Thứ ba, 08/10/2024,


Vì sao Nguyễn Long chưa được vào Hội nhà văn? (05/08/2009) 

Nguyễn Long là tác giả bài thơ  Lục Bát“Thường dân” được khá nhiều người yêu thơ đồng cảm:

“Đông thì chật, ít thì thưa

Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân.

Quanh năm chân đất đầu trần

Tác tao sau những vũ vần bão giông.

Khi làm cây mác cây chông,

Khi thành biển cả khi không là gì!

Thấp cao đâu có làm chi

Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi.

Ăn của đất, uống của trời

Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin.

Ồn ào mà vẫn lặng im

Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn.

Chỉ mong ấm áo no cơm

Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành.

Hòa vào trời đất mà xanh

Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”.

 

Thế nhưng, lâu nay dư luận cứ xầm xì chuyện Nguyễn Long không được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam vì đã… đút lót nhà văn Phan Thị Vàng Anh - Ủy viên Ban chấp hành và bị trả lại “tang vật”. Thực hư như thế nào? Tác giả Phan Hà ở Hội văn nghệ Thái Bình thử đi tìm câu trả lời.

Tác giả Nguyễn Long (Thái Bình) được Hội đồng thơ bỏ phiếu đề nghị Ban chấp hành Hội nhà văn xét kết nạp từ năm 2003. Từ đó đến nay đã 5 năm và mỗi năm một lần Hội đồng thơ đều bảo lưu danh sách đã đề nghị nhưng chưa lần nào Nguyễn Long vượt qua được cái vũ môn của BCH nên vẫn chưa được vào Hội.

Nguyễn Long được nhiều người làm thơ và yêu thơ cả nước biết đến bởi từ bảy tám năm trở lại đây anh có những chùm thơ lục bát khá hay đăng trên báo Văn nghệ, báo Thơ, tạp chí Thơ của hội Nhà văn và một số tờ có uy tín văn chương khác như tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Tiền phong chủ nhật... Nhưng dấu ấn đậm nét nhất là chùm thơ “Thường dân” của anh đoạt giải A cuộc thi thơ lục bát Báo Văn nghệ trẻ năm 2003. Cùng năm đó anh được tặng giải C của UBTQ các Hội VHNT Việt Nam cho tập thơ cũng có tên là “Thường dân”. Thời đó tặng thưởng hàng năm của UBTQ còn cả các hội viên chuyên ngành trung ương tham dự nên những người chưa phải là hội viên rất ít khi được vào giải. Ví dụ về thơ năm ấy có 8 người được giải thì 7 người là hội viên Hội Nhà Văn như: Đồng Đức Bốn, Vũ Quần Phương, Lê Thị Mây, Nguyễn Thị Hồng... chỉ có mỗi Nguyễn Long chưa phải là hội viên. Nói vậy để thấy thơ của Nguyễn Long không hề thua kém nhiều người đã vào Hội. Khi đánh giá về thơ lục bát Nguyễn Long hầu hết các thành viên trong Hội đồng thơ và một số nhà thơ làm biên tập thơ ở một số báo đều có chung những lời khen ngợi. Nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Thơ Nguyễn Long bộc lộ một cảm xúc sâu nặng với người dân quê vất vả lam lũ, ý  thơ không mới nhưng có nhiều câu chững chạc, khái quát cao, có sức ám ảnh người đọc” (Văn nghệ trẻ 15/6/ 2003). Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho rằng: “Có nhiều ngưòi làm thơ lục bát nhưng Nguyễn Long đã tạo cho mình một dòng chảy riêng không lẫn với người khác..., thơ Nguyễn Long thường đi vào cảnh ngộ thân phận nên dễ xúc động lòng người” (VNQĐ tháng 11/ 2003). Nhà thơ Trần Nhuận Minh bảo Thơ Nguyễn Long đọc rất ấn tượng. Các nhà thơ như Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Anh Thái,  Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Hữu Quý cũng đã nhiều lần chọn giới thiệu thơ Nguyễn Long trên các báo Văn nghệ trẻ, Tiền phong, Văn nghệ QĐ, QĐ nhân dân. Ngay nhà thơ Trần Đăng Khoa chưa gặp Nguyễn Long nhưng khi trao đổi với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi qua điện thoại cũng nhận xét thơ lục bát Nguyễn Long có khá nhiều bài hay...

Có một điều nữa là: trong hơn chục năm trở lại đây khi bạn đọc và cả nhiều người yêu văn chương thờ ơ với thơ thì bài thơ Thường dân của Nguyễn Long lại được đón nhận như là một hiện tượng. Sau khi được giải, bài thơ này được rất nhiều người giới thiệu và bình trên các báo Trung ương và địa phương. Từ báo Thơ đến Văn nghệ trẻ, Tiền phong, Lao động, Nhân dân chủ nhật, Nông nghiệp VN, Khoa học đời sống... rồi đến báo của các Tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Nghệ An, Lâm Đồng, tạp chí Văn (TP Hồ Chí Minh), Văn nghệ Đất tổ, tạp chí Sông Lam, Văn nghệ Thái Bình... Riêng ở tỉnh Nghệ An bài thơ còn được giới thiệu ở rất nhiều tờ nội san của các nghành như Công đoàn, Thanh niên, Bảo hiểm xã hội và cả tới huyện uỷ Thanh Chương nữa. Thế cho nên mới có câu chuyện vui: Cách đây mấy năm đoàn anh em văn nghệ Thái Bình đi giao lưu thực tế sáng tác ở mấy tỉnh miền Trung. Trước khi đi nhà văn Đức Hậu có gọi điện cho nhà thơ Lê Thái Sơn lúc đó còn làm chủ tịch Hội Nghệ An. Anh Sơn nói nửa đùa nửa thật là phải đưa Nguyễn Long vào vì anh em trong này muốn gặp mặt “Thường dân”, nếu không có “Thường dân” đi theo, Nghệ An sẽ không tiếp đoàn Thái Bình. Qủa thật ít có bài thơ nào được nhiều người đọc và thuộc như thế. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo có một lần ngồi với ông Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, ông Tuyển đã thuộc và đọc lại bài thơ này. Hoạ sỹ Đỗ Ngọc Dũng chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ cũng kể dân Phú Thọ không mấy người yêu thơ là không thuộc Thường dân, chính bản thân ông đã phải phô tô mấy trăm bản bài thơ vì nhiều người hỏi xin quá. Còn nhạc sỹ Thái Dương ở Thái Bình lại kể vì làm nhạc nên không chú ý đến thơ, nhưng một lần sang Hưng Yên ông thấy ở một nhà văn hoá Huyện, bài thơ Thường dân được phóng to treo trên trang trọng trên tường làm ông sửng sốt vì không ngờ bài thơ được mọi người tỉnh ngoài hâm mộ đến thế. Xung quanh bài thơ còn khá nhiều chuyện vui buồn nên đã được  một số trang Web như lucbat.com, phongdiep. net, vicongdong, dongiantoilatoi, và nhiều blog của các nhà thơ nhà báo ở nhiều vùng khác nhau như Dư Hồng Quảng (Phú Thọ), Nguyễn Thuý Quỳnh (Thái Nguyên), Trương Thiếu Huyền (Quảng Ninh)... đã giới thiệu bài thơ này. Ngày còn sống, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi bảo ít thấy bài thơ nào đi vào được mọi ngõ ngách cuộc sống như bài thơ Thường dân.

Ngoài làm thơ Nguyễn Long còn viết văn xuôi. Truyện ngắn anh viết chưa nhiều, số lượng có thể đếm trên đầu ngón tay nhưng đã có vài truyện được đăng trên báo Văn nghệ và Văn nghệ Quân đội. Đặc biệt truyện ngắn “Bóng thiền” của anh năm 2005 in báo Văn nghệ sau đó được chọn là một trong 10 truyện ngắn hay trong năm, cùng đợt với “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Tuy không phải là giải thưởng nhưng đó cũng là điều mơ ước  của nhiều người cả đời chuyên tâm với văn xuôi.

Thiết nghĩ một người đã có những thành tựu về thơ và truyện như trên và được các nhà thơ có tên tuổi là Nguyễn Bùi Vợi và Quang Huy giới thiệu vào Hội nhà văn thì việc được kết nạp là xứng đáng. Vì có khá nhiều người đã là nhà nhà văn, nhà thơ mà người yêu văn thơ cả nước vẫn không biết tên tuổi.

Song việc xét kết nạp Nguyễn Long 5 năm liền không qua được cửa ải Ban chấp hành Hội Nhà Văn, nghe đồn toàn những chuyện vô căn cứ. Có lần nghe mọi người bảo vì Nguyễn Long đưa tiền cho bà Phan Thị Vàng Anh để xin vào Hội nên bị Ban chấp hành để lại. Có lần lại nghe bảo Nguyễn Long bị một nhà văn ở Thái Bình kiện vì không đủ tư cách vào Hội. Tất cả chỉ nghe loáng thoáng như vậy chứ không ai biết thực hư thế nào. Những người làm văn chương thân quen với Nguyễn Long đều cho rằng những điều nói về anh như trên là sai sự thực. Nguyễn Long làm ở tạp chí Văn nghệ Thái Bình hơn mười năm nay cách sống với mọi người không có điều gì phải chê trách. Bản thân anh không bon chen với ai, không thích cậy nhờ, lợi dụng ai, và không phải là người 'máu mê' với việc vào Hội. Nguyễn Long nộp đơn xin vào Hội Nhà Văn, ngay năm đầu tiên đã qua được Hội đồng thơ nhất trí với số phiếu khá cao. Với Ban chấp hành, kể cả khoá trước anh hầu như không quen biết và không đi lại quan hệ với ai. Riêng với ông chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh, anh đã gặp một vài lần trong những cuộc trao giải và hội họp nhưng chưa bao giờ anh gặp riêng ông và xin ông vào Hội. Việc anh gủi sách biếu và gọi  điện đến các uỷ viên BCH cũng là nhờ nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, những người thân với anh thúc giục. Riêng với bà Phan Thị Vàng Anh, vì chỉ biết bà ở TP Hồ Chí Minh mà không biết địa chỉ nên anh gửi một người quen ở trong đó tìm gửi giúp. Sau này nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mới hỏi thăm và biết bà ở ngoài Hà Nội lại giục anh gọi điện cho bà ở ngay máy nhà anh Khơi. Đối với những người có trọng trách trong việc kết nạp Hội viên là chủ tịch Hội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó chủ tịch, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Trần Đăng Khoa phụ trách công tác Hội viên, cả ba ông đều ở Hà Nội thuận tiện cho việc tiếp xúc mà anh chưa một lần gặp gỡ xin xỏ. Cho đến giờ chắc chắn ông Thỉnh cũng chẳng nhớ, còn hai ông thì càng không biết mặt mũi Nguyễn Long thế nào. Vậy thì việc gì anh phải 'chạy cửa' bà Phan Thị Vàng Anh? Về việc này, nhà thơ Tô Ngọc Thạch ở Hải Phòng đã một lần đề nghị Ban Kiểm tra Hội Nhà Văn làm rõ sự việc để Nguyễn Long khỏi bị tiếng oan, và Ban Kiểm Tra trả lời là không có cơ sở gì để nói việc đó là có thật. Còn việc Nguyễn Long bị đơn kiện về những điều gì thì cũng không ai được biết cụ thể. Năm ngoái một số cán bộ Hội VHNT Thái Bình lên Phú Thọ dự Hội nghị VN8 gặp nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, được nghe ông kể lại: chính ông Nhàn nói với ông Hữu Thỉnh là Hội Nhà Văn mà không kết nạp Nguyễn Long thì thật bất công. Ông Thỉnh bảo vì có một nhà văn có tên tuổi ở Thái Bình kiện Nguyễn Long (Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn có nói lại rõ tên người đó, nhưng vì là chuyện truyền miệng nên không tiện nêu ra đây) nên Nguyễn Long không qua được Ban Chấp Hành. Lại cũng vẫn là chuyện khẩu thiệt vô bằng chẳng biết đâu là đúng sai cả...

Cố nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi khi còn đang nằm trên giường bệnh, nghe tin Nguyễn Long không được kết nạp, ông đã khóc và bảo: bản thân ông cũng đã từng bị những chẳng đâu vào đâu nên bị treo bao nhiêu năm mới vào được Hội. Rồi nhà thơ Huy Trụ ở Thanh Hoá cũng vậy, bây giờ lại đến Nguyễn Long. Những người thẳng thắn và có tâm với nghề như vậy thường hay bị có người ganh ghét, hãm hại. Cho đến bây giờ rất nhiều người yêu văn chương ở Thái Bình và cả nước gặp nhau vẫn hỏi: Tại sao Nguyễn Long chưa được vào Hội Nhà văn nhỉ? Bản thân anh cũng không biết và những người tỏ ra biết thì mỗi người nói mỗi kiểu nên chẳng ai biết thực sự vì sao.

PHAN HÀ
(Tạp chí Văn nghệ Thái Bình
 số 26, Quang Trung, Tp Thái Bình)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Hà Trọng Đạm  - hatrongdam1952@yahoo.com  - 0988124088 - Số 2 Quan thổ 1 Tôn Đức Thắng hà Nội   (Ngày 1/11/2009 11:03:27 AM)

Gửi anh Nguyễn Long ..! Là người yêu thơ . Tôi đã đọc rất nhiều thư ngỏ của các hội viên nhà văn gửi bè bạn nhiều năm nay , trước và sau đại hội , trước và sau mỗi đợt xét kết nạp hội viên ... Nay lại nhiều người bàn thảo đến việc kết nạp anh vào hội nhà văn . .? .

Anh Trần Nhuận Minh nói chuyện với ban văn nghệ hội VHNT tỉnh Hải Dương đã khẳng định việc xét và kết nạp hội viên vào hội VHNT Việt Nam rất minh bạch , rất văn hoá , rất công khai , rất dân chủ , rất công tâm lắm đấy anh Nguyễn Long à ..!

Mọi bước tiến hành rất đúng bài bản , đúng nguyên tắc , tôn trọng bạn thơ lắm ....Ai cũng có thể trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam miến là có tình yêu thơ và thơ hay .

Thực ra , tôi chưa một lần gặp anh nhưng đã đọc rất nhiều thơ anh và công nhận thơ anh hay mối dịp gặp bè bạn yêu thơ và các nhà thơ thành danh . Có lẽ quan trong hơn cả mà tôi cần ở anh là những bài thơ anh viết , cần viết nhiều hơn và hay hơn anh nhé .

 Bạn yêu thơ sẽ nhớ đến Nguyễn Long nếu thơ anh hay , không thể nhớ được hết các ông nhà thơ nhà văn họ không viết gì , không để lại câu chữ gì cho bạn đọc .

Gửi anh lời tri âm , chút đồng vọng , lòng ngưỡng mộ ...mỗi lần tôi đọc thơ anh . Hãy dồn tâm lực cho việc sáng tác anh nhé , chúc anh có những bài thơ hay ở những ngày tới .

Chúc gia đình anh hạnh phúc để anh có nhiều hứng thú với văn chương .

  Bùi Hải Đăng - haidang 4556@yahoo.com.vn - 0972349303 - xã Nghĩa An Ninh Giang Hải Dương  (Ngày 31/10/2009 11:32:04 PM)

Chào nhà thơ Nguyễn Long,dù Bác là hôi viên hội nhà văn hay không,là độc giả tôi không quan tâm.Điều quan tâm của tôi là thơ Bác được mọi người chép và truyền tay nhau đọc.Chúc Bác và gia đinh sức khoẻ.Thơ ngày càng sâu sắc và phát sang hơn !

  Nguyễn Cao Trần - caotrannguyen@yahoo.com%3B ĐT: 097 981 4947 -  -   (Ngày 20/08/2009 09:33:16 PM)
CHỈ CƯỜI (Tặng Nguyễn Long tác giả bài thơ "Thường dân"): Đọc thơ mới gặp "Thường Dân"/  Không chân đất, chả đầu trần.Lạ chưa/ Như là né nắng, né mưa/ Bão giông ập đến, né chưa? - Chỉ cười Mặc ai mua một bán mười/ Còn "Thường Dân" chỉ là người làm thơ/ Phải vì câu nói vu vơ/ Thi Nhân, chưa phải Nhà Thơ? -Lại cười.
Các bài khác: