Ngày 05 tháng 6 tại Nam Định diễn ra một cuộc gặp gỡ báo chí trong phạm vi hẹp: giới thiệu cuốn bút ký Bến sông tuổi thơ của nhà văn Lê Hoài Nam viết về Thượng tướng- anh hùng LLVT Nguyễn Huy Hiệu. Cuộc gặp gỡ đã được Công ty TNHH Thái Sơn giúp đỡ; lãnh đạo hai huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu đón tiếp và hưởng ứng nồng nhiệt. Nhân dịp này nhà thơ trẻ Phạm Vân Anh đã có cuộc trao đổi với nhà văn Lê Hoài Nam về công việc sáng tác của nhà văn.
Phạm Vân Anh: Trong hai năm liền, nhà văn Lê Hoài Nam đã cho xuất bản hai cuốn sách. Cuốn tiểu thuyết Danh tiếng và bóng tối (2008) và cuốn bút ký Bến sông tuổi thơ (2009). Thường thì hai tác phẩm viết liền nhau như thế hay có sự ảnh hưởng lẫn nhau, ít nhất là khẩu khí văn chương; nhưng ở hai tác phẩm của anh hầu như không nhận thấy điều này?
Lê Hoài Nam: Sở dĩ hai tác phẩm của tôi viết liền nhau mà nó không ảnh hưởng hơi hướng của nhau, trước hết là ở thể loại: một cuốn là tiểu thuyết, một cuốn là bút ký. Thứ nữa: cuốn tiểu thuyết Danh tiếng và bóng tối tôi viết trong tâm trạng bức xúc, quả cảm của một người đang đi trên một chặng đường đầy giông tố. Cuốn bút ký Bến sông tuổi thơ tôi viết trong lúc tĩnh tâm sau đó. Hơn nữa, cuốn bút ký tôi viết về một vị Thượng tướng - Anh hùng LLVT, người mà tôi rất yêu mến và kính trọng. Nói một cách giản dị: cuốn sách này được viết trong cảm xúc tình yêu và niềm trân trọng thuần khiết, còn cuốn tiểu thuyết, ngoài cảm hứng tình yêu có cả nỗi đớn đau, khắc khoải.
Phạm Vân Anh: Được biết tiểu thuyết Danh tiếng và bóng tối bạn đọc đón nhận khá nồng nhiệt, chỉ sau mấy tháng phát hành các ki ốt đã bán hết sách. Cũng dễ hiểu vì tác phẩm này mang ý tưởng khái quát và vấn đề xã hội khá nóng. Nghe nói anh cũng gửi dự thi tiểu thuyết của Hội nhà văn, nhưng tôi đọc danh sách những tiểu thuyết được vào chung khảo đăng trên báo Văn nghệ hôm nay, không thấy Danh tiếng và bóng tối?
Lê Hoài Nam: Tôi gửi, để chứng tỏ với hội rằng tôi vẫn đang viết, chứ không hy vọng lắm chuyện được giải. Tôi không rõ những người làm sơ khảo đọc nó với thái độ như thế nào, nhưng tôi có nghe mấy người không ở trong cái ban đó xì xào rằng Danh tiếng và bóng tối có vấn đề nhậy cảm. Nếu đúng là nó nhạy cảm thì các giải thưởng bây giờ rất ngại, thường né tránh...
Phạm Vân Anh: Gần đây có người đưa ra khái niệm văn học ám chỉ để nói về những cuốn tiểu thuyết xây dựng nhân vật theo nguyên mẫu con người thật ngoài đời, anh nghĩ sao về cách gọi cũng đầy tính ám chỉ này?
Lê Hoài Nam: Gọi như thế chứng tỏ người đó kiến văn không rộng, không sâu. Các văn hào như A. Gôgôn, Tuốcghênhiép, A. Trekhốp, Solzhenitsyn... hay như ở ta là Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Chu Văn, Anh Đức...trong các tiểu thuyết nổi tiếng của họ đều ít nhiều xây dựng từ nguyên mẫu ngoài đời. Cách đây ít năm nhà văn Nguyễn Khải còn ghé Nam Định rủ tôi về xã Nghĩa Hòa thăm lại những nhân vật nguyên mẫu trong tiểu thuyết Xung đột của ông, kể cả những nhân vật phản diện. Thời gian này có vẻ bùng nổ loại tác phẩm xây dựng nhân vật theo nguyên mẫu ngoài đời là có căn nguyên xã hội của nó, rất cần phải bình tĩnh xem xét, ngẫm nghĩ, nếu vội vàng 'quy tội' cho nó sẽ hoàn toàn không có lợi gì cho việc phát triển văn chương, càng không hy vọng có tác phẩm lớn như chúng ta đang lớn tiếng mong chờ.
Phạm Vân Anh: Vậy còn Bến sông tuổi thơ, viết về một người anh hùng LLVT, bạn đọc đón nhận nó thế nào?
Lê Hoài Nam: Ngay thể loại bút ký thường thì đã ít người đọc hơn thể truyện rồi. Vậy mà nhà xuất bản in tới 3000 bản kia đấy. Dĩ nhiên là có một vài mạnh thường quân giúp một phần phát hành. Nhưng nhà xuất bản vẫn giành phần nhiều bán 'sòng phẳng' ngoài thị trường. Thoạt biết tin này tôi thầm lo ngại cho nhà xuất bản; nhưng rồi một hôm vô tình bước chân vào một hiệu sách ở thành phố Nam Định thấy có mấy bạn đọc đang mua Bến sông tuổi thơ; tôi hỏi chị nhân viên bán hàng, chị bảo tập sách của tôi cửa hàng mua từ tổng công ty, mấy hôm nay hôm nào cũng bán được một vài cuốn. Nghe thế, tôi mới thấy yên lòng.
Phạm Vân Anh: Có phải vì nhà văn và nhân vật được viết đều quê Nam Định?
Lê Hoài Nam: Bụt chùa nhà chưa chắc đã thiêng đâu, dân gian đã dậy thế.
Phạm Vân Anh: Vậy thì điều gì khiến người ta đón nhận?
Lê Hoài Nam: Mỗi người cảm nhận về nó theo một cách riêng, nhưng có lẽ số đông thì nói về nó giống như nhận xét của một giáo viên trung học cùng quê xã Hải Long với tướng Hiệu. Cô giáo này một hôm gọi điện cho tôi nói rằng hiện cô đang có trên tay cuốn Bến sông tuổi thơ và cô vừa đọc xong. Tôi hỏi nhận xét của cô thế nào, cô nói, cô rất thích những trang tôi viết về lịch sử, văn hiến, những trang mô tả thiên nhiên vùng nông thôn quê tướng Hiệu, và cũng là quê cô. Đó mới đích thị là nông thôn vùng châu thổ sông Hồng ngàn năm. Đấy chính là 'cái nôi văn hoá' hình thành nên nhân cách của một vị tướng sau này. Thông qua cuốn bút ký, người ta nhận ra tướng Hiệu không phải chỉ giỏi chiến đấu và chỉ huy chiến đấu; ông còn là một con người mang những giá trị nhân đạo thẳm sâu của văn hiến Việt Nam.
Phạm Vân Anh: Có lẽ tôi cùng đồng điệu với ý kiến của cô giáo ấy. Còn điều này: cả hai cuốn sách của anh đều in ở Nhà xuất bản Phụ Nữ...có nguyên cớ gì không?
Lê Hoài Nam: Có chứ! Xin bật mí với bạn rằng, cuốn Danh tiếng và bóng tối có một số phận không mấy suôn sẻ. Nó đã đi đến ba nhà xuất bản, khi biên tập xong đều không được duyệt. Nhưng khi nhà văn Võ Thị Hảo - người đứng ra làm cuốn sách này - mang đến nhà xuất bản Phụ Nữ thì ôkê, không những được duyệt ngay mà còn không phải cắt xén gì đáng kể.
Phạm Vân Anh: Và khi nó đến với công chúng thì có sự tranh cãi gay gắt đúng không?
Lê Hoài Nam: Có một số người viết đơn kiện chứ không chỉ tranh cãi. Đơn gửi nhiều nơi, trong đó có hội nhà văn, các báo đài, gửi hầu hết các hội VHNT cả nước.
Phạm Vân Anh: Vì sao lại có chuyện ấy?
Lê Hoài Nam: Chẳng qua vì họ không hiểu gì về đặc tính của văn học mặc dù trong số người ấy có người ăn lương nhà nước để viết văn làm thơ.
Phạm Vân Anh: Số người ấy có đông không?
Lê Hoài Nam: Là số rất ít. Còn phần đông độc giả đọc xong là biểu lộ sự đồng tình. Hiện tôi đang lưu giữ khá nhiều thư bạn đọc gửi đến. Có một số độc giả còn biểu hiện sự đồng tình bằng cách gửi tặng tôi một món tiền (họ sợ tôi không đủ tiền in) mà không tiết lộ danh tính.
Phạm Vân Anh: Sự thành công ấy, có thể nói Nhà xuất bản Phụ Nữ khá mát tay...
Lê Hoài Nam: Đúng thế. Vì vậy mà tôi rất biết ơn họ. Cho nên khi hoàn thành bản thảo Bến sông tuổi thơ tôi lại muốn họ xúm tay vào. Không ngờ sự chào đời của cuốn này mĩ mãn hơn là chúng tôi hình dung.
Phạm Vân Anh: Anh có thể tiết lộ về nhuận bút nó mang lại cho anh không?
Lê Hoài Nam: Tôi được nhà xuất bản trả 13 200 000 đồng (mười ba triệu hai trăm ngàn đồng)...
Phạm Vân Anh: Vào thời điểm văn chương đang bị ghẻ lạnh thế này mà được như thế thì rất đáng chúc mừng anh. Xin hỏi một câu ngoài lề: Nghe nói anh vừa nhận quyết định nghỉ hưu. Nghỉ hưu ở tuổi 56, nghĩa là nghỉ sớm. Vì sao thế?
Lê Hoài Nam: Đúng là tôi đã làm đơn xin về hưu, và được chấp nhận. Tôi vừa nhận quyết định cách đây ít ngày. Đây là việc khiến nhiều người ngạc nhiên. Bởi xu thế hiện nay không mấy người muốn về hưu sớm cả. Nhưng tôi thì thấy hành xử như thế tiện cho tôi hơn, cả về cuộc sống cũng như công việc sáng tác.
Phạm Vân Anh: Xin cám ơn những tâm sự của nhà văn. Chúc nhà văn sáng tác thành công hơn vào những năm tháng tới, những năm tháng không còn bị chi phối nhiều từ công việc hành chính, sự vụ ở cơ quan.
Phạm Vân Anh thực hiện