Thứ sáu, 19/04/2024,


Huyền thoại Côn Ðảo (30/06/2009) 

Viết về Côn Ðảo, một địa ngục trần gian, nơi mà thực dân Pháp rồi sau này là Mỹ - ngụy đã dựng lên để giam cầm những người hoạt động cách mạng, dễ phải tới vài chục tên sách đã đến với bạn đọc.

 

Cách đây hai năm, nhà văn nữ Bích Thuận đã tham gia chuyến đi thực tế Côn Ðảo do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chị cùng đoàn đi thăm nhiều nơi, đến thắp hương tại Nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ các Anh hùng, liệt sĩ, thăm chuồng cọp và gặp gỡ một số nhân chứng tại chỗ cùng các bà, các chị từng bị giam cầm nơi địa ngục trần gian này tại TP Hồ Chí Minh. Qua tư liệu từ chuyến đi, nhà văn đã hoàn thành cuốn sách Huyền thoại Côn Ðảo với sáu chương, hơn 200 trang in, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành và vừa ra mắt bạn đọc.

 

Côn Ðảo, nơi biệt giam các chiến sĩ cách mạng trước 1975, một thời máu và nước mắt cùng những nỗi đau cùng cực và sự dũng cảm vô song của những người nữ tù cách mạng và cuộc đấu tranh "một sống, một chết" của họ trong song sắt kẻ thù đã được thể hiện trong cuốn sách. Họ là những người phụ nữ bình dị như: Mười Thanh, bé Bảy, Hồng Nhựt, Hai Tô, Tú Cẩm, Quế Nga, Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng... trong lao tù đày ải của đế quốc và tay sai vẫn đấu tranh cho những lý tưởng của Ðảng và giữ vững niềm tin về một ngày mai chiến thắng, bắc-nam sum họp, thống nhất một nhà. Cuộc đấu tranh của các chị rất quyết liệt, cũng có khi chỉ với những mục tiêu chính đáng, cần thiết, phản đối sự hà khắc, dã man, cải thiện cuộc sống lao tù, khiến kẻ thù phải nhân nhượng, lùi bước. Và qua những cuộc đấu tranh, có chị đã hy sinh như các chị: Lê Thị Cúc, chị Hương, chị Thanh... đã mãi mãi nằm lại với đất trời Côn Ðảo. Cuốn sách còn có những trang viết xúc động, thể hiện tấm lòng của các chị với Ðảng, với Bác Hồ kính yêu như đoạn viết về lễ truy điệu trong nhà giam để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoặc lễ kết nạp Ðảng cho cô gái trẻ vừa trải qua trận tra tấn của bọn cai ngục nhưng vẫn giữ tròn khí tiết.

 

Các chị kiên cường, bất khuất với quân thù: Dứt khoát không chào cờ, không chấp hành nội quy của bọn chúng, không khai tên, mặc chúng đánh đập tàn nhẫn. Và các chị vẫn cất cao lời ca tiếng hát, hát để hy vọng, để càng thêm tin vào Ðảng, vào Bác Hồ kính yêu. Ðối với đồng đội, các chị dành cho nhau tình thương yêu vô bờ bến: "Chúng đánh đập với dùi cui ma trắc, lựu đạn cay. Những lúc đó cánh chị em trẻ nhào vô đỡ đòn cho các dì và các chị lớn tuổi. Không tình thương nào bằng được với tình thương những người ở tù chia sẻ cho nhau. Một trái chuối cũng cắt làm năm bảy, giỏ quà thăm nuôi chia đều, thư nhà cùng đọc chung, thậm chí khi không có gì ăn, đem vỏ chuối kho lên cùng nhau ăn".

 

Huyền thoại Côn Ðảo góp thêm tiếng nói ngợi ca về vẻ đẹp của phụ nữ: đẹp về nhan sắc, đẹp về duyên thầm, đẹp của lòng son dạ ngọc và đẹp về tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất khi đối mặt với kẻ thù.

 

Số trang của tác phẩm không dày, nhưng Huyền thoại Côn Ðảo là một cuốn sách rất nên tìm đọc. Tấm gương sáng của các bà, các chị, các em để lại những dấu ấn sâu sắc cho bạn đọc. Và, những giọt nước mắt có thể lăn trên gò má khi bạn đọc cuốn sách này.

 

TẠ HỮU YÊN

(Nguồn: Báo Nhân Dân)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: