Thứ sáu, 03/01/2025,


“Cõng chữ” lên đỉnh Suối Giàng (01/08/2009) 

        

Rời ghế giảng đường, Lại Thị Hiền (sinh năm 1982, quê Thái Bình) lặng lẽ khoác ba lô lên núi - đỉnh Suối Giàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) quanh năm mây phủ, nơi chỉ có đồng bào dân tộc Mông sinh sống…  

 

“Vạn sự khởi đầu nan!”

 

Cảm giác đầu tiên của Hiền khi đặt chân đến Suối Giàng là... sợ! “Đêm đầu tiên nằm một mình trong phòng tập thể nghe tiếng gió thổi ào ào qua vách nứa, tiếng chim “bắt cô trói cột” chốc chốc lại kêu nghe thảm thiết khiến em không tài nào chợp mắt, thức đến sáng luôn” - Hiền kể. Ấy vậy nhưng chưa đến nỗi thất vọng bằng buổi sáng hôm sau, khi Hiền được đưa đi nhận lớp. Đó là một gian “nhà chẳng ra nhà, lán chẳng ra lán, đụng vào là tường bay từng mảng, lợn của dân bản thả rông quần từng đám thành vũng dưới nền”. Đã thế, vị Chủ tịch xã Suối Giàng Vàng A Đằng lại còn ái ngại: “Ở đây dân thì nghèo, phong tục tập quán lạc hậu, khó sửa, dân bản chỉ quen địu con lên nương, lên rẫy chứ chưa đến lớp bao giờ nên sẽ vất vả đấy, cô giáo ạ!”.

 

       

Cô giáo Lại Thị Hiền

 

Nhưng khó khăn, vất vả nơi núi rừng xa lắc không làm Hiền nản lòng mà bỏ về như những người đi trước, trái lại càng khiến cô gái mảnh mai đến từ “quê hương 5 tấn” thêm quyết tâm. Ngay buổi chiều hôm ấy, Hiền đặt lên bàn lãnh đạo xã Suối Giàng một bản đề xuất xin được sửa lại “trường ra trường, lớp ra lớp”, đồng thời lặn lội đến từng gia đình ở khắp các thôn bản vận động người dân cho con cái đi học. Lương hợp đồng hai năm đầu vỏn vẹn chỉ có 80.000 đồng/tháng, ngoài ra không có một khoản phụ cấp nào thêm, vậy mà Hiền vẫn kiên trì bám trụ.

“Khi quyết định lên đây, phải thú thật là trong em vẫn còn những suy nghĩ lãng mạn, ngây thơ của tuổi học trò. Mỗi lần đối diện với khó khăn, em cũng nản lòng lắm, nhưng chùn bước thì không! Phải cố gắng lên, đấy là điều em vẫn tự nhủ với mình mỗi sớm mai thức dậy khi nhìn đám học trò thân thương đầu trần, chân đất vượt qua từng con dốc cao để đến trường…” - cô gái sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình giải thích lý do về sự lựa chọn của mình đơn giản như thế…

 

Đất nghèo gieo con chữ

 

“Đến lớp vui thật!” - Đó là câu nói hồn nhiên của rất nhiều phụ huynh học sinh khi đưa con đến lớp và ngồi “ké” vào xem “cái chữ nó ra làm sao” đã nói với Hiền. Trước đó, Hiền phải lặn lội đến từng thôn bản, từ Pang Cáng đến Giàng A, Giàng B; từ Giàng Cao, Suối Lớp sang bản mới; từ Tập Lăng I đến Tập Lăng II... mà mỗi thôn bản, gần thì cũng phải cách nhau cả chục cây số đường rừng để vận động bà con đưa trẻ đến lớp. 30 em, không kể các bậc phụ huynh đi theo xem con mình được cô giáo dạy cho những gì cũng ngồi cả vào ngay buổi đầu là một thành công. Hiền bảo: “Em mừng đến rơi nước mắt, chưa biết về sau ra sao nhưng bước đầu như thế là đã thành công rồi!”. Để thu hút học sinh, Hiền vận dụng tất cả những gì cô được học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả múa, hát, kể chuyện, đọc thơ... giờ học vì thế vô cùng sinh động.

Ban ngày “đánh vật” với đám học trò đủ mọi lứa tuổi, ban đêm chong đèn thức soạn giáo án và học thêm tiếng Mông. Ngày cuối tuần, Hiền tranh thủ vác đá, gánh đất trồng rau để cải thiện bữa ăn cho cả mình lẫn học trò. Không hề kêu ca nhưng qua những tâm sự của Hiền, tôi biết, hai năm đầu tiên đó cô đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đồng lương chỉ vỏn vẹn có 80.000 đồng/tháng. Cha mẹ học trò thương cô giáo nên thỉnh thoảng lại sai con mang cho khi thì cái măng rừng, lúc chục trứng... “Không nhận không được vì sợ học trò nghĩ mình “chê”, nhưng em nhận mà ứa nước mắt...” - Hiền tâm sự.

Khi bà con dân bản đã thấy được ý nghĩa của việc cho con cái học cái chữ, Hiền mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo xã cho mở thêm lớp mầm non, đào tạo giáo viên là người địa phương và phát triển lớp về tận các thôn bản, đó là năm học 2002- 2003. Trẻ em đến trường học múa, học hát ngày một đông, khối mầm non được tách ra khỏi trường tiểu học và Hiền được giao phụ trách. Nhận trọng trách mới được một thời gian ngắn, Hiền đứng ra tổ chức hội thi “Bé khoẻ - Bé ngoan”. Lần đầu tiên ở vùng núi cao như Suối Giàng có một hội thi như thế này, bà con dân bản kéo đến xem đông chật sân UBND xã...

Năm học 2003 - 2004, niềm vui nối tiếp niềm vui, cô giáo miền xuôi Lại Thị Hiền vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, không lâu sau đó, được cầm trong tay quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Mầm non Suối Giàng và được biên chế chính thức. Trường lớp được xây sửa lại sạch sẽ, khang trang hơn. Tuy làm quản lý nhưng ngày ngày, Hiền vẫn tham gia đứng lớp, vẫn dạy các cháu múa hát, rồi kể chuyện, đọc thơ như những ngày đầu.../.

 

Theo Nguyên Anh (Báo Tiếng Nói Việt Nam)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: