Thứ ba, 22/10/2024,


Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX - Cần hai chữ công tâm (08/08/2009) 

Mục đích của Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX là đánh giá những thành tựu, cũng như dự đoán những khuynh hướng của thơ...

 

“Một thế kỷ đi qua, người ta phải nhìn đất nước ở mọi mặt, ngành nào cũng đã có tổng kết. Văn học cũng vậy. Đã đến năm thứ 9 của thế kỷ XXI thì Hội Nhà văn không thể lùi thêm được nữa. Mục đích của Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX là đánh giá những thành tựu, cũng như dự đoán những khuynh hướng của thơ...” - Nhà thơ Vũ Quần Phương (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thơ, thành viên nhóm tuyển chọn Tuyển tập thơ Việt Nam thế kỷ XX, cho biết.

 

* Thưa ông, mục đích ra đời tuyển tập này là gì?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Mục đích đưa ra đặc điểm thơ của thế kỷ XX là đánh giá những thành tựu, dự đoán khuynh hướng của thơ... Từ đầu đến cuối thế kỷ này, nước ta có nhiều biến chuyển về văn học: từ lúc viết bằng chữ nôm, chữ Hán đến chữ quốc ngữ...; từ thơ đường, bát cú, tứ tuyệt, lục bát, qua cầu biến đổi của thơ mới, sang thơ hiện đại. Tư tưởng, tình cảm của người dân cũng nhiều thay đổi. Nên việc nhìn lại thơ thế kỷ này cũng có nhiều thú vị. Về mặt học thuật cũng rất đáng được nhìn lại.

 

* Vậy "Tuyển thơ Việt Nam thế kỷ XX" được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hiện nay chúng tôi có 3 phương án tuyển chọn: quy mô hẹp (khoảng 100 nhà thơ), quy mô trung bình (200 nhà thơ) và quy mô mở rộng (500-600 nhà thơ)... Nếu chọn theo quy mô rộng thì sẽ làm vui lòng tác giả, còn nếu chọn theo quy mô hẹp thì sẽ làm vui lòng độc giả. Nếu tuyển tập khoảng 100 người thì trước mỗi tác giả sẽ có một lời nhận định ngắn về thơ của tác giả đó, nếu con số tác giả lên tới khoảng dăm sáu trăm người thì không thể làm được, nhưng chí ít cũng phải có một chút thông tin về tiểu sử. Mỗi tác giả sẽ có hai tác phẩm được đưa vào. Đối với những trường hợp đặc biệt cần thiết, để tránh sự khó xử cho người tuyển chọn thì ban tuyển chọn sẽ bỏ phiếu kín.

 

* Vậy, việc xét tuyển sẽ được dựa trên những tiêu chí nào?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Có 4 tiêu chí về nội dung: Yêu nước, cách mạng, dân tộc và nhân văn; còn tiêu chí về nghệ thuật thì đó phải là những bài thơ hay. Còn hay cụ thể như thế nào thì ban tuyển chọn sẽ ngồi lại với nhau bàn bạc. Tuy nhiên, các khái niệm về yêu nước cũng không hề đơn giản và cũng có những vấn đề cần phải được nhìn nhận lại, có những trường hợp cũng phải tham khảo ý kiến của các nhà sử học. Hay tiêu chí về dân tộc là giữ truyền thống nhưng cũng phải biết đổi mới. Cứ giữ khư khư truyền thống, cổ điển cũng là cực đoan.

 

* Như vậy thì những người tham gia ban tuyển chọn cũng phải có những tiêu chuẩn để đánh giá chính xác?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Những người tuyển chọn phải công tâm, trình độ thẩm mỹ thơ cao. Trong đó, yếu tố về đạo đức rất quan trọng: phải nói thẳng với nhau chứ không thể tuyển chọn vì chiều nhau. Nếu trong trường hợp khó nói thẳng thì nên bỏ phiếu kín để đánh giá. Nhưng về vấn đề trình độ rất khó: mỗi người có một sự  tu dưỡng nghệ thuật khác nhau, không ai dám tự đảm bảo rằng tôi là chính xác cả. Làm thế nào để đạt đến chất lượng tối ưu chứ đạt đến độ hoàn hảo thì khó.

 

* Có ý kiến cho rằng, nên chọn cả những tác giả ở ngoài Hội Nhà văn. Quan điểm của ông thì sao?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thực ra đã làm điều này rồi, như: Giáng Vân, Trần Vàng Sao, Đặng Đình Hưng, Việt Vương, Hoàng Hưng... là những người không phải là hội viên của Hội.

 

* Được biết, nhiều tác giả trong Thi nhân Việt Nam sẽ không có mặt trong tuyển chọn, có nghĩa sự đánh giá của những người đi trước với ban tuyển chọn hiện nay có sự chênh nhau?

 

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Chắc chắn, sẽ có những tác giả của Thi nhân Việt Nam không có mặt ở đây, kể cả dù có chọn theo danh sách mở lên tới 600 người. Chúng tôi không lấy đánh giá của riêng ai làm chuẩn cả. Nếu cụ Hoài Thanh còn sống có khi cụ cũng đánh giá lại, vì hiện nay còn một nhà thơ của Thi nhân Việt Nam còn sống nhưng có ai nhắc đến đâu. Cũng không tránh được có những đánh giá chưa chính xác, nên không thể lấy đánh giá của cụ Hoài Thanh làm chuẩn. Ví dụ như Phan Thị Thanh Nhàn trước đây có bài “Hương thầm”, hay Minh Huệ với “Đêm nay Bác không ngủ”...; nhưng hiện nay chúng tôi còn phải xét xem ngoài tác phẩm này ra có tác phẩm nào khác hay hơn không, nếu không có thì mới lấy lại tác phẩm này. Nếu nhóm tuyển chọn mà chọn được bài khác hay hơn bài cũ thì đáng khen đấy chứ. Phải lấy con mắt của người ở năm thứ 9 của thế kỷ XXI để nhìn lại. Có những tác giả trong Thi nhân Việt Nam, khi chúng tôi xem lại thì thấy không lớn như mình nghĩ.

 

* Xin cảm ơn nhà thơ!

 

Ngọc Khánh thực hiện

(Nguồn: Báo TNVN)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: