Thứ sáu, 03/05/2024,


Câu chuyện về “Tô mỳ Nhật” (31/07/2009) 

Tôi sinh ra trên quê hương Quảng Trị, mảnh đất của nắng và gió Lào. Tuổi thơ là những tháng ngày vất vả, thuở ấy ở làng tôi chỉ có 1 đến 2 đứa học đến cấp 3 là cùng, ngẫm lại thời gian đã gần 30 năm rồi còn gì?

 

Ngày tôi nhận giấy báo vào học ở Thành Phố Hồ Chí Minh có lẽ là ngày mà mẹ tôi buồn nhất. Mẹ tôi khóc hoài có lẽ sợ rằng tôi sẽ mãi mãi ra đi không quay trở về quê hương xứ sở, tôi đi được một đỗi xa ra gần đến đầu ngõ, mẹ tôi gọi lại và nắm bàn tay tôi khóc suốt… Còn ba tôi thì lại khác, giọng nói của ba tôi chắc nịch: “Thôi bà cứ để cho nó đi! Nam nhi chi chí mà, ra đời có gì đâu phải sợ!”.

 

Từ giã cha mẹ, từ giã quê hương tôi lặng lẽ ra đi! Một gã trai nhà quê khờ khạo bước vào giữa chốn đô thị phồn hoa, ngỡ ngàng và xa lạ, sợ hãi và lo âu, đó là những giây phút đầu tiên tôi bước ra đời. Tâm trạng cứ phập phồng và những đêm nằm thao thức không ngủ… vì lạ, vì nhớ nhà. Chao ôi giá như có một phép màu tôi sẽ bay về nằm trọn trong vòng tay yêu thương của mẹ nơi trú ẩn an toàn nhất của đời tôi.

 

Rồi ngày tháng cũng trôi qua! Và con người luôn tồn tại. Tôi cũng đã quen dần với cuộc sống ở ký túc xá thời bao cấp vô cùng khó khăn và thiếu thốn đủ trăm bề, bạn bè của chúng tôi rất đồng cảm với nhau; cùng học, cùng ăn và cùng đói với nhau… đói dữ dội, đói vàng con mắt.

 

Tốt nghiệp ra trường chia tay nhau mỗi đứa đi một phương trời. Đứa về Cà Mau, đứa ra Côn Đảo đứa ở lại Sài Gòn lập nghiệp còn tôi về Bến Tre… tất cả đều chung tâm trạng nuối tiếc.

 

Tôi về Bến Tre nhận nhiệm vụ và được phân công đến công tác tại huyện Bình Đại. Vùng quê miền biển đẹp đầy sóng và gió. Tôi đã lăn lộn khắp những nẻo đường quê, cùng chia sẻ và hoà mình với tất cả mọi người. Cuộc sống người dân miền quê nơi đây cũng như người dân quê tôi rất nghèo nhưng thật thà, chất phác. Con tim tôi đã hoà nhịp cùng tháng năm, và trải nghiệm qua biết bao nhiêu chuyện vui buồn ở miền châu thổ này.

 

Công việc đã ổn định, tôi đi làm với đồng lương vẫn ba cọc, ba đồng. Cái nghèo là hành trang cứ gắn bó với cuộc đời tôi như người tri kỷ. Câu chuyện về “tô mỳ Nhật” cũng bắt đầu từ đây.

 

Tôi sống tập thể cùng một số anh chị em trong cơ quan, mỗi sáng thức dậy sau khi tập thể dục xong, tự ăn sáng rồi đi làm. Bữa ăn sáng của tôi đã chuẩn bị từ trước rất đơn giản: Mua sẵn ngoài tiệm tạp hoá loại mỳ vụn rẻ tiền không đủ qui cách của nhà máy đã đóng vào thành từng bịch khoảng 0,5 - 1kg, khi ăn cho vào tô, nêm hành ngò đổ nước sôi vào thế là xong.

 

Cũng như thường lệ nhưng sáng hôm ấy lục lọi khắp trong túi mà chẳng còn xu nào để mua hành, ngò nêm vào tô mỳ cho bớt đi phần nhạt nhẽo vốn không hương vị của nó, lặng lẽ ra sau giếng nước khu tập thể tôi hái vội mấy cọng rau húng lủi, rửa sạch cho vào thay hành ngò. Đang chuẩn bị ăn thì bất chợt nghe câu hỏi của chị Trưởng phòng: “Hôm nay Đình Thu ăn món gì mà ngon vậy?”. Tôi tỉnh bơ đáp: “Mỳ Nhật”. Nhìn tô mì bốc khói với mùi thơm là lạ quyện hoà trong màu xanh nguyên thuỷ của rau húng trông lủi khá bắt mắt, hấp dẫn. Chị quay sang nói tiếp: “Đình Thu nay sang quá vậy ta…”. Khi đó tôi cười và lặng lẽ cúi xuống húp “tô mỳ Nhật” một cách ngon lành, vừa thưởng thức, vừa cảm nhận… vừa xa xăm một nỗi niềm khôn tả.

 

Năm tháng đi qua trong cuộc đời tôi, đã có biết bao nhiêu thăng trầm thay đổi, hình ảnh về “tô mỳ Nhật” vẫn còn hằn sâu trong ký ức. Đôi khi trong cơn mơ sự giằng co đã lôi tôi về thực tại, để đối diện với chính mình và để nghe những khát vọng vươn lên từ “tô mỳ Nhật”.

 

Hơn 20 năm trôi qua, thời gian bây giờ nhiều đổi thay. Tôi đã lập gia đình, cuộc sống cũng tạm đủ. Thỉnh thoảng khi xem truyền hình nghe câu quảng cáo: “Cho ta một tô mì Cung Đình”, tôi lại chạnh nhớ về “tô mỳ Nhật” của tôi cùng với những hình ảnh còn nguyên vẹn của ngày xưa ./.

                                           

Đình Thu

Bình Đại - Bến Tre

Email: dinhthubank@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: