Thứ sáu, 03/01/2025,


Sẽ có khu lưu niệm nhóm Tự Lực Văn Đoàn (30/07/2009) 

   

Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn chỉ đạo, huyện Cẩm Giàng đã vào cuộc lập quy hoạch khu cố trạch Tự Lực Văn Đoàn. Theo kế hoạch, giai đoạn một sẽ xây dựng khu lưu niệm Tự Lực Văn Đoàn có diện tích 1,2 ha. Cẩm Giàng đã dung dưỡng và tạo niềm cảm xúc văn chương cho các nhà văn TLVĐ. Và TLVĐ đã làm cho đất Cẩm Giàng thêm trang trọng.

 

        

Học sinh ở thị trấn Cẩm Giàng, xem trưng bày các phẩm

của TLVĐ trong ngày hội thảo. Ảnh: Quang Thông

 

Cuối năm 2007, trên báo Tiền Phong xuất hiện bài “Trại văn chương Tự Lực Văn Đoàn( TLVĐ) và gia đình bà Thông Nhu”, chùm ảnh về mảnh đất Cẩm Giàng (Hải Dương).

Bài báo đã lay động ký ức của những người già, và mở ra trước mắt lớp trẻ nơi đây về cái ga xép Cẩm Giàng từng chứa đựng nhiều kỷ niệm đẹp đẽ. Chính chỗ này nhà văn Thạch Lam đã có những tác phẩm “ Hai đứa trẻ”, “ Nhà mẹ Lê ”, “ Gió lạnh đầu mùa” rất nổi tiếng trong văn đàn nước nhà từ thế kỷ trước. Rồi sau đó báo đăng tiếp loạt bài Những cuộc thiên di dòng họ Nguyễn Tường, Mối tình đầu của con gái nhà văn Nhất Linh, Mười hai năm cuối đời của người đứng đầu  TLVĐ, Con gái Thạch Lam về con phố gắn tên cha...

Nhờ loạt bài ấy mà nhân dân trong thị trấn, trong vùng mới hiểu tường tận rằng,  từ thế kỷ trước ở phố huyện Cẩm Giàng có dòng họ Nguyễn Tường, thiên di từ Quảng Nam ra đây sinh sống. Dòng họ ấy có ba nhà văn trụ cột trong nhóm văn chương TLVĐ, có đóng góp đáng kể  trong nền văn học nước nhà. Đó là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam...

Cũng nhờ đó người ta càng hiểu thêm  về người mẹ vượt qua gian khổ, nuôi được bảy con ăn học nên người, trở thành các cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn nổi tiếng một thời. Đến bây giờ vẫn còn để lại ruộng đất, vườn ao và những di vật, kể cả mồ mả ông cha.

Chính quyền thị trấn Cẩm Giàng đã biết khai thác những gì tốt đẹp trên mảnh đất quê hương để giáo dục thế hệ trẻ, tự hào quê mình từng sản sinh ra những nhà văn, dung dưỡng những tâm hồn văn học, là cội nguồn tạo ra nhiều mẫu nhân vật trong các tác phẩm văn học mang đậm chất dân tộc. Và Cẩm Giàng vẫn lưu lại một hình ảnh Trại Văn chương TLVĐ, trong khuôn viên nhà bà Thông Nhu, thân mẫu các nhà văn, chỉ cách nhà ga vài trăm mét.

Sau đó, ở thị trấn Cẩm Giàng có nhiều chương trình hoạt động với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Những buổi sinh hoạt, giới thiệu bình văn chương TLVĐ đã giúp cho thế hệ trẻ, hiểu thêm về dòng văn học này. Các hội viên câu lạc bộ, một số trường trung học cơ sở đã phát động cuộc thi sáng tác văn thơ nói về quê hương và TLVĐ.

Đảng bộ, HĐND Thị trấn và các cơ quan trên địa bàn thị trấn đã được nghe chương trình chuyên đề tiến tới hội thảo khoa học TLVĐ. UBND Thị trấn Cẩm Giàng cử cán bộ lãnh đạo thị trấn và mời một số nhà khoa học của tỉnh cùng tham gia đi tìm tư liệu, nhân chứng chuẩn bị cho hội thảo. Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng cũng có nghị quyết về thực hiện chủ trương của tỉnh về hội thảo đánh giá một cách khoa học về TLVĐ.

Ngày 9/5/2008, hội thảo Bảo tồn và phát huy di sản cố trạch của Tự Lực Văn Đoàn tại tỉnh Hải Dương được tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng, chỉ cách khuôn viên từng mệnh danh Nhà khách Văn chương TLVĐ chừng vài trăm mét.

Khi các đoàn khách từ trung ương và tỉnh, huyện về dự hội thảo, đường phố rợp cờ hoa, khẩu hiệu, áp phích, pano. Các nhà văn, nhà nghiên cứu, các giáo sư, như Phong Lê, Huệ Chi, Chương Thâu, Hà Văn Đức, Bằng Việt, Lê Lựu v.v... về dự và đọc tham luận. Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học vì lý do sức khỏe, không về dự, nhiệt tình gửi một bài tham luận và ủy quyền người đọc thay mình...

Với 23 bản tham luận và ý kiến phát biểu của đại biểu T.Ư và địa phương, hội thảo đã làm sáng rõ hơn và khẳng định thị trấn Cẩm Giàng là quê hương của ba nhà văn trụ cột TLVĐ, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cũng là quê hương văn học của các tác phẩm TLVĐ. Việc xây dựng nhà lưu niệm TLVĐ trên mảnh đất xưa của gia  đình ba nhà văn là một sự ghi nhận đóng góp của họ với lịch sử văn học nước nhà.

Nửa năm kể từ ngày hội thảo, ngày 17/12/2008, UBND tỉnh Hải Dương có công văn chỉ đạo quy hoạch khu vực cố trạch của TLVĐ tại thị trấn Cẩm Giàng. Tháng 4/2009, chính quyền huyện Cẩm Giàng thành lập một ban chỉ đạo lập quy hoạch do một phó chủ tịch huyện làm trưởng ban.

Theo kế hoạch, giai đoạn một, khu lưu niệm TLVĐ có diện tích 1,2 ha, trong đó có công viên văn hóa, thư viện, nhà khách, nhà ánh sáng được bố trí trên nền đất cũ. Sẽ chẳng bao xa, khách đi tàu Hà Nội - Hải Phòng, khi qua ga Cẩm Giàng, lại có thể nhìn thấy Trại bà Thông Nhu thuở nào, nhìn một khu lưu niệm văn chương TLVĐ một thời tưởng như đã lùi vào dĩ vãng.  

 

Theo Khúc Hà Linh (Báo Tiền Phong)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: