Chiều thứ Tư, ngày 8/7/2009, tại NXB CAND sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ những tác giả trẻ nghị lực, sáng tạo và sống đẹp: Nguyễn Hồng Công (Khát vọng sống để yêu, Ở trọ trần gian), Nguyễn Ngọc Sơn (Xin đừng khóc nữa mẹ ơi) và Nguyễn Văn Toán (Những ngọn đèn trước gió)… Những tác giả trẻ mắc bệnh hiểm nghèo trên đã góp phần làm nên tủ sách “Chuyện đời tôi” với những câu chuyện nhân văn, những bài học sống đẹp cho thế hệ trẻ…
Không khuất phục trước số phận
Điều đáng trân trọng đối với những tác giả trẻ kể trên là họ đã nỗ lực vượt lên trên số phận. Nguyễn Hồng Công, cô gái sinh năm 1978, tại xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, là “công dân” của “xóm chạy thận” của Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã hơn 12 năm. Một thời gian không phải là ngắn đối với cuộc đời tươi trẻ của cô nữ sinh trung học. Những tưởng tất cả đã khép lại, chị tâm sự: “Lúc mắc bệnh suy thận em mới có 18 tuổi, em nghĩ mình đã sẵn sàng đón nhận cái chết đến từ từ. Nhưng ngay lúc đó em cũng nhận ra rằng em phải là chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ, nhưng em thấy tiếc lắm khi chưa làm được gì cho cuộc đời này”.
Nhưng qua báo chí, Nguyễn Hồng Công đã tình cờ biết đến tủ sách 'Chuyện đời tôi' của NXB CAND, một tủ sách mang tính nhân văn sâu sắc. Là người thiệt thòi và bất hạnh, nên Hồng Công cũng muốn để lại gì đó cho đời. Chị đã mạnh dạn liên hệ với nhà thơ Đặng Vương Hưng, và được các biên tập ở NXB CAND nhiệt tình giúp đỡ, khuyến khích viết sách. Ngày đó chưa có máy tính, Công phải viết tay, viết đi viết lại và sửa chữa rất nhiều, nhưng nhờ sự hướng dẫn kiên trì của nhà thơ Đặng Vương Hưng, chị đã ra mắt thành công và gây sự chú ý của dư luận qua cuốn sách Khát vọng sống để yêu và trở thành một nữ tác giả trẻ.
Chàng trai Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1979, tác giả cuốn sách: Xin đừng khóc nữa mẹ ơi vốn là cử nhân trường Đại học sư phạm Hà Nội. Sau hai năm học văn bằng hai Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí & Tuyên truyền) anh đã có trong tay hai bằng đại học chính trong đó có một bằng loại giỏi, được cấp chứng nhận cao cấp lý luận chính trị, được bằng khen của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo về thành tích nghiên cứu khoa học và được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.“Nhưng đúng vào lúc những ước mơ của tôi sắp thành hiện thực thì bệnh tật đã đe dọa cướp đi của tôi tất cả: tôi bị suy thận giai đoạn cuối. Muốn duy trì sự sống tôi phải chạy thận nhân tạo” – Sơn tâm sự.
Cô gái trẻ Lê Minh Nguyệt sinh năm 1984 tại Hà Tây (cũ), nguyên là học sinh giỏi nhiều năm liền của huyện Quốc Oai. Mùa thi tuyển sinh Đại học năm 2003, Nguyệt thi đỗ cả 3 trường, chị đã quyết định nhập học Trường ĐH SP Hà Nội 2, và trở thành sinh viên xuất sắc của Khoa toán. Nhưng sau 4 năm học tập, sắp ra trường thì các bác sĩ phát hiện Nguyệt bị Ung thư máu. Cô đã cố gằng vừa kiên cường chiến đấu với bệnh tật vừa viết cuốn tự truyện “Vẫn tin ở ngày mai” (NXB Công an nhân dân, 2009). Báo An ninh Thủ đô đã đăng tải nhiều kỳ cuốn sách này. Rất tiếc, do bệnh nặng tái phát bất ngờ nên tác giả Lê Minh Nguyệt đã qua đời vào tháng 5-2009.
Vượt khỏi khuôn khổ những cuốn sách thông thường
Sau khi 'Khát vọng sống để yêu' trình làng, Báo Pháp luật Việt Nam đã đăng tải nhiều kỳ, Nguyễn Hồng Công đã trở thành nhân vật chính của nhiều chương trình truyền hình của VTV, VTC, nhiều tờ báo có uy tín đã dành cả trang để giới thiệu chân dung Nguyễn Hồng Công. Hàng ngàn Blog, hàng trăm diễn đàn của tuổi trẻ đã trích đăng, giới thiệu cuốn sách của Công. Chủ tịch tỉnh Bắc Giang (nơi Công sinh trưởng) đã đến thăm nhà và tặng quà; Phó chủ tịch nước Trường Mỹ Hoa cũng đã với bệnh viện Bạch Mai thăm hỏi động viên cô.
Còn với Nguyễn Ngọc Sơn, sau khi xuất bản Xin đừng khóc nữa mẹ ơi, anh được nhiều cơ quan đoàn thể mời đến nói chuyện trong các chương trình giao lưu, nói chuyện chuyên đề của các trường học, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh Phú Thọ như: Trường Cán bộ quản lý giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ; Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng… và nhiều trường THPT, THCS… Anh cũng được trao các giải thưởng như: Giải thưởng cá nhân của Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi năm 2008, Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về thành tích trong lao động, rèn luyện…” Anh hồ hởi kể về cuốn sách sắp ấn hành với tựa đề Không là cơn gió thoảng qua với mong muốn cuốn sách chính là lời tri ân với cuộc đời.
Sẽ có thêm nhiều tác giả trẻ tham gia 'Chuyện đời tôi'
Góp phần làm giàu lên những tấm gương nghị lực cho tủ sách “Chuyện đời tôi”, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Văn Toán 18 tuổi, bệnh nhân ung thư máu từng muốn buông xuôi tất cả. Nhưng khi đến với tủ sách “Chuyện đời tôi”, anh đã góp vào tủ sách một câu chuyện rất cảm động về những bệnh nhân ung thư máu. Anh tâm sự: “Tôi rất muốn mọi người có một sự chia sẻ và cảm thông với những bệnh nhân ung thư máu như chúng tôi. Tất cả những người bệnh đã nỗ lực hết mình để giành lấy cuộc sống. Họ đầu hàng số phận không phải vì họ thiếu nghị lực mà số phận đã quá nghiệt ngã với họ”.
Anh từng bỏ học gần hai năm vì hành trình chữa bệnh dài dằng dặc. Nhưng cuối cùng niềm vui lớn đã đến với Toán, anh đã được nhận trở lại trường để sống và thực hiện giấc mơ đèn sách của mình.
Nhà thơ ĐẶNG VƯƠNG HƯNG, người sáng lập tủ sách nói trên, đã trực tiếp bỏ ra nhiều công sức để thu thập bản thảo và giúp đỡ những tác giả trẻ không may mắn viết và hoàn thành tác phẩm cho tủ sách “Chuyện đời tôi” tâm sự: “Chỉ trong gần 3 năm, NXB CAND đã cho xuất bản hàng chục tác phẩm của hơn 30 nhân vật và tác giả “Chuyện đời tôi” như thế. Theo anh, hiệu ứng của các tác phẩm như: Khát vọng sống để yêu và Ở trọ trần gian của tác giả Nguyễn Hồng Công; Xin đừng khóc nữa mẹ ơi của tác giả Nguyễn Ngọc Sơn; Vẫn tin ở ngày mai của cố tác giả Lê Minh Nguyệt; Những ngọn đèn trước gió của Nguyễn Văn Toán… đều đã vượt ra ngoài khuôn khổ của những cuốn sách thông thường, các anh chị đều đã trở thành những “điển hình đặc biệt”, để nhiều bạn trẻ và những người không may mắn noi theo, cùng sống đẹp, sống có ích và khát vọng được cống hiến cho xã hội...
Theo Thu Thủy
(Thể thao & Văn hóa)
_______________
Từ trên xuống: Nữ tác giả Nguyễn Hồng Công, tác giả Nguyễn Ngọc Sơn và tác giả Nguyễn Văn Toán.