Khi đọc các trang thơ Việt
Trong 100 bài của cuốn Đặng Hồng Thiệp Tuyển Tập đã có tới 67 bài tứ tuyệt. Tình người, tình đời, tình vũ trụ chan chứa trong những trang thơ này. Anh viết:
Tàn đông lá đã thôi rơi
Chồi non lộc biếc nắng khơi nỗi niềm
Sáng ai lấp lánh bên thềm
Câu thơ bay lửng trên nền trời vương.
(Xuân)
Phác hoạ về mùa xuân như vậy,theo tôi, là một phác hoạ ấn tượng. Chỉ bốn câu thôi mà đã có hình họa và giai điệu rất xuân. Và câu thơ bay lửng ấy cứ vương vấn trong hồn ta. Anh còn có ba bài: Hạ với Vòng tay nắng mênh mang. Thu với Khôn dại cùng thu bước chân người, Đông với khoảng trời âm gió thổn thức gì... cùng với bài Xuân tạo thành bộ tranh tứ quý, chất chứa vận hành sâu xa của bốn mùa, của lòng người. Cũng nói về cái vô thường của cõi người và vũ trụ, anh viết: Trăng hẹn tròn rồi trăng lại khuyết.Bình minh gọi nắng buốt chiều mong. Náo nức ban mai ngểnh tai chim hót.Lầm lụi ngoài kia cát bụi bay (Rồi). Những hình ảnh và âm thanh chắt lọc ấy đã nói lên thật nhiều, mà không cần đến hai chữ vô thường luận lý. Hoặc: Chẳng lẽ vô tình hỡi ngàn cây. Khung trời nắng đội gió hây hây. Năm tháng nụ hoa vừa chớm nở... Mà đông sương giăng đầy (Chẳng lẽ). Câu bốn bỗng buông xuống còn năm chữ ,như một bất thần nghiệt ngã của đất trời Và khúc tứ tuyệt phá cách ấy trở thành đắc địa .Với cách chiêm nghiệm vô thường của người nghệ sỹ,nên cái tình của anh thật nồng sâu: Trăng lên hạt vàng ướt đẫm. Đôi bờ vai lạnh bóng lay. Ngày lại dòng sông ngơ ngẩn. Qua cầu nắng ứa heo may (Nhớ). Hình ảnh nắng ứa heo may mang một sức nặng độc đáo, khiến những người đi trong heo may của đời mình thấm thía. Và tình yêu trong thơ anh là thứ tình yêu ẩn chứa, thiêng liêng: Bây giờ đầu chớm bạc. Miền quê vẫn nôn nao. Đợi ta về để nói. Lời chưa nói năm nào (Miền quê). Tóc thì ánh bạc mà lời chưa kịp nói. Thế là thơ cất tiếng. Những câu thơ có thể ủ suốt sáu mươi năm của đời người. Tình yêu là cái gì còn lại khi người ta đã quên nhau là vậy đó sao? Hoặc: Đã qua bao sông sâu. Qua bao tuần trăng khuyết. Gặp nhau... trời xanh biếc. Ai đứng ở bên này... (Bên này). Gặp nhau, không phải là những siết ghì nồng cháy, mà là... Trời xanh biếc! Và ai đó thì đứng ở bên này! Chính vì vậy mới càng mãnh liệt. Nhà thơ có một cách định nghĩa về tình yêu thật hay, tình yêu là gì, tình yêu là... trời xanh biếc. Và đó là tình yêu tuyệt đẹp. Tôi may mắn đã gặp được, chia sẻ và hoàn thành phổ nhạc hai bài thơ hay của Đặng Hồng Thiệp, đó là bài Tự tình và bài Đào hoa. Hãy nghe cách anh tự tình: Giữa ánh trăng thanh. Giữa dòng sông biếc. Có một làn hương.
Đọc thơ Đặng Hồng Thiệp, ta cũng hiểu thêm về quan niệm thi ca của anh, một vấn đề mà không hiểu vì sao hiện nay ở Việt
Rượu thơ bạn cũ cùng ta
Hương giăng mây núi phôi pha hiện về.
(Hiện Về)
Vừa thật gần gũi vừa thật xa xôi, vừa hiện thực vừa huyền ảo, thơ chợt hiện về cùng với hương giăng mây núi, vừa phôi pha vừa sống động. Hoặc: Có ai biết qua muôn ngàn nắng đổ. Muôn dập vùi giông gió mưa tuôn. Chiều vàng rực chân trời rất lạ. Lá xôn xao, con chim hót trong vườn... (Tiếng hót). Con chim thi sĩ đã trải qua nhiều giông bão của những chân trời, bỗng một chiều nay, khi lá xôn xao, cất tiếng hót, trong mảnh vườn riêng. Những tiếng hót hồn nhiên của trải nghiệm, đó là thơ chăng? Anh lại viết: Bước qua những trập trùng dấu ấn. Chân trần bươn thanh thản tâm tư. Gỗ trăm năm hoàn nguyên hương ẩn. Giữa trời xanh hoá bến thực hư (Bước). Thơ cũng đã hình thành từ tất cả điều đó chăng? Đó như những đúc kết sâu xa của một đời người. Của một bản lĩnh sống, của một hồn thơ chất chứa,hàm súc mà thanh thoát... Tôi chỉ viết những điều cảm nhận ít ỏi về thơ Đặng Hồng Thiệp như một chia sẻ, còn những phân tích hệ thống về thơ anh xin để dành lại cho các nhà phê bình văn học. Nhà thơ Hữu Thỉnh khi biết tôi phổ nhạc thơ Đặng Hồng Thiệp, có lẽ là với phản xạ chăm sóc vườn cây văn học của một ông tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, đã đề nghị tôi viết những cảm nhận chia sẻ thơ nhạc của mình về thơ Đặng Hồng Thiệp. Thực ra tôi chỉ thích âm thầm hát lên những nỗi chứa chan sâu lắng nào đó. Vậy thôi...
Đỗ Ngọc Quang