Chủ nhật, 22/12/2024,


Lục bát hồn quê hương (18/07/2009) 

 

     Tôi có chiếc nôi quê hương đồng chiêm một thuở “sống ngâm da, chết ngâm xương” nghèo khổ và lam lũ. Quê hương đã hoài thai và sinh thành tâm hồn tôi. Cha mẹ cho hình hài vóc dáng. Quê hương cho tâm hồn. Quê và Mẹ - Mẹ và quê. Đạo làm người không ai có quyền chọn lựa. Tuổi thơ tôi vít vổng sáo diều trên đê làng và ngụp lặn trên dòng Châu Giang trong mát. Từ ngày còn thơ bé, Tôi ngồi lặng yên nghe Mẹ, vừa đưa võng vừa ru em gái tôi ngủ:

 

À ơi…Muốn ăn cua rốc, ốc nhồi

Đem con mà gả cho người đồng chiêm

Anh về xẻ ván đóng thuyền

Thưa cùng hai họ đôi bên mẹ thầy

 

Cho dù sóng cả đò đầy

Nhà ta em đấy anh đây một chèo

Đầu thuyền pháo nổ, đèn treo

Yêu nhau trong cảnh khổ nghèo càng thương

 

Ngọt bùi rau muống chấm tương

Tóc mây em gội còn vương sao chiều

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Lòng ta năm tháng vẫn yêu đất này

 

     Những câu lục bát ấy đã đi vào lòng tôi, nhẹ nhàng và dấm dứt. Tôi cứ hình dung thơ lục bát như cánh cò bay la, bay lả trên đồng. Như nhà nông gánh lúa nhún nha nhún nhẩy nhịp bước. Như cái thở ra hít vào của lồng ngực con người…Tôi yêu thơ lục bát từ những cảm nhận rất đơn sơ của tâm hồn một cậu bé nhà quê. Nhiều lúc cứ lẩn thẩn nghĩ: Chỉ nhà quê mới có thơ lục bát. Tuổi thơ ơi! Cái nốt lặng diệu kỳ của đời người để đến nhắm mắt xuôi tay, ta còn hoài vọng nhớ thương tiếc nuối. Tôi cắp sách đi học. Khi bấp bẹ đánh vần, lục bát đã đưa tôi về bài học đạo nghĩa đầu đời:

 

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 

     Kỳ diệu thay thơ lục bát. Hai câu so le đuổi nhau như vờn múa, như mời mọc, như đôi trai gái đuổi bắt nhau trên cánh đồng bất tận để trao gửi lời yêu. Cho tôi ngàn lần tôn vinh một thể thơ đã đi vào máu thịt của nền văn minh lúa nước.

 

     Ngày còn nằm trên cánh võng Trường sơn. Giữa đại ngàn huyền bí của núi rừng. Tôi, anh lính chiến đang đói quay đói quắt bỗng gặp một anh bạn đang nằm bên cánh võng đọc thơ, một bài lục bát chép tay bằng bút chì trong cuốn sổ tay nhầu nát và ẩm ướt nắng lửa, mưa rừng:

 

Lá gồi lợp kín ba gian

Rừng sâu những buổi chiều càng thêm sâu

Ước gì cơn sốt qua mau

Để ngồi yên được lâu lâu cùng chiều

Cây cao nên nắng đọng nhiều

Em xa chi để lòng yêu thế này

Nghĩ rằng cách một tầm tay

Ai hay cách mấy ngàn ngày đạn bom

Ngược xuôi đá núi cũng mòn

Chút phân vân tuổi trăng tròn đã qua

Em như một bóng cửa nhà…

 

     Đoạn thơ sau tôi không còn nhớ nữa. Sau này tôi mới biết là thơ của Bằng Việt nhưng lúc ấy bọn tôi không quan tâm là của ai. Chỉ biết rằng những câu thơ ấy là tâm tư của anh lính trên đường ra trận. Những kẻ đang đói ăn bả lả và sốt rét năm ngày ba trận. Cứ sau cơn sốt lại ngồi bó củi trên sạp nứa hay úp mặt vào võng mà nôn nao nghĩ về Mẹ, về quê, về người yêu đang đợi chờ… Chúng tôi đang chiến đấu vì những gì đang có sau lưng mình...Niềm tin ấy sắt đá lắm! Không ai áp đặt cả. Chúng tôi tin người yêu sẽ chờ đợi, một thứ tình yêu không có nghi ngờ ghen tuông. Phải chăng mấy câu lục bát của Bằng Việt đã cõng địu chúng tôi suốt chặng đường khổ ải …Những câu thơ bình dị mà ám ảnh hơn bất kỳ bài giảng về lập trường quan điểm mà Chính trị viên đại đội ngày nào cũng hét vào tai chúng tôi.

 

 

     Ngày tôi mất mẹ! Khi đưa đám Mẹ xong. Mặc cho mọi người bắt phải đi theo đám kèn trống rước vong trở về. Tôi lội tắt cánh đồng màu, đi xiên tắt qua bãi ngô. Tôi đi để cảm cái nỗi đau tận cùng khi phải xa lìa tình mẫu tử. Có cô đơn tận cùng mới cảm hết nỗi đau tột độ. Tôi ngồi rất lâu bên bờ sông vắng , bên bãi ngô đang trổ cờ để nghĩ về Mẹ. Mới thấm cái đau xé ruột khi Trúc Thông đã khóc Mẹ bằng lục bát:

 

Lá ngô lay ở ven sông

Bờ sông vẫn gió người không thấy về

Xin người hãy trở về quê

Một lần cuối, một lần về cuối thôi…

 

     Không bao giờ mẹ tôi còn về với chị em tôi nữa! Người đã vĩnh viễn gửi lại chị em tôi trên trần gian sau gần một thế kỷ cõng trên lưng tao loạn để chị em tôi thành Người. Có thể khẳng định. Lục bát đã có mặt song hành trên mọi buồn vui, thăng trầm cuộc sống, là tiếng lòng bất tận và bất diệt, là thỏi vàng mười rưng rức trong kho tàng thi ca.

 

     Lục bát dễ làm nhưng khó hay. Đã hay thì thành một triết lý và tạc vào đời sống và trường tồn với thời gian, nhưng lục bát lại nhân ái như tâm hồn cộng đồng người Việt. Không hay cũng chẳng sao, không ai phân bì cao thấp mà chê bai nặng lời…Nó là cơm tẻ, là rau muống nhưng cũng là cao lương mỹ vị, ai thích gì dùng nấy, không đua chen ồn ào. Lục bát mà tác giả có thể là Thi hào Nguyễn Du, cũng có thể là Mẹ tôi một bà thợ cấy mù chữ nhưng mỗi góc trong mỗi con Người đều đem lại giá trị nhất định cho cuộc sống.

 

-----------------

Tác giả Lưu Quốc Hòa

Địa chỉ: Lam Hạ - Đình Tràng - TP Phủ Lý - Tỉnh Hà Nam.

ĐT: 01256529901

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: