Thứ tư, 15/01/2025,


Lời tự vấn khắc nghiệt của nhà văn Nguyễn Quang Sáng (01/07/2009) 

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng giãi bày với nhà văn Đoàn Minh Tuấn: "Đã gần 60 năm cầm bút, có được một số tác phẩm, có được năm, ba giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa? Là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt - tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết!".

 

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Đoàn Minh Tuấn cùng ở chung nhà 148 Võ Văn Tần, quận 3, TP. HCM từ sau 30-4-1975 (Sau này ông dời nhà đi quận 7). Trước đó ở Hà Nội, hai ông có biết và quen nhau ở Đài Tiếng nói Việt Nam từ khi mới tập kết ra Bắc. Nguyễn Quang Sáng và Đoàn Minh Tuấn ngoài duyên nợ văn chương còn là bạn nhậu, thỉnh thoảng có rượu ngon hoặc bạn hiền thì gọi nhau.

 

Nhân sự kiện hai nhà văn chuẩn bị đón danh hiệu 60 năm tuổi Đảng, Báo CAND trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn của nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

 

Lời dẫn của nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Ông quê ở An Giang, sinh cùng năm với tôi 1932, cùng vào Đảng sớm từ những năm chống Pháp. Chúng tôi thường về Long Xuyên quê ông. Cùng là bộ đội rồi tập kết, rồi đi B, cùng viết văn và nhiều thứ giống nhau nên thân nhau. Ông viết trên 20 tác phẩm gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim, ký và tản văn. Nhiều giải thưởng văn học mà đỉnh cao là giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000. Nghe nói Nguyễn Quang Sáng đang sáng tác kịch bản phim, tôi liền hỏi: Anh quan niệm văn học thế nào mà "nhảy" sang điện ảnh?

 

Nguyễn Quang Sáng: Đúng ra trên bảy mươi tuổi và được giải thưởng cao nhất về văn chương, thì "lão giả an chi" cũng vừa. Nhưng làm sao không viết văn nữa được, kịch bản phim, kịch nói cũng là văn chương đó thôi, với lại mình muốn thử sức sau các tiểu thuyết bạn bè khuyên chuyển thành kịch bản phim, ca kịch cải lương. Bây giờ mình viết thẳng kịch bản sân khấu kịch nói vậy! Kịch bản này là đề tài hiện đại, chuyện đời thường viết theo đơn đặt hàng của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

 

Đoàn Minh Tuấn: Phim "Cánh đồng hoang" của anh có phải là kịch bản đầu tay?

 

Nguyễn Quang Sáng: Mình đã từng viết kịch bản phim, "Cánh đồng hoang" viết thẳng, không phải dựa theo tiểu thuyết, ở liên hoan phim Moskva 1980 đã trao giải vàng, giải quốc tế cao nhất liên hoan... Và mình kể cho Đoàn Minh Tuấn nghe là vào năm 1950 - cách đây hơn nửa thế kỷ - mình có viết kịch cho sân khấu Trường Trung học Nguyễn Văn Tố diễn về kỷ niệm học trò. Vở kịch nói suốt một giờ ba mươi phút, cuốn hút khán giả học trò và cha mẹ trong Hội phụ huynh học sinh, giáo viên đến lúc hạ màn, được thưởng nhiều tràng pháo tay kéo dài.

 

Đoàn Minh Tuấn: Truyện, tiểu thuyết của Nguyễn Quang Sáng cũng đầy chất kịch. Đã bao giờ Nguyễn Quang Sáng chuyển thể từ Nguyễn Quang Sáng chưa?

 

Nguyễn Quang Sáng: Các vở: "Sau ngày cưới", "Mùa gió chướng", "Bàn thờ tổ cô đào" cũng từ truyện ngắn và truyện dài mà chuyển thể đó thôi. Theo đánh giá, người xem rất thích đó! Vở kịch "Linh hồn gỗ" gồm 3 màn, 10 cảnh, viết về một người anh hùng sau hòa bình làm nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ đó mà. Anh làm nghệ thuật như đồ cổ, khó phân biệt được. Hải quan cửa khẩu khi xuất ra cũng nhầm... có kẻ làm giả cổ đút lót hải quan đi được, còn người "Anh hùng" này thì có khó khăn...

 

                    

 

Đoàn Minh Tuấn: Thôi, bí mật khi xem hấp dẫn hơn. Dự định sáng tác của anh khi tuổi già đang là một trở ngại?

 

Nguyễn Quang Sáng: Tôi có kế hoạch sáng tác đến năm 2009, trước mắt là sẽ viết thêm vở kịch "Em vẫn là em" - một đề tài đương đại, viết về tệ nạn xã hội, những con người dưới đáy cùng cực vươn lên trên bước đường đời...

 

Đoàn Minh Tuấn: Hiện nay anh chơi môn thể thao nào?

 

Nguyễn Quang Sáng: Bóng bàn.

 

Đoàn Minh Tuấn: Hôm trước có nhà thơ Hoàng Trần Cương, anh có nói là anh thích và mê bóng đá?

 

Nguyễn Quang Sáng: Đúng vậy! Cha tôi những năm 1940 là cầu thủ ở địa phương. Có lẽ do cái "gien" đấy chăng!

 

Đoàn Minh Tuấn: Một câu hỏi bất ngờ: Có bao giờ anh ân hận vì mình trở thành một nghề: Nghề nhà văn?

 

Nguyễn Quang Sáng: Khi mình đi bộ đội 1946, cha mẹ tiễn, ông cụ có dặn dò: "Con cứ yên tâm mà chiến đấu, đừng lo. Làng mình là nơi treo cờ đỏ búa liềm từ năm 1930. Lá cờ đỏ ấy được treo trên sợi dây thép giăng ngang sông Hậu bay giữa trời cao, bọn Pháp phải khó khăn lắm mới hạ xuống được!" - Cha tôi - tôi vẫn gọi Cha - và lá cờ cách mạng thôi thúc tôi phải viết gì cho quê hương? Tôi bắt đầu cầm bút từ năm 1952 lúc còn ở rừng U Minh đánh Pháp. Mãi đến năm 1956, truyện ngắn đầu tiên "Con chim vàng" mới được in trên Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam. Từ ấy đến nay đã gần 60 năm cầm bút, có được một số tác phẩm, có được năm, ba giải thưởng nhưng tôi luôn tự hỏi mình đã thật là nhà văn hay chưa? Là lời tự vấn nghiêm túc và khắc nghiệt - tôi đã trả lời, đang trả lời và sẽ trả lời trên trang viết!

 

Đoàn Minh Tuấn: Xin cảm ơn Nguyễn Quang Sáng!

 

Đoàn Minh Tuấn thực hiện

(Nguồn: Báo CAND)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: