Thứ tư, 15/01/2025,


Mơ tưởng cùng Tây Nguyên (02/07/2009) 

 

Nếu như Mỹ Sơn, Sa Huỳnh, những cao nguyên Lang Biang, Bạch Mã, Bà Nà... được người Pháp khám phá từ hàng trăm năm trước, thì thánh địa Cát Tiên của vương quốc Phù Nam xa xưa lại được phát hiện bởi một nữ nhà báo, chỉ cách đây trên 20 năm!

 

Đúng hơn, phóng viên Đinh Thị Nga báo Lâm Đồng bây giờ, khi công bố những phát hiện mang tính lịch sử về Thánh địa Cát Tiên, vào năm 1985, còn là sinh viên khoa sử mới ra trường. Thánh địa Cát Tiên giờ nổi tiếng khắp thế giới, đang được đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới. Câu chuyện về Cát Tiên được dẫn dắt bởi người khám phá ra nó.

 

           

                                                  Pơtao đời thứ 14 Puih Siu Luynh – Vua Lửa cuối cùng

                                        của Tây Nguyên (đã mất năm 1999). Ảnh tư liệu của Văn Công Hùng 

 

Huyền tích có thể coi là lừng lẫy nhất Tây Nguyên không gì khác là câu chuyện về cây gươm thần của Vua Lửa (Pơtao Pui). “Tín ngưỡng thần gươm” từng có sức ảnh hưởng và khống chế rộng khắp vùng cao nguyên Nam Đông Dương với các nhà nước cổ đại lân cận. Tổng đạo diễn series phim Tây Nguyên - miền mơ tưởng - nhà thơ Đoàn Huy Giao, nhớ lại, trước năm 1999, khi làm bộ phim tài liệu Lá hát, ông về vùng đất quê hương của các Pơtao Pui dưới chân núi Chư Tao Yang là Plei Ơi (làng Ơi, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Năm đó, Vua Lửa đời thứ 14 Puih Siu Luynh - vị Vua Lửa cuối cùng vẫn còn sống, và với quyền lực của thanh gươm thần mà không ai được phép nhìn thấy, thực hiện lễ cầu mưa gần như cuối cùng.

 

“Tây Nguyên - miền mơ tưởng” - kịch bản và đạo diễn : Đoàn Huy Giao, Trà Xuân Phương, Trương Vũ Quỳnh, Phạm Xuân Hùng. 

Tối 10/7 (lúc 23h30), VTV1 khởi chiếu 36 tập phim Tây Nguyên - miền mơ tưởng (Trung tâm Truyền hình VN tại Đà Nẵng thực hiện).

Nghi lễ dứt, cũng là lúc mưa về, kéo dài cả tuần. Vua Lửa Puih Siu Luynh mất năm 1999, không có ai kế vị. Còn câu chuyện về thanh gươm thần thì vẫn mịt mù bí ẩn, như chuyện một viên quan người Pháp tên là Odend’hal hồi đầu thế kỷ trước (1904) vì đòi xem bằng được thanh gươm, đã bị dân làng giết chết.

 

Lần đầu tiên, thanh gươm thần kỳ bí của các Pơtao Pui sẽ phần nào được hé mở qua tập 36 - tập cuối cùng của series phim này. Người xem cũng sẽ được khám phá lỗ đất bang Andrech ở đèo Phượng Hoàng mà truyền thuyết người Ê Đê cho rằng tổ tiên của họ chui qua để định cư trên vùng thảo nguyên có đồng cỏ Madrak mênh mông này.

 

Về dân tộc Rơ Mâm chỉ còn khoảng 200 người. Về núi củ đắng - đỉnh Ngok Linh cao nhất miền Nam với cây sâm Ngọc Linh nổi tiếng. Về thung lũng Cheo Reo miền đất Nam Bàn xưa – quê hương của thủ lĩnh Chut Ch’Reo mà bây giờ hậu duệ của ông là bà Mí Thúy từng là Hoa hậu Tây Nguyên năm 1960, dân biểu chế độ cũ, sau này là chủ tịch phụ nữ của xã, người đầu tiên xóa hủ tục buộc phụ nữ Ja Rai sinh đẻ ngoài rừng...

 

Tây Nguyên huyền bí và thân thuộc, nhưng đang mất dần, đặc biệt là tài nguyên văn hóa độc đáo. Đạo diễn Đoàn Huy Giao kể, mới mấy năm trước, về làm phim ở xã Ia Xia (huyện Sa Thầy, Kon Tum), nơi có khu nhà mồ thuộc loại lớn nhất Tây Nguyên với những tượng nhà mồ bằng gỗ đẹp mê man có từ hàng trăm năm nay. Giờ quay lại, xuất hiện những tượng nhà mồ đắp bằng xi măng thô kệch, tượng người đàn bà Ja Rai không còn để trần, mà được mặc áo nịt ngực màu đỏ. Hay như kiểu nhà tò vò mái sát đất, cửa ra vào như lỗ tò vò độc đáo của người M’nông ở Đăk Nông, nay cả tỉnh chỉ còn sót lại vài ba cái, đến nỗi khi thực hiện phải sử dụng lại phim tư liệu.

 

Q          Đây cũng chính là quê hương của sử thi - Ot n’rong được các chuyên gia đánh giá là dài nhất nhì thế giới so với những pho sử thi của Hy Lạp, Ấn Độ, mà mỗi câu chuyện ngắn nhất cũng phải kể suốt một tuần mới hết. Nghệ nhân Điểu Kâu (xã Đăk Rung, huyện Đăk Song, Đăk Nông) - người đầu tiên dịch Ot n’rong ra tiếng Việt, đã mất. Em ruột của ông, nghệ nhân Điểu Klứt, có thể nhớ và hát Ot n’rong nhưng cũng gần đất xa trời.

 

“Ngoài sự khám phá về một vùng đất, chúng tôi còn mong phim giữ lại được những hình ảnh, nét văn hóa truyền thống mà sợ sau này sẽ phai nhạt hoặc không còn nữa” - đạo diễn Đoàn Huy Giao bộc bạch.

 

 

Theo Trần Tuấn (Báo Tiền Phong)

  

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: