Người ta gọi chị là Nghệ sĩ nhân dân, còn tôi muốn gọi chị là “cô Xúy Vân của làng chèo Việt”. “Cô Xuý Vân” đã có 40 năm thủy chung với chèo.
Sống trong không gian văn hóa chèo từ thủa mới lọt lòng, chị lớn lên bằng điệu chèo rồi lại cống hiến cả đời cho chèo. Thanh Hoài đã hóa thân vào những vở chèo kinh điển để rồi khi người ta nhớ đến chị là nhớ ngay đến những nhân vật mà chị nhập vai tới mức hoàn hảo. Tôi đã xem chị trong nhiều vở và nhiều trích đoạn kinh điển. Nào là Xuý Vân giả dại trong vở Kim Nhan, Thiện Nam trong vở Quan âm thị kính rồi các trích đoạn Kiều trong vở Truyện Kiều, chị Ba trong vở “Lọ nước thần”… Nhưng “Xúy Vân” chính là đỉnh cao của nghiệp chèo đời chị.
Yêu chèo từ thủa lọt lòng
Lẽ ra hẹn gặp được chị vào một sớm mùa thu để nghe chị ngân nga những điệu chèo trong veo thì “hợp lý” hơn là đến thăm nhà chị vào một sáng tháng 6 trời nắng như đổ lửa. Nhưng khi bước vào căn nhà của chị, mọi thứ dịu hẳn, nghe chị trải lòng mà phút chốc dòng đời sô bồ ngoài kia bỗng chốc trở nên đáng yêu hẳn lên.
Đối diện với tôi là một người NSND giản dị và đậm chất đồng quê hiếm thấy. Trút bỏ những bộ trang phục cầu kì khi đứng trên sân khấu, Thanh Hoài đời thường rất đậm chất “hương đồng gió nội”. Chị bảo: “Mình thích ăn mặc giống các cụ nhà mình ở quê ngày xưa cho thoải mái”. Hóa ra chị vẫn giữ cái “nếp nhà” và nết ăn nết ở từ thuở thiếu thời lúc mới đến với chèo.
Ngày nhỏ, Thanh Hoài mê chèo tới mức thuở nhỏ chị phải trốn nhà đi xem hát chèo và học lỏm theo các cô chú, anh chị ở đoàn chèo tỉnh nhà. Ngày ấy chị làm những nghệ sĩ ở đất chèo phải trầm trồ bởi giọng hát và dáng điệu của cô gái 15 tuổi như là sinh ra để dành cho chèo. Thanh Hoài được một người hàng xóm lớn tuổi cũng mê chèo và mê cả giọng hát của chị dẫn lên tỉnh luyện thi văn công. Bước ngặt đời chị bắt đầu từ giây phút ấy. Chị tham gia đoàn văn công của tỉnh rồi trúng tuyển vào trường nghệ thuật chèo năm 1965. Từ đây tài năng thiêm bẩm với chèo trong chị bắt đầu thăng hoa.
Không chỉ hát hay lại thông minh, sáng dạ, chị học rất nhanh cả trăm làn điệu hát chèo cổ, rồi nhanh chóng được giao những vở khó và trích đoạn kinh điển. “Nhập”cả tâm hồn mình vào những Xuý Vân, Thị Kính, Thị Màu…, ở vai diễn nào chị cũng để lại ấn tượng sâu sắc.
“Xuý Vân giả dại” chính là trích đoạn “đỉnh” nhất mà Thanh Hoài đã diễn đi diễn lại không biết bao nhiều lần. Nhưng cũng đã bao thế hệ xem chị mà cũng không biết chán. Từng điệu bộ, cử chỉ của Xúy Vân, con mắt liếc dọc liếc ngang qua diễn xuất của Thanh Hoài đều chạm đến tận cùng cảm xúc. Tiếng hát thánh thót vang lên sau đó tắt lịm, rồi tiếng cười như điên như dại xé toạc màn đêm của Xúy Vân dường như chỉ mình chị là có thể “nhập hồn”. Cứ nhìn cảnh “Xúy Vân” Thanh Hoài cầm cành cây cất giọng man dại: “Chị em ơi tôi hát xuôi cũng được tôi hát ngược cũng hay thế tôi hát câu này cho chị em nghe nhé” mà nhiều thế hệ diễn viên chèo coi đó như “khuôn vàng thước ngọc” của nghề.
Điệu chèo mộc mạc thanh cao
Những năm tháng học nghề ở Nhà hát Chèo VN dù dưới mưa bom lửa đạn nhưng người phụ nữ ấy vẫn nguyên vẹn, thủy chung một tình yêu với nghề. Có những thời điểm khi giặc Mĩ leo thang đánh phá miền Bắc, Trường nghệ thuật của chị phải sơ tán về vùng núi Tam Sơn (tỉnh Hà Bắc cũ).
Cô văn công Thanh Hoài cũng đã có lúc phải cùng thanh niên xung phong đào hầm xuyên núi tránh đạn. Và rồi chị cũng trở thành một cô văn công chiến trường thực sự. Các tuyến lửa đường 9 nam Lào, đường mòn Hồ Chí Minh những năm kháng chiến đã từng vang lên giọng hát mượt mà của chị.
Hát cho bộ đội nghe trước khi ra trận, chị nhập vai nhưng cô gái thanh niên xung phong trong các vở: “Đường về trận địa” ,“ Cô gái mặt đường” - những vở chèo rực lửa ra trận. Thời ấy, người ta ví tiếng hát của cô đào Thanh Hoài Hoài trong trẻo, hấp dẫn như một dải lụa mềm. Tiếng hát ấy với nhiều người đủ sức xua đi cả sự dữ dội của đạn bom, thậm chí cái chết.
Đạt tới đỉnh cao nghề nghiệp từ những năm 70 - 80 của thế kỉ trước, nhưng chị vẫn miệt mài lao động nghệ thuật bằng tình yêu thủa ban đầu. Chèo đem đến cho chị tất cả, rồi lại còn “se duyên” cho chị, “tặng” chị cả một gia đình.
Nhạc sĩ Vũ Đình Quân - chồng chị vốn cũng là một người hâm mộ giọng hát Thanh Hoài từ khi đệm đàn cho chị. Nhắc đến đấng phu quân của mình, đôi khi Thanh Hoài của tuổi 60 vẫn bẽn lẽn và rung cảm như thủa mới yêu. Anh Vũ Đình Quân là người đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp của chị. Không tâng bốc vợ bằng những câu nịnh đầm, anh Quân sẵn sàng góp ý, thậm chí chỉnh sửa thẳng thắn cho chị khi hát và khi diễn.
Biết tiếng chị, lại cảm phục giọng hát đậm chất đồng quê của chị. Nhiều nhạc sỹ, đạo diễn mời chị tham gia phim “Vũ khúc con cò”, hát bài hát trong phim “Mê thảo thời vang bóng”, dù với điện ảnh chị là kẻ ngoại đạo.
40 năm thủy chung với chèo bất chấp những đổi thay của ngoại cảnh, của cơ chế và những thị hiếu thời thời thượng, Thanh Hoài vẫn chưa muốn nghỉ. Chị vẫn lên lớp truyền dạy cho sinh viên nghiệp chèo cả đời mình. Chị bảo, trước tiên phải nghiêm khắc với chính bản thân mình thì mới dạy trò được. Riêng tôi, khi chia tay chị cứ thấy điểm chung gì đó giữa chị và một làn điệu chèo- đều chân chất, mộc mạc nhưng cũng thanh cao lắm thay.
(Nguồn: Báo điện tử Sân khấu Việt