Thứ hai, 02/12/2024,


Nhà thơ Tế Hanh từ trần (17/07/2009) 

Tác giả của “Nhớ con sông quê hương”, một trong những gương mặt cuối cùng của Thơ Mới, nhà thơ Tế Hanh đã giã từ cuộc sống dương gian để về cõi vĩnh hằng vào trưa 16-7-2009 tại nhà riêng, số 10 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội sau một thời gian dài bị tai biến não, hưởng thọ 89 tuổi.

 

Nhà thơ Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh (sinh ngày 20-6-1921), là người con của quê hương Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ông chính là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957).

 

Tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, ông đã trải qua nhiều trọng trách quan trọng: Ban phụ trách Liên đoàn văn hoá kháng chiến Nam Trung Bộ, Uỷ viên Thường vụ Chi Hội Văn nghệ TƯ; UV Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam khoá I, II; ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam (1963), tham gia nhiều khoá BCH Hội Nhà văn Việt Nam với các chức vụ Trưởng ban đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng dịch, Chủ tịch Hội đồng thơ.

 

Được biết đến nhiều nhất với bài thơ “Nhớ con sông quê hương” và là một nhà thơ có nhiều thành tựu trong thi ca Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám, nhưng giới phê bình và bạn đọc đều ghi nhớ một nhà thơ Tế Hanh của phong trào Thơ Mới.

 

Dù theo từng giai đoạn, bút pháp của ông có nhiều thay đổi, nhưng nét tinh tế mà giản dị, nồng thắm và trong trẻo của một ngòi bút đầy tình yêu quê hương đất nước vẫn như một mạch ngầm xuyên suốt toàn bộ các sáng tác của ông. Ông có nhiều bài thơ hay về quê hương đất nước, nhiều tác phẩm sâu sắc về cuộc kháng chiến chông Mỹ, nhưng ông cũng là tác giả có nhiều thơ tình nhất. Theo nhà thơ Ngô Văn Phú thì 'có thể nói sau Xuân Diệu, anh là người làm thơ tình nhiều nhất'  . Thơ tình của Tế Hanh không lãng mạn bay bổng cũng không dằn vặt khổ đau mà rất tự nhiên, gắn với hoàn cảnh, cuộc sống cụ thể, thế nhưng chính những điều tưởng như bình thường ấy lại biểu hiện được tình yêu, một trong những nhiệm vụ luôn luôn khó khăn đối với người cầm bút. Chính vì thế nhiều bài thơ tình của ông như: Vườn xưa, Anh đến với em là lẽ tất nhiên... được yêu thích.

 

Ông từng nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Hội Văn nghệ Liên khu V tặng và lớn lao nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về VH-NT đợt I năm 1996.

 

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

      Các tác phẩm chính của nhà thơ Tế Hanh: Ngẹn ngào (1939), Hoa niên (1944), Lòng miền Nam (1956), Chuyện em bé cười ra đồng tiền (1960), Hai nửa yêu thương (1967), Khúc ca mới (1967), Đi suốt bài ca (1970), Câu chuyện quê hương (1973), Theo nhịp tháng ngày (1974), Giữa những ngày xuân (1976), Con đường và dòng sông (1980), Bài ca sự sống, Tuyển tập Tế Hanh (tập I-1987), Thơ Tế Hanh (1989), Vườn xưa (1992), Giữa anh và em (1992), Em chờ anh (1993), Tuyển tập Tế Hanh (tập II-1997)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: