Thứ bảy, 27/04/2024,


Từ kỷ vật chiến trường đến những trang viết cuộc đời (phần I) (04/08/2008) 

                                  

Nhà ông Nguyễn Văn Chương ở thôn Yến Vĩ, Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội. Điện thoại: 0343. 849675...

       Thật bất ngờ, khi mới chỉ vừa đến đầu thôn, dừng lại hỏi thăm đường vào đội 6, các cụ già và những cô gái bán hàng xén đã cùng ồ lên: “Ông Chương Đại tá chứ gì!”. Và rồi họ sốt sắng chỉ cho chúng tôi con đường lòng vòng chừng 3 km vào tận cổng khu biệt thự của vị Đại tá cựu chiến binh…

        Trong đầu chúng tôi bất chợt xuất hiện bao nhiêu câu hỏi: Đại tá Nguyễn Văn Chương là người như thế nào mà được bà con ở đay quý mến đén vậy? Với tuổi đời ngoài 80, liệu ông có còn đủ sức khỏe để tiếp chuyện chúng tôi không? Trong sự háo hức giải đáp trí tò mò của mình, tôi đưa tay bấm chuông cửa, người con thứ hai của cụ, cô Nguyễn Thị Thanh Sơn niềm nở dẫn chúng tôi qua một khuôn viên được trang trí hết sức đẹp mắt và độc đáo vào căn phòng khách phía trong nơi ông đã chỉnh tề chuẩn bị để tiếp đón chúng tôi.

Ấn tượng đầu tiên khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng là tuổi cao rồi mà Đại tá Nguyễn Văn Chương vẫn béo tốt, da dẻ hồng hào và cực kì khỏe mạnh. Đặc biệt ông có một nụ cười ròn tan luôn thường trực trên miệng không vương một chút âu lo nào. Thần thái ấy của một con người không thể tự nhiên mà có được. Nó chắc chắn phải được tôi luyện trong khó khăn thiếu thốn, bom rơi, đạn lạc và biết bao trăn trở mới thành. Câu chuyện trở lên thân mật tự khi nào. Và cứ thế ông cuốn chúng tôi vào dòng chảy cuộc đời của mình, một cuộc đời chắc hẳn sẽ khiến chúng ta phải sững sờ kinh ngạc trước sự hy sinh vì tổ quốc của một nhân cách đáng kính. (ảnh ông mang quân phục, chú thích: Đặng tá Nguyễn Văn Chương năm 1987)

          Trong đôi mắt thoáng chút đăm chiêu, tất cả những dòng kí ức về những năm tháng cuộc đời ông đã đi qua, nay ào ạt trở về. Mảnh đất Hương Sơn ngày xưa là một vùng danh thắng nổi tiếng khắp nước. Có một vị vua nào đó đã đề tặng nơi đây những chữ vàng: “Hương Sơn đệ nhất động”. Về sau này quan đại thần Chu Mạnh Chinh có bài phú nổi tiếng: “Hương sơn phong cảnh ca”.

 

          Tuổi thơ không bình lặng và niềm vui bắt gặp lí tưởng Cách mạng...

          Những tưởng được sống trên mảnh đất nhiều ưu ái như vậy, cuộc sống người dân sẽ ấm no, yên bình. Vậy mà ngay từ khi cậu bé Nguyễn Văn Chương chào đời, tất cả những gì cậu chứng kiến là sự bất công, dã man, tàn ác của lũ cường hào ác bá, là sự khốn khổ, bất hạnh, nghèo khó, bần hàn của những người dân lam lũ. Suốt những năm tháng ấu thơ, chính cậu bé Nguyễn Văn Chương cũng là nạn nhân của sự bất công ấy.

          Đã gần một thế kỉ trôi qua, lớp bụi thời gian tưởng chừng đã che mờ dĩ vãng trong ông. Nhưng hôm nay, khi ngồi đây hồi tưởng và kể lại cho thế hệ con cháu chúng tôi nghe, giọng ông vẫn sục sôi căm hờn. Nhớ lại những ngày đó, những đứa trẻ quê đầu trần chân đất như ông nếu có may mắn được đi học mà lại phải học cùng con cái của các chức sắc, lí trưởng hay chánh tổng trong làng thì thật là một nỗi kinh hoàng.

         Bất kể khi nào, lúc chúng vui hay buồn, thậm chí là vô cớ, chúng đều có quyền đánh đấm, hành hạ những đứa trẻ nghèo. Đương nhiên sự lựa chọn duy nhất của những đứa trẻ ấy là phải đứng yên cho chúng hành hạ. Là con cái nhà quan, ăn uống đầy đủ, chúng to lớn như hộ pháp. Mỗi quả đấm chúng giáng xuống thâm tím mặt mày. Nếu như có đứa nào nhất thời căm phẫn đánh trả thì bi kịch lập tức xuất hiện. Viên chánh tổng, lí trưởng sẽ hô hào tuần đinh, tay thước tay gậy xông thẳng đến nhà đứa trẻ dại dột gô cổ, trói nghiến, đánh đập thả sức ông bố bất hạnh. Không chỉ có thế, mỗi khi quan tây đến ngắm cảnh Hương Sơn, chúng bắt thanh niên làng bốn người một kiệu khiêng chúng dạo chơi khắp núi. Trong tâm khảm của ông còn rõ như in hình ảnh một mụ đầm ôm con chó nhỏ ngồi chễm chệ trên kiệu, phía dưới là đôi vai trầy trật và bàn chân trần tóe máu của những người dân lam lũ. Tuổi thơ của chú bé Văn Chương bên ngọn Hương Sơn thơ mộng ngày ngày diễn ra những cảnh bất công như thế. Có lẽ vì vậy mà ngay từ ngày thơ bé, trong cậu đã âm ỉ một ngọn lửa đấu tranh, một khao khát làm được điều gì cho vùng quê không yên ả của mình.

Hai cụ thân sinh của đại tá Nguyễn Văn Chương sinh được tất cả năm người con. Đại tá Nguyễn Văn Chương là người con thứ hai, trên còn một người chị gái, dưới còn hai em gái và người em trai út Nguyễn Văn Minh. Khi ấy, gia đình đông con, chỉ làm nông nghiệp lại thường xuyên bị đè nén áp bức nên cuộc sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Thủa nhỏ cậu bé Văn Chương cũng được may mắn đi học chữ nho của một thày đồ trong làng. Nhưng một tai họa lớn bất ngờ ập xuống gia đình vốn đã nhiều khó khắn thiếu thốn này. Khi người chị cả đã đi lấy chồng, chàng thanh niên Văn Chương đang tuổi ăn, tuổi lớn, các em còn học hành dang dở thì người cha mới xấp xỉ tứ tuần đột ngột từ trần. Nỗi đau mất cha, mất đi chỗ dựa vững chắc cả về vật chất lẫn tinh thần chưa hết thì cả gia đình phải đối mặt với cái đói. Giờ đây, bốn, năm miệng ăn chỉ còn biết trông vào sự tảo tần, lam lũ của người mẹ lặn lội sớm hôm. Bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, người mẹ ấy âm thầm nén lại, nhịn ăn, nhịn mặc chỉ mong sao kiếm được bữa khoai, bữa sắn cho con. Từ trên đôi vai gầy ấy, từ tấm lòng bao dung trời biển của người mẹ ấy, năm người con lần lượt khôn lớn trưởng thành.

Ngoài việc học tập, phấn đấu, chàng thanh niên Nguyễn Văn Chương còn phải tranh thủ thời gian giúp mẹ cùng gánh vác nuôi các em ăn học . Chưa đầy hai mươi tuổi nhưng đại tá Nguyễn Văn Chương đã nếm trải bao đau đớn, uất hận. Nhưng uất hận, căm hờn mà để đấy, biết làm thế nào được khi chỉ một mình với hai bàn tay trắng? Ngày đêm cậu trăn trở nung nấu một nỗi niềm thầm lặng. Ông trời đã không phụ người. Từ cái đêm trên đỉnh ngọn Hương Sơn bất ngờ xuất hiện một lá cờ búa liềm phấp phới cũng chính là bước ngoặt cuộc đời ông. Ngay cả khi ấy, ông cũng chưa ý thức được rằng cuộc đời ông, cuộc đời của những con người khốn khổ nơi đây từ nay được soi sáng: Đảng đã về Hương Sơn, cách mạng đã về Hương Sơn!

Ngay buổi sáng hôm sau khắp vùng Hương Sơn rầm rập bước chân người. Nào tuần đinh, nào binh lính, tây có, ta có nhốn nháo chia các ngả lùng bắt Việt Minh. Chúng treo giải thưởng lớn cho những ai thông báo tin tức về những người mà chúng gọi là Việt Minh. Hết dụ dỗ chúng lại đe dọa sẽ trừng trị thẳng tay với những ai cả gan che dấu cho Việt Minh. Trước không khí náo loạn và lo sợ của lũ giặc Pháp và quan cai trị, nhân dân quanh vùng khấp khởi mừng thầm. Họ rỉ tai nhau về những ngày tươi sáng và một sự đổi đời mơ hồ nào đó. Với riêng cậu thanh niên Nguyễn Văn Chương, có biết bao câu hỏi cần giải đáp trở thành nỗi ám ảnh. Việt Minh là ai? Họ có sức mạnh thế nào mà khiến cả quan Pháp cũng hoảng loạn như vậy? Lá cờ búa liềm có ý nghĩa ra sao? Kể lại những năm tháng đầu đời gặp gỡ cách mạng, đại tá Nguyễn Văn Chương hỉ hả cười nói với chúng tôi: “Đời tôi đến với cách mạng đơn giản như phải tìm củ khoai, củ sắn để ăn thôi chứ chẳng có lí thuyết gì đâu!'. Quả thực như vậy, khi những nghi vấn trong lòng cứ lớn dần, lớn dần.

           Cho đến một ngày không thể cưỡng lại sự tò mò, chàng thanh niên Văn Chương quyết định tìm hiểu về Việt Minh bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng. Cậu tìm gặp những người đáng tin cậy trong làng để dò hỏi. Họ nhiệt tình phân tích kỹ lưỡng cho chàng thanh niên có chí khí. Mọi thứ như bừng sáng. Một niềm vui bất tận tràn ngập. Chàng trai trẻ hiểu ra rằng đây là nơi mình cần. Việt Minh sẽ giúp anh thực hiện những ước mơ làm được điều gì đó có ích cho quê hương yêu dấu. Anh thầm nhủ sẽ gắn bó cả cuộc đời, không ngại gian khổ, cống hiến cả xương máu cho lí tưởng cách mạng. Đại tá Nguyễn Văn Chương đến với cách mạng những ngày đầu trên mảnh đất Hương Sơn bằng những bước đi chập chững ấy.

Do tích cực hoạt động cách mạng, đi theo tiếng gọi của Đảng chàng thanh niên Nguyễn Văn Chương ngày càng già dặn hơn trong tổ chức tại địa phương. Thật vinh dự khi đến năm 1949, anh chính thức được kết nạp vào đảng Cộng Sản Đông Dương, chính thức đứng trong hàng ngũ những đứa con ưu tú của tổ quốc. Khi còn là thanh niên tại địa phương, đại tá Nguyễn Văn Chương giữ chức vụ bí thư chi đoàn xã, thường xuyên sinh hoạt Đảng trong chi bộ Đảng xã Hương Sơn. Chỉ một thời gian ngắn sau Nguyễn Văn Chương có giấy triệu tập chuyển công tác lên văn phòng huyện ủy rồi giữ chức vụ huyện ủy viên_Chánh văn phòng huyện ủy.

Năm 1965, chiến trường miền Nam đang vô cùng ác liệt. Đế quốc Mỹ điên cuồng thực hiện các cuộc “Chiến tranh Đặc Biệt”, “Chiến tranh Cục Bộ”…Thế trận đang nghiêng ngửa bất phân thắng bại. Trong tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, thanh niên miền Bắc nô nức lên đường. Đang giữ chức vụ chánh văn phòng huyện ủy Mỹ Đức, đại tá Nguyễn Văn Chương bất ngờ bất ngờ nhận được giấy quyết định của tỉnh ủy tỉnh Hà Tây điều động học lớp cấp tốc tại trường Sĩ Quan Lục Quân I. Khi ấy, tuổi đã gần bốn mươi, đã có vợ , con nhỏ cùng mẹ già cần phụng dưỡng, nếu như kiến nghị cấp trên xem xét, thì có lẽ ông sẽ không phải trực tiếp ra chiến trường chiến đấu mà tiếp tục ở lại hoạt động tại địa phương. Nhưng với tinh thần hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho tổ quốc quyết sinh, đại tá Nguyễn Văn Chương quyết định theo học khóa 19 cấp tốc tại trường Sỹ Quan Lục Quân chờ ngày Nam tiến.

 

Những năm tháng đi B...

Năm 1966, bỏ lại mẹ già, vợ và con thơ giữa mảnh đất quê hương, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông lên đường đi B. Ngày đó đi B đồng nghĩa với việc chấp nhận hy sinh. Nếu như không thấy những người con trở về thì gia đình và làng xóm cứ lấy ngày họ ra đi làm ngày giỗ. Đại tá Nguyễn Văn Chương còn nhớ như in ấn tượng về cái tết đầu tiên tại Trường Sơn. Khi được bổ sung vào chiến trường miền Nam, ngay lập tức ông được phân làm chính trị viên đại đội, mang quân hàm thiếu úy. Khi có lệnh xuất phát Nam tiến, ông được phê chuẩn thăng tiếp lên trung úy. Tết năm ấy không chỉ là tết đầu tiên ông xa nhà mà trong đại đội ông chỉ huy có bao nhiêu những cậu lính trẻ lần đầu tiên xa quê. Sáng mồng một tết, võng mắc chông chênh giữa ngút ngàn Trường Sơn, nghĩ về một miền quê xa, nơi ấy có những người thân đang chờ đợi! Trong hoàn cảnh như vậy làm sao có người lính nào còn vui vẻ mà tận hưởng những thời khắc xuân sang. Ông đã bình thản chấp nhận quyết định đi B, đã hiến dâng cả cuộc đời trai trẻ cho sự nghiệp cách mạng. Đại tá Nguyễn Văn Chưong chỉ dám dành riêng cho mình chút thời gian khi núi rừng Trường Sơn tạm yên ắng tiếng bom để nghĩ cho gia đình bé nhỏ, cho bản thân của mình. Thật xúc động biết bao, dù nỗi buồn xa quê còn vời vợi khôn nguôi, nhưng bản thân là một người chỉ huy, đại tá Nguyễn Văn Chương luôn phải tỏ ra cứng cỏi để động viên an ủi anh em trong đại đội. Ngay cả nhu cầu được bộc bạch tâm sự cá nhân để được chia sẻ động viên, ông cũng phải kìm nén, chôn chặt trong lòng.

Sáng mồng một năm ấy, những cậu tân binh lặng lẽ khóc. Một cậu lính hớt hải chạy đến báo cáo với ông: “Thủ trưởng ơi! ở ngoài kia mấy thằng nó đang khóc như ri ạ!”. Nếu như đúng vai trò của một người chỉ huy làm công tác chính trị lúc đó ông đã tập hợp đại đội, chỉnh đốn lại tư tưởng bi quan, khóc lóc đồng thời cảnh cáo thái độ, yêu cầu rèn luyện nghiêm khắc với tân binh. Nhưng ông không làm như vậy. Ông vẫn nằm nguyên trên võng cười xuề xòa: 'Ôi dào! Chúng nó lại nhớ nhà chứ gì'. Cách xử sự như vậy của một người lính chỉ huy đâu phải vị tướng nào cũng có được.

Ngẫm về tất cả, trong đôi mắt rạn vết chân chim ấy luôn đau đáu một câu hỏi: “Trên mảnh đất đạn bom đêm ngày cày xới này, trên mảnh đất đến ngay cả cây cỏ cũng bất lực trước khát vọng sinh tồn thì những chàng trai phơi phới tuổi thanh xuân kia biết ngày nào quay trở lại? Chiến tranh biết bao giờ chấm dứt?'.

 Cuộc đời của đại tá Nguyễn Văn Chương là minh chứng cho khát vọng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi lớn không người đáp ấy. Chỉ có điều hôm nay ngồi trước ông, vị tướng già có thần thái ung dung tự tại, được nghe ông tổng kết lại cuộc đời mình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi sau cái tết đầu tiên đầy dấu ấn năm nào dưới tán lá rừng Trường Sơn, ông đã tham gia hầu hết tất cả các chiến dịch trên mảnh đất Miền Nam ruột thịt. Thậm chí ngay cả đến ngày đất nước hòa bình, khắp nơi nơi tưng bừng niềm vui sum họp, thì mong muốn duy nhất của người đại tá Nguyễn Văn Chương là được một lần trở về với quê hương!

Sang đầu năm 1967, ông chỉ huy đại đội của mình dịch chuyển tiếp dọc đường mòn Hồ Chí Minh vào chiến trường miền Nam. Tuyến lửa ở trước mặt. Không một ai có thể hình dung nổi sự khốc liệt của nó khi mà ngay trên con đường dẫn vào tuyến lửa họ đang đi, đêm ngày B52 gầm rít với những đợt rải bom bạt một góc rừng, những trận càn như cơm bữa với những vùng trời trắng truyền đơn giặc rải. Trước sự gian khổ đến cùng cực như vậy, có không ít chiến sĩ không chịu nổi. Trong giây phút bồng bột, họ đảo ngũ, tìm mọi cách quay trở lại quê hương. Làm như thế đồng nghĩa với việc họ tự đeo vào trước ngực tấm biển vô hình khắc hai chữ 'B quay”.

Trong những dịp được trò chuyện với các vị tướng, khi nhắc tới các trường hợp “B quay', 'đào tẩu”, họ luôn kịch liệt lên án và phản đối. Thật đặc biệt, trong buổi trò chuyện thân mật với đại tá Nguyễn Văn Chương, ông đề cập vấn đề ấy với chúng tôi một cách thản nhiên vẫn với nụ cười quen thuộc đầy nhân ái. Chẳng lẽ với ông đây lại là chuyện bình thường? Cũng thât tự nhiên, ông tâm sự với chúng tôi: “B quayrồi cũng có người đi trốn, cũng có người ra đầu thú, nhưng họ sẽ bị cả dân làng khinh miệt. Chẳng biết về quê rồi họ sẽ sống ra sao?'. Nụ cười vẫn còn đó mà đôi mắt vị tướng già trùng xuống, sâu thăm thẳm. Và như chợt bừng hiểu, chúng tôi xúc động trước ông, trước nhân cách đáng kính của một con người.

Có lẽ vì cách quản lí đầy lòng nhân ái của người chính trị viên đại đội Nguyễn Văn Chương mà toàn bộ đại đội của ông cùng đồng lòng gắn bó với nhau như anh em ruột thịt trong gia đình. Họ đã vượt qua hàng ngàn km đường bộ, băng qua núi rừng Trương Sơn hiểm trở để rồi cuối mùa xuân năm ấy, họ vào đến chiến trường miền Đông Nam Bộ mà không thiếu vắng bất cứ một gương mặt nào. Chỉ riêng điều đó thôi ngỡ là đơn giản nhưng cũng có thể trở thành huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ oai hùng. Chiến trường miền Đông thủ phủ của trung ương cục Miền Nam (bí danh R) là đích cần đến. Những cuộc chiến ác liệt nhất, những hy sinh mất mát, to lớn nhất, nỗi kinh hoàng đều ở nơi đây. Qua giọng kể hừng hực khí thế của ông, chúng tôi cảm nhận được rằng các chiến sĩ của ta một khi đã đặt chân đến  mảnh đất này, mỗi người đã tự đốt cháy thành thép ý chí kiên cường buất khuất.

            Dẫn đại đội vào chiến trường miền Đông, trung úy Nguyễn Văn Chương đã tỏ rõ năng lực một người lãnh đạo có tư chất. Cấp trên quyết định gửi công văn cử trung úy Nguyễn Văn Chương sang làm chính trị viên đại đội thông tin vô tuyến thuộc tiểu đoàn thông tin vô tuyến. Trung ương cục miền Nam có tất cả 3 tiểu đoàn thông tin được bố trí cùng lực lượng chiến đấu trực tiếp. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng, nó đảm bảo thông tin liên lạc từ chỉ huy đến các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu.

            Công việc của một chính trị viên đại đội vô tuyến vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, một bất cẩn lơ đãng trong công việc là có một người chiến sĩ mãi nằm lại, mãi mãi là nỗi đau của người mẹ, người vợ mòn mỏi ngóng chờ con, chờ chồng ở hậu phương. Chiến tranh là thế! Lạnh lùng và khốc liệt ông chưa hề một lần dám lơ là nhiệm vụ, ông luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian công tác ở đại đội thông tin vô tuyến, trung úy Nguyễn Văn Chương được điều về đoàn đặc công làm trưởng ban bảo vệ quân pháp đoàn 47 đặc công nhận nhiệm vụ bảo vệ quân pháp (An ninh quân đội) chuyên tìm nắm lí lịch cán bộ mới bổ sung.

            Chiến dịch Mậu Thân (1968) bùng nổ. Tất cả các đơn vị trực tiếp hay gián tiếp tác chiến được điều động tối đa phục vụ chiến dịch. Mặc dù đang trong ban bảo vệ quân pháp của đặc công nhưng đại tá Nguyễn Văn Chương vẫn được điều động trực tiếp tham gia chiến dịch Mậu Thân. Lúc này ông chuyển về ban chỉ huy cấp sư đoàn làm trợ lí thông tin điều động mạng thông tin cho cả sư đoàn 7(Công trường 7). Ngay từ đầu chiến dịch, trong vai trò chỉ huy, ông cùng các chiến sĩ của mình thọc sâu vào cắm chốt tại vùng Thuận Giao ven Sài Gòn. Chính tại Thuận Giao, hầu hết những thông tin quan trọng về chiến dịch đều được xử lí và chuyển tiếp đến những đơn vi trực thuộc khác..Sau chiến dịch Thuận Giao ông cùng đơn vị hoạt động tại chiến trường Đông Nam Bộ

Năm 1972, ông phụ trách tiểu đoàn đặc công của mình tác chiến độc lập và phối hợp tác chiến cùng đơn vị bạn dập nát nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, đồng thời thăm dò, xem xét tình hình địch để đưa thông tin về cấp chỉ huy để ta mở kế hoạch tiến công. Đầu năm 1975, khi đang giữ chức vụ trưởng ban quân pháp khu vực trung tâm, đại tá Nguyễn Văn Chương trực tiếp tham gia vào kế hoạch giải phóng Sài Gòn.

            Ta có thể khẳng định rằng những năm tháng sát cánh đi suốt chiều dài cuộc chiến của dân tộc, cho đến cận kề ngày giải phóng, rồi là một trong những người đầu tiên nhận tin chiến thắng, đại tá Nguyễn Văn Chương đã trở thành một người con của lịch sử, một minh chứng sống của lịch sử dân tộc. May mắn cho chúng tôi được tiếp chuyện cùng ông để biết rằng lịch sử không chỉ ghi trên giấy, nằm im trên những xác chữ. Mà ở đó vẫn còn hiện hình những bức chân dung sống động của những con người từng vật lộn với nó. Và những xác chữ trên trang giấy kia đôi khi không phải bao giờ cũng hoàn toàn chính xác.

            Trước ngày phát lệnh tổng tiến công chiến dịch Hồ Chí Minh tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn thì một thông báo tuyệt mật của trung ương đã điều động một số đơn vị đặc công thọc sâu vào tận trung tâm Sài Gòn nhận nhiệm vụ mở đường đón những cánh quân chủ lực sẽ tiến đánh vào ngày 30/4. Đại tá Nguyễn Văn Chương được giao trọng trách đi cùng những đơn vị đặc công đó phụ trách về mặt chính trị.

Đêm ngày 29, rạng sáng ngày 30/04/1975, cánh quân trinh sát của đại tá Nguyễn Văn Chương tiến hành tập kích, đánh thọc vào trạm rađa Phú Lâm.

Khi đã chiếm được trạm rađa Phú Lâm ông cùng những chiến sĩ thông tin ở lại làm việc. Một đội những chiến sĩ tin cậy cấp tiểu đoàn trở lên được giao nhiệm vụ bí mật tiến đánh dinh Độc Lập, bắt sống tướng Dương Văn Minh.

            Dinh Độc Lập rạng sáng ngày 30/04/1975 hỗn loạn bởi ngụy quân đã tìm đường tháo thân từ trước bỏ lại tất cả những gì không cần thiết. Cuộc giao chiến chỉ lác đác tiếng súng chống trả yếu ớt từ một số binh lính còn kẹt lại trong dinh Độc Lập. Chúng nhanh chóng bị khống chế.

           Tướng Dương Văn Minh bị bắt ngay sau đó (Từ đêm 29, rạng sáng ngày 30/04/1975). Ông ta yêu cầu được gặp đại diện của ta để bàn giao mọi thủ tục. ở vị trí kẻ thất trận nhục nhã, hắn vẫn cố giữ vẻ bình thản giả tạo hòng tìm kế thoát thân. Trên tình thế khó xử lí, các đồng chí trinh sát trong dinh Độc Lập điện đàm gấp tới trạm rađa Phú Lâm xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Đây là một tình huống cực kì nhạy cảm và rất quan trọng. Cấp trên của ông đã điện gấp về thủ đô Hà Nội xin ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cấp cao. Những giây phút ngắn ngủi sau khi bức điện khẩn được đánh đi là những giây phút hồi hộp nín thở của cả các vị chỉ huy và các chiến sĩ. Đại tá Nguyễn Văn Chương là một người may mắn khi được đắm mình trong thời khắc thiêng liêng ấy, sát cánh chiến đấu cùng những người đồng chí, đồng đội của mình.

Khi bức điện khẩn từ Hà Nội vào với nội dung: Bắt Dương Văn Minh, buộc hắn đầu hàng vô điều kiện, không chấp nhận bàn giao khiến mọi người có mặt vỡ òa trong niềm vui sướng. Những chiến sĩ thông tin liên lạc nhận lệnh đánh điện vào cho những chiến sĩ trinh sát đang có mặt trong dinh Độc Lập nội dung bức điện khẩn vừa nhận được. Chỉ chờ có thế những chiến sĩ của ta buộc Dương Văn Minh đầu hàng và yêu cầu hắn phải chính thức giải tán toàn bộ binh lính vô điều kiện.

Quân trinh sát của ta ào ạt từ các phía chiếm giữ những điểm chốt quan trọng của Sài Gòn, tháo gỡ những bãi bom mìn gài sẵn của địch, mở đường chuẩn bị đón bộ đội chủ lực của ta tiến vào Sài Gòn sáng 30/04/1975.

Trong dòng kí ức của đại tá Nguyễn Văn Chương thì ngày 30/04/1975 là một ngày giải phóng không tiếng súng. Cả Sài Gòn chìm ngập trong cờ và hoa đỏ thắm. Bộ đội chủ lực của ta đổ vào Sài Gòn từ mọi phía: Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng… Mọi cánh cổng đều đã được mở. Những bãi bom mìn đã được tháo gỡ. Trên đường phố Sài Gòn, lính ngụy tháo bỏ súng ống, quần áo vứt bừa bãi để trà trộn vào những người dân trở về với gia đình. Những chiếc xe quân sự nằm la liệt trên đường. Chiến sĩ ta tha hồ cầm lái tự do lượn khắp các phố phường. Đó là niềm vui không thể tả của những người lính gần hết cuộc đời luồn chui trong những cánh rừng đại ngàn bất tận. Để ngày hôm nay họ được hiên ngang đón ánh sáng trên chính mảnh đất tổ quốc mình mà họ đã phải dùng xương máu mới giành lại được. Người dân cả thành phố Sài Gòn ào ra hai bên đường tung hô chào đón bộ đội. Cánh cửa dinh Độc Lập chính thức bị hai xe tăng của ta húc đổ chấm dứt ba mươi năm chiến tranh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mĩ gian khổ nhưng đầy kiêu hùng của chúng ta. Có một người lính, một người con xa quê mỉm cười giữa đất Sài Gòn. Bất chợt hiện lên trong ông hình ảnh ngọn Hương Sơn hùng vĩ bên dòng suối Yến mộng mơ. Đó là mảnh đất Yến Vĩ quê ông, nơi có người mẹ già ngày đêm mong ngóng, người vợ hiền thảo và những đứa con thơ còn chưa một lần thấy mặt cha. Một dòng nước mắt mặn mòi còn sót lại lăn dài trên đôi má đen sạm khói bom. Đã mười năm trời xa cách, chưa bao giờ trong anh rạo rực, bùng cháy một niềm khao khát đến vậy! Hòa bình rồi…

Hòa bình rồi! Anh hét lớn trong khuôn mặt rạng ngời: Ta sẽ trở về quê hương! Đó là hình ảnh đại tá Nguyễn Văn Chương trong ngày đất nước tràn ngập màu đỏ của hoa và cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

 

Đất nước hào bình và người con lưu lạc.

Sau ngày 30/04/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sang đến năm 1976, về mặt cơ bản, toàn quốc đã thống nhất. Miền Nam được quản lí bằng chế độ quân quản đã tạm thời yên ổn. Tròn mười năm mang cây súng trên vai, không một dòng thư liên lạc với gia đình, đại tá Nguyễn Văn Chương vô cùng nóng lòng trở ra Bắc vui niềm vui sum họp và góp phần xây dựng quê hương. Đó là một ước nguyện bình dị nhưng thiêng liêng và cao quí của người con tóc muối tiêu đã xấp xỉ ngũ tuần. Mười năm ròng trèo đèo, lội suối, băng rừng, chặn địch, đôi chân trần săn chắc năm xưa đã theo tuổi tác mà mỏi đi rồi. Cũng đã năm mươi rồi còn gì…ở tuổi năm mươi con người ta đã bước một chân sang dốc bên kia của cuộc đời. Năm mươi tuổi trở về với mảnh đất yến Vĩ tuổi thơ không yên bình. Liệu người lính Văn Chương ấy có còn phải nhỏ thêm giọt nước mắt nào nữa hay không?

  Một buổi sáng mùa đông giữa tháng 12 âm lịch năm 1976, ông về phép. Khi đặt những bước chân đầu tiên lên mảnh đất thiêng liêng trước sự sững sờ kinh ngạc của cô con gái cả Nguyễn Thị Thanh Hà - Cô con gái may mắn được thấy mặt ông trước ngày ông ra đi… Niềm vui tràn ngập không gì ngăn nổi. Cứ ngỡ rằng nỗi buồn đau rồi cũng sẽ qua đi, niềm vui sum họp từ đây trọn vẹn. Nhưng bản thân là một quân nhân, một người con kiên trung của tổ quốc, bất cứ khi nào tổ quốc cần, tổ quốc kêu gọi, người lính lại khoác ba lô lên đường. Đoàn tụ gia đình được gần một tháng, đầu mùa xuân năm 1976, tại biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, chiến tranh bùng nổ. Bè lũ phản động Pôn Pốt đem quân khiêu khích, tấn công vào khu vực Samat - Tỉnh Tây Ninh nước ta. Một lần nữa những người thân trong gia đình lại ngậm ngùi đưa tiễn ông trong thấp thỏm lo âu và mòn mỏi đợi chờ , cũng lại một lần nữa, người anh hùng của thôn Yến Vĩ tiếp tục những tháng ngày lưu lạc khi quê hương đã yên bình.

            Trước sự bành trướng thế lực, khiêu khích gây chiến tranh và âm mưu gây tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt, Đảng ta đã giúp đỡ các đồng chí cộng sản Campuchia hoạt động trở lại và thành lập ra chính phủ cách mạng Campuchia. Trên tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau và thực hiện nghĩa vụ quốc tế, Đảng ta cử nhiều đơn vị bộ đội tinh nhuệ sang Campuchia giúp đỡ xây dựng đất nước. Nhận nhiệm vụ của Đảng, Đại tá nguyễn Văn Chương trở về đơn vị tiến thẳng sang Campuchia. Từ năm 1977-1979, trên đất bạn, ông giữ những chức vụ quan trọng. Ông được điều về làm Trưởng ban bảo vệ Quân pháp Sư đoàn 7. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của quân tình nguyện Việt Nam, Đảng và nhân dân Campuchia đứng lên kháng chiến và đánh thắng quân đội của Pôn Pốt dành lại chủ quyền.

Năm 1981, hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện tại Campuchia, tuổi đời đã ngoài 60, sau đó ông trở về Sài Gòn làm ủy viên thường trực ủy ban kiểm tra Đảng ủy quân khu với quân hàm đại tá. Năm 1985 sau khi cụ bà (Thân sinh đại tá Nguyễn Văn Chương) qua đời, vợ ông, bà Trịnh Thị Thú và vợ chồng cô con gái cả Nguyễn Thị Thanh Hà và Nguyễn Trường Trịnh tàu xe lặn lội vào sống cùng ông.

Sau bao nhiêu năm xa cách, lăn lộn trong chiến đấu, đến lúc đó ông mới có được những khoảnh khắc dành cho gia đình, cho vợ, cho con. Có thể nói đại tá Nguyễn Văn Chương cùng gia đình của mình là mẫu mực cho một sự cống hiến, hi sinh mà không đòi hỏi một chút quyền lợi nào cho mình. Người lính là như vậy, ngay cả khi họ có điều kiện hưởng thành quả từ xương máu của mình, họ vẫn giữ riêng một lối sống, một phong cách sống rất lính.

Ở ngoài Bắc, ông còn ba cô con gái cần có sự che chở của ba mẹ. những day dứt quê hương dòng tộc cứ âm ỉ, nhen nhúm trong ông sự bứt dứt không yên. Tóc trên mái đầu bạc trắng như cước cũng là cũng là khi trong con người ta sống dậy những kí ức của một thời. Mảnh đất Hương Sơn lam lũ, chật vật, những con người khốn khổ. Hình ảnh của họ có sức ám ảnh ghê gớm. Cho đến một ngày, nó đủ lớn để thôi thúc ông kiên quyết trở về. Đó là năm 1993, khi ông bước sang tuổi 65 với mười năm tròn cầm súng chiến đấu trên mảnh đất miền Nam và hơn năm chiến đấu giúp bạn và xây dựng quân đội hậu chiến khi quê hương đã yên bình.

                                                                  (Còn nữa)

                    Anh Thế - Nhật Hà

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: