Thứ hai, 02/12/2024,


Nhà văn thương binh Thanh Giang (26/07/2009) 

Tôi biết anh từ xuân Mậu Thân (1968) khi anh là phóng viên của Tạp chí Văn nghệ và Báo Quân giải phóng miền Nam thâm nhập chiến trường Sài Gòn. Lúc ấy, tôi là trợ lý tuyên huấn Phòng Chính trị Phân khu Sài Gòn - Gia Định (FK6), đơn vị đang chuẩn bị xuống đường thì anh từ trên Miền xuống. Vừa làm quen xong, anh tất tả theo bộ đội vào chiến dịch Mậu Thân, cùng đi với anh có nhà báo Phú Bằng.

Sau khi bám theo các đơn vị mũi nhọn tấn công vào nội đô lùi ra, địch phản kích, bom pháo ác liệt. Anh và Phú Bằng trụ trong căn hầm đang viết về những người lính chiến đấu trên mặt trận Sài Gòn, thì căn hầm bị trúng đạn pháo. Căn hầm sập, 3 chiến sĩ hy sinh, Thanh Giang và Phú Bằng bị thương. Những trang bản thảo thấm đỏ máu. Và cũng từ trong chiến dịch Mậu Thân anh trở thành nhà văn thương binh.

Sau chiến dịch Mậu Thân, từ năm 1969-1970, anh trở lại bám trụ cùng bộ đội Sài Gòn - Gia Định. Tại đây, anh cũng là người hướng dẫn tôi viết tin, viết văn và ra tờ tin. Thời đó, bài vở viết ra đưa qua văn thư đánh máy trên giấy sáp. Tôi và anh Thanh Giang kiếm cây đóng khung vải, rồi dùng quai guốc kéo bàn in. Mực và giấy sáp được giao liên đưa từ nội thành ra. Nhờ vậy, tờ tin hàng tháng được phát hành đều đặn, đến được các đơn vị phân khu. Trong các lần chuẩn bị đại hội chiến sĩ thi đua, anh Thanh Giang cùng chúng tôi xuống đơn vị viết về các gương chiến đấu dũng cảm… Nhiều đêm chúng tôi giăng võng nằm bên nhau ở vùng ven đô.

 

     

Nhà văn Thanh Giang (phải) và nhà văn Lê Văn Thảo tại cuộc thi

ký văn học Chân dung Người đương thời do Báo SGGP tổ chức.Ảnh: AN DUNG

 

Tôi được biết anh tên thật là Lê Mai Sơn, quê Mỏ Cày, Bến Tre, tham gia cách mạng từ năm 17 tuổi. Tháng 9-1954 anh nhập ngũ, tập kết ra Bắc thuộc Sư đoàn 330. Tại đây, anh tham gia công tác văn nghệ phong trào, làm tập san Sư đoàn, tự dấn thân vào nghiệp cầm bút. Đầu năm 1961, anh được Tổng cục Chính trị QĐND rút về học nghiệp vụ tuyên huấn, rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, làm báo, viết văn. Tháng 12-1961, anh vượt Trường Sơn về chiến trường, được phân công làm trợ lý văn nghệ thuộc Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam (B2).

Anh cùng tập thể cơ quan sáng lập tờ Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng miền Nam, vừa làm biên tập, vừa là phóng viên mặt trận. Anh luôn có mặt trong các chiến dịch lớn và thường thâm nhập chiến trường Sài Gòn-Gia Định. Anh cũng là người tham gia tổ chức các trại viết, tập hợp bồi dưỡng những cây viết trẻ ở các đơn vị, trong đó có tôi, góp phần bổ sung đông đảo đội ngũ những người lính cầm bút, nhiều người đã trở thành nhà báo, nhà văn có tên tuổi được bạn đọc quen biết.

Cây bút Thanh Giang không phải đi “một tấc” đạt tới thăng hoa. Nhưng anh được nhiều người biết đến và mến mộ bởi cái duyên trong ngòi bút và tính điềm đạm, nhân hậu trong con người của anh. Những nhân vật của anh đa phần là những người lính chiến trận; những người anh hùng; những nữ giao liên; những cô gái biệt động Sài Gòn xinh đẹp, đã làm kinh động cả Lầu Năm góc, những “chiến sĩ” không mặc áo lính hoạt động phong trào nổi dậy của ba thứ quân ngay giữa lòng thành phố.

Tiêu biểu là tiểu thuyết 600 trang Khúc chuông chùa (được tặng thưởng của UBTQ các hội LHVHNT). Đáng lưu ý nữa là tiểu thuyết Sóng Hàm Luông (in lại 6-2009), viết về quê hương Đồng khởi Bến Tre và các tiểu thuyết: Vùng tranh chấp (in lại 2003), Dòng sông nước mắt, Trăng lên vườn Bồ Đề. Ngoài ra còn hơn 10 tập truyện ngắn và ký: Đánh trong lòng địch, Giữa lòng thành phố, Ước mơ tuổi trẻ, Cô biệt động, Những người ở lại... Các tác phẩm của Thanh Giang phản ánh những sự kiện từng giai đoạn lịch sử dân tộc, những con người tiêu biểu của Sài Gòn-Gia Định và của đồng bằng Nam bộ. Cái chất Nam bộ của anh không trộn lẫn với ai. Những con người chân chất, giàu lòng yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Văn Thanh Giang như con người anh: hiền hòa, đôn hậu, khiêm tốn, thủy chung, không ồn ào, thầm kín, mà sâu sắc, lắng đọng. Đó cũng là nhân cách và nét tài hoa tiềm ẩn trong ngòi bút Thanh Giang.

Thanh Giang không chỉ làm báo, viết văn, anh còn làm thơ. Thơ anh được đăng tải nhiều trên các báo, tạp chí địa phương và Trung ương. Năm 1995 anh xuất bản tập thơ “Âm điệu bờ tre”, Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM. Tập thơ đậm nét hình ảnh người lính chiến trận. Đó là đội ngũ trưởng thành trong phong trào Đồng khởi, từ những chiến thắng Đồng Xoài, Bình Giã đến khí thế tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 68. Người lính trong thơ anh là người lính giàu tình cảm, quyết chiến thắng và biết giữ gìn nhân cách. Cũng vì vậy, mặc dù “tóc xanh thôi đã bạc màu”, nhưng chất lính vẫn nồng cháy trong anh. Còn một thể loại cũng nên nhắc đến là kịch bản phim truyện. Trong một số kịch bản phim của anh được dựng 2 phim truyện nhựa là Cư xá màu xanh và Đêm Bến Tre; có một kịch bản được giải B (không có giải A) của Tổng cục Chính trị QĐND: Lửa hương rừng dừa (dựng phim đổi tên Đêm Bến Tre)...

Sau hòa bình 1975, khi về làm tổ trưởng tổ văn Quân khu 7, lúc đó chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra ác liệt, anh cùng nhà văn Trần Văn Tuấn, nhà thơ Văn Lê lại tiếp tục ra biên giới (vùng Bến Sỏi, Bến Cầu), thâm nhập Tiểu đoàn 14 tỉnh Tây Ninh tận chiến hào. Các anh lại một lần nữa đi vào khói lửa chiến tranh trong lúc đất nước vừa được hòa bình thống nhất. Tháng 9-1980, anh được chuyển ngành về làm trưởng phòng biên tập Xưởng phim truyện Nguyễn Đình Chiểu. Tháng 7-1982 về phụ trách trại bồi dưỡng và sáng tác văn học Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Anh cũng là người cùng các anh Nguyễn Viết Tá, Võ Trần Nhã thành lập tờ tin Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh (1982), tiền thân của Báo Cựu chiến binh ngày nay. Cũng thời gian này, anh đề xuất thành lập Câu lạc bộ Nhà văn - Nhà báo Cựu chiến binh thành phố - xuất bản tập thơ “Thời áo lính “ (Nhà xuất bản Trẻ 1997).

Trong căn hộ trên lầu 3 chung cư số 150 Trần Hưng Đạo quận 1, nhà báo, nhà văn thương binh Thanh Giang năm nay sắp bước sang tuổi 80, nhưng ngòi bút vẫn còn sung sức, cặm cụi gõ máy vi tính hoàn thành bản thảo tiểu thuyết chân dung: “Ngạc xuyên huyền nhân” (đã nộp NXB Trẻ), một bản thảo Truyện anh hùng (đã nộp NXB CAND), một bản thảo đang in ở NXB Văn hóa Sài Gòn: Lung linh hình bóng, viết về chân dung văn học các nhà văn từng gần gũi. Anh như chạy đua với thời gian, với tuổi tác, với những khối tư liệu ngồn ngộn sự sống của thời khói lửa đạn bom. Anh tâm sự: Với tôi, món nợ không vay mà mắc, không ai đòi, không trả không yên. Đó là sự hy sinh to lớn của nhân dân, của đồng đội, của đồng nghiệp, như nhà báo Ngọc Châu, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi)...

 

XUÂN HÒA

(Nguồn: Báo SGGP)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: