Thứ sáu, 03/05/2024,


Nỗi sợ hãi mơ hồ (20/07/2009) 

Sáng nay cả nhà làm một chuyến taxi đi thăm mộ bà Ngoại. Lần cuối cùng tôi đi thăm mộ bà cách đây có lẽ cũng đã gần tám năm. Hồi ấy hết bận bịu chuyện học hành rồi lại đi làm… nên gần như tôi đã trở nên xao lãng! Sáng nay khi đến nơi, tôi chẳng thể nào còn nhận ra chốn cũ, mọi vết tích, cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn. Ngày xưa mộ bà nằm ở một dải đất rất thoáng, đi ngoài đường vào là thấy ngay. Giờ đây mộ của bà nằm lọt thỏm giữa hàng trăm ngôi mộ mới. Có những ngôi mộ xây đơn giản nằm xen kẽ giữa những ngôi mộ xây to vật vã, có cả cổng rào, đổ mái vòm, thậm chí có phần mộ còn làm cả sân thượng có cầu thang sắt dẫn lối đi lên. Nhìn vừa lạ lẫm vừa buồn cười, chẳng khác nào một khu phố với những ngôi nhà to nhỏ, giàu nghèo… Chỉ cần nhìn vào cách xây mộ là ta có thể biết ngay gia cảnh địa vị của con cháu họ thuộc tầng lớp nào trong xã hội.

 

Nhìn di ảnh bà qua làn khói nhang váng vất, tôi lại nhớ đến cái buổi trưa hè cách đây 18 năm. Hôm ấy sau khi đi học vừa về đến nhà, tôi thấy con bạn hàng xóm sống bên cạnh nhà bà dì đang đứng loay hoay trước cửa. Hơi thắc mắc không hiểu nó đến có chuyện gì, vừa quay ra thấy tôi, chưa kịp hỏi han nó đã phang ngay: “Bà Ngoại mày chết rồi kìa. Vô nhà kêu ông bà già lên nhà dì mày lẹ đi!”

“Hả, cái gì?”. Tôi chới với.

“Bà Ngoại mày chết rồi”

“Sao… sao lại chết?!”

“Tao không biết. Bà mày vừa mới chết, vô nhà kêu má mày lên lẹ đi!”. Chỉ nhắn lại có thế rồi nó leo lên xe đi luôn. Tôi lẩy bẩy mở cánh cửa sắt. Chạy vô tới cửa sổ hét toáng: “Mẹ ơi, bà ngoại chết rồi kìa!”. Mẹ buông vội chén cơm, lật bật gói mấy miếng sâm rồi tất tả cùng cậu chạy lên nhà dì.

Khi lên đến nơi đã thấy ngay từ ngoài ngõ lố nhố bóng người. Vào trong nhà thấy bà đang nằm bất động trên chiếc giường nơi bà vẫn ngủ. Dì vừa tắm cho bà xong, vừa xức dầu thơm lên tóc bà dì vừa mếu máo kể lể…

Thì ra là bà đi trong cái lúc hai mẹ con đang nói chuyện với nhau. Dì tôi đang lục cục rửa mấy món đồ nơi sàn nước nhà bếp, bà ngồi ở chiếc giường nơi gian trên. Hai mẹ con cứ thế nói chuyện vọng lên vọng xuống như vậy được một lúc thì không thấy bà nói gì nữa. Dì tưởng bà đang đâm trầu hay chán chuyện nên cũng chẳng để ý, lát sau quay lên thì đã thấy bà nằm úp sấp trên giường. Vội vàng chạy đến đỡ bà dậy, lay gọi mãi mà vẫn không thấy bà phản ứng gì, dì cuống quýt chạy ra phòng y tế phường ngay sát nhà. Ông bác sĩ sau khi đo nhịp tim, sơ cứu, nghe ngóng…, kết luận bà bị trụy tim mạch, triệu chứng thường xảy ra ở người già. Vậy là bà đã chết thật rồi, không cách gì có thể đưa bà quay về được nữa!

Suốt ba ngày tang lễ cho bà, tôi không thể rơi nổi một giọt nước mắt. Cứ nhìn cái quan tài của bà rồi lại ngẩn ngơ, không thể nào tin nổi đấy là sự thật. Mới hôm chủ nhật tuần trước bà và dì còn xuống nhà tôi chơi, tôi còn ngồi nghe bà kể bao nhiêu chuyện, vậy mà giờ đây trước mắt tôi chỉ là một cỗ quan tài . Hình ảnh của bà tôi đấy sao?! Cái ngày cuối cùng trước lúc di quan, nhìn những người đàn ông mặc đồng phục nhà tang, họ thắp nhang, múa lạy trước quan tài của bà, sau đó là một hồi trống nổi lên thúc giục ồn ã, những tiếng cồng cheng chan chát liên hồi. Tôi hốt hoảng, tôi lo sợ… Họ sắp đưa bà tôi đi thật rồi, tôi sắp mất bà thật rồi… Tôi lập cập chạy vào trong buồng rồi òa ra khóc nức nở, vật vã…

Sau đấy là mấy tuần liền tôi đã sống trong một cái cảm giác rất lạ. Vẫn đi học, vẫn sinh hoạt bình thường, nhưng có một cái gì đấy rất mới xuất hiện trong nhận thức của tôi…

Liền sau đó lại xảy ra một chuyện làm cho tâm trí tôi chợt lúc càng thêm nặng nề. Đó là sau khi chôn cất bà được một tuần, anh Quang, một người bà con ở Mỹ Tho đã đến thăm hỏi và hẹn dịp gần nhất sau khi công tác xong anh sẽ đến nhờ mẹ tôi đưa lên thắp nhang trên mộ bà. Thế vậy mà chỉ sau đấy vài tuần, hình như là vào một ngày chủ nhật; lúc tôi, mẹ và dì đang làm cơm ở dưới bếp, chợt thấy bé Hai cầm tờ giấy trắng trên tay hớt hải chạy vào: “Dì ơi, anh Quang chết rồi!”. Sau câu nói đó, cả ba người chúng tôi chết điếng. Anh Quang còn trẻ lắm, chỉ vào độ tuổi 30 thôi. Một vợ hai con. Mới hôm nào tới nhà, anh còn kể là vừa mới mua được miếng đất trên thành phố, đang chuẩn bị xây nhà. Khoảng vài tháng nữa xong sẽ đưa vợ con lên. Vậy mà… đùng một cái anh đi!

Và rồi từ đấy trở đi, sau cái chết của Ngoại và anh Quang, những cái chết của người thân đều xảy ra đột ngột đã khiến tôi lâm vào một cảm giác mơ hồ. Tôi luôn lo sợ, lo sợ một sự chia ly bất thình lình, một chia ly vĩnh viễn, một cách trở không vật cản nhưng chẳng bao giờ còn có thể với đến nhau… Tôi đã bị ám ảnh bởi cái chết từ đấy, trong suy nghĩ của tôi sự chia ly và cái chết luôn đeo bám. Tôi luôn lo sợ khi nghĩ đến một ngày rồi mẹ cũng sẽ bỏ tôi mà đi. Trời ơi tôi sợ, sợ lắm lắm…

Sau đấy thỉnh thoảng lại nghe tin về cái chết của những người quen, thế là cái sự ám ảnh kinh hoàng ấy lại như ngọn lửa được đổ thêm dầu, nó đã bám lấy tôi suốt ngày đêm. Khi ăn, khi ngủ gì tôi cũng đều nghĩ đến nó. Có những đêm nằm mà nước mắt tôi dàn giụa, tôi sợ lắm cái ngày mẹ tôi chết, tôi sợ lắm với cái ý nghĩ phải xa mẹ vĩnh viễn một ngày nào đấy. Tôi đau đớn đến cùng cực khi phải nuôi dưỡng cái nỗi ám ảnh ấy trong đầu mà không cách chi xua nó đi được. Tôi đã có những đêm dài thức trắng với cái đầu nhức ong ong căng lên như sợi dây đàn. Tôi cuống cuồng, tôi lo lắng, tôi thổn thức, tôi bồn chồn… Thậm chí tôi đã phải dọng đầu vào tường thà chịu đau còn hơn phải để cái ý nghĩ quái gở ấy quấy nhiễu trong đầu. Cứ thế, tôi tự mình gây bệnh rồi lại loay hoay tự mình tìm thuốc chữa…

Tôi đã sống một thời gian dài trong nỗi dày vò cùng cực như thế. Có lẽ là 5 hay 6 năm gì đấy… Sau những lần oằn lòng chịu đựng cơn dày xéo của những ám ảnh ma quái, tôi lại xoay qua cố làm đầu óc mình dịu lại với những vỗ về, an ủi chính mình. Tôi đã đi tìm mua những quyển kinh Phật nho nhỏ để ở đầu giường, để mỗi khi cái nỗi lo sợ dai dẳng kia ập đến thì tôi lại lấy ra tụng để được tĩnh tâm… Có đôi lúc lòng tôi bắt đầu nguôi ngoai được một chút thì đùng một cái tin dữ lại ập đến và rồi tôi lại phải khổ sở với chính mình…

Năm tháng của đời tôi cứ thế mà trôi đi. Tôi không muốn phí hoài những ngày tháng tươi đẹp để sầu muộn với những ám ảnh dở hơi ấy. Nhưng tôi biết làm sao được, tôi đâu muốn bị vậy nhưng tôi không có cách gì thoát được nó…

Thế rồi tới một bận tôi muốn bỏ lên chùa mà tu. Tôi muốn được xa lánh tất cả, không bạn bè cũng chả người thân. Tôi muốn được trốn tránh ở một nơi xa lạ nào đấy cho quên lãng đời mình. Để không còn phải hụt hẫng đau thương khi một ai đấy lìa xa… Tôi đã nói chuyện với mẹ, xin bà cho tôi được đi tu với lý do là… chán đời quá, muốn tu cho nó khỏe. Để rồi tôi nhận được từ mẹ cái nhìn sâu thẳm, ướt át và ẩn chứa nhiều câu hỏi.

Và rồi khi đó tôi chợt bừng tỉnh. Ừ, cả đời mẹ cực khổ, nhọc nhằn; mẹ cũng đã phải chứng kiến và chịu đựng đau thương từ cái chết của bà ngoại và những người thân khác. Vậy mà mẹ vẫn sống an nhiên, thanh thản; thế thì tại sao tôi lại muốn trốn chạy tất cả cho nhẹ đời? Phải chăng tôi là đứa ích kỷ? Tôi hiểu ra ra rằng cho dù có tu thì khi cha mẹ hay người thân của mình xa lìa cũng đâu có thể mô phật mà thanh thản được. Có chăng là phải tự vượt qua được chính mình.

Và rồi tôi đã tự đấu tranh, tự chống chọi, tự an ủi. Những năm tháng sống trong sự đày đọa về tinh thần dần dần cũng khiến tôi trở nên chai sạn. Thật khổ lắm khi buồn mà không biết nói cùng ai. Tôi cứ thế âm thầm chịu đựng nỗi ám ảnh ma quái dằn vặt tâm can, nó cứ thế song hành cùng tôi mọi lúc mọi nơi…

Thời gian cứ thế trôi đi…

Dần dần tôi cũng lấy lại được thăng bằng, tuy đôi lúc trong tôi cái lo sợ về ngày chia ly ấy vẫn còn hiện diện. Nhưng tôi đã biết chấp nhận nó, tôi chấp nhận nó sẽ xảy đến với mình và người thân vào một ngày nào đó…

Tôi đang sống và đang cảm nhận từng nhịp đập của cuộc đời, dù đôi lúc tôi chột dạ khi nghĩ ngày vui sẽ chẳng còn là bao. Thôi thì coi như tôi sinh ra trong giờ khắc khốn khổ. Cái số tôi là phải lao tâm, suy nghĩ nhiều… Ừ, cứ nghĩ vậy đi cho lòng được thanh thản. Thôi thì hãy thả lòng theo một câu hát: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ…”.

Giờ đây đôi khi nghe tin người quen mất, trong tôi cũng vẫn là bàng hoàng, thương cảm. Nhưng tôi hiểu đó là chuyện thường tình ở đời. Coi như đó là số mạng vậy. Có sinh ắt có tử, mà tử thì không phải là đã hết!

 

Thanh Nam

Email: namartnt@yahoo.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: