Chủ nhật, 22/12/2024,


Võ Hoài Nam: Đường, chợ, đời dạy tôi trưởng thành (25/07/2009) 

 

“13 tuổi lang thang khắp vỉa hè kiếm sống. 18 tuổi nhập ngũ. 22 tuổi, xuất khẩu lao động sang Nga... Những năm tháng ấy đã dạy tôi khôn lớn. Nhìn lại, tôi thấy cuộc đời mình chẳng thiếu thứ gì”, “Vua bãi rác” Võ Hoài Nam tâm sự sau gần 7 năm vắng bóng.

 

Vào Nam mở nhà hàng kinh doanh, tôi đã nghĩ, có lẽ mình sẽ rời xa điện ảnh. Sáu, bảy năm rồi còn gì, tôi không đóng phim nữa. Bộ phim tham gia gần nhất là Chuyện phố phường của đạo diễn Danh Dũng, sản xuất năm 2003, vậy là sáu năm rồi...

 

Kinh doanh nhà hàng trong Nam khá phát đạt. Có ngày, vợ tôi kiếm được hai, ba triệu tiền lãi. Nhưng có một vài trục trặc trong tình cảm anh em, tôi chán, lại bồng bế vợ con về lại Hà Nội. Tôi về Hà Nội được hơn một năm thì nhớ điện ảnh quá. Sau những bữa nhậu ồn ào, sau mùi thức ăn ồn ã của cuộc sống cơm áo gạo tiền, tôi lại nhớ những vai diễn thuở xưa của mình. Suy cho cùng, nghề diễn vẫn là đam mê số một!

Nhưng nhận được một vai hay bây giờ đâu có dễ. Vai chính, lại càng khó. Tôi đi học đạo diễn. Rồi xin vào làm ở Hãng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khê). Nhiều người bảo tôi, “Mày điên à? Xin về cái hãng phim đang dở sống dở chết ấy làm gì?”, tôi bảo “Phải về đấy mà làm nên chuyện mới là giỏi”. Đời tôi vẫn tâm niệm một câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tôi có gửi một kịch bản do mình viết lên hãng, có tên là Kẻ lộng quyền - tôi viết về giới giang hồ. Tôi vốn thích kết bạn với những tay “anh chị” trong giới giang hồ, hảo hán. Họ là những cuộc đời đi lên từ khốn khổ, giống như tôi. Hơn nữa, tôi quý trọng tình nghĩa của những người trong giới giang hồ. Họ nói một là một, hai là hai, không lèo lá, lươn lẹo. Và đã kết bạn là sẽ sống chết có nhau. Rất nghĩa tình. Nhưng kịch bản ấy gửi lên hãng cũng lâu lâu rồi. Chẳng biết đến bao giờ mới được duyệt!

Mấy tháng trước, tôi được giao một kịch bản một tập, Nửa phần còn lại. Phim làm về đồng bào miền núi, về các chiến sỹ biên phòng. Phim làm chiếu phục vụ bà con, mục đích tuyên truyền là chính. Nhưng tôi cũng đưa đoàn làm phim lên tận Hà Giang “nằm vùng” ở đấy cả tháng. Tôi thích làm nghề một cách nghiêm túc. Dù ít tiền, ít danh đến mấy, nhưng đã làm, phải làm cho tử tế.

 

Chưa bao giờ tôi tính chuyện làm ăn với nghệ thuật. Nếu trông đợi vào tiền đóng phim, có lẽ, cả nhà tôi đã chết đói từ lâu! Làm vì niềm đam mê cứ âm ỷ cháy trong mình. Dù mình làm nghề gì, dù mình kiếm được mấy triệu một ngày nhờ buôn bán, mình đi xe ô-tô rồi, vẫn cứ nhớ những ngày rong ruổi đi làm phim. Cát-sê lớn nhất mà tôi từng được nhận là 37 triệu, cho 40 tập phim Cảnh sát hình sự, làm trong 2 năm. Nhiều người vẫn hỏi tôi, có buồn không khi nghề mình đam mê đang khổ thế? Tôi chả buồn. Hàng chục năm nay rồi, nghề diễn viên vẫn như thế. Kịch bản hay khan hiếm. Cát-sê bèo bọt.... Khó thay đổi lắm! Tôi cứ đợi thôi. Tôi chẳng hơi đâu mà buồn cho nghề nữa. Bây giờ, nếu con tôi không có cái ăn, con tôi không có áo mới mặc vào ngày Tết, con tôi đói phải uống nước lã, tôi mới buồn.

 



13 tuổi đã từng lang thang khắp các vỉa hè, đường phố kiếm sống. 18 tuổi nhập ngũ. 22 tuổi theo con đường lao động sản xuất sang Nga... Đời tôi đã đi qua nhiều cay đắng, nhiều bài học xương máu, nên tôi hiểu hơn ai hết, hạnh phúc của gia đình quan trọng như thế nào với sự lớn lên của một đứa trẻ. Tôi học diễn xuất 3 năm, học đạo diễn 4 năm, nhưng những gì tôi học được nhiều nhất lại từ đường, chợ, đời. Đường phố, chợ đêm, cuộc đời đã giúp tôi trưởng thành, để thấm thía được, cái gì là quan trọng, là giá trị với mình. Ra đường, gặp những cô gái xinh đẹp, cũng xao xuyến lắm chứ, trước cái đẹp, đá còn phải mòn, huống chi tôi. Nhưng phải biết, cái gì là thoáng qua, cái gì là quan trọng, hạnh phúc của các con tôi- không gì có thể đánh đổi được.

 

Đã từng hư hỏng, nhưng rồi, số phận lại đưa tôi trở về với cuộc đời theo đúng quỹ đạo sống. Cuộc sống như thế, tay trắng như thế, mà giữ mình được như hiện tại, tôi thấy mình hạnh phúc và may mắn. Nhiều người hay hỏi tôi, tại sao anh hay đội mũ thế? Tôi đội mũ để không phải nhìn lên. Nhìn những người hạnh phúc, giàu có, sang trọng để thèm thuồng, ao ước mà làm gì. Hãy nhìn xuống những cuộc đời bất hạnh, nghèo đói hơn mình để thấy, như thế mà họ còn sống được, tại sao mình lại không? Tôi đội mũ để học cách nhìn xuống mà nỗ lực sống.

Hơn chục năm lấy vợ, giờ đã có ba mặt con (một trai hai gái), gia đình tôi vẫn đi ở thuê. Thích thuê nhà chỗ nào thì thuê, mở nhà hàng buôn bán, khách ổn định, thu nhập ổn định, cuộc sống vậy là được quá rồi còn gì? Vợ chồng tôi tích cóp mua được 2000 m2 đất. Đất bây giờ cũng có giá. Nhưng chúng tôi chẳng muốn bán đi, mua nhà. Tại sao mọi người cứ nghĩ, phải ở nhà đẹp mới là hạnh phúc?

Tôi đang lên kế hoạch, sinh đứa con thứ 4. Phải “chốt hạ” một thằng cu nữa. Tôi thích nhiều con. Hạnh phúc lắm. Tiền bạc không làm tôi cảm thấy mình giàu có. Chỉ khi ở bên vợ và 3 đứa con, tôi mới thực sự cảm thấy mình giàu có.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: