Thứ tư, 30/10/2024,


Người giữ lửa khèn bè Thái Mường Lò (28/07/2009) 

Lần đầu gặp anh, ít ai nghĩ đây là một nghệ nhân chế tác khèn bè Thái tài hoa bởi dáng người to thô, da ngăm đen, khuôn mặt vuông vức, anh là một lão nông chi điền thực sự, song khi anh bắt tay vào công việc, từ lựa một ống nứa cho đến chuốt chiếc lam đồng, lắng nghe từng âm thanh để thẩm âm… mới thấy nét tài hoa và tình yêu nghề qua mỗi động tác nhẹ nhàng khéo léo và ánh mắt như có lửa của một nghệ sỹ đích thực.

 

Cả vùng Mường Lò (Yên Bái) bây giờ chỉ có nghệ nhân Cầm Văn Ngoan ở bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn là có khả năng chế tác một chiếc khèn bè hoàn hảo.

Hệ thống nhạc cụ của người Thái rất đa dạng và phong phú, gồm bộ gõ, các loại pí… và khèn bè. Trong đó khèn bè có một vị trí vô cùng quan trọng, là nhạc cụ chủ đạo và là biểu tượng độc đáo của nền âm nhạc Thái.

Với 14 ống nứa tép (mạy pao) được ghép lại thành từng đôi trên một bầu bằng gỗ thừng mực (mạy mụk), nghệ nhân dùi 12 lỗ bấm đối xứng và khoét các lỗ thoát hơi trên các ống nứa với các kích cỡ khác nhau ở các vị trí thích hợp. Một trong các kỹ thuật khó nhất là xử lý các lam đồng, từ độ dầy, độ dài tới độ bóng bề mặt. Với năm cung và một quãng tám, khèn bè có thể diễn tả được hầu hết các điệu dân ca, nhạc hiện đại và làm nền cho các điệu dân vũ và múa hiện đại. Bởi vậy khèn bè luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống nghệ thuật của người Thái và cả trong các tiết mục sân khấu.

Điều thú vị là ở khèn bè Thái có những âm thanh sóng đôi như: Lả - lá, hai nốt rế, hai nốt son, đồ - đố, phà - phá, mà các nghệ nhân gọi là pò mè - tức là bố mẹ. Bởi vậy mỗi khi tiếng khèn bè cất lên nghe da diết sâu lắng như lời tâm tình yêu đương cháy bỏng của những đôi trai gái. Dù đó là điệu báo xao (trai gái), sài peng (tình tự), lòng tông (qua cánh đồng), hay đệm cho các điệu xoè. Triết lý âm dương, sự sinh sôi phát triển của cuộc sống được thể hiện vô cùng tinh tế.

Chính vì khả năng biểu cảm phong phú, nên việc chế tác khèn bè rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi một sự khéo léo và trình độ thẩm âm cao. Chiếc khèn bè không chỉ là nhạc cụ với những âm thanh tuyệt vời mà còn là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, kết tinh những giá trị vật chất và tinh thần của tự nhiên và sự sáng tạo cùng tình yêu cao cả của người nghệ sỹ.

Nghệ nhân Cầm Văn Ngoan cho biết: “Bố tôi lúc trẻ mê thổi khèn và thổi khèn rất giỏi, ông thường sang nhà một nghệ nhân cùng bản học lỏm chế tạo khèn bè. Về sau ông mua hẳn một chiếc về tháo rời ra rồi mày mò làm theo, dần dần khèn do ông làm ra đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật, được bà con xa gần mến mộ”.

 

         

                     Nghệ nhân Cầm Văn Ngoan đang thẩm âm

 

Kế thừa được tình yêu văn hoá dân tộc và nét tài hoa của cha, ngay từ nhỏ nghệ nhân Cầm Văn Ngoan đã say mê học hỏi. Bốn năm nay, từ khi người cha mất do tuổi già, ông chú tâm hoàn thành những chiếc khèn cha ông chưa làm xong và chế tác mới theo yêu cầu của bà con.

Năm nay nghệ nhân Cầm Văn Ngoan hơn năm mươi tuổi, cái tuổi đang độ chín. Có lẽ vì vậy mà khèn bè do nghệ nhân làm ra không chỉ có những âm thanh trong trẻo rộn rã tươi vui, mà còn mang những nét thâm trầm của sự trải nghiệm. Tiếng khèn bập bùng như ngọn lửa làm xao xuyến lòng người. Cũng vì vậy mà khèn do nghệ nhân làm ra không đủ cung cấp cho khách sành điệu xa gần. Còn các chuyên gia âm nhạc nước ngoài khi gặp đều không dấu được sự ngạc nhiên và khâm phục khi thấy một con người chân chất, giản dị tưởng như chỉ biết cày bừa cấy hái lại làm ra được những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo như vậy.

Vừa ngâm nga câu dân ca Thái: 'Tiếng khèn làm đẹp bản mường/Như nắng dệt gấm trên quê hương/ Như núi lam xanh sương đêm vừa gội / Như suối hát tình ca, tiếng người yêu gọi'. Nghệ nhân Cầm Văn Ngoan nâng chiếc khèn do người cha để lại, chiếc khèn có những lưỡi gà làm bằng bạc nên âm thanh trong sáng ngân nga như tiếng suối reo, gió hát. Dòng suối âm thanh dặt dìu da diết như lay động cả đất trời trong bài: 'Púc xao'  - Gọi bạn tình: 'Dậy đi em! Dậy đi em!/Anh hồi hộp nâng khèn/Trăng vàng sóng sánh/Đầu khèn chạm vào hò hẹn/ Sao hôm đậu xuống mái nhà/ Đêm trở mình da diết nhớ sàn hoa/Đầu khèn chạm vào đợi chờ/Sao mai lung linh cửa sổ/Đầu khèn chạm vào nỗi nhớ/Trăng neo khau cút bâng khuâng/Em như nàng tiên mùa xuân/Bước ra từ câu khắp'.

 

        Trần Vân Hạc

        F.201, Nhà.B4, Ngõ.189, Thanh Nhàn

        P. Quỳnh Lôi, Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội

       ĐT: 0917 331 683 - Email: vanhac.yenbai@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: