Chủ nhật, 01/12/2024,


Có một dòng tự truyện “vượt lên cái chết”… (12/07/2009) 

     

     Như lucbat.com đã phản ánh, NXB CAND vừa tổ chức một cuộc gặp mặt với những tác giả trẻ giàu nghị lực, mà 3 tác giả được chọn là Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Toán. Đó đều là những tác giả mắc bệnh hiểm nghèo, từng hoặc đang phải đối mặt với cái chết, mà hình như chính “cú sốc” đó đã khiến họ buộc phải cầm bút và trở thành người viết văn. Cuộc họp mặt không chỉ là một hoạt động giàu ý nghĩa nhân văn, mà còn mở ra một dòng sách mới đang có sức hút rất mạnh. Báo TT&VH đã trò chuyện với Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG, người sáng lập và thực hiện tủ sách “Chuyện đời tôi” của Nhà xuất bản Công an nhân dân.

      “Sống nhiều” chứ không phải “sống lâu”

    * Thưa anh, cuộc gặp mặt đã diễn ra cảm động như thế nào?

     - Tên của cuộc gặp mặt ấy là “Nghị lực – Sáng tạo – Sống đẹp”. Cũng nhờ TT&VH có thông tin sớm, mà có nhiều người biết và đăng ký “đòi” tham dự. Rất nhiều đại biểu đã không có ghế ngồi. Không khí càng “nóng” hơn với sự xuất hiện của 3 tác giả trẻ cùng lúc với Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và vị tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục 3 - Bộ Công an. Khi nghe các tác giả lần lượt phát biểu ý kiến, thì cả hội trường im lặng, như nghe được cả tiếng thở dài, nhiều người rưng rưng muốn khóc. Có lẽ, bởi mỗi câu chuyện đều là một cuộc đời, một hành trình vượt lên số phận đầy cảm phục.


     * Anh có suy nghĩ gì khi các tác phẩm “vượt lên cái chết” có thể gây hiệu ứng sâu sắc như vậy? Và tủ sách "Chuyện đời tôi" này là nhằm tuyên dương tác phẩm hay tuyên dương tác giả?

     - Ở đây không phải chuyện văn chương, hay nghệ thuật, mà là chuyện đời. Chúng tôi cũng không nhằm mục đích “tuyên dương” điều gì cả, mà chỉ đơn giản là muốn giúp các nhân vật và tác giả của mình thông qua tủ sách “Chuyện đời tôi” được giãi bày, tâm sự, để mọi người đồng cảm, chia sẻ với họ.

     Trước đây, việc xuất bản hồi ký, nhật ký, tự truyện thường chỉ dành cho các chính trị gia, các tướng lĩnh, các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng. Nhưng thực tế, kể chuyện đời mình cũng là nhu cầu của tất cả mọi người. Nhu cầu đó càng lớn hơn đối với những số phận éo le, những cuộc đời bất hạnh, những người từng trải, va vấp, nhưng lại thiếu sự may mắn và sự công bằng của cuộc đời… Khi thành lập tủ sách “Chuyện đời tôi” (còn được gọi là “Tự truyện bình dân”) chúng tôi đã xác định là đối tượng mà tủ sách hướng tới, chọn làm nhân vật là những người sống nhiều. (Xin lưu ý là sống nhiều, chứ không phải sống lâu, vì trong thực tế có những người sống cả trăm tuổi, nhưng ý nghĩa cuộc đời lại không có gì đáng để viết đủ một trang giấy).

     * Anh từng nói rằng những cuốn tự truyện nói trên đã vượt khỏi khuôn khổ một cuốn sách thông thường. Nhưng là một người sáng tác, anh đánh giá như thế nào về những tìm tòi nghệ thuật của những cuốn sách này?

     - Các tác giả của tủ sách này đều không phải là nhà văn. Nhưng họ lại viết như một nhu cầu tự thân, thôi thúc bởi ý chí và nghị lực mãnh liệt. Những người bình thường, không làm được điều ấy. Có lẽ, chỉ khi đặt người ta vào một hoàn cảnh đặc biệt, mới làm được những điều phi thường, nhưng cũng chỉ một số ít người thôi.

     Tôi nói những cuốn tự truyện trên đều đã vượt ra khỏi khuôn khổ những cuốn sách thông thường, là muốn nói về ý nghĩa và hiệu ứng xã hội của chúng, chứ không phải là những tìm tòi nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi những tác phẩm tự truyện của Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Ngọc Sơn và Nguyễn Văn Toán đến với bạn đọc, họ đều đã trở thành những “chuyên gia tâm lý”, là chỗ dựa tinh thần cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ và cả những người lành lặn bình thường, nhưng đang bế tắc trong cuộc sống. Hàng ngàn Blog, hàng trăm diễn đàn của tuổi trẻ đã bình luận sôi nổi về những cuốn sách trên.

     Không chỉ có một lần sống và một lần chết

     * Thật ra dòng sách tự truyện viết về bi kịch cá nhân cũng đã xuất hiện trước khi có Tủ sách “Chuyện đời tôi”. Ít nhất theo trí nhớ của tôi thì đã có “Nguyên ơi” của Đại tá Lê Hải Triều viết về những ngày tháng cuối cùng của con trai mình bị ung thư máu. Anh nhận định về sự xuất hiện, thực trạng và tương lai của dòng sách (mà tôi tạm gọi là “tự truyện vượt lên cái Chết”) này như thế nào?

- Theo cá nhân tôi, sự xuất hiện của dòng sách này là một nhu cầu chính đáng của xã hội. Ai cũng muốn được giãi bày và lưu giữ điều gì đó, chí ít là cho người thân và bạn bè. Kể cả khi họ đã xác định được sự sống của bản thân mình chỉ là đang “Ở trọ trần gian” như một “Ngọn đèn trước gió”. Người đọc có thể cười và khóc với cảm xúc buồn vui của nhân vật trước những nghiệt ngã của cuộc sống. Dù những bão dông trong cuộc đời có làm ai đó chới với, thì vẫn phải luôn đứng vững và đi tới, không thể lùi bước. Và dù trong hoàn cảnh bất hạnh nào thì cũng cần phải sống hết mình.

                  Ba tác giả trẻ chụp ảnh kỷ niệm với nhà thơ Đặng Vương Hưng.

     Đó là ý nghĩa lớn nhất của dòng sách này. Chúng có thể mang lại cho mọi người niềm tin và hạnh phúc trong cuộc sống. Bởi với những người bệnh thì hạnh phúc chỉ đơn giản là được khỏe mạnh như một người bình thường. Vậy là tất cả những người bình thường chúng ta đang hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng nhận ra điều ấy. Mà hạnh phúc thì con người thời đại nào cũng cần.

     * Anh có sợ rằng với số lượng cho đến thời điểm này, thì dòng sách này - dù vẫn gây xúc động sâu sắc trong độc giả - nhưng dần sẽ “bão hòa”?

   5 cuốn sách “đặc biệt” của Tủ sách “Chuyện đời tôi”:
   Gần 3 năm qua, Tủ sách Chuyện đời tôi đã tổ chức viết, biên tập và xuất bản cho hơn 30 nhân vật, nhiều người đồng thời đứng tên là tác giả. Đặc biệt, có 5 cuốn sách là của những tác giả trẻ bị mặc bệnh hiểm nghèo và tác phẩm cũng chính là cuộc đời họ: “Khát vọng sống để yêu” và “Ở trọ trần gian” của Nguyễn Hồng Công; “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi” của Nguyễn Ngọc Sơn; “Vẫn tin ở ngày mai” của Lê Minh Nguyệt; “Những ngọn đèn trước gió” của Nguyễn Văn Toán.
   Trong số này, nữ tác giả Lê Minh Nguyệt, sinh năm 1984 tại Hà Tây (cũ) đã mất tháng 5/2009 vì căn bệnh ung thư máu.

     - Tôi không nghĩ vậy. Cuộc sống muôn màu, cuộc đời cũng chẳng có ai giống ai. Người ta khi đã vượt “ngưỡng”, đã “ngộ” ra được ý nghĩa của đời người, thì không chỉ sống cho mình nữa. Thậm chí, không chỉ có một lần sống và một lần chết. Bởi như trường hợp của Lê Minh Nguyệt, thì người đã ra đi, nhưng tác phẩm còn ở lại. Tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều người đọc “Vẫn tin ở ngày mai” của Lê Minh Nguyệt, để thấy rằng cuộc sống của chúng ta đáng trân trọng và đáng quý biết nhường nào. Và như thế, xét theo góc độ nào đó, thì Lê Minh Nguyệt vẫn còn đó. Thông điệp, mà cuốn sách của bạn ấy muốn gửi tới bạn đọc là: Dù biết rằng có thể ngày mai ai đó không còn nữa, thì hôm nay bạn vẫn có thể làm một việc gì đó có ích cho cuộc đời này!

     * Anh có lo ngại rằng dòng tự truyện về cái Chết sẽ chỉ dừng ở chỗ kể lại một bất hạnh cá nhân, mà khó có thể là một bi kịch của nghệ thuật?

     - Thật ra, khi thực hiện tủ sách “Chuyện đời tôi”, tôi không hề nghĩ đến những vấn đề lý luận văn học, quan điểm nghệ thuật, mỹ học cao siêu, phức tạp; càng không áp đặt chúng vào một thể loại nào hết. Công việc ấy là của các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến tủ sách này. Bởi vì nếu cứ ngồi mà nghĩ ngợi, rồi “sợ” cái kia và “lo ngại” cái này… thì sẽ chẳng làm được việc gì cả. Quan niệm của tôi chỉ đơn giản là: Hãy cứ làm đi, nếu anh tin điều ấy là đúng, là có ích và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi người, dù là nhỏ bé thôi.

 

     Tham khảo thêm:

     - Cuộc hội ngộ của những nhà văn trẻ vượt lên cái chết

     - Những ngọn đèn không tắt trước giông tố của số phận

           
Nguyễn Mỹ (thực hiện)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: