Thứ bảy, 20/04/2024,


Con trai người thợ mộc Làng Quậy (07/08/2008) 

  

Hà Nội, những ngày đầu mùa Thu. Khi những người trong nhóm biên tập Tủ sách “Chuyện đời tôi” đang miệt mài hoàn thành những bài viết cuối cùng để chuẩn bị cho tập sách này, thì nhận được  tin vui tác phẩm sẽ được chọn là một trong những món quà tặng để phục vụ Lễ ra mắt Cuộc vận động sưu tầm những kỉ vật kháng chiến.

Chúng tôi đã thực hiện nhanh một bài viết về một người con của “Làng Quậy”: Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đính, hiện trú tại thôn Đại Vỹ, làng Hà Vỹ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội. Điện thoại (04) 8825348.

 

 

         Tự hào vì sinh ra ở... Làng Quậy

Theo sử sách truyền lại, vùng đất này có từ năm 208 trước công nguyên, ngày ấy còn được gọi là Trang trại Hà Hào, người gốc Cổ Loa chuyển đến. Từ thế kỷ XIII, làng có có tên gọi là Làng Quậy. Sau đó được đổi thành làng Hà Vỹ, bao gồm ba thôn: Đại Vỹ, Châu Phong và Giao Tác. Mỗi người dân sinh ra và lớn lên trên vùng đất này đều tự hào về nghề truyền thống của làng, đó là nghề mộc và nề (đặc biệt mộc Châu Phong nổi tiếng từ xưa đến nay).

'Tôi tự hào vì mình là một người con của Làng Quậy', xã Liên Hà - Xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp - Đại tá Nguyễn Văn Đính kể - cha tôi cũng sinh ra và lớn lên ở ngôi làng này, ông là Nguyễn Văn Quý, như bao người đàn ông khác, khi lớn lên cha tôi đã nối nghiệp tổ tiên với nghề mộc truyền thống. Nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha tôi phải gánh đồ nghề đi làm thợ mộc thuê cho một số gia đình ở Đông Hồ, Hiệp Hoà (Bắc Giang), Vân Trì (Phúc Yên)... cách xa nhà mấy chục cây số.

Là người làm thuê, nên cha tôi đã phải chịu biết bao áp bức, bóc lột và bất công. Ông nhận thức rõ bộ mặt thật của bọn thực dân xâm lược cũng như bọn địa chủ tay sai. Vì vậy, ngoài công việc của một người thợ mộc làm thuê, cha tôi còn đi truyên truyền ủng hộ cách mạng.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cha tôi trở về quê sinh sống và được kết nạp vào Đảng Cộng sản, nhưng do trình độ văn hoá hạn chế nên chỉ hoạt động ở cơ sở làng xã. Từ năm 1949 đến năm 1950, ông đảm nhiệm trọng trách là Xã đội trưởng Du kích, trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận chống càn, bảo vệ quê hương. Trong một trận chiến đấu chống lại quân Pháp vào làng ngày 25 tháng 1 năm 1950, ông Nguyễn Văn Quý và 7 người khác đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh.

(Sau này, trong bài viết: “Hà Vỹ - Ngàn năm văn võ” đăng trên báo Quân đội Nhân dân Chủ nhật, số ra ngày 14 tháng 1 năm 1990; tác giả Vũ Phong Tạo cũng nhắc lại sự kiện này, trong đó có nói tới gia đình và sự hy sinh anh dũng của người Xã đội trưởng Du kích Nguyễn Văn Quý).

Mẹ của tôi là Đỗ Thị Ba (dân làng thường gọi là cụ Quý), sinh năm 1911. Sau khi người chồng hy sinh trong trận càn quét của Pháp, thì cũng năm đó, pháo địch ở bốt Yên Viên - Dốc Lã và Đông Anh tiếp tục bắn phá vào làng do chúng nghi làng Hà Vỹ là căn cứ du kích. Trong một trận bắn phá như thế, căn bếp của gia đình tôi bị đổ nát hoàn toàn và còn mẹ tôi bị một mảnh đạn cắm vào sườn khi đang nấu cơm. Sau khi mẹ tôi bị thương, anh chị em họ hàng đã cáng lên bốt, đấu tranh trực diện, bắt đền bọn giặc đã bắn pháo bữa bãi, sát hại dân thường, yêu cầu chúng phải giải quyết băng bó chạy chữa.

Đến nay, cụ bà Đỗ Thị Ba đã ở tuổi 98 và là người cao tuổi nhất thôn Đại Vỹ. Tuy mắt cụ chỉ còn trông thấy mờ mờ và tai nghe không rõ, nhưng trí óc thì vẫn còn minh mẫn. Đó là điều vui mừng và vinh dự cho gia đình đạt hai chữ “Thọ Khang”.

 

         'Tôi từng bị giặc nghi là du kích vì... da trắng'

Cũng theo lời Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Đính hồi tưởng lại: Dù hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, nhưng từ nhỏ cậu bé Đính đã được người cha cho ăn học “đến nơi đến chốn”.  Những năm học cấp I, trường chỉ cách nhà gần 2 km nhưng đến cấp II và cấp III thì trường cách nhà gần 40 km. Hàng tuần, cậu học trò Đính phải về quê lấy lương thực để ăn học. Quần áo chỉ có một bộ (một quần cộc và một áo tay dài), còn lương thực thì chỉ có ít khoai và gạo độn ngô, thỉnh thoảng có bắt cua, ốc để cải thiện. Dù lớp học phải học vào ban đêm (do ban ngày phòng máy bay địch ném bom), phải cắt chai lọ hoặc hộp díp đánh răng làm đèn học, nhưng Đính rất say mê học tập. Không chỉ học: Văn, Toán, Lý, Hoá…, Đính còn yêu thích các môn như: Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Kết quả học tập của Đính luôn được thầy cô và bạn bè nhắc tới.

Sự hy sinh của người cha năm 1950 đã gây “cú sốc lớn” đối với một thiếu niên mới 15 tuổi như Đính. Nỗi đau buồn, thương nhớ người cha chưa nguôi thì mấy tháng sau, cậu lại phải đối mặt với “Thần Chết” chỉ vì một lý do: “da trắng”!

Như thường lệ, lần ấy Đính từ trường về nhà lấy lương thực. Nhưng cùng lúc đó, bọn Pháp cùng với lũ Tề Ngụy tập trung lực lượng bao vây quanh Hà Vỹ ở bốn phía, để càn quét truy bắt lực lượng du kích và để cướp của cải của người dân. Bọn chúng đã bắt nhiều người dân, trói vào thang vứt xuống ao cho uống no nước, rồi mới vớt lên tra hỏi nhưng cũng không khai thác được gì. Bọn địch trông thấy Đính có nước da trắng bợt như sốt rét, liền bị nghi cậu là liên lạc của du kích. Vì thường những người có da trắng xanh xao bởi sốt rét là từ vùng kháng chiến về, còn nếu ở nông thôn thì da phải đen vì rãi nắng rầm mưa! Bọn giặc đã bắt Đính và đem tới nhà cụ Năm Bẩm tra tấn trước nhà. Sau khi trói Đính vào cánh phản, bọn chúng khiêng cậu ra bể nước và đặt dốc người trên miệng bể, cho uống nước no, rồi lấy chân đẫm và chầy giã cua thúc vào bụng Đính cho nước trào ra miệng. Không khai thác được thông tin gì từ cậu học trò, địch lấy rơm đốt xung quanh người Đính, đến khi thấy cậu bé bất tỉnh chúng mới bỏ đi. May mắn là, do địch đã đổ quá nhiều nước khi tra tấn Đính nên rơm bị ẩm, không cháy hết được và Đính đã vượt qua cánh cửa “tử thần”.

Cái chết của người cha và trận tra tấn của kẻ thù, đã khiến Nguyễn Văn Đính càng tăng thêm lòng căm thù với bọn cướp nước và bán nước, đồng thời tác động mạnh mẽ đến cậu học trò mới tròn 15 tuổi. Sau đó, Đính được ông Sướng, một cán bộ cơ sở chỉ bảo và ông Đàm - một người bạn của cha cậu trước đây, phụ trách Ty Giáo dục Bắc Ninh - giúp đỡ đi học trở lại. Nhưng dường như niềm say mê sách vở không còn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong tâm trí “người con trai Làng Quậy” này.

Bước sang tuổi 16, Đính quyết định làm đơn xin đi bộ đội để “đền nợ nước, trả thù nhà”. Nhưng lá đơn của anh không được chấp nhận bởi hai lý do: Cha là liệt sỹ và thân hình Đính còn quá nhỏ bé, thiếu chiều cao và thiếu cân nặng! Không nản, Đính lại tiếp tục làm đơn xin đi thanh niên xung phong và được trên chấp nhận. Anh được phân công làm giao thông liên lạc, vừa làm việc vừa học tập văn hoá ban đêm.

Năm 1952, vì là con Liệt sỹ và có thành tích học tập tốt, Đính đã được tổ chức cho lựa chọn, hoặc là đi học y tá ở Trường Y tế hoặc đi học ở Khu học xá Trung ương Nam Ninh (Trung Quốc). Thế nhưng, niềm khát khao nhập ngũ, khát khao được chiến đấu trực tiếp với quân thù, một lần nữa lại chiến thắng. Và anh đã được toại nguyện ước mơ của mình. Nguyễn Văn Đính đã nhập ngũ tại Tỉnh đội Bắc Ninh khi vừa tròn 17 tuổi.

 

Quyết định cắt tóc trọc đầu để làm... trinh sát

Ban đầu, Nguyễn Văn Đính được phân về Tiểu đoàn Thiên Đức, một đơn vị chiến đấu giỏi có tiếng và chỉ cần nghe tên là bọn địch đã khiếp sợ, sau đó anh được chuyển lên đơn vị Trung đoàn 246 của Quân khu Việt Bắc, sau đó lại chuyển về Trung đoàn 349, Sư đoàn 351. Vì có văn hoá đầu cấp 3 (lớp 8/9), nên anh lính trẻ Nguyễn Văn Đính được giao nhiệm vụ ở Trung đội trinh sát của Trung đoàn. Vì muốn trực tiếp đánh giặc, nên Đính cứ nằng nặc xin được chuyển xuống Đại đội. Người cán bộ chính trị của Đại đội đã giải thích, phân tích để anh hiểu rõ nhiệm vụ quan trọng của mình: Trinh sát cũng như cái đồng hồ. Nếu cái đồng hồ phải có kim chạy, có chữ số đứng im thì trong đơn vị chiến đấu, mỗi nhiệm vụ đều quan trọng như nhau, không thể thiếu và coi nhẹ bất kỳ nhiệm vụ nào, người trinh sát thông tin cũng quan trọng như người chiến sĩ, người anh nuôi

Đính đã hiểu ra rằng: thực tế nhiệm vụ trinh sát, tình báo đòi hỏi các chiến sĩ phải rất gan dạ, tinh nhanh và dũng cảm, không kém gì nhiệm vụ tổ mũi nhọn ôm bộc phá đánh vào bốt, sở chỉ huy của địch.  Một yêu cầu đặt ra lúc này là để tránh bị địch phát hiện khi đang làm nhiệm vụ, cấp trên yêu cầu Đính phải “cắt tóc trọc đầu”. Một cuộc đấu tranh tư tưởng đã diễn ra: Nên hay không nên chấp hành yêu cầu của cấp trên? Nếu không “cắt tóc trọc đầu” thì khi luồn vào chân bốt địch trinh sát sẽ rất bị địch phát hiện (nếu có bị địch dùng đèn pha chiếu sáng thì cũng không phát hiện được cái đầu trọc với sự ngụy trang mầu đất trên cơ thể). Nhưng nếu cắt tóc thì khi gặp dân, bạn bè… sẽ ra sao?

Đây không phải là lần đầu tiên người chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Đính đấu tranh tư tuởng của chính mình. Ngày mới nhập ngũ, tuy thành phần gia đình là bần nông, nhưng bản thân Đính lại là học sinh, nên bị xếp vào thành phần 'tiểu tư sản', nghĩa là 'lập trường không vững vàng, hay giao động', nên phải được thử thách, rèn luyện nhiều hơn các chiến sĩ khác. Thế nhưng, cuối cùng anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình và được bồi dưỡng cảm tình Đảng.

Sau một ngày suy nghĩ, Nguyễn Văn Đính đã quyết định “cắt tóc trọc đầu”, để hoàn thành trách nhiệm của người chiến sĩ trinh sát. Anh đã cùng đồng đội cắt hàng rào dây thép gai, luồn sâu vào lô cốt của địch để tìm hiểu cách gài mìn, loại hàng rào, lực lượng địch, số lượng lỗ châu mai, kiểu lô cốt… để báo cáo Ban Tham mưu chuẩn bị phương án tấn công tiêu diệt chúng và đã giành thắng lợi cho đơn vị.

Tháng 12 năm 1954, Nguyễn Văn Đính vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản và năm 1955 trở thành Đảng viên chính thức khi 20 tuổi.

Năm 1959, Nguyễn Văn Đính được quân đội cử đi học tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, Đính được điều về Sư đoàn Phòng không 367. Lúc đầu, anh về Phòng Thông tin, tháng 8 năm 1963 chuyển về Trung đoàn  228B - Đơn vị tiền thân của Binh chủng tên lửa anh hùng của quân đội ta sau này.

 

          Những kỷ niệm sâu sắc trong chiến tranh

Trong tình hình máy bay leo thang đánh phá miền Bắc, tháng 5 năm 1965, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Nguyễn Văn Đính vinh dự được chọn đi học bí mật chuyển Binh chủng tên lửa và chính thời gian này anh có điều kiện làm quen với nhiều trang thiết bị quân sự rất hiện đại.

Trong sự phát triển nhanh chóng của Binh chủng tên lửa, Nguyễn Văn Đính lần lượt đảm nhiệm các nhiệm vụ: từ Trưởng xe Tiểu đoàn 63, rồi Trợ lý kỹ thuật Trung đoàn 236, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều máy bay Mỹ nhất.

Trong thời kỳ Mỹ tạm dừng ném bom bắn phá miền Bắc, Nguyễn Văn Đính được điều về Trường Trung cấp kỹ thuật, Trường Sỹ quan Phòng không, rồi thuyên chuyển về Phòng T,ên lửa thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Tháng 10 năm 1969, theo lệnh của cấp trên, Nguyễn Văn Đính lên đường đi B ngắn, làm Tổ trưởng Đội cơ động kiểm tra, sửa chữa đảm bảo kỹ thuật trong cơ quan thường trực của Cục Kỹ thuật tại Sở chỉ huy Tiền phương quân chủng ở Quảng Bình, Vĩnh Linh - Quảng Trị với thời gian gần ba năm, rồi ra lại Hà Nội.

Cũng trong thời gian này, có một chuyện đã xảy ra mà mãi tới sau này Nguyễn Văn Đính vẫn cho rằng đó là một bài học không chỉ trong chiến tranh mà còn có ý nghĩa đến tận ngày hôm nay. Trong nhiệm vụ đi B ngắn, đơn vị của Đính thường hành quân bằng xe ô tô, nhưng cũng có khi đi bộ, nhưng không tránh khỏi các trọng điểm máy bay địch đánh phá ác liệt. Vì có nhiều cán bộ, chiến sĩ chưa quen biết địa hình, nên mỗi cán bộ chiến sĩ đều được phát một chiếc đèn pin. Theo lệnh của cấp trên, chiễn sĩ phải dán che chiếc đèn pin, chỉ để hở một lỗ nhỏ và hạn chế sử dụng nhằm tránh lộ ánh sáng che mắt máy bay địch trên đường hành quân, còn lái xe phải đi đèn gầm, họ tự giác chấp hành tốt.

Hôm ấy, trên đường 15 qua đất Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…, trời đã gần sáng, đơn vị rẽ tạm trú hai bên đường. Khi vào xóm bản, đều thấy nhân dân đào hố, cắm cọc không cho xe cộ vào, gặp dân họ đều nhắc nhở không được bấm đèn pin như bình thường. Người dân ở đây giải thích: càng để lộ ánh sáng hoặc phơi phóng, tức khắc máy bay địch sẽ ném bom vào nơi ở. Một bác nông dân nói: “Chúng tôi sẽ bị chết cả gia đình, của cải, nhà cửa không còn gì, còn các chú nếu làm sao chỉ chết có một mình thôi”.

 Lời dân nói là rất thực tế, chân thật nên bản thân Nguyễn Văn Đính với trách nhiệm là một Tổ trưởng đội cơ động đã luôn gương mẫu, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát anh em, đồng đội không được có tác phong tự do cá nhân coi nhẹ mệnh lệnh cấp trên. Phần đông các chiến sĩ chấp hành nghiêm túc quy định trên, nhưng vẫn còn một số anh em chấp hành chưa nghiêm.

Một hôm, đơn vị qua trú quân ở Nông trường Phú Quý (Việt Trung). Khi đó, bầu trời nhiều mây, nghĩ rằng máy bay địch sẽ không hoạt động nên có người chủ quan không kịp đào bếp Hoàng Cầm. Đến lúc đun nấu để khói bốc lên, bất ngờ bị máy bay địch bỏ bom xuống nơi trú ẩn làm một đồng chí hy sinh, hai đồng chí bị thương nhẹ cùng hai lán ở của đơn vị bị cháy. Sau đó, anh em huy động dập tắt lửa. May mắn là các anh em kịp trú dưới hầm đã an toàn dù bom bi rơi trúng nóc hầm. Nhưng cũng có đồng chí hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải dây thông tin, hay do đi kiếm cây gỗ để củng cố hầm và lán ở không kịp chui vào hầm trú ẩn. 

(Sau này, khi trở về với quê hương, bài học của những năm tháng chiến tranh được Nguyễn Văn Đính lấy làm kinh nghiệm trong các hoạt động ở địa phương. Bài học “lòng dân ý Đảng” đã giúp ông không chỉ nhận được sự ủng hộ của nhân dân mà còn tạo thuận lợi để ông đưa những chủ trương, chính sách của Đảng vào cuộc sống của người dân quê hương ông).

Tháng 6  năm 1972, Nguyễn Văn Đính được điều động làm Trưởng ban kỹ thuật (sau là Chủ nhiệm Kỹ thuật Trung đoàn) tại E 261 - F361, tức là được tham gia bảo vệ Hà Nội - bảo vệ mảnh đất quê hương mình trên mảnh đất Đông Anh, phía Tây Bắc Hà Nội. Niềm vui và tự hào đã tạo nguồn sức mạnh để người cán bộ kỹ thuật vượt qua muôn vàn khó khăn, cùng đồng đội góp sức mình vào chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không”. Công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa tên lửa để đảm bảo sẵn  sàng chiến đấu cao nhất, đường dây điện thoại thông suốt. Trong thời gian chiến dịch hệ số kỹ thuật được đảm bảo cao, giúp cho người chỉ huy tin tưởng vào trang bị, thực hành xạ kích đạt hiệu quả cao; góp phần làm thất bại hoàn toàn đợt tập kích bằng B52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng của Đế quốc Mỹ. Đặc biệt, với vai trò của một người Chủ nhiệm kỹ thuật, Nguyễn Văn Đính đã tham gia cùng tập thể nghiên cứu, tìm tòi nhiều biện pháp để hạn chế khí tài xuống cấp, cũng như tìm nguyên nhân khi đạn mất điều khiển, tìm cách sử dụng lại những viên đạn tên lửa đã quá hạn sử dụng để tiêu diệt máy bay địch. Và cũng trong thời gian nay, Nguyễn Văn Đính đã vinh dự được bầu là Chiến sĩ thi đua và nhận Huy hiệu Điện Biên Phủ trên không.

 

   Gia đình Đại tá CCB Nguyễn Văn Đính trong một ngày vui.

 

         Tuổi càng cao, tình càng lớn...

Sau khi Thực dân Pháp rút quân khỏi Việt Nam, cũng như bao thanh niên thời bấy giờ, Nguyễn Văn Đính lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới để đối đầu với kẻ thù hung bạo và tàn ác hơn. Ngày ấy, trong làng có một cô thôn nữ không chỉ ngoan ngoãn mà còn nổi tiếng xinh đẹp và được nhiều trai làng “ướm hỏi”. Cô gái ấy tên là Đỗ Thị Chinh.

Trước khi Đính đi học ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, gia đình luôn thúc giục anh lấy vợ, nhưng Đính luôn tìm cách 'lẩn tránh'. Qua lời giới thiệu của gia đình, Đính đã viết thư cho Chinh và hai người chỉ trao đổi với nhau trên lá thư. Năm 1958, anh bộ đội Nguyễn Văn Đính được đơn vị cho về nghỉ phép tranh thủ 15 ngày và lễ cưới của hai người diễn ra ngay sau đó. “Mâm cỗ cưới” ngày ấy chỉ có duy nhất bánh kẹo, mấy bao thuốc lá và một số bài hát văn nghệ.

Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, Đính trở lại đơn vị để tiếp tục việc học tập, còn người vợ được cử đi học Lớp Mầm non ở Cầu Giấy (Hà Nội). Năm 1963, người con trai đầu Nguyễn Hữu Đoan cất tiếng khóc chào đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Năm 1965, họ sinh tiếp cô con gái Nguyễn Thị Đoài. Sau đó, ba người con trai Nguyễn Hải Đông (1968), Nguyễn Hải Đức (1970), Nguyễn Hải Định (1974) lần lượt ra đời. Người chồng hoặc ra chiến trường vì nhiệm vụ. nên thường xuyên vắng nhà, một mình người vợ vừa lo công tác, vừa nuôi dạy những đứa con khôn lớn trưởng thành.

Hiện nay, chỉ duy nhất Nguyễn Hải Đông là đi theo con đường của người cha. Anh là Đại uý chuyên nghiệp Nhà máy Z153 - Bộ Quốc phòng. Bốn người con còn còn lại của ông bà Đính mỗi người một ngành nghề khác nhau: giám sát thi công xây dựng, nghề thủ công cắt mài kính, thợ tự do… Ông Đính đã có 11 cháu nội ngoại và một chắt ngoại.

Theo truyền thống, thì đại gia đình ông Nguyễn Văn Đính được gọi là Tứ Đại Đồng Đường (bốn thế hệ cùng chung sống) nhưng dường như trong ngôi nhà không có sự khác biệt và mâu thuẫn giữa; các thế hệ mà ở đó luôn tràn ngập tiếng cười. “Cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền” được xem là đạo lý sống của gia đình ông. Tuy đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng lối sống cần kiệm của cụ Quý luôn được ông Đính lấy làm bài học cho con cháu của mình.

Trong ký ức của người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Văn Đính hôm nay, hình ảnh của những ngày Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 luôn được ông kể lại cho con cháu nghe mỗi khi rảnh rỗi. Năm đó, ông chỉ là cậu bé lên 10 tuổi nhưng đã được chứng kiến hình ảnh của một xã hội đầy biến động. Chỉ trước đó mấy ngày, cả làng ông luôn bao phủ bởi tiếng khóc của những gia đình có người chết vì căn bệnh dịch tả cùng với cái đói. Nhưng như một giấc mơ thần kỳ đã đến với người dân quê hương ông. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, người chiến sĩ giải phóng quân trong Mặt trận Việt Minh cầm thanh kiếm đứng diễn thuyết giữa đình làng Hà Vỹ để tuyên truyền đường lối cách mạng không đóng thuế cho ngoại bang, chống sưu cao thuế nặng, đập tan chế độ thực dân Pháp và kêu gọi mọi người dân đứng dậy làm chủ vận mệnh, đất nước của mình…

Mỗi câu chuyện người lính già Nguyễn Văn Đính kể lại cho con cháu nghe không đơn giản chỉ là hồi tưởng lại quá khứ đau thương của người dân Hà Vỹ, mà quan trọng hơn, ông muốn những thế hệ hôm nay nhận thức rõ giá trị cuộc sống mà mình đang được hưởng để từ đó có ý thức học tập xây dựng quê hương, xóm làng ngày càng giàu đẹp. Và những người con, người cháu của ông đang cố gắng, nỗ lực lao động, học tập để xứng đáng với người cha, người ông của mình.

Sau bốn mươi năm trong lực lượng vũ trang, Đại tá Nguyễn Văn Đính trở về với gia đình cùng rất nhiều Huân, Huy chương, Huy hiệu, Bằng khen, Giấy khen… Với ông, đó là những món quà vô giá mà ông đã phấn đấu suốt cả cuộc đời mình. Về nghỉ hưu, ông Đính vẫn hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể ở địa phương, như: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Sinh vật cảnh… Trong suy nghĩ của ông, tham gia vào các hoạt động chung không chỉ giúp bản thân có điều kiện cống hiến nhiều hơn nữa cho quê hương mà quan trọng hơn là ông được phát huy phẩm chất của một người chiến sĩ cộng sản quang vinh, luôn là “đầy tớ của dân”, khổ trước, sướng sau.

Ông Nguyễn Văn Đính thường tâm sự: “Có người bảo tôi sướng quá, mỗi sáng ngủ dậy, chẳng cần làm gì cũng đã có hơn trăm ngàn để tiêu... Họ quên rằng  để được Nhà nước đãi ngộ như thế, thế hệ chúng tôi đã xung phong cầm súng ra trận, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình. Nhiều người đã mãi mãi nằm lại chiến trường và không bao giờ biết hạnh phúc trong hòa bình... Giờ đây, tôi chỉ là người may mắn hơn một số đồng đội khác là còn sống và trở về với vợ con... Tuổi già cũng phải cố gắng phát huy ưu điểm của anh bộ đội Cụ Hồ để phấn đấu, nêu gương sáng cho con cháu mình trước tiên, rồi sau đó mới là anh em, họ hàng, xóm làng”.

Ở tuổi 73, ông Đính sống thanh thản, vui khoẻ cùng gia đình và làng xóm. Ngoài niềm vui với con chim, cây cảnh, ông còn cùng các cháu học ngữ pháp tiếng Anh. Hình ảnh “ông già” Nguyễn Văn Đính tự học tiếng Anh, tìm hiểu lý thuyết tin học, ham độc sách báo, tích cực đóng góp xây dựng tủ sách tại đình làng... luôn là tấm gương cho mỗi thế hệ học sinh ở làng Hà Vĩ này. Do có cở sở được học ít tiếng Pháp và tiếng Nga ở Đại học Bách khoa, ông Đính đã nghiên cứu ngữ pháp tiếng Anh, phiên âm quốc tế, để hướng dẫn dạy bảo các cháu trong 11 vụ nghỉ hè, mỗi lớp có từ 3 đến 15 cháu học sinh cấp 1, 2 học miễn phí. Ông còn có 12 năm liên tục làm Uỷ viên Ban chấp hành Chi hội Người cao tuổi thôn Đại Vỹ đến nay.

Khác với nhiều người, Đại tá Nguyễn Văn Đính không tặng thưởng bằng tiền cho các cháu có thành tích học tập tốt, mà món quà của ông là những quyển sách lịch sử, ngoại ngữ, tin học… Ông đã dùng số tiền lương hưu của mình để mua sách hay giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc ủng hộ vào tủ sách của Câu lạc bộ Văn hoá làng Hà Vỹ.

 Không mấy ai hôm nay còn nhớ tới một ngôi làng có tên “Làng Quậy”. Ngày nay, họ quen với tên gọi là Làng Hà Vỹ. Những người con nơi đây đang ngày đêm xây dựng quê hương mình xứng đáng với truyền thống từ ngàn xưa. Người cựu chiến binh Nguyễn Văn Đính vừa chăm cây cảnh, vừa mỉm cười tin tưởng vào ngày mai giàu đẹp trên quê hương ông. Ông đặt niềm tin của mình vào thế hệ trẻ Hà Vỹ nói riêng và thanh niên Việt Nam nói chung: “Qua sách báo, truyền hình và tiếp xúc với giới trẻ, tôi rất tin tưởng vào thế hệ kế tiếp. Họ rất nhạy bén, tiếp thu nhanh, ham học hỏi, hăng hái, sôi nổi, nếu được cổ vũ, động viên thiết thực sẽ hăng hái xung kích đi đầu mọi phong trào, vượt mọi khó khăn thử thách trong thời đại mới, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh, hội nhập và sánh vai với các nước khác trên thế giới như mong muốn của Bác Hồ kính yêu”.

Thật đúng như câu thơ của Tố Hữu:

Lớp cha trước, lớp con sau

Đã thành đồng chí chung câu quân hành

Có khác chăng là lớp con cháu hôm nay của ông Đính đang “hành quân” vào kỷ nguyên của tri thức, của khoa học kỹ thuật mà nguồn sức mạnh tinh thần cho họ chính là truyền thống hào hùng của thế hệ cha anh đi trước, trong đó có Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Văn Đính.

 

                                           Hà Nội, tháng 8 năm 2008

                                                     NGÔ THÚY VÂN

                                                

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: