Chủ nhật, 22/12/2024,


Điều kỳ diệu đến từ chính những khiếm khuyết (11/07/2009) 

Tôi là Trần Trí Trinh, sinh năm 1972, hiện đang sống tại thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Quê gốc tôi ở thành phố Đà Lạt, thành phố mà người hay gọi là “thành phố mộng mơ”, tuy nhiên đối với gia đình tôi thì Đà Lạt lại là những ký ức về quãng thời gian khó khăn và nhọc nhằn của bố mẹ khi tôi bị tật.

 

Sau một trận ốm nặng năm lên 2 tuổi, thân hình tôi teo đi toàn bộ và gù cột sống. Hai tuổi… cái tuổi vừa chập chững đi thì cũng là lúc tôi không thể nào vịn đứng để đi được. Mọi di chuyển đều dựa vào bàn tay nâng niu và chăm chút của gia đình. Mặc dù nhà nghèo nhưng đến tuổi đi học, bố mẹ vẫn cho tôi tới trường. Do chân đi không được và lưng thì gù nên tôi phải nhờ em trai cõng đi học. Sau cho tiện việc học của tôi, gia đình tôi chuyển về thị xã Kon Tum.

 

Hồi đó còn quá nhỏ nên tôi chưa biết thế nào là buồn. Tôi sống hồn nhiên, vô tư trong tình thương yêu vô bờ bến của gia đình. Ba tôi là giáo viên dạy ngoại ngữ, thương đứa con yếu đuối và thiệt thòi nên thời gian rảnh thì ba dành để chăm chút và dạy dỗ cho tôi. Với sự giúp đỡ của ba nên tôi học tập rất tiến bộ. Năm học nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Ba tôi vẫn hay động viên tôi: “Ông trời vốn dĩ rất công bằng, ông không bao giờ lấy đi tất cả mọi thứ của một ai. Tuy con trai của ba yếu về mặt sức khoẻ, nhưng rồi con sẽ được bù lại những thứ khác. Mà những thứ đó, con phải phấn đấu để đạt được”. Lời động viên của ba luôn trong tâm trí tôi, là động lực để tôi phấn đấu trong cuộc đời của mình.

 

Ngoài giờ học, thú vui của tôi là đánh cờ vua. Nếu lũ trẻ nghịch ngợm trong xóm hiếu động cùng trái bóng và những trò trốn tìm nghịch ngợm thì tôi lại miệt mài với từng thế cờ. Niềm say mê cờ vua của tôi theo thời gian càng tăng lên gấp bội. Đến năm lớp 8, tôi tham gia thi giải cờ vua toàn tỉnh Kon Tum và đã giành được huy chương. Nhiều năm liền, tôi giữ danh hiệu vô địch cờ vua, cờ tướng cấp trường, cấp thị xã và cấp tỉnh. Tôi còn vinh dự là đại diện cho tỉnh đi thi đấu tại Đà Lạt, Cần Thơ, Huế, Hà Nội... Qua từng giải đấu, tôi trở nên tự tin và mạnh dạn hơn. Trên ván cờ, tôi không còn nghĩ mình là người khuyết tật, chỉ còn đó những nước cờ đẹp.

 

Năm 1991, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc sống nơi thành phố ồn ào này đối với một sinh viên nhanh chân, khoẻ tay đã là vất vả, lại càng vất vả hơn đối với sinh viên có tật nặng như tôi. Dường như nhiều khi là quá sức. Không gia đình bên cạnh, tôi phải tự chăm lo cho mình. Cũng như những sinh viên ngoại tỉnh khác, tôi thuê một căn hộ nho nhỏ, cũng nấu ăn và làm những công việc như giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa và tự đến trường - điều mà ngay chính bản thân cũng như gia đình không bao giờ nghĩ tôi có thể tự làm được. Với đôi nạng gỗ-  người bạn trung thành, tôi từng bước vượt qua 5 năm Đại học.

 

      

             Anh Trinh và ông Roger Carlson – Giám đốc phụ trách viện trợ Mỹ tại Việt Nam.

 

Trong những ngày tháng đầu Đại học, tôi đã xác định những khó khăn của mình trên đường lập nghiệp để tương lai có thể tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Tôi nghĩ nếu muốn vượt qua khó khăn của bản thân thì không gì quan trọng hơn đó là sự nỗ lực tự thân, phải yêu cuộc sống này bằng một ý nghĩ tích cực. Từ suy nghĩ đó tôi quyết tâm đầu tư hết thời gian và suy nghĩ cho chuyên ngành mà tôi đang theo đuổi. 

 

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin, cũng như bao sinh viên khác, tôi cũng muốn trụ lại ở Thành phố Hồ Chí Minh để khẳng định mình. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc ở đây, tôi thấy môi trường đầy ồn ào này không thích hợp với điều kiện sức khỏe, nên tôi đã quyết định trở về quê. Lúc mới về, tôi cũng mong muốn là được làm việc trong cơ quan Nhà nước, nhưng vì điều kiện sức khỏe nên tôi không thể thực hiện được ước mơ đó.

 

Với sự giúp sức của gia đình, tôi đã mở trung tâm tin học với hai mục đích: vừa kinh doanh vừa để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn muốn theo đuổi ngành công nghệ thông tin.

 

Qua thời gian, trung tâm tin học của tôi đã trở thành một địa chỉ thân quen của không chỉ những học viên khuyết tật mà cả những học viên lành lặn. Trung tâm rộng khoảng 40m2 với 26 máy vi tính. Các em đến đây ngoài được học về tin học văn phòng như đánh văn bản tài liệu, truy cập Internet, tôi còn dạy các em sửa chữa và lắp ráp các thiết bị máy tính. Trong số những học viên đặc biệt của mình, tôi ưu tiên giảng dạy miễn phí cho các em thuộc con em gia đình dân tộc thiểu số, các em khuyết tật mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mơ ước trong tương lai sẽ xây dựng được một trung tâm về công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật. Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy người khuyết tật có thể tạo nên những điều kỳ diệu từ chính những khiếm khuyết của mình.

 

Hiện nay thu nhập của Trung tâm chủ yếu nhờ dịch vụ Internet. Hàng tháng, sau khi trừ mọi chi phí về mặt bằng, điện, nước và thuế, trung tâm thu nhập khoảng 3 triệu đồng, tôi đã phần nào đấy đỡ đần thêm cho ba mẹ và có chút đóng góp cho công tác xã hội ở địa phương mình. Tôi thật sự vui và tự hào vì điều đó.

 

 

Trần Trí Trinh

Số nhà 202, đường Bà Triệu, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum

(Nguồn: Tạp chí  Người Bảo Trợ)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: