Chủ nhật, 28/04/2024,


Người "vẽ thơ" bằng mắt (03/08/2009) 

Bẵng đi một thời gian không gặp, tình cờ trong dịp về họp Chi Hội văn học, thì anh xuất hiện: “Báo cáo. Xin cho… dự thính”, rồi anh tự nhiên bước vào, ngồi cùng anh em làm thơ viết văn. Vâng, chẳng ai ngạc nhiên với người “khách lạ”, anh là Phạm Phú Công Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, sinh hoạt Chi Hội Nhiếp Ảnh cùng Hội VHNT tỉnh nhưng lại làm thơ.

 

Ở đây, đôi khi cũng thật kỳ cục “nhập gia tuỳ tục” làm anh em văn nghệ sĩ hơi bị lúng túng “cái chỗ sinh hoạt”. Thông cảm “lấn sân”! Tuy vậy, thơ của “nhà nhiếp ảnh” xuất hiện đều đều trên Tạp chí Văn Nghệ Ninh Thuận, dưới hình thức Ảnh –Thơ và một vài bài thơ lẻ ngẫu hứng có tên tác giả Phạm Phú Công. Tôi đã xem và đọc nhiều, đâm ra quý mến gọi anh là “người vẽ thơ bằng mắt”.

 

Ảnh và thơ “yêu nhau”

 

Tôi không biết nhiều về ảnh nghệ thuật, nhìn từ thực tế, tôi cảm nhận “tác phẩm ảnh” của Phạm Phú Công mang nặng mô tả về “thơ” với những khoảnh khắc xuất thần, bộc bạch nỗi lòng yêu thương con người và quê hương. Phạm Phú Công chụp ảnh làng quê, sông, biển, con người… trên đất Phan Rang đã 30 năm có lẻ và chụp ảnh rất nhiều nơi khác trên mọi miền đất nước sau mỗi chuyến ngao du “săn ảnh”.

Ảnh Phạm Phú Công chụp nhiều góc nhìn rất đời thường mà nặng nghĩa tình như tâm hồn nhà thơ. Mỗi bức ảnh anh tâm đắc là có một bài thơ ngắn đi kèm minh hoạ, diễn tả bối cảnh, chủ đề cảm xúc làm cho “bức tranh thơ” mềm mại, lay động lòng trắc ẩn, buồn vui…Tay nghề “bấm máy” của Phạm Phú Công “sắt nét” do tự học mà vươn lên, tất thảy chứa chất nỗi niềm của người đam mê cầm máy.

Ảnh của Phạm Phú Công làm chất liệu để anh nói bằng ngôn từ thơ ca khi ngắm nhìn qua lăng kính, một mình anh thấy, một mình anh cảm nhận bên ngoài khung cửa hẹp đó, là cái đẹp của quê hương, là con người chung quanh trải lòng hiến tặng. Anh nói: “Bức ảnh chỉ cho những kỹ xảo, ánh sáng, bố cục, chủ đề mang nội dung “chết cứng”, tôi muốn nói bức ảnh dù có rất nhiều thông tin trên đó nhưng nó chỉ là khoảnh khắc dừng lại mô tả, không thể bộc bạch hết cảm nhận tâm hồn”. Chính vì lẽ đó mà Phạm Phú Công viết thêm những câu thơ ngắn lên từng bức ảnh để nói thêm tâm trạng. Nghĩ - viết - rồi tìm cách công bố tác phẩm cũng là công đoạn không mấy thuận buồm xuôi gió. Anh đã miệt mài chọn lọc và lưu giữ gần trăm file “ảnh – thơ” do anh tự sắp xếp vi tính. Không có gì mới mẻ về Ảnh - Thơ nhưng những tấm của Phạm Phú Công đã thuyết phục được Tạp chí Văn Nghệ  Ninh Thuận, báo Ảnh Việt Nam và một vài trang báo khác in, bởi nó có cái gì đó lưu luyến người xem và người đọc.

Phạm Phú Công đến với thơ muộn màng mà tâm hồn đang sung sức. Anh viết thơ chưa nhiều nhưng thơ anh đọc dễ hiểu, dễ “say”, dễ thuộc và “rất riêng”. Sự đam mê nghệ thuật Ảnh -Thơ đã làm nên một “nhà thơ Phạm Phú Công” khác với nhiều người làm thơ khác ở chỗ: thơ của Phạm Phú Công viết nên bức ảnh, bởi khi nhìn không gian ảnh qua con mắt người trong cuộc có xúc cảm của một “nhà thơ”. Nhìn qua lăng kính ấy anh đã vẽ được bức ảnh mang đậm chất thơ. Ngược lại, khi nhìn vào ngôn ngữ thơ của Phạm Phú Công gợi cho người xem cảm giác dịu êm, rất đời thường gần gũi như một “bức tranh” được anh ký hoạ, người đọc – xem đồng cảm với tác giả. Bài thơ “Biển còn hờn không em”, tôi đọc khá lâu nhưng có ấn tượng sâu sắc:

 

Sao em không nói yêu anh bằng lời của sóng

Để ngàn năm sau không thay đổi ngôn từ

Sao em không sống với anh bằng tình yêu của mặt trời cho nắng

Sáng chiếu rọi biển bên này

Chiều trang trải biển bên kia

Em hãy sống nghĩa tình như Vũng Tàu có sau và có trước.

Núi lớn vươn dài ôm Núi nhỏ thành đôi.

 

Chỉ là những ngôn từ “sắp đặt” thế thôi nhưng khi nhìn bài thơ anh viết rất nhiều hình ảnh, có thời gian không gian bao trùm: “sóng”, “mặt trời”, “nắng”, “sáng chiếu rọi…”, “chiều trang trải…”… và cả địa danh cụ thể trong một khuông thơ ngắn, tôi lại thấy như có một “Bức ký hoạ về biển yêu thương dỗi hờn bằng thơ” đang nằm ngay trước mặt.

Khởi xướng nghệ thuật kết hợp này, hai năm gần đây, có một số tác giả “ảnh đề thơ” xuất hiện trên Văn Nghệ Ninh Thuận, trong đó Phạm Phú Công là một trong số thường xuyên và đều nhất, và đã được những người yêu nghệ thuật cũng như bè bạn đón nhận với một sự nhiệt thành.

 

Đời và nghiệp

 

Vừa làm nghề ảnh nuôi vợ con vừa sáng tác, có lần tôi cùng anh trên gác nhỏ, thâu đêm tâm sự chuyện nghề, chuyện đời. Phi Cơ là biệt hiệu riêng của những ngày trong lính, bạn bè thân thương gọi anh như vậy “nhanh như tàu bay mà”. Nhà nhiếp ảnh Phạm Phú Công là người lính thời bình, ra quân chỉ hai bàn tay trắng ở thời bao cấp, khó khăn chồng chất không làm nản lòng anh bộ đội. Cái tên Phi Cơ từ ngày ấy giờ trở thành “thương hiệu” giúp anh sống nhanh nhạy với thời cuộc, anh lẳng lặng làm đủ thứ nghề để kiếm cơm và làm nghệ thuật nơi cái thị xã đầy nắng và gió ngày nào, bây giờ đã lên Thành Phố.

 

          

Tác giả bài viết và bạn văn trước hiệu ảnh “Phi Cơ”

 

Tôi biết Phạm Phú Công khi hai chúng tôi còn làm nghề “chụp ảnh kiếm cơm”, rong khắp các làng quê miền ngược, miền xuôi của 20 năm trước. Ngày ấy cuộc sống khó khăn trăm bề, sắm được cái máy ảnh Canon cũ kỷ chụp phim làm nghề chụp dạo đã là sang lắm rồi. Sự đam mê ảnh nghệ thuật luôn khao khát, anh dành riêng tâm hồn nghệ sĩ để bộc bạch nỗi lòng qua những lúc cô đơn. Anh tằn tiện từng đoạn phim dư của nghề “kiếm cơm” để sáng tác Ảnh – Thơ, ảnh nghệ thuật dự thi, không từ chối các cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật ở địa phương, vùng miền và cả các cuộc thi ảnh quốc tế, mặc dù kinh tế còn eo hẹp.

Khi anh rời quân ngũ trở về là thương binh, phải vật lộn với đời thường để mưu sinh, và thầm lặng tìm con đường cống hiến nghệ thuật cho quê hương. Anh mở tiệm ảnh “Phi Cơ” tại số 170 - Hải Thượng Lãn Ông- P. Đông Hải -Thành phố Phan Rang -Tháp Chàm (Ninh Thuận). Nơi đây cũng còn chút quê mùa, người dân ở đây sống giản dị chân quê nhưng anh đã yêu mến từ khi đặt chân đến. Quảng Ngãi là nơi anh sinh ra nhưng Ninh Thuận là nơi anh sống và cống hiến trí tuệ, tài năng của mình. Tháng 10 năm 2003 Hội Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh-Việt Nam đã kết nạp anh vào Hội, anh trở thành Nghệ Sĩ Nhiếp Ảnh thuộc thế hệ hiếm hoi ở tỉnh Ninh Thuận trong những năm đầu chia tách tỉnh. Chất lính trong con người nghệ sĩ là tính kiên nhẫn, cần cù của một thương binh thời bình đã trải nghiệm cuộc đời bằng đủ thứ nghề nơi cái làng biển Đông Hải đang ngày ngày văn minh hơn này.

Về đây, chắc ai ai cũng biết đến hiệu ảnh màu “Phi Cơ” trên đường Hải Thượng Lãn Ông nhưng có lẽ còn ít người biết anh là một Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Giờ đây bước sang lĩnh vực văn học, anh làm thơ cùng bè bạn văn nghệ, đó là sự thiệt thòi giữa cuộc đời “cơm áo và danh phận” mà anh đã chấp nhận sống với nó.

 

Tháng 7/2009

 

Võ Tấn

Đ/c: Kp2 thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận

ĐT: 0683.855638 – Email: tanminhphoto@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Ngô Minh Sơn - minhson1956@gmail. com - 0918023349 - Clb Thơ -Văn  (Ngày 28/06/2018 16:23:00)

Nhà bình luận nói về Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Phạm Phú Công thật là sâu sắc . Đó là năm 2009 chứ bây giờ Nghệ sỹ tài ba này còn là ca sỹ ( kiêm nghệ sỹ ngâm thơ ) vừa phổ nhạc ,vừa đờn vừa hát. Trên sân khấu nhìn thật là chất. Về gia đình anh còn là người con hiếu thảo. Nếu Võ Tấn có viết lại về Phạm Phú Công thời nay nên cho mình góp ý nhé.
Riêng về Nhiếp ảnh Phi Cơ hôm nay mình mới biết, hình như mình có hứa đến nhà Phú Công chơi một vài lần rồi thì phải nhưng chưa đến được đây là một thiếu sót , mình sẽ khắc phục , biết đâu gần người Nghệ sỹ đa tài này mình lại học được nhiều điều hay. Hi hi hi

Các bài khác: