Thứ ba, 16/04/2024,


Tre Việt: Nơi giữ hồn nhạc Việt (04/07/2009) 

            Có lẽ đây là một ban nhạc độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được lập nên bởi các thành viên trong một gia đình, chơi âm nhạc dân tộc bằng chính những nhạc cụ dân tộc do mình làm. Kể từ khi thành lập năm 1993, với rất nhiều chuyến lưu diễn trong và ngoài nước, họ đã gặt hái được hàng chục Huy chương vàng, bằng khen..., nhưng có lẽ, điều đáng quý nhất, đó là Tre Việt đi đến bất cứ nơi đâu để biểu diễn, đều nhận được những tình cảm trọng thị và yêu mến mà khán giả dành cho mình, với một bí quyết tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được: "Để làm rung động trái tim người khác, hãy chơi nhạc bằng cả trái tim mình".

 

            Từ sở thích làm nhạc cụ đến thành lập một ban nhạc gia đình

 

            Tre Việt gồm: Vợ chồng NSƯT Đồng Văn Minh (diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) - NSƯT Mai Lai, hai con trai của họ là Đồng Quang Vinh và Đồng Minh Anh, cùng cháu gái Nguyễn Minh Trang.

            Ban nhạc Tre Việt được thành lập ban đầu lại từ... sở thích làm nhạc cụ tre nứa của NSƯT Đồng Văn Minh. Trước khi có ý định thành lập Tre Việt, NSƯT Đồng Văn Minh chỉ định tự làm nhạc cụ dân tộc cho vợ chơi. Nhưng dần dần, ông trở nên gắn bó và ngày càng yêu loại nhạc cụ này. Hai cậu con trai Đồng Quang Vinh và Đồng Minh Anh lớn lên cùng với những giọt đàn trong trẻo và ngọt ngào mà bố mẹ chơi mỗi ngày dần dần cũng trở nên gắn bó máu thịt với các em. Đồng Quang Vinh được 9 tuổi, vợ chồng nghệ sỹ Đồng Văn Minh - Mai Lai đã hướng con vào học chuyên ngành sáo trúc của Nhạc viện Hà Nội và con trai Đồng Minh Anh sau đó cũng được cha mẹ cho học đàn bầu. Và năm 1993, một ban nhạc mang một cái tên rất Việt Nam – ‘Tre Việt’ đã ra đời.

 

                 

 

            Bất kể ai khi nhìn vào những thành tích mà những thành viên của Tre Việt đạt được, cũng đều phải nể trọng.

            NSƯT Mai Lai - Chủ nhiệm bộ môn đàn tranh, khoa nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đã gắn bó với nghề dạy đàn suốt 30 năm với nhiều HCV trong nước và quốc tế, chị là hình mẫu mà nhiều thế hệ học trò của chị, những người say mê âm nhạc dân tộc luôn hướng tới. Con trai đầu lòng của chị, nghệ sỹ Đồng Quang Vinh, cũng chính là MC chững chạc và tự tin trong chương trình "Vượt qua thử thách" của Đài Truyền hình Hà Nội 4 năm về trước, hiện là sinh viên khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy của Học viện Âm nhạc Quốc gia Thượng Hải. Vinh đã đoạt HCV độc tấu đàn T'rưng từ năm 13 tuổi; HCV độc tấu sáo Mèo năm 14 tuổi tại Liên hoan hát dân ca và độc tấu nhạc cụ dân tộc do Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức... Cho đến nay, Vinh đã gặt hái được 5 HCV. Không chấp nhận sự thua kém anh mình, cậu em trai Đồng Minh Anh cũng bộc lộ những tố chất "con nhà nòi" từ rất sớm. Hiện mới học lớp 12, nhưng số HCV về độc tấu đàn T'rưng, đàn đá mà Minh Anh giành được cũng chẳng thua anh trai. Cô cháu gái của vợ chồng nghệ sỹ Đồng Văn Minh - Mai Lai là Nguyễn Minh Trang cũng chính là chủ nhân của chiếc HCV độc tấu đàn đá trong Liên  hoan hát dân ca và độc tấu nhạc cụ dân tộc năm 2005, giải nhất độc tấu đàn tranh trong Cuộc thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2008. Người luôn lặng lẽ phía sau mỗi thành công của Tre Việt là NSƯT Đồng Văn Minh. Là nghệ sỹ cenlo của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, nhưng anh lại được truyền tình yêu âm nhạc dân tộc từ vợ. Từ việc làm nhạc cụ cho vợ chơi, anh ngày càng gắn bó với với âm nhạc dân tộc. Tất cả các nhạc cụ hiện nay mà ban nhạc Tre Việt chơi là do chính Đồng Văn Minh làm. Hiện anh là một trong những nghệ nhân làm đàn giỏi nhất Việt Nam. NSƯT Mai Lai tâm sự: "Tôi may mắn là có được người chồng - nghệ sỹ - nghệ nhân tài hoà. Anh không chỉ chơi nhạc dân tộc hay mà làm nhạc cụ cũng rất khéo. Ban nhạc tồn tại được cho đến ngày hôm nay một phần do tất cả nhạc cụ chúng tôi không phải mất tiền mua".

 

            "Tình cảm của khán giả khiến chúng tôi ngày càng yêu con đường mình đã chọn"

 

 

Nhà phê bình âm nhạc, PGS. Dương Viết Á: "Tre Việt đã góp phần nâng cao dân trí âm nhạc, làm cho niềm tin âm nhạc và nhạc cụ dân tộc ngày càng phát triển, thu hút công chúng không những trong nước và quốc tế".

            Thời kỳ đầu được thành lập, Tre Việt nằm trong tình cảnh khó khăn của đất nước nói chung. Kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chưa cao, bên cạnh đó sự quan tâm của Nhà nước đối với âm nhạc truyền thống chưa được chú trọng. Khi đó, thái độ của công chúng dành cho âm nhạc dân tộc cũng chưa đứng mức. NSƯT Mai Lai kể, hồi ấy, nhiều người học đàn nhị nhưng không đủ tự tin, đã phải cất cây đàn vào chiếc vỏ của đàn violon mỗi khi mang trên đường. Tre Việt ra đời trước hết cũng từ tình yêu âm nhạc dân tộc cháy bỏng của mỗi thành viên, dù chưa hoạch định được tương lai rồi sẽ đi đến đâu. Chuyện các thành viên Tre Việt có thời gian vẫn tập đàn trong khi bụng đói không phải là chuyện lạ và trở thành kỷ niệm sâu sắc của Tre Việt. NSƯT Mai Lai tâm sự: "Khó khăn là thế, nhưng những tình cảm yêu mến mà khán giả dành cho chúng tôi là nguồn động viên khích lệ rất lớn...".

            Mỗi lần Tre Việt biểu diễn trên sân khấu, thì khán giả lại như bị cuốn trong những âm thanh tre nứa bay bổng, trong sáng đầy quyến rũ...

            Năm 1996, trong chuyến lưu diễn tại Nhật Bản, sau những tràng vỗ tay cổ vũ không ngớt của khán giả Nhật Bản, một người bạn Nhật đã nói: "Chúng tôi rất khâm phục các bạn, dù đất nước các bạn nghèo, nhưng các bạn đã giữ được truyền thống dân tộc cha truyền con nối. Các bạn sang đây biểu diễn đã khơi dậy tình yêu âm nhạc dân tộc của thanh niên Nhật Bản, nên chúng tôi cảm thấy rất tự hào". Cũng sau chuyến lưu diễn này, nhận được sự nâng niu trân trọng của bạn bè quốc tế dành cho âm nhạc dân tộc Việt Nam, con  trai cả của Mai Lai - Đồng Văn Minh là Đồng Quang Vinh đã thay đổi hoàn toàn nhân sinh quan sống, niềm say mê đối với âm nhạc dân tộc mình ngày càng sâu sắc hơn và có những kế hoạch tương lai một cách rõ ràng hơn.

 

                 

 

            Không chỉ ở Nhật Bản, đi đến các nước khác, Tre Việt cũng nhận được tình cảm đặc biệt của khán giả nước ngoài dành cho âm thanh tre nứa của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Có những buổi biểu diễn ở Pháp, Hàn Quốc..., sau khi kết thúc, khán giả đã tràn lên sân khấu để chiêm ngưỡng dàn nhạc tre nứa đồ sộ và hỏi các nghệ sỹ mua ở đâu, khi biết do chính ban nhạc làm ra thì họ đã ồ lên kinh ngạc và thích thú. Năm 2002, Tre Việt sang Pháp biểu diễn 5 tăng mỗi ngày, nhưng có khán giả ngồi liên tù tỳ... 3 tăng chỉ để nghe ban nhạc chơi đi chơi lại.

            Là thành viên của Trung tâm Nghệ thuật tình thương do NSND Tường Vy làm giám đốc. Tham gia biểu diễn nhiều nơi trong nước và nước ngoài, nhưng có lẽ hoạt động mà Tre Việt ưu tiên số 1, đó là tham gia các buổi biểu diễn từ thiện như biểu diễn ở làng trẻ em Hữu Nghị, SOS, Hoà Bình, biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sa, bà con ở những vùng quê hẻo lánh...

 

            Hãy chơi nhạc bằng cả trái tim mình!

 

            Bên cạnh những bản nhạc dân tộc folklore "xịn", những bản nhạc cũng được Đồng Quang Vinh chuyển thể sang cho dàn nhạc tre nứa, được chơi nhạc theo phong cách đương đại như "Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ", "Cảm xúc Tây Nguyên"... với sức hấp dẫn riêng.

            NSƯT Mai Lai tiết lộ: "Tôi thường dạy học sinh, nếu như mình sống nhân hậu thì tiếng đàn mới có hồn. Ngoài kiến thức cơ bản mình học được thì phải biết chơi đàn bằng cả trái tim. Nếu mình không rung động thì không thể khiến người khác rung động. Đó là điều trọng nhất".

           

 

Lê Huệ

ĐT: 0912237256

Email: lehuevov@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: