạo đức và tay nghề không phân biệt đối xử với những người tham gia ở chế độ cũ nhờ vậy mà ông cảm hóa được số người nầy phục vụ tốt cho công việc chung như anh Nguyễn Thượng Phúc ở Quảng Ngãi là một điển hình cho số người theo chế độ cũ mà lúc nào cũng hoàn thành xuất sắc công việc và là người lái xe an toàn nhất trong cơ quan. Một lời nhận xét của anh em tài xế mà ông lấy làm hạnh phúc nhất khi đã nghỉ hưu là: Khi còn đương chức chở thủ trưởng trên xe, xe nặng hàng trăm tấn nhưng khi nghỉ hưu rồi thủ trưởng ngồi trên xe nhẹ lắm. 

Nỗi buồn còn sót lại

 

Thôi thì mọi việc cũng đã qua, cuộc chiến tranh dai dẵng cũng kết thúc trên 30 năm rồi; đồng đội chiến trường xưa người  còn người mất,chuyện vui buồn gặp phải qua một đời người âu cũng là số phận cả.

Thất thập tuổi đời bốn mươi tuổi đảng

Trung, hiếu, nghĩa, tình giữ nếp vàng son 

Ông nói thế rồi nâng chén rượu hải sâm vàng ngậy mời tôi cạn chén. Rồi ông đọc tiếp:

Tuổi già mọi thứ già theo

Tai ù mắt kém chân xiêu lưng còng. 

Nhưng nhìn sâu trong mắt ông tôi thấy còn hiện ra một nỗi buồn đau đáu mà ông không muốn nói ra. Bỗng dưng đứa cháu nội 10 tuổi chạy đến sà vào lòng ông. Nhìn thằng cu èo uột ông không cầm nổi nước mắt, rồi tâm sự: Dù cố an ủi chính mình là gia đình hạnh phúc bởi lẽ có than thân trách phận gì cũng chẳng có lợi chi mà còn làm buồn lây đến cả gia đình vợ con nên cứ âm thầm chịu đựng; chứ thực tình mà nói thì vợ chồng  tôi còn sót lại một nỗi buồn về con cái. Nói đến đây ông lặng thinh đưa cặp mắt nhìn về phía xa xôi như muốn hồi tưởng về một điều gì còn ẩn khuất. Tiếp thêm một chén rượu nữa rồi ông kéo theo một tiếng thở dài, ông thủ thỉ: Vợ chồng tôi có với nhau được hai mặt con trai. Thằng con cả thì lành lặn lắm, từ nhỏ đến lớn nó vuông tròn không có gì lo ngại, Quả là đúng với cái tên của nó là Nguyễn Thanh Bình. Nó học xong Phổ thông rồi đi nghĩa vụ ở chiến trường Cam Pu Chia đến ngày xuất ngũ trở về lập gia đình, nay đã có được hai cháu đang sống và làm việc ở thành phố Qui Nhơn. Tuy nghề nghiệp không cao sang gì nhưng cũng có đời sống ổn định nên tôi không lo ngại cho mấy. Tội nghiệp cho thằng thứ hai sinh năm 1970. Đây là đứa được mang bầu trong chuyến về thăm nhà tranh thủ khi đương là người lính xăng dầu đang vật lộn với bao khó khăn gian khổ nhất.

Vừa nói đến đây, một anh tráng niên ngoài cổng bước vào ngã mũ chào chúng tôi, ông Bộ gọi anh ngồi bên cạnh. Tôi trông anh không được bình thường, nhìn gương mặt thoáng thấy hiền hiền nhưng pha chút đờ đẩn, cặp mắt hơi bị xếch, giọng nói hơi khó khăn.

Ông Bộ bắt đầu câu chuyện: Đây là cháu Nguyễn Thanh Định đứa con trai thứ hai mà tôi đang nói chuyện. Phải nói thật nó là đứa gánh hết bệnh tật cho gia đình và cũng vì vậy mà gia đình tôi dốc hết những gì tích cóp được mấy mươi năm để chạy chữa cho nó. Cháu phát bệnh lúc mới hai tuổi, đưa cháu đi chữa trị khắp các bệnh viện trong cả nước đến mức lúc nầy  ai nói gì là nghe nấy. Thậm chí họ bảo thằng Định bị ma bắt phải chạy thầy cúng giải tôi cũng làm theo quả là điều tôi không tin bao giờ thế mà vẫn thử cơ may miễn sao cứu cho được mạng sống của nó. Cuối cùng các bác sỹ kết luận do ảnh hưởng chất độc màu da cam nên bị chứng tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn hành vi, thần kinh ngoại biên cấp và mãn. Nhưng nghiệt một nỗi, biết thì biết thế còn việc để được công nhận cháu là nạn nhân của chất độc da cam thì vợ chồng tôi mù tịt.

Nói đến đây ông đứng dậy mở tủ lấy ra một tập hồ sơ bệnh lý dày cộm từ bệnh viện đa khoa Qui Nhơn, bệnh viện tâm thần, bệnh viện Chợ Rẫy đến các bệnh viện ngoài Bắc trong Nam tôi nhìn mà rùng mình. Ông lật từng tờ rồi cười chua xót tôi là người được mệnh danh kỷ lục ở bệnh viện đúng quá phải không cháu? !

Là một thương binh loại A 3/4 đã về hưu mà chẳng được hưởng một chút thảnh thơi tuổi già, nhìn ông mà lòng tôi như xát muối. Ông đưa cho tôi xem hai tờ chứng nhận của hai vị đại tá về hưu là đại tá Nguyễn Quế Dương nguyên là cán bộ thông tin của công trường 18 thuộc cục xăng dầu và đại tá Mai Trọng Phước, nguyên là chỉ huy trưởng công trường 18 thuộc cục xăng dầu, là binh trạm trưởng binh trạm 169 phục vụ xăng dầu cho tuyến đường 559 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn đều có cùng chứng nhận ông Bộ là một Trợ lý kỹ thuật thuộc D29 sáp nhập vào công trường 18 biên chế vào binh trạm 169 là Trợ lý kỹ thuật thuộc Ban kỹ thuật luôn được phân công trên tuyến đường từ đèo Mụ Giạ qua Cha Lo (cây số 050) sang đất Lào (Na Tông, Ka Vát thuộc tỉnh Khăm Muộn. Đây là khu vực là đoạn đường giặc Mỹ rải rất nhiều chất phát quang. Chính nhờ những lời chứng nhận sự thật nầy mà mãi đến năm 2006, người con trai Nguyễn Thanh Định của ông Bộ mới được công nhận là bệnh nhân ảnh hưởng chất độc da cam với số tiền phụ cấp 238.000 đồng/ tháng. Bây giờ tuy Định cũng có vợ con nhưng với cái bệnh nghiệt ngã nầy thì không ai dám chắc tương lai nó như thế nào. Mọi công việc trong nhà ngoài đồng đều do hai bàn tay gầy guộc của cô vợ hiền thục đảm đương trông mà tội nghiệp. Vả lại nhìn thằng cu ốm yếu hồn nhiên quẩn quanh bên ông nội càng thấy căm ghét cuộc chiến tranh tàn khốc do đế quốc Mỹ gây ra.

 Có lẽ hơn ai hết cuộc đời của vợ chồng ông Nguyễn Văn Bộ thấy rõ một di chứng của chất độc da cam mà kẻ thù gieo rắc trên sự sống của bao thế hệ con người Việt Nam. Ông Bộ đứng phắc dậy chỉ đứa con trai mình rồi nói to: Nạn nhân của chất độc phản quang sờ sờ ra đó mà bọn chúng phủ nhận, che giấu tội ác của mình quả là lòng lang dạ thú. Rồi từ trạng thái căm giận ông lại chuyển sang trạng thái trìu mến yêu thương, ông kể lại chuyện vô tình khi xem tivi mới phát hiện ra thủ trưởng Mai Trọng Phước của mình năm xưa, xúc động và hồi hộp ông làm bài thơ chưa có địa chỉ để có cơ hội hàn huyên. Và quả vậy ông lần tìm ra đến thủ đô tìm gặp cho bằng được nhà anh Phước để trút bầu tâm sự và nhờ đó mà thủ tục để được chứng nhận Định là một nạn nhân của chất độc da cam.

Cuộc đời của ông Bộ qua nhiều bước ngoặt, cho chúng ta một cái nhìn ở góc độ nhân văn quả là điều cần suy nghĩ. Cái giá của hạnh phúc cuối cùng chính là sự đấu tranh để vượt qua thực tế và chính bản thân mình. Nhờ thế mà giờ trở về sống nơi quê kiểng vẫn thảnh thơi và tự hào cuộc đời thanh bạch mà ông giữ được cho đến hôm nay. Sống trong một ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng, tường vách nứt nẻ, mái ngói ngàn sao, sẻ chia với cơn bệnh quái ác của người con trai thứ và động viên đứa con dâu hiền thục, phụ trông nôm cháu nội mà lòng vẫn một mực tin yêu sự thành công trong công cuộc đổi mới của Đảng là một gương sáng để con cháu tự hào về người ông người cha của mình. Với những gì ông đã làm và giữ được đối với ông cũng là niềm tự hào cho gia đình và bản thân.

Chứng minh những thành tích mà vợ chồng ông đã đóng góp cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc chính là những huân, huy chương kháng chiến và chiến thắng các hạng của Nhà nước và Chính phủ – Những kỷ vật của cuộc kháng chiến nhiều gian khổ hy sinh. Dù cuộc đời có nhiều bước ngoặt thăng trầm nhưng ông vẫn trân trọng nhất là Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng được tặng vào năm 2004. Là một thương binh, một cựu chiến binh, một cán bộ về hưu tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn hăng hái tham gia hoạt động của các tổ chức địa phương nên năm nào cũng được Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc các cấp tặng giấy khen. Đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng, ông luôn thẳng thắn đâú tranh chống lại những tệ nạn, những thói hư trong nội bộ. Nhiều khi phát hiện trong nội bộ có vấn đề tiêu cực là ông đấu tranh thẳng thắn không bao che. Vâng những điều ông trăn trở, những chuyện buồn vui của đời người, Những gì còn - mất trong ông là thế. Điều quan trọng nhất chính là bản lĩnh sống của con người. Ông là người như thế đấy. Và cuối cùng ông chỉ có một điều mong đối với con cháu :

 Ba mẹ năm nay đã già rồi

 Chỉ mong hạnh phúc các con thôi

 Kính trên nhường dưới cho trọn đạo

 Tu tâm rèn đức xứng ở đời.

 Chia tay ông tôi vẫn còn canh cánh mãi hình ảnh ông phụ khiêng chiếc giỏ rau đặt lên xe để cho cô con dâu chở ra chợ bán và không quên nhắc nhở: cẩn thận con nhé./.           

        Nguyễn Tấn Hỷ      

(Bình Định - Kon Tum, 2000)

 

                             

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: