Thứ ba, 22/10/2024,


Gặp gỡ thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc (18/07/2009) 

Tuổi thanh xuân của họ gắn với bom đạn chiến tranh. May mắn hơn nhiều đồng đội, họ còn được trở về với gia đình. Khép lại những ký ức đau buồn của quá khứ, họ vẫn là những người tiên phong góp sức xây dựng đất nước trong thời bình.

 

Người tiên phong đi tìm đồng đội

 

           Những năm chiến tranh ác liệt 1968- 1969, nữ TNXP Đào Thị Hồng Đào (ảnh) mới 18 tuổi. Giờ đã là bà nội, bà ngoại với chứng bệnh run vô căn- hậu quả của những năm tháng chịu sức ép của bom đạn. Tuổi già và bệnh tật không bắt được bà ngồi yên. Với vai trò Phó văn phòng Hội cựu TNXP TP Hồ Chí Minh, bà là một trong những thành viên nhiệt huyết nhất thành lập Ban chỉ đạo “Tìm hài cốt đồng đội”.

Bà chia sẻ: “Mỗi khi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh vẫn còn năm lại đâu đó giữa chiến trường xưa, lạnh lẽo, hưu quạnh, tôi lại thấy mình như còn mắc một món nợ. Chưa đưa được đồng đội về quê nhà hoặc nghĩa trang liệt sĩ là món nợ của mỗi người cựu TNXP chúng tôi khi được sống giữa thời bình”. Nghĩ là làm, bà đã cùng các cựu TNXP trong Ban đi tìm đồng đội. Lặn lội từ miền Tây đến miền Đông Nam bộ. Điều kiện tìm kiếm vô cùng khó khăn vất vả. Bà xúc động cho biết: “Đi tìm đồng đội ở chiến trường thì khỏi nói đến khó khăn rồi, vì không khác gì thời chúng tôi vào chiến trường lắm đâu, chỉ khác là giờ đây không lo bom đạn. Vào tận rừng sâu, các vùng xa xôi hẻo lánh, không điện, không nước sạch, rất xa nhà dân. Những nơi chiến trường ngày xưa là rừng, nay lại là những cánh đồng, ruộng mía, rẫy mỳ… Sự thay đổi địa hình như thử thách lòng kiên nhẫn của những người đi tìm đồng đội. Nhưng tất cả những trở ngại ấy đều không làm chúng tôi nản lòng”.

Bà là người phụ nữ duy nhất trong đoàn đi tìm đồng đội, lại là người mang trong mình bệnh tật. Nhưng bà thường là người động viên và chia sẻ với các đồng đội trong đoàn đi tìm hài cốt. Bà bật mí: “Tôi cứ trò chuyện với mọi người, rằng, nếu so sánh thì dẫu sao những khó khăn vắt vả trong thời bình cũng còn sướng hơn những gian truân trong chiến tranh rất nhiều. Nên đi một hai lần không tìm được hài cốt, chúng tôi sẵn sàng đi đến lần thứ năm, thứ bảy, lòng kiên trì, nhẫn nại và và tính chịu khó của chúng tôi đã được đền đáp”.

Cho đến ngày được mời ra Hà Nội nhận huy hiệu cựu TNXP điển hình làm theo lời Bác do Hội cựu TNXP VN trao tặng, bà đã cùng Ban đi tìm được 95 bộ hài cốt đồng đội trong đó có 82 hài cốt liệt sĩ TNXP giải phóng miền Nam và 13 hài cốt bộ đội hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

Tiên phong trong mặt trận 'giảm nghèo'

 

Không phải là những thương gia giàu có, tất cả đều từ bàn tay lao động mà nên, nhưng nữ cựu TNXP Lê Thị Hồng Tiến lại tích cực làm từ thiện và giúp đỡ các hộ nghèo.

Rời đơn vị 106, Đại đội 696 Núi Thành, Thanh Hoá, năm 1980, theo chồng đi làm kinh tế mới tận tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước). Chồng là bệnh binh mất 2/3 sức lao động. Lương hưu của hai vợ chồng không đủ nuôi 9 miệng ăn. Hai vợ chồng bàn nhau chuyển sang làm kinh tế phụ như nuôi bò, heo. Có được ít vốn, bà mua 2ha đất trồng điều, tiêu. Những năm giá tiêu, điều cao, bán được giá, bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng, mở thêm kinh doanh xăng dầu và vật tư nông nghiệp. Lúc ấy, ở xã Phước Bình, huyện Phước Long, bà là người nổi tiếng làm ăn giỏi.

 

                 

Các nữ thanh niên xung phong đi tải đạn (Ảnh tư liệu)

 

Sau 10 năm sống ở đất khác quê người, đôi vợ chồng cựu TNXP, bệnh binh này đã có 165 ha đất rẫy với thu nhập mỗi năm trừ hết chi phí lên đến 1,2 tỷ đồng. Hiện gia đình bà tạo công ăn việc làm ổn định cho 30 công nhân và 25 công nhân làm việc theo thời vụ với mức lương bình quân từ 1.5 triệu- 3 triệu đồng/người/tháng.

Với bản chất người lính TNXP, dù trong chiến tranh hay trong hoà bình, không quên đồng đội, bà đã đứng ra xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa trong xã cho một người cựu TNXP sống cô đơn. Không quên những người nghèo, hiện nay, nữ cựu TNXP Lê Thị Hồng Tiến đang cho những hộ nghèo trong địa bàn huyện vay không tính lãi hơn 200 triệu đồng; cho các hộ có nhu cầu vay vốn tính lãi như ngân hàng 200 triệu đồng. Mỗi dịp tết đến, năm nào cũng vậy, gia đình bà lại chia sẻ với những gia đình khó khăn hàng chục triệu đồng.

Còn hàng ngàn người cựu TNXP như bà Đào, bà Tiến ngày nay vẫn đang cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Họ- người thì nổi bật như Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm chủ nhiệm HTX Rạch Gầm,  anh hùng Trần Đỗ Liêm, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3, xây dựng hơn 40 ngôi nhà tình nghĩa, phụng dưỡng suốt đời 2 bà mẹ VN anh hùng, hay bình dị nép mình vào tấm áo nâu sồng của nhà Phật như sư thầy Đàm Phương (cựu TNXP Đỗ Thị Phương) trở thành người mẹ của mấy chục đứa trẻ mồ côi, tật nguyền, nhiễm chất độc da cam ở Vũ Thư, Thái Bình… nhưng đều đang sống xứng đáng với tên gọi Thann niên xung phong.

Thanh niên xung phong- danh xưng ấy chỉ có ở đất nước hình chữ S này- nơi mà chiến tranh đã cướp đi tuổi thanh xuân của hàng triệu con người. Họ đã sống và chiến đấu, dù trong thời chiến hay thời bình, vẫn xứng đáng là “Thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”- đúng như lời của Bác Hồ đã căn dặn./.

 

Theo Hồng Hà (Báo điện tử Tổ Quốc)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: