Thứ năm, 25/04/2024,


Từ kỷ vật chiến trường đến những trang viết cuộc đời (phần II) (04/08/2008) 

 

    Vợ chồng Đại tá Nguyễn Văn Chương và các con cháu, năm 2007

 

Người vợ thảo hiền

Bao nhiêu năm biền biệt xa nhà, ông có một hậu phương vững chắc đấy là người vợ thảo hiền, tần tảo chịu thương chịu khó. Một mình bà nuôi nấng, chăm lo cho các con khôn lớn thành người.

Bà vốn là cô gái đến từ xứ Thanh xa xôi, ngày xưa nổi tiếng xinh đẹp Trịnh Thị Thú tham gia cách mạng khá sớm. Sau đó bà đi thoát ly rồi chuyển về công tác tại trường bổ túc công nông trung ương. Hai ông bà quen nhau cũng rất tình cờ. Bà tham gia phong trào chống cưỡng ép di cư, khi trung ương tổ chức cho các đoàn dẫn cán bộ xuống Ninh Bình để tổ chức chống di cư thì bà là đội trưởng đội chống di cư, ông cũng tham gia trong đợt đó, thế là hai người biết nhau.

Một thời gian sau về Hà Nội công tác hai người gặp nhau ở trường bổ túc công nông, lúc này ông đang ở 44 Tràng Tiền của bộ văn hóa. Khi đó ông đang là cán bộ nghiệp vụ của cục xuất bản văn hóa.

Đến năm 1956 thì hai người trở thành vợ thành chồng. Lấy ông rồi bà chuyển về gần nhà công tác. Năm 1966 ông lên đường đi B. Ngày ông đi bà ở nhà với 4 cô con gái và cậu con trai mới được 3 tháng tuổi. Một mình bà ở nhà vừa tham gia cách mạng, vừa chăm lo cho các con. Khi đó, các con còn nhỏ xíu lóc nhóc như trứng gà trứng vịt. Bà ở nhà nuôi con. Những năm chiến tranh ác liệt, điều kiện khó khăn chồng chất, nghèo khổ. Bà làm ruộng để nuôi sống cả gia đình.

Ông đi một mạch hơn chục năm trời, không một tin tức, không dòng địa chỉ, mọi người trong nhà không biết ông sống chết ra sao. Mọi người cứ đinh ninh rằng chắc ông chẳng còn sống để mà trở về. Bà ở nhà chờ chồng nuôi con, tần tảo. Đến tháng 12 năm 1976 thì ông về. Cả nhà mừng rơi nước mắt khi thấy ông về nghỉ phép. Nhưng ông cũng chỉ ở nhà được gần một tháng thì lại phải trả phép. Trả phép xong ông lại đi chiến đấu giúp bạn Campuchia.

 Trong lời kể nghẹn ngào xúc động của cô Nguyễn Thị Thanh Hà, ngày ông trở về là một câu chuyện cổ tích với những người thân yêu ruột thịt. Trong hồi ức của cô ngày tiễn cha đi vẫn lưu giữ nguyên vẹn hình ảnh người cha  cân nặng chỉ nhỉnh hơn 40kg một chút, cong người đạp chiếc xe trên triền đê lộng gió. Dáng ông nhoài người trên chiếc xe ngày đông ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với người con gái cả suốt cuộc đời.

Từ khi người con trai út mất đi cộng với người con gái thứ tư bị bệnh gan cấp, gia đình vốn nghèo khổ nên khó khăn chồng chất khó khăn bà sinh ra ốm đau bệnh tật liên miên không ra đồng được chỉ ở nhà phụ giúp con cái việc cơm nước trong nhà. Đến năm 1977 bệnh trở nên trầm trọng mọi người trong gia đình tưởng bà không qua khỏi nên nghĩ rằng chắc chắn bà sẽ chết nên điện vào cơ quan ông nhưng họ nói ông lại lên đường đi Campuchia rồi. Con cái ở nhà nghĩ trong bụng rằng “Lần này chắc ba về thì mẹ đi mất rồi, không còn nữa.' ở nhà mọi người thực hiện phương châm “còn nước còn tát' nên mặc dù biết bệnh tình bà rất nặng nhưng vẫn đưa đi chạy chữa đến khi ông trở về.

Ngày ông về nhưng ông cũng không dám bước vào nhà ngay vì sợ, vì cứ nghĩ rằng bà đã không còn nữa nên ông đứng tần ngần trước cửa nhà rất lâu, tới khi nhà hàng xóm có người trông thấy bảo “Chị Hà ơi, ba chị về kìa'. Thì lúc đó bốn cô con gái của ông mới chạy ào ra và kêu lên “Mẹ ơi ba đã về.' Lúc đó ông mới chắc chắn rằng bà còn sống và ông mới đủ can đảm bước chân vào nhà.

Ngay sau hôm đó ông đưa bà đi chữa trị tại viện 103 thì phát hiện ra bà bị u xơ tử cung. Do trình độ chuyên môn thấp kém ở y tế xã, huyện cứ khẳng định chắc như đinh đống cột rằng bà chửa. Vì có những nhận định sai lầm về bệnh án như thế nên bà quyết định không chữa nữa. Bà về nhà để xem nếu chửa thì bao lâu sẽ đẻ. Ba năm sau vẫn không thấy bà đẻ, nhưng sức khỏe của bà thì suy giảm rõ rệt. Bà trở nên gầy yếu, xanh xao, tiều tụy đi trông thấy.

Khi ra đến viện 103, các bác sĩ ở đây đã khám chắc chắn bà bị u xơ tử cung và có quyết định mổ để cắt khối u đó, nhưng thấy bà gầy yếu quá nên họ không dám mổ ngay mà phải chờ thời gian để chăm sóc cho lại sức mới dám mổ. Thế là lại ròng rã một tháng trời bà nằm viện để truyền máu và bồi dưỡng sức khoẻ. Đúng một tháng 10 ngày sau đó thì bà được đưa lên bàn mổ và cắt bỏ cái khối u quái ác đã hành hạ bà suốt mấy năm trời. Sau đó bà được chăm sóc chu đáo và trở lại khỏe mạnh, chăm lo các cháu cho các con yên tâm công việc làm ăn.

 

Những người con không biết mặt cha.

Ngày Nguyễn Văn Chương lên đường vào chiến trường, các con của ông vẫn còn nhỏ. Cô chị cả khi đó mới khoảng 6, 7  tuổi thành ra cô là người duy nhất biết ba của mình và nhớ được mặt ba. Còn những người em của cô do hồi đó còn quá nhỏ, nên không nhớ được ba mình như thế nào thậm chí còn không nhớ cả mặt ba. Bởi vậy ngày ông mới ở chiến trường về, sau quãng thời gian dài đằng đằng hơn chục năm xa nhà, ngày ông trở về đứng trước sân nhà, mấy người con ông đang theo chân cô chị cả vào trong núi lấy củi. Trên đường về, mấy chị em đang tíu tít trò truyện thì có người đến bảo: 'Hà ơi, bố mày mới về kìa. Mau về mà nhận bố đi'. Thế là mấy chị em tất tả chạy vội về nhà. Khi vừa về đến sân nhìn thấy người ba sau hơn chục năm xa cách cô con gái lớn chạy lại ôm chầm lấy ba và khóc. Cô nhìn thấy hình dáng ông trong ngày trở về sao mà thương quá, người ông nhỏ thó, gầy nhom, da dẻ lại vàng vọt vì những cơn sốt rét rừng triền miên. Thương ông đấy nhưng niềm hạnh phúc cũng trào dâng đến nghẹn ngào không thốt ra được thành lời. Cô cứ ôm ba mình mà khóc. Trong khi đó các em của cô cứ đứng ngây ra nhìn chị mình và người đàn ông lạ kia. Đến khi cô chị bảo với các em rằng “Ba mình đấy, ba chúng mình mới trở về. Người ba mà mẹ và chị vẫn thường hay nhắc tới cho các em nghe hôm nay đã trở về. Các em mau nhận ba đi.'.

Mặc cho cô chị nói thế nhưng các em vẫn đứng ngây ra nhìn người đàn ông gầy gò, nhếch nhác mà chúng sắp nhận làm ba. Ba chị em còn lại cứ đứng sát vào nhau và nhìn chằm chằm. Khi ông bước lại gần, muốn ôm những đứa con lâu ngày không gặp lại thì chúng khóc thét lên và bỏ chạy khỏi vòng tay của ông mặc cho ông đứng vẫy gọi chúng lại. Chỉ đến khi mẹ bọn trẻ nói rằng đấy là ba của các con thì mấy đứa em út mới nhận ba của mình. Cứ tưởng nhận ba xong là các con đã thỏa mãn trí tò mò sẽ không hỏi bà về ba của mình nữa nhưng như thế vẫn chưa hết. Khi ông về cô con gái út của ông luôn miệng thắc mắc với bà rằng:

Mẹ ơi, sao chúng con không có bố, có cậu (Ngày đó có nhà người ta gọi bố là cậu) mà cứ có ba làm gì hả mẹ?

 - Thì ba cũng là bố đấy thôi.

- Thế sao không gọi luôn là bố đi mà cứ phải gọi là ba làm gì?

Niềm hạnh phúc tột cùng của những người con và gia đình sau một thời gian dài đằng đẵng không tin tức cho tới khi ông trở về lành lặn và vẹn nguyên. Đấy là may mắn lớn nhất của những người con không biết mặt cha.

Sau năm 1977, khi bà đã chữa khỏi bệnh ông hết phép lại lên đường công tác để bà và các con ở nhà. Bà lại tất tả với ruộng vườn, và chăm lo cho các cháu và hoàn thành tốt nhiệm vụ là một cán bộ phụ nữ. Bà đã được tặng Huy chương “vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ' Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng ha và được tặng Huy hiệu năm mươi năm tuổi đảng. Trở về với công việc thường ngày bà thay ông chăm lo, dạy dỗ các con, cháu thành người.

Đến năm 1987 khi ông còn đang công tác trong Sài Gòn thì vợ chồng cô con gái cả đưa bà vào sống cùng với ông. ở đây vợ chồng con cái ông được cơ quan Quân khu phân cho một ngôi nhà gia binh (nhà tập thể giành cho các gia đình có người phục vụ trong quân ngũ) cùng với một mảnh đất nhỏ. Thế là ngày ngày ông đi làm bà và cô con gái thì chăn nuôi, trồng trọt trên mảnh đất nhỏ cạnh nhà đó, cô con gái cả của bà khi đó cũng đã là cán bộ phụ nữ của phường, cô cũng mở một quán nước nhở ngay trước cửa nhà để bán chén nước, điếu thuốc kiếm đồng ra đồng vào cho cả nhà, còn người con rể là công nhân sửa điện. Lúc này điều kiện sinh hoạt gia đình ông cũng đỡ vất vả hơn.

Năm 1991, Đại tá Nguyễn Văn Chương được Nhà nước cho nghỉ hưu, đến 1993 hai ông bà đưa nhau trở về quê ông sinh sống. Trở về với mảnh đất Hương Sơn đã gắn bó với ông từ những ngày còn thơ bé. Bởi ở đây ông còn phải thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ tiên vì ông là trưởng họ.

 

            Trở về với dòng tộc và niềm vui đoàn tụ

Trong cuộc đời của mình, đại tá Nguyễn Văn Chương có gần ba mươi năm gắn bó với mảnh đất miền Nam. Những năm chín mươi, vợ và người con gái cả đã vào sống với ông. Cuộc sống bước dần vào tuổi an nhàn. Chỉ cần đón những người con còn lại vào đoàn tụ thì có lẽ gia đình lại không phải một lần nữa người Nam, kẻ Bắc. Bởi sau ngày ba, mẹ trở ra Bắc, vợ chồng cô con gái cả của ông vẫn còn bám trụ lại với “Đất khách quê người” đến khoảng năm 1998, hai người mới khăn gói trở ra Bắc.

Chúng tôi ngỏ ý tò mò hỏi tại sao lại như vậy. Ông chậm rãi nhấp một ngụm nước nhỏ trầm ngâm giây lát. Cũng chậm rãi, ông tâm sự với chúng tôi: 'Lí do thì nhiều lắm, nhưng tôi lại là trưởng tộc dòng họ Nguyễn nên phải về thôi'.

Thế mới biết “Con người có tổ có tông”. Người Việt là thế, dù có đi cùng trời cuối đất, trong họ vẫn khôn nguôi hướng về quê hương, dòng tộc. Huống chi đã gần bước sang cái  tuổi “thất thập”, ở tuổi ấy, người ta thường hay tổng kết lại để đánh giá cuộc đời mình. Những gì đã thuộc về trách nhiệm mà còn chưa làm được thì đó sẽ mãi mãi là một nỗi niềm day dứt. Đại tá Nguyễn Văn Chương trở về quê nhà trong dòng tâm trạng như vậy. 

Dòng họ Nguyễn “Đại tộc Nguyễn Viết' là một dòng họ lớn bậc nhất, nhì của thôn Yến Vĩ, Hương Sơn. Hiện tại, dòng họ Nguyễn có khoảng trên dưới 400 hộ. Theo gia phả dòng họ Nguyễn còn lưu giữ lại, Các cụ tổ của dòng họ Nguyễn tại Yến Vĩ, Hương Sơn từ thủa xa xưa đã có một truyền thống yêu nước nồng nàn, căm thù giặc. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, khoảng thời vua Hùng thứ sáu, Các cụ đã nhiệt tình cùng dân làng đi theo vua Hùng Lang đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hòa bình trở lại các cụ trở về cùng bà con xây dựng lại cuộc sống quê hương. Vì vậy nhân dân trong vùng còn lưu giữ hai câu đối nôm thờ cụ:

Theo danh tướng lập công cứu nước

Thắng giặc thù xây ấp dựng thôn

Lúc sinh thời, hai cụ sinh được cả thảy 9 người con. Hai người con đầu mất khi tuổi còn trẻ, chưa lập gia đình. Bảy người con còn lại tạo thành cụ tổ của bảy chi ngày nay. Chiến tranh khốc liệt, khó khăn thiếu thốn chồng chất vì vậy những người trong dòng họ phần thì li tán, phần thì ở lại thì không có điều kiện tu bổ, trùng tu nhà thờ họ.

Thân là trưởng dòng họ, nhưng đại tá Nguyễn Văn Chương lại mải mê việc nước nên đành dang dở việc thờ cúng gia tiên. Khi ông chính thức trở về sống trên mảnh đất quê hương vào năm 1993, ông dành dụm tất cả tiền lương của mình, đồng thời kêu gọi sự giúp sức của con cháu trong họ đóng góp để xây dựng lại nhà thờ họ, tạ lỗi tổ tiên. Nhà thờ họ được xây dựng trên phần đất của ông cha để lại. Sau khi hoàn thành, ông giao cho người cháu ruột là con trai của người em út Nguyễn Văn Minh trông nom, hương khói ngày ngày.

Viết về đại tá Nguyễn Văn Chương cùng gia đình, chúng tôi xin được dành ít dòng để dựng lại đôi nét về bức chân dung người em út Nguyễn Văn Minh của ông. Một gia đình có hai người con trai nhưng cả người con trai ấy đều là những tấm gương thầm lặng tỏa sáng đặc biệt về đức hi sinh, về lòng yêu nước và về hai nhân cách đáng kính. Người anh đột ngột nhận được quyết định đi B và ít ngày sau đó vội vã lên đường, ông Nguyễn Văn Minh khi đó ở lại nhà chăm sóc mẹ già.

Ngày ông Nguyễn Văn Minh lên đường là một trong những ngày buồn thảm nhất với gia đình bởi xung phong đi vào chảo lửa miền Nam thì còn mong ngóng gì ngày trở về! Biết là thế nhưng đâu có sự lựa chọn nào khác nữa khi tổ quốc lên tiếng gọi. Cô Nguyễn Thị Thanh Hà là người đưa tiễn ba lên đường nhập ngũ, một lần nữa tự mình đưa tiễn người chú ruột lên đường trong niềm đau thắt ruột. Kể lại tâm trạng của mình, giọng cô vẫn bồi hồi xúc động như câu chuyện kia mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. Nhưng cảm xúc đặc biệt nhất, không bao giờ phai mờ trong cuộc đời của cô là ngày ba cô trở về rồi sau này là ngày chú Minh trở về từ trong cõi chết. Ngày ra đi khỏe mạnh là thế, vạm vỡ là thế vậy mà ngày trở về, ông Nguyễn Văn Minh đã bước ra ngoài tuổi ba lăm, là một thương binh nặng với thương tích đầy mình. Hàm răng của ông không còn nguyên vẹn, sứt mẻ vì bom đạn, xương sườn còn găm lại những mảnh đạn từ chiến trường.

Câu chuyện của một con người đặc biệt không thể dừng ở đó! Thương binh như vậy trở về nhà còn biết làm gì? Không nản! Ông nộp hồ sơ và trúng tuyển vào trường đại học Nông Nghiệp. Thế là suốt năm năm ròng, trên chiếc xe đạp cà tàng, ngày nào cũng thế, ông đạp xe từ Hương Sơn sang Trâu Quì theo học. Ngày ấy, ông đã có vợ con. Khi đi học ông mang theo một chiếc bơm xe, cà lê, mỏ lết để đề phòng xe hỏng dọc đường. Đầu tuần ông có 5 đồng trong túi để đi học thì cuối tuần về trong túi vẫn nguyên vẹn 5 đồng. Chắc chỉ có người lính được tôi mình trong những thời khắc sinh tử mới có thể có đủ kiên trì đến vậy. Nhưng mọi sự cố gắng đều sẽ được đền đáp. Trồng cây đã đến ngày ăn quả. Sau năm năm tốt nghiệp, ông cầm mảnh bằng đại học trên tay rưng rưng nước mắt. Ngay sau đó, ông được bố trí công tác tại trại nhân giống Lê Thanh - huyện Mỹ Đức. Một thời gian sau ông chuyển về công tác tại khu thủy sản Quán Sơn cho đến ngày về hưu.

Không tính tuổi ta, năm nay đại tá Nguyễn Văn Chương tròn tám mươi tuổi (ông sinh năm 1928). Bằng đôi bàn tay của mình, ông tự xây dựng được một cơ ngơi khá khang trang để ông bà an dưỡng tuổi già. Bốn cô con gái của ông đều là những cô con gái hiếu thảo, đảm đang, có cuộc sống gia đình tốt đẹp. Cô con gái cả Nguyễn Thị Thanh Hà cùng chồng là Nguyễn Trường Trịnh đều là những đảng viên ưu tú. Cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Thanh Sơn cùng chồng là Nguyễn Văn Đăng ở nhà buôn bán và làm nông nghiệp. Cô con gái thứ ba Nguyễn Thị Thanh Hải cùng chồng là Nguyễn Chí Thành hiện là chủ khách sạn Thành Hải. Cô con gái út Nguyễn Thị Thanh én cùng chồng là Trần Quang Thông ở nhà buôn bán và làm nông nghiệp.

Khi chúng tôi hỏi ông đã có bao nhiêu cháu chắt, ông bật cười không nhớ. Khuôn mặt ông khi ấy rạng rỡ một nụ cười viên mãn, nụ cười đã mãn nguyện với cuộc đời. Ông tự hào khi trong gia đình mình đã có lúc có tới mười ba người đảng viên cùng sinh hoạt trong chi bộ Đảng Hương Sơn.

 

            Những kỷ vật chiến trường biết nói

Sau một hồi trò chuyện, dường như đã đủ độ thân thiết giữa chủ và khách, ông đứng dậy, vẫy chúng tôi leo lên cầu thang. Lên đến tầng thứ hai, ông dẫn chúng tôi vào một căn phòng thật đặc biệt, khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ. Một căn phòng rộng, có ban công thoáng mát, tràn ngập sự tĩnh lặng và không khí trang nghiêm. Bởi đó là căn phòng ông dành riêng lưu lại tất cả những kỉ vật của cả cuộc đời ông cùng gia đình như một minh chứng hùng hồn cho truyền thống anh hùng cùng những năm tháng vô vàn gian khổ của gia đình đại tá Nguyễn Văn Chương.

Để lại trong tôi ấn tượng sâu nhất là sêri bằng khen của ông. Ông chọn lọc treo trên tường những tấm bằng khen có chứ kí của các vị tướng cũng đủ kín một bức tường lớn của căn phòng. Mỗi một tấm bằng khen như vậy phải đánh đổi đôi khi cả bằng tính mạng của người lính. Bên cạnh đó ông còn có một loạt những huân huy chương các hạng mà chúng tôi tổng kết sơ qua cũng đã có tới 11 huy chương về kháng chiến, chiến công, chiến sỹ giải phóng, chiến sỹ vẻ vang các hạng nhất, nhì, ba.

Bên cạnh đó ông còn được tặng thưởng nhiều huy hiệu trong các cuộc tổng khởi nghĩa như Mậu thân (1968), huy hiệu toàn thắng mùa xuân năm 1972, huy hiệu toàn thắng mùa xuân năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, 6 huy hiệu dũng sỹ quyết thắng các hạng 1, 2, 3, . Đặc biệt ông còn được tặng thưởng một huy chương về nghĩ vụ quốc tế trong thời gian chiến dấu ở Campuchia… Ngoài ra ông còn một loạt những bằng khen, giấy khen ở các cấp bậc mà ông đã được khen tặng trong thời gian công tác.

Sau đó ông nhẹ nhàng mở tủ kính mang cho chúng tôi xem một xấp giấy khen cấp quân khu, cấp tỉnh, cấp huyện được cất giữ cẩn thận. Kỉ niệm những năm tháng chiến đấu oai hùng trên chiến trường miền Nam, hiện trong căn phòng lưu niệm của mình, đại tá Nguyễn Văn Chương còn lưu giữ được những huy hiệu, huân huy chương được phong tặng sau mỗi chiến dịch và những kỷ vật đã theo ông trong suốt những ngày chiến tranh ác liệt đó.

            Căn phòng nhỏ đầy màu sắc thời gian nhưng ngay cả trên những kỉ vật đời lính của ông như bộ quần áo lính, cây đèn pin, hay tấm bản đồ tác chiến cũng đều nhẵn bóng không vương một chút bụi nào. Điều đó đủ thấy ông trân trọng chúng đến mức nào. Trân trọng những kỉ vật hiện hình ấy là đại tá Nguyễn Văn Chương trân trọng chính những điều lớn lao của tổ quốc.

Năm 1993 hai ông bà xây một ngôi nhà nhỏ ở Yến Vĩ, Hương Sơn và vui vẻ với tuổi già cùng các con cháu. Đến năm 1997 gia đình cô con gái cả mới từ trong Nam chuyển về và sống gần ông bà. Ông bà quây quần bên các con, các cháu, trông nom nhà cửa, chăm sóc con cái cho các con để các con đi làm.

Từ năm 2004 bà bị tai biến mạch máu não, bị liệt nửa người không đi lại được, nhưng bà được ông và các con cháu chăm lo rất tận tình chu đáo. Ông thương bà ngày xưa vất vả, khổ sở bây giờ là lúc sung sướng nhất lại ốm đau bệnh tật nên cả ông và các con đều cố gắng để bù đắp cho bà. Hai ông bà vui vầy với các con thành đạt, các cháu ngoan ngoãn, học hành, nghề nghiệp ổn định. Nhưng rất tiếc, khi trang viết này tới được bạn đọc, thì bà đã vĩnh biệt ông để đến một nơi xa, rất xa...

Chia tay ông, chúng tôi trở về khi Hương Sơn đã qua mùa hội. Tuổi cũng đã cao, đại tá Nguyễn văn Chương không còn đủ sức để hòa vào dòng đời đang tuôn chảy kia... nhưng ông có quyền tự hào rằng hình bóng của mình, của những người con ưu tú mãi mãi hòa vào cuộc sống tươi đẹp của đất nước.

 

                                                      Trường Viết văn Nguyễn Du, 2008

                                                                Anh Thế - Nhật Hà

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: