Chủ nhật, 22/12/2024,


Nhà quê yêu dấu (03/08/2009) 

     1. LÀNG TA Ở TẬN LÀNG TA

 

 

Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay…

 

     Ấy là mấy câu trong bài thơ 'Về làng' tôi viết tặng cha tôi và bà con quê tôi từ những năm 80 của thế kỉ trước, vào cái thuở nghèo nàn, lạc hậu,  thời 'bao cấp'. Bây giờ  khác rồi, làng quê tôi đã có những đổi thay, lắm điều hay mà cũng nhiều điều  dở, thậm chí không ít điều đáng lo ngại. Trước hết là nỗi lo ngại về khoảng vênh giữa xác với hồn. Xác làng thì mỗi ngày một phình ra, một 'đỏ da thắm thịt' thêm lên, song song ngược với cái sự mỗi ngày một nghèo hơn, một teo đi của chính  hồn làng.  

 

     *

     Tôi có hai làng quê, làng quê nội và làng quê ngoại, cả hai đều thuộc đất Thanh Hoá. Quê nội tôi là làng Quảng Xá, xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, nơi có 'cái cầu con con gọị là cầu Bố', cạnh cầu Bố có Đền Lê, tức Thái Miếu nhà Lê, hiện lưu thờ bài vị 27 vua Lê cùng các bà Hoàng Thái Hậu, thêm hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Đó là ngôi đền chung của cả nước, di tích lịch sử cấp quốc gia mới được tôn tạo lại, đã từng bị mất trộm hầu hết các tượng thờ và mọi đồ tế khí, từng bị biến thành trạm đóng quân thời chiến tranh chống Mỹ, hiện vẫn còn một khẩu đại pháo 'phế liệu' nằm chình ình trong sân và một quán lòng lợn tiết canh chiếm đất trước cửa đền.

 

     *

     Riêng làng tôi, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã là một làng hoàn chỉnh với nền nếp của ngôi làng Việt ổn định từ lâu đời, có đầy đủ những đình, chùa, nghè, phủ, văn chỉ, miếu quỉ thần… đều được xây mới hoặc trùng tu dưới thời nhà Nguyễn. Các công trình kiến trúc cổ xưa ấy đã thật sự hoá thân thành hồn làng và thành xương thịt của một nền văn hoá làng xã tồn tại vững bền qua biết bao  nhiêu những biến cố lịch sử.

 

     Không ai biết làng tôi được lập từ thời nào, chỉ biết qua một chi tiết sử liệu (theo Thanh Hoá chư thần lục) thì Thành Hoàng làng Quảng Xá là Tản Viên sơn thánh  được vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) sắc phong thần hiệu Thượng đẳng tối linh thần và sức cho dân làng thờ phụng, tính đến nay đã hơn năm thế kỉ. Qua hết thời đế quốc Pháp đô hộ, qua luôn thời phát xít Nhật chiếm đóng, qua cả chín năm kháng chiến trường kì mà toàn bộ cái thị xã Thanh Hoá và thị trấn Sầm Sơn đẹp nổi tiếng bị 'tiêu thổ'… thì đình, chùa, nghè, phủ làng tôi vẫn còn nguyên vẹn.

 

     *

    Tôi còn nhớ như in, cách đây hơn nửa thế kỉ, hồi năm 1953, tôi lên sáu tuổi, được cha tôi gửi về ở với ông bà nội  để học chữ. Lớp vỡ lòng tư gia do một thầy thông ngôn thời Pháp, được cả làng gọi là Ông Thông, dạy. Học trò cũng không gọi ông bằng Thầy, mà vẫn gọi Ông, xưng cháu. Ông Thông dạy chữ rất kĩ, đọc và viết đều phải đúng chính tả, tuyệt đối không được nhầm lẫn các từ phải uốn lưỡi như r, s, tr và các dấu hỏi, dấu ngã. Chữ viết phải đẹp, nắn nót đúng mẫu tự theo sách dạy của người Pháp thời chính ông đi học. Đọc sai, nói sai, viết sai, viết xấu đều bị ông gõ thước kẻ lên đầu hoặc đập mu bàn tay đau điếng. Nét chữ là nết người, ông Thông bảo  thế, viết chữ đẹp được thì làm cái gì cũng đẹp. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời ông dạy, vẫn gắng giữ nét chữ sao cho không bị xấu. Các bài tập đọc, tập viết ông dạy, đều là những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tình yêu thương và đạo lí làm người, như là: 'Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra'… Hay là; 'Thương người như thể thương thân' - 'Lá lành đùm lá rách' - 'Tham thì thâm', v.v… Ông thường dặn:'Sau này các cháu còn  học làm nghề, học làm quan. Nhưng phải học làm người trước đã. Không làm người được thì cũng không làm nghề được, không làm quan được. Các cháu nhớ chưa nào?...'  Lũ học trò lóc nhóc chúng tôi khoanh tay đồng thanh: 'Dạ, cháu nhớ ạ…'.

 

     Sau này tôi xa quê biền biệt, ông Thông mất hồi nào tôi cũng không biết. Nhưng người thầy đầu tiên với những bài học đầu đời ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi…

 

     *

     Không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi hình ảnh ngôi chùa làng rộng lớn, có rất nhiều tượng Phật sơn son thếp vàng tuyệt đẹp, có vườn chùa rợp bóng bồ đề, bóng cây gạo gai cổ thụ, có ruộng chùa trồng đậu, trồng lạc, có luỹ tre xanh bao bọc xung quanh, có giếng chùa nước trong như lọc để cả làng gánh nước về uống. Ngôi chùa thật sự là linh hồn của làng tôi, nơi nuôi dưỡng tâm tính cho dân làng. Nghè làng thờ Thần Tản Viên, có đền Thượng, đền Hạ và Hậu cung, mái ngói rêu phong cổ kính, cột kèo bằng đá trắng, cửa gỗ lim thẫm đen, một quần thể kiến trúc  tôn nghiêm tọa lạc dưới bóng những cây đa, cây ruối, cây lăng lổ trăm tuổi, như là chốn linh thiêng chuyên coi sóc  kỉ cương làng nước .  Khu Văn chỉ thờ đức Khổng tử, biểu tượng cho sự học của làng, có bàn thờ đá, bệ đá, bia đá, thật đơn giản mà vẫn rất trang nghiêm. Làng tôi xưa đã có người làm thầy giáo nổi tiếng, làm quan lớn, quan nhỏ đủ cả, đáng kể là nhà ông Phủ Dương, họ Vũ Đức, cha làm quan Phủ thời cũ, con là Vũ Đức Hòe, tức Trần Quang Huy, làm quan hàm Bộ trưởng thời mới, vào tới Trung ương Đảng…

 

     Tất cả các công trình văn hoá kể trên đều đã biến mất tăm, không phải do  Địch phá, mà do Ta phá, phá sạch sành sanh từ  hồi 'hợp tác hóa tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội'. Đất nền chùa và nền nghè xây trường học. Tượng Phật bị bọn buôn cổ vật đem bán tứ tán. Cột gỗ, cột đá, bàn đá, bệ đá… mất mát hết cả. Những người chỉ huy việc phá chùa, phá nghè thì đột tử, hoặc đau ốm đến quặt quẹo, tàn phế. Những nhà lấy trộm vật dụng của chùa, của nghè thì rồi cũng khuynh gia bại sản hoặc xảy ra tai họa, nhiều nhà sợ hãi đem trả lại, rất lâu sau này còn chất một đống đổ nát góc vườn nghè, không ai dám dọn dẹp. Những cuộc 'tàn sát tâm linh' đó qủa là những trận đòn chí mạng đánh vào lòng người khiến nhân tâm lảo đảo…

 

     Riêng đình làng năm gian gỗ lim thì còn sót lại, ấy là nhờ ngôi đình được dùng làm kho và sân đình làm sân phơi thóc của hợp tác xã.  'Xứ sở linh thiêng sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác/ đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh/ Giấy rách mất lề/ tượng Phật khóc Đức tin lưu lạc/ Thiện Ác nhập nhằng/ Công lí lênh phênh… ' (Nhìn từ xa… Tổ Quốc - thơ Nguyễn Duy, 1988). Bây giờ, ngôi đình tàn tạ của làng tôi bỗng được lập hồ sơ lí lịch, được xác định niên đại xây dựng năm Tự Đức thứ 20 (1867) và được cấp giấy chứng nhận là di tích văn hoá của tỉnh, được dân làng góp tiền công đức để tu sửa... Các bô lão làng tôi hả hê, vui mừng lắm, thôi thì muộn còn hơn không, thần thánh  cũng  còn được hưởng chút nhang khói thờ phụng, dân làng  còn có 'cõi trên' mà ngước lên giữ  lễ. Chứ cứ như bao nhiêu năm qua, từ ngày đình biến thành kho, chùa và nghè khuất bóng, văn chỉ hoá cồn hoang, thì mọi lễ nghi, lễ giáo, lễ nghĩa, mọi mỹ tục, thuần phong, gia phong, gia đạo… phải trải bao nhiêu đời mới tạo lập được, đều hầu như suy đồi, bát nháo cả. Làng tôi lâm vào cảnh 'khủng hỏang thiếu thần linh/ khủng hoảng thừa yêu quái' (Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ - thơ ND, 1990).

 

     *

     Cách nay hơn mười năm, thị xã Thanh Hoá được thăng cấp thành thành phố, làng tôi được cắt khỏi huyện Đông Sơn nhập vào khu ngoại thành, 'nhà ta bỗng có số nhà/ xã ta đang xã đổi ta thành phường/ chợ trên nền ruộng khai trương/ phố lầu ngất ngưởng chỗ chuồng lợn xưa'… (Ca dao về làng - ND). Dân làng tôi chuyển dần thành thị dân, phần đông bỏ đồng đi chạy chợ, một số đi xuất khẩu lao động, một số  thuê người làng xa đến làm ruộng cho mình để mình đi làm thuê việc khác có tiền hơn… Đường làng xưa được đặt tên phố mới. Xe máy, xe hơi chạy rung rinh  làng. Nhiều nhà lá hoá biệt thự, hóa lầu đúc. Nhiều quán hàng, tiệm nhậu, tiệm điên máy, tiệm rửa xe, tiệm thời trang, tiệm internet… mọc lên nhan nhản trong làng, đồng thời với nhan nhản những ống tiêm ma tuý, bã kẹo cao su, bao cao su, bịch nilông, vỏ chai, vỏ đồ hộp… vứt lẫn trong rác rưởi. Văng tục nhiều hơn, trộm cắp nhiều hơn, đánh đề, đánh bạc nhiều hơn, cá độ nhiều hơn, đổ vỡ nhiều hơn,  nỗi bất an, bất ổn cũng nhiều hơn. Và, người làng ít thân tình hơn xưa, thanh thản ít hơn xưa, hạnh phúc ít hơn xưa…

 

     *

     Hơn hai mươi năm trước, tôi đã viết về làng tôi một thời thanh cao:

 

'Nhà tôi đó không cổng và không cửa
Ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
Cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
Gió nồm nam thoải mái ra vào…'   
(Cầu Bố - 1985)

 

     Hơn ba mươi năm trước, kí ức làng trong tôi êm đềm như thể giấc mơ:

 

'Tre xanhh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh'…
(Tre Việt Nam - 1970)

 

     Bây giờ, tôi đang bước sang khoảng cuối của đời người, đã đi qua lắm núi nhiều sông, mà lòng vẫn không nguôi nỗi da diết nhớ làng. Vẫn hằng mong cho làng ta càng ngày càng giàu hơn, một cái giàu xứng đôi cùng cái  đẹp, một cái đẹp song song cả phần xác lẫn phần hồn. 

 

     2. RƠM RẠ ƠI TA TRỞ VỀ ĐÂY…

 

 

'Rơm rạ ơi ta trở về đây
gió sùng sục mùi bùn nằng nặng ngấu
mộc mạc tím cánh hoa bìm bờ dậu
vắt vẻo cành tre sáo sậu gọi tên mình'...

 

     Tôi làm bài thơ 'Về đồng' từ hai mươi năm trước. Lỡ mải mê lang bạt kì hồ, những tưởng không bao giờ trở lại được nữa với ngày xưa trong trẻo.  Kì thực, cái ngày xưa ấy nào có mất đi đâu. Nó vẫn lủng lẳng trong góc lòng bụi bặm, như bắp ngô già treo trong xó bếp cũ. Những hạt ngô kí ức đanh sắt lại giống viên sỏi màu bồ hóng, ngỡ đã chết khô, bỗng một ngày bật mầm trong đất ẩm thân thuộc rồi xanh mởn cái màu xanh nhám ráp cuả loài ngô. Mình đấy ư? Ừ. Mình là ngô. Là khoai. Là cỏ. Là lúa. Là đất cát. Là rơm rạ... Và, là hạt giống. Nếu không biết nảy mầm thì cứ đi làm thợ cày, thợ xây, hay thợ gì cũng được, chứ đừng có mà mơ làm thơ nữa nhé.

 

     Lâu lắm rồi, dễ đến nửa thế kỉ có lẽ, tôi mới lại được ngồi bệt trên rệ cỏ bờ đê sông Mạ mà ngắm cánh đồng quê ngoại tôi đang ngan ngát mùi thơm rơm rạ mới. Con đường đồng cong cong như chiếc đòn gánh tre, mới ngày nào bà con dân làng tôi tất bật qua đây, đi cày, đi bừa, gánh mạ xanh vụ cấy, gánh lúa vàng mùa gặt… Làng quê ngoại tôi hồi đó thuộc loại làng nghèo, chỉ có vài căn nhà xây lợp ngói, vậy mà cũng có đủ lệ bộ trang nghiêm những đình, chùa, nghè, miếu, văn chỉ…như tất cả các làng cổ khác.  Con đường làng lát đá phiến hẳn hoi, người qua lại gặp nhau đều trên kính, dưới nhường, chào hỏi lễ độ. (Tôi rất thích câu thơ của Lê Đình Cánh, bạn đồng hương Thanh Hóa, tả bà mẹ từ làng ra thành phố: 'Lên thang chẳng dám bước dài/ vào khu tập thể gặp ai cũng chào'). Cảnh vật đồng quê vốn luân hồi bình lặng bỗng rừng rực hiện lên trong tâm trí tôi như ngọn lửa đốt đồng.

 

'Rơm rạ ơi ta trở về đây
Ráng chiều cháy cái màu rơm rạ cháy
Đồng hí hoáy cố nhân đi cấy
Mông nứt đôi nhẫn nại chổng lên trời…
(Về đồng)

 

     *

     Là đây, đất 'chôn rau cắt rốn' từng nuôi nấng tròn vẹn thời thiếu niên vĩnh cửu của tôi.  Là đây, tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng/ cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại/ vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải/ bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua...  (Tuổi thơ - ND). Là đây, làng quê ngoại tôi vốn có tên nôm là làng Vũ, (thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), gần một bến đò xưa có tên là Đò Lèn,  nay là cầu Lèn. Mẹ tôi mất sớm. Tôi và em gái tôi ở với bà ngoại. Hình ảnh về người mẹ trong bài thơ 'Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa' tôi làm sau này chính là hình ảnh bà ngoại tôi hồi đó: 'Mẹ ta không có yếm đào/ Nón mê thay nón quai thao đội đầu/ Rối ren tay bí tay bầu/ váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa'.  

 

     Bà ngoại tôi dân quê mùa chính gốc, một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng lạ thay, lại biết và thuộc lòng vô số những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm, cả những truyện nôm khuyết danh như Thạch Sanh, Tống Trân - Cúc Hoa,  Phạm Tải - Ngọc Hoa, Trê - Cóc…, và đọc vanh vách một số đọan cảm thương trong Truyện Kiều.  Những đêm hè trời trong, gió mát, bà tôi thường trải manh chiếu cói trên mặt đê sông Mạ, cùng các cháu nằm ngắm trăng, kể chuyện 'Hằng Nga', chuyện 'thằng cuội ngồi gốc cây đa/ để trâu ăn luá… ', chuyện ngụ ngôn nào đó, hoặc là đếm  'Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…  '.

 

'Ngân hà chảy ngược lên cao
Quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm
Bờ ao đom đóm chập chờn
Trong leo lẻo  những vui buồn xa xôi
Mẹ ru cái lẽ ở đời
Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn… 
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)

 

     Càng lớn lên tôi càng nghiệm ra rằng, bà là hiện thân của chính quê nhà, người đã ngâm tẩm tuổi thơ tôi trong suối nguồn ca dao.

 

     *

    Bà ngoại tôi sống chủ yếu bằng  việc bán chè xanh ở chợ Bình Lâm và kéo te (một loại vó nhỏ xíu chuyên dùng để bắt tép) trên cánh đồng Quan. Tôi thường lon ton  theo bà, cả đi kéo te và đi chợ. Những món quà chợ quê bà cho tôi hồi đó, nào có gì đâu, chỉ là quả ổi, quả thị thơm lừng, bắp ngô nướng, củ khoai lang luộc, hiếm hoi một bát chiết yêu bánh đúc chan riêu cua màu mỡ… đã trở thành những miếng ngon tột đỉnh trong đời. Sung sướng nhất là được bà cho theo đi lễ chùa, lễ đền, xem lên đồng, nhập thánh. (Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị/ Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng/ Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm/ Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng -  Đò Lèn).

 

     Bà tôi nhà nghèo nhưng giàu lòng tin. Tôi nhiễm nết cả tin của bà từ thuở nhỏ. Hằng tin rằng trời phật là có thật. Thánh thần là có thật. Ma quỉ là có thật.  'Ở hiền gặp lành' là chân lý có thật. Cái thế giới của người đã khuất mà bà tôi gọi là 'cõi âm' cũng có thật. Thật và thiêng. (Tôi trong suốt giữa hai bờ hư thực/ Giữa  bà tôi và tiên phật thánh thần - Đò Lèn)

 

     lần, chừng vài năm sau Cải Cách Ruộng Đất, khoảng 1957-1958 gì đó,  tiện đường đi lễ đền Sòng về, bà cho tôi theo lên thắp nhang đình Gia Miêu Ngoại trang, cách làng tôi hơn mười cây số. Đi bộ. Ngày đó toàn đi bộ. Ngôi đình cổ to lắm, nằm trong một khu lăng tẩm, thành quách lớn lắm, lộng lẫy và tôn nghiêm lắm.  Bà nói đây là quê nội của các đức Vua và các ông Hoàng bà Chúa họ Nguyễn, đến nhà Vua về cúng đình cũng phải xuống kiệu, đi bộ. Bà tôi chỉ biết đến vậy, và truyền dạy cho tôi chỉ có vậy, nhưng trong trí tưởng tượng của tôi thì ngôi đình này linh thiêng đến vô cùng vô tận, thờ tổ tiên của Vua Chúa kia mà. Đôi khi tôi còn  thầm hãnh diện mình cũng cùng quê với Vua Chúa  đấy chứ, biết đâu còn là họ hàng...

 

     *

     Lớn lên, tôi theo cha về quê nội, học trường Lam Sơn trên tỉnh. Rồi chiến tranh. Đi lính… Hoà bình, tôi trở về thăm quê, bà ngoại tôi không còn nữa. Ngôi nhà nhỏ nơi bà tôi ở, cũng là nơi tôi ra đời, không còn nữa. Chùa Trần, chùa Vũ không còn nữa. Cả đền thờ đức ngài Lý Thường Kiệt ở ngay làng bên cũng không còn nữa. (Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất/ Đền Sòng bay bay tuốt cả chùa chiền/ Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết/ Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn - Đò Lèn).  Hỏi ra mới biết thêm rằng, phần lớn đình, chùa, đền, miếu đã bị phá từ  cao trào 'vào hợp tác xã' và 'bài trừ  mê tín dị đoan', cũng giống như ở quê nội tôi…

 

     Tấm ảnh đình Gia Miêu hoang tàn, kèm theo bài viết này, được chụp vào mùa thu năm 1997, lúc tôi cùng nhà văn  Nguyễn Khải về đây thắp nhang. (Anh Nguyễn Khải người gốc gác làng Bồng, huyện Vĩnh Lộc, cùng quê với Chúa Trịnh Kiểm). Đình Gia Miêu trống huyếch trống hoác, cổng, cửa, tường vách  đổ nát, mái ngói sạt lở, cột gỗ mốc meo, mục mọt nhiều chân cột. Chúng tôi mang nén nhang thơm, nhưng trong đình không có bất cứ thứ gì để có thể cắm nhang được.  Đành xếp một chồng ngói rêu phong tượng trưng cho bàn thờ rồi cắm nhang lên đó, cúi lạy... Nhìn quanh, góc đình phơi mấy mẹt ớt đỏ. Lại thấy trên thân cây cột đình gian áp chái có hàng chữ bằng mực đen, giống một vế câu đối: AI BÁN BÈO VÀ ỐC TÔI MUA.

Trời ơi, nơi thờ phụng tổ tiên của cả Chúa lẫn Vua sao lại thành chốn thu mua bèo và ốc?...

 

     *

     Cứ lần theo sử liệu mà suy, còn có những ngôi đình cổ kính hơn hoặc to lớn hơn, nhưng khó có ngôi đình nào trên đất nước này mang sự tích kì vĩ hơn đình làng Gia Miêu Ngoại trang.

 

     Đầu tiên là nói về 'long mạch'.

 

     Đất Gia Miêu sinh Nguyễn Công Duẩn, một công thần khỏi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), được vua Lê Thái tô phong Thái Bảo Hoành Công. Tiếp các đời con, cháu, chắt, chút (Nguyễn Đức Trung - Nguyên Văn Lang - Nguyễn Hoằng Dụ - Nguyễn Kim…) đều lần lượt làm đại thần trong triều.

 

     Từ sau đời Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà Hậu Lê suy yếu dần, đến đời  Chiêu Tông (1516-1522) thì bị Mạc Đăng Dung tiếm quyền. An Thanh Hầu Nguyễn Kim (1467-1545) dựng cờ phò Lê diệt Mạc, lập con vua Chiêu Tông là Lê Duy Ninh lên ngôi (Lê Trang Tông, 1533-1548) khởi đầu thời Trung hưng.  Nguyễn Kim được phong làm Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc Công, mộ táng tại núi Thiên Tôn thuộc đất Gia Miêu, sau được suy tôn Triệu Tổ dòng họ  Nguyễn Gia Miêu.

 

     Nguyễn Kim có ba người con. Người con gái tên Ngọc Bảo, lấy Dực Quận Công Trịnh Kiểm, tức Chúa Trịnh sau này.  Người trai cả là Nguyễn Uông, bị Trịnh Kiểm sát hại. Người trai thứ là Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng (1525-1613), tương truyền theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm 'Hòanh Sơn nhất đái, vạn đại dung thân', xin đi trấn thủ xứ Thuận Hoá, tháng mười năm Mậu Ngọ (1558). Từ đó mà có được đại nghiệp mở đất Đàng Trong (từ  Thuận Hóa tới tận mũi Cà Mau như bay giờ), thu trọn giang sơn thành một nước Việt Nam thống nhất, trải qua chín đời Chúa và mười ba đời Vua Nguyễn.

 

     Tiên Đế  Nguyễn Phúc Ánh (1762-1819) lên ngôi năm 1802, niên hiệu Gia Long, đến 1804 cho xây khu tôn miếu Triệu Tường tại  Gia  Miêu Ngoại trang. Thành Triệu Tường chu vi 182 trượng bao quanh, ngoài thành có hào nước, ngoài hào có hai lớp luỹ vây bọc. Trong thành có Nguyên Miếu, một tập hợp nhiều miếu thờ tiên tổ họ Nguyễn.  Miếu chính và Miếu trước lớn hơn cả, thờ Triệu Tổ Nguyễn Kim và Thái Tổ Nguyễn Hòang… Khu tôn miếu Triệu Tường rất đẹp và tôn nghiêm, được ví với Thái Miếu trong Đại nội Huế. 

  

     Kề bên thành Triệu Tường, đình Gia Miêu được dựng năm Gia Long thứ 5 (1806), thờ Đức Thái Bảo Hòanh Công Nguyễn Công Duẩn. Toà đại đình bảy gian này có sáu vì kèo, mỗi vì kèo đứng trên sáu cột lim, mỗi cột lớn hơn vòng tay ôm. Nghệ thuật chạm khắc gỗ nơi đây được coi là đẹp vào lọai hàng đầu của kiến trúc đình làng thời bấy giờ.  

 

     Còn bây giờ, 1997,  thì như tôi vừa kể...

 

    *

     Đại diện duy nhất của họ Nguyễn Gia Miêu tiếp chuyện nhà văn Nguyễn Khải và tôi hôm đó (1997), ông Nguyễn Thái Bình, sáu mươi hai tuổi, nghề chuyên môn  là gác ao cá. Ông thầu khoán cái ao đình để thả cá, nộp sản cho hợp tác xã. Ông cho cá ăn cỏ, ăn cám, ăn phân bò, phân lợn, băm thêm bèo và ốc.  Bèo và ốc thì phải mua. Chính tay ông viết lên cột đình hàng chữ  AI BÁN BÈO VÀ ỐC TÔI MUA, nắn nót rất lâu mới đẹp được như thế đấy, như thư pháp, như câu đối, ông khoe một cách thật thà. 

 

     Ông Bình say sưa kể về ngôi đình này, khu Triệu Tường kia, khi xưa đẹp và thiêng liêng là thế... Gần đây thôi, khoảng sau năm 1975, mới bị phá triệt để. Đình làng trống hoang thành chỗ trú cho trâu bò. Còn khu tôn miếu Triệu Tường thì bị san phẳng, làm trại chăn nuôi lợn. Hôm phá thành Triệu Tường, từ trong bức tường dày rất nhiều rùa bò ra lổm ngổm. Thật lạ. Và thật khiếp sợ...

 

     *

     Sau lần về thắp nhang đình Gia Miêu năm 1997 ấy, tôi phóng to tấm ảnh vừa chụp được, chép bài thơ 'Về đồng' lên đó, trưng bày trong 'Triển lãm thơ Nguyễn Duy' tại Sài Gòn (12/1997), Hà Nội và Thanh Hoá (tháng 2 và 3/1998). Tôi trực tiếp thuyết minh về lai lịch tấm ảnh với rất đông người xem triển lãm, trong đó có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đương kim Bộ trưởng Văn hoá - Thông tin Nguyễn Khoa Điềm, và các vị lãnh đạo cao nhất tỉnh Thanh Hoá lúc bấy giờ.

 

     Năm 2000, tôi về lại Gia Miêu. Ngôi đình hoang tàn đã được trùng tu đàng hoàng bằng ngân sách Nhà nước. Mái lợp ngói kiểu cổ. Tường mới dày dặn, cửa gỗ then cài chắc chắn. Những cột đình bị mục được 'vá víu' và sơn phết lai. Điện thờ trong hậu cung được xây mới, có đèn sáng, có nhang khói. Cái cổng đình thì mới tinh tình tình, lại có cả hai cánh cổng sắt khóa bằng dây xích sắt to như xích neo tàu thủy…      

 

     Tết Đinh Hợi vừa rồi (2007), tôi lại về Gia Miêu, theo lời mời  của bạn bè huyện Hà Trung quê ngọai, về dự lễ khánh thành lăng Nguyễn Kim trên núi  Thiên Tôn. Đất xây dựng được huyện cấp. Dòng tộc Nguyễn ở Huế góp kinh phí.  Dòng tộc Nguyễn tại quê góp một phần công.  Đại diện dòng tộc Nguyễn từ nhiều nơi trong cả nước tụ về dâng hương lăng Triệu Tổ…

 

     *

     Nhà Nguyễn có công lao rất lớn đối với nước nhà, đó là một sự thật hiển nhiên. Vậy mà, không hiểu tại sao và từ  lúc nào, lại bị bóp méo đến biến dạng, bị sai lệch đi trong cái nhìn chính thống, bị  hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hóa, bị ruồng bỏ nhiều bài vị tôn kính, bị xóa tên đường phố nhiều Vua, Chúa và danh thần kiệt xuất?...

 

     Nhiều ý nghĩ vu vơ, mơ hồ trong đầu tôi cứ loằng ngoằng, mông lung như khói hương. Tôi mường tượng thấy những việc mới sắp tới, nhất định tới, như là đúc chuông, phục tượng…  Còn phải làm thêm rất nhiều việc nữa, nếu Nhà nước chưa làm được thì hãy để cho dân làm, sẽ đâu vào đó cả. Phục hồi nhân tâm là việc quan trọng nhất. Những gì thất nhân tâm thì thành tâm sửa lại. Có công tâm với lịch sử mới thực thi được công bằng xã hội.

 

     Tôi cứ nghĩ lan man như thế… Như thế… Rồi lại nghĩ, nước ta cần có một cuộc thảo luận 'lương tri và khoa học' để công khai chỉnh sửa cái nhìn chung sao cho thật đúng về nhà Nguyễn. Tất nhiên phải nhìn từ  Gia Miêu Ngọai trang, nhất là từ khi Nguyễn Hoàng 'mang gươm đi mở cõi' cách đây chẵn 450 năm (1558-2008).

 

Thu phục nhân tâm ư?

Đoàn kết dân tộc ư?

Thì hãy chọn những gì tốt đẹp của cha ông mà tôn vinh, mà truyền bá. 

Đối xử tử tế với tổ tiên là phẩm chất tối thiểu của đạo lí.

 

     *

    Thắp nén nhang cúi lạy tiền nhân, tôi không khỏi rưng rưng nước mắt. Có được ngày này, dẫu đã muộn cũng còn may mắn lắm, còn có dịp cho người nay tạ lỗi với người xưa.

 

'Rơm rạ ơi ta trở về nay
Xin cúi lạy vong linh làng mạc
Bà và mẹ hóa cánh cò cánh vạc
Lòng ngổn ngang gò đống tổ tiên nhà'…
(Về đồng)

 

     Giá có bà ngoại tôi trong khánh lễ hôm nay, chắc chắn rằng người phải khóc nức nở … 

Tác giả Nguyễn Duy

--------------------

Nguồn: vannghesongcuulong.org.vn

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn minh Huệ - noihoihue@yahoo.com.vn - 0909758009 (%3B - 132 Nguyễn thị Tú, P. Binh Hưng Hoà B, Q.Bình tân. TP HCM  (Ngày 3/09/2009 11:47:21 AM)

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy, mỗi lời ông viết như soáy vào tâm hồn tôi, sao mà quê ông cũng giống quê tôi, mỗi câu thơ, đoạn văn ông viết , như những lời chia sẻ với chính tôi, tôi nghĩ như ông cũng đọc đươc ý của bao người khác. Tôi trộm nghĩ thầm- Gía như tôi cũng biết viết như ông thì tôi sẽ dành trọn đời để viết, bởi "một ý trí sẽ làm nên điều kì diệu",còn sức mạnh, vẫn có sức mạnh hơn đè bẹp. Cách đây vài năm, tôi có đọc báo và biết ông đang có dự định thành lập một Bảo tàng thơ, nhưng giờ không biết ông đang ở đâu để có dịp được gặp mà chiêm ngưỡng nhà thơ mà tôi ái mộ.

Các bài khác: