Thứ bảy, 04/05/2024,


Hội làng – Nét đặc trưng làng quê Kinh Bắc (05/07/2009) 

HỘI LÀNG

 

 

Đổ dồn trống gọi hội xuân

Làng quê bỗng hết nhọc nhằn sớm khuya

Tưởng chừng giàu có,  no nê

Tưởng chừng nhàn nhã chưa hề lấm lem…

 

Dẫu theo cơm áo trăm miền

Cứ nghe tiếng trống tự nhiên tìm về

Rũ bụi đường, nhập hồn quê

Say trong câu hát đê mê đêm làng

 

Kém chi bà Chúa, ông Hoàng

Xiêm y lấp lánh, đai vàng rồng thêu

Gái xinh như Tấm, như Kiều…

Trai thành Hoàng tử ngỏ điều yêu thương

 

Trong chùa ngan ngát khói hương

Sân đình canh hát dễ thường thâu đêm…?

Thị Mầu… mới tốc yếm lên

Trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng!

 

Mai rồi…Tết hết, hội tan

áo xiêm xếp lại, cả làng “ra quân”

Công nương đi cấy lúa xuân

Hoàng tử khăn gói… nơi gần… nơi xa…!

 

Phúc Toản

(Báo Bắc Ninh số Tết Mậu Tý năm 2008)

 

 

     Miền quê Kinh Bắc vốn là xứ sở của lễ hội. Những hội làng rộn rã “ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên, Những hội hè đình đám” (Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm); những canh hát dài theo đêm thương nhớ, bịn rịn, đắm say: “Người ơi, người ở đừng về”; những chiếu chèo nghiêng ngả hồn người… Một người nặng lòng yêu quê như Phúc Toản không thể không thả lòng quyến luyến vấn vương với “Hội làng”. Một hội làng vừa mang nét đặc trưng của quê hương tác giả (Dương Lôi- Từ Sơn – Bắc Ninh) vừa có những nét chung của những vùng quê trên đất nước này. Cái thần của hội làng ấy đã được gợi lên từ những câu đầu:

 

Đổ dồn trống gọi hội xuân…”

 

     Thiếu tiếng trống thì không thể thành hội. Tiếng trống không chỉ dẫn người đọc vào đắm say, rộn rã của hội làng mà còn đưa người vào một vùng thơ để quan sát cả làng quê với những con người sớm hôm tần tảo.

 

Làng quê bỗng hết nhọc nhằn sớm khuya

Tưởng chừng giàu có, no nê

Tưởng chừng nhàn nhã chưa hề lấm lem

 

     Đáng lưu ý nhất là từ tưởng chừng” (hai lần trong hai câu thơ nối nhau). Nó khiến người đọc phải suy nghĩ, ngẫm ngợi. Hội làng đến, người làng đang mưu sinh nhọc nhằn từ trăm miền cùng rủ nhau về tề tựu. Tưởng như sự giàu có, no đủ, nhàn nhã đã đến, với những gương mặt vui tươi dự hội, với xiêm áo rộn ràng, lấp lánh, như cô Tấm mồ côi, khổ sở bỗng được Bụt hoá phép cho quần áo lượt là đi xem hội. Nhưng thực ra đó vẫn chỉ là sự “tưởng chừng”. Chính từ “tưởng chừng” sâu sắc, thâm thuý, ý nhị này là đòn bẩy để về cuối bài thơ, khổ kết bật lên, chua chát, ngậm ngùi:

 

Mai rồi … Tết hết, Hội tan …”

 

     Nhưng dù vậy, cái không khí hội làng náo nức vẫn cuốn ta vào cùng “ đê mê” trong tiếng hát, cùng “ nhập hồn quê” với những người dân bình dị mến yêu.

 

 

     Tiếng trống hội đầy ma lực ấy, không khí hội làng rộn rã ấy như có phép màu, biến những con người “nhọc nhằn sớm khuya”, “lấm lem” trở thành:

 

Kém chi bà Chúa, ông Hoàng

Xiêm y lấp lánh, đai vàng rồng thêu

Gái xinh như Tấm như Kiều

Trai thành hoàng tử ngỏ điều yêu thương

 

     Vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người họ mà ngày thường dường như bị che lấp sau cực nhọc, vất vả, giờ thăng hoa, toả sáng trong đêm hội với những vai diễn hết mình, thành những “bà Chúa, ông Hoàng”, “ Tấm, Kiều, hoàng tử”. Như thể có cây đũa thần gõ vào nàng Lọ Lem vậy. Đó phải chăng cũng chính là những ước mơ thầm kín của họ ngày thường?

 

     Và nói đến hội làng, không thể không nói đến chùa làng, sân đình, canh hát. Đặc biệt ở hội làng cổ truyền Dương Lôi, việc vào chùa thắp hương là một tập quán xưa nay của cả dân làng và người trong vùng đến dự hội (thắp hương lễ Phật và tưởng niệm mẹ vua Lý Thái Tổ). Chèo Đình Sấm (Dương Lôi) nổi tiếng, được đông đảo nhân dân ca ngợi. Những nét đẹp đặc trưng ấy đã được phác hoạ đầy đủ chỉ trong vài câu, thật tài hoa:

Trong chùa ngan ngát khói hương

Sân đình canh hát dễ thường thâu đêm

Thị Mầu… mới tốc yếm lên

Trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng

 

     Cái hình ảnh “trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng” thật tuyệt vời, thật Phúc Toản. Ma lực của nàng Thị Mầu trên chiếu chèo, với cái cử chỉ rất Thị Mầu “tốc yếm lên” không chỉ làm điên đảo người xem hát, mà còn làm cả đất trời giật mình, say đắm, rạo rực:

 

Trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng

 

     Khó có thể nói hết cái hay, cái thần của câu thơ này! Từ “Giời cao gió cả giăng như ban ngày” của hội làng thời Nguyễn Bính (Đêm cuối cùng) đến “Trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng” của Phúc Toản là khoảng cách gần 60 năm thơ và cảm! Chất siêu thực, huyền ảo và hiện đại của câu thơ đã dệt nên làn ánh sáng quanh vẻ đẹp của bài thơ.

 

     Nhưng “cuộc vui nào rồi cũng đến lúc tàn”. Sau những ngày hội đẹp đẽ, những nàng “Tấm, Kiều”, những “ông Hoàng, bà Chúa” kiêu sa lộng lẫy ấy lại phải trở về với thực tại không chút thơ mộng:

 

Mai rồi… Tết hết, hội tan

Áo xiêm xếp lại, cả làngra quân

Công nương đi cấy lúa xuân

Hoàng tử khăn gói nơi gần nơi xa

 

     Biết làm sao được. Làng quê Việt vẫn còn nhiều nhọc nhằn, vất vả, vẫn còn rất nhiều người dân phải tha hương cầu thực. Có lẽ họ làm lụng quanh năm cũng chỉ mong ngóng đến hội làng để được hoá thân vào những ước vọng từ thời cổ tích… Có lẽ hội làng là miền thương nhớ, ước ao, là bến đỗ neo họ với làng quê dù họ có ở nơi đâu:

 

 Dẫu theo cơm áo trăm miền

Cứ nghe tiếng trống tự nhiên tìm về

 

     Buồn và chua chát, nhưng cũng rất thật, rất tình người ở khổ cuối bài thơ. Một tiếng thở dài, khi phải chứng kiến cảnh “Áo xiêm xếp lại, cả làng ra quân' và “Hoàng tử khăn gói nơi gần nơi xa”, nhưng trong đó thầm gửi gắm ước ao một ngày nào đó làng quê sẽ “giàu có no nê, nhàn nhã” như trong những ngày hội. Sự đối lập giữa khổ 3 với khổ cuối và trong hai câu cuối bài thơ gợi chút đắng lòng,  u uẩn, ưu tư.

 

     “Hội làng” không đơn thuần là bức tranh tả cảnh hội làng mà còn là suy ngẫm, day dứt về cuộc sống người dân làng “theo cơm áo trăm miền” mà lòng luôn hướng về cội, những người dân khi “ Tết hết hội tan, áo xiêm xếp lại, cả làng “ra quân”,  từ đó gợi lên những sẻ chia,  nghĩ suy, đồng cảm của người đọc.

 

     Viết về hội làng, Phúc Toản đã chọn một thể thơ rất làng quê, rất dân gian: lục bát; một cách viết giản dị, trong sáng với hầu hết các từ  là thuần Việt, những hình ảnh bình dị, thân quen. Người đọc sẽ nhớ mãi những câu: “rũ bụi đường, nhập hồn quê”, “trăng trên trời đã đổ nghiêng xuống làng”, những từ “tưởng chừng”, “kém chi”. “dễ thường”… Những từ ngữ tưởng như thật đời thường, đơn giản, nhưng được dùng “đắc địa”, trở nên sinh động, uyển chuyển và “đắt giá” lạ lùng. Điều đó làm nổi lên tài hoa của tác giả, của những vần thơ. Và đó là một trong những lý do để “Hội làng” được đăng trên khá nhiều ấn phẩm.

Trần Thị Tích

(561 Ngô Gia Tự – Thành phố Bắc Ninh)

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: