Thứ bảy, 20/04/2024,


Ngô Hoàng Quân - Cây Cello và nhà quản lý (27/06/2009) 

Một nghệ sĩ có đẳng cấp làm quản lý là một thiệt thòi cá nhân nhưng sẽ đem lại lợi ích cho đơn vị và xã hội nếu người đó nhân đôi sự nỗ lực, lòng tận tụy và sự hy sinh. Ngô Hoàng Quân trong số đó.

 

Tôi biết Ngô Hoàng Quân - Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã lâu, từ ngày anh còn là Trưởng bè trầm của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Lúc đó cặp đôi cello Ngô Hoàng Quân - Trần Thị Mơ còn rất trẻ. Thi thoảng, Trần Thị Mơ có mặt trong các chương trình lưu diễn của Ngọc Tân. Qua Trần Thị Mơ và nhạc sĩ Tuấn Phương, tôi rất thiện cảm với Ngô Hoàng Quân - một nghệ sĩ cello được đào tạo bài bản và có tài. 

 

Sinh năm 1956 (bạn cùng học với NSND Đặng Thái Sơn), Ngô Hoàng Quân học cello từ nhỏ với cha, nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương (nhà sư phạm, nghệ sĩ biểu diễn và nhà soạn nhạc có tên tuổi). Sau đó, học với NS Giáo sư Bùi Gia Tường rồi được cử sang học tại Nhạc viện Tchaikovsky học với Giáo sư S.Kalianov. Ngô Hoàng Quân may mắn được dìu dắt bởi những bậc thầy nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp bộ môn Violoncello, về nước, đứng trong một đội ngũ chừng 80 nhạc công, Ngô Hoàng Quân là bè trưởng Cello, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, từng là nghệ sĩ soloist (độc tấu) trong các Concerto viết cho Cello và dàn nhạc của các nhạc sĩ lừng danh thế giới. Tiếng đàn của Ngô Hoàng Quân da diết, đằm thắm, tinh tế và giàu cá tính. Không thiếu chất kỹ thuật bài bản nhưng cũng nhiều nét phóng túng... 

 

Không chỉ diễn cùng với Dàn nhạc Việt Nam mà Ngô Hoàng Quân từng biểu diễn với: Bangkok Symphoni Ocherta, với Osaka Symphonikier Ocherta, với Vienna Wolshopper Symphoni Ocherta và Machedonic Symphoni Philharmonic... Anh còn tham gia thu thanh nhiều tiết mục cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, cũng như từng tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên J. S Bach và P.I. Tchaikovsky.

 

Từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng do tu nghiệp anh phải xa nhà. Thế rồi, như người ta vẫn nói, vấp phải những khó khăn nan giải của những con sóng trong đời sống thực những “chiếc thuyền tình” khó giữ được độ bền. Chia tay nhau nhưng họ vẫn giữ một mối quan hệ bè bạn, cùng chung sức lo cho con cái trưởng thành. Sau quãng thời gian một mình một bóng, cảm mến người bạn diễn, Ngô Hoàng Quân chính thức đến với Trần Thị Mơ.

Chị cũng có đẳng cấp soloist cello không kém, nhưng cũng là một người nội trợ đảm đang. Chăm sóc chồng con, chăm sóc gia đình để chồng có thời gian cống hiến cho nghệ thuật là ưu tiên của Trần Thị Mơ.

 

Thời Ngô Hoàng Quân còn chuyên tâm trong nghiệp biểu diễn, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiều là Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, ông nói: “Quản lý một Dàn nhạc Giao hưởng mà chuyên môn nghệ thuật không cao, tài năng không xuất sắc thì công việc thật rất khó. Biết vậy, nên tôi lấy công việc phục vụ anh em, lắng nghe anh em, chăm sóc nghệ sĩ, đồng cam cộng khổ với nghệ sĩ mới may ra làm được điều gì đó có ích cho nghệ thuật giao hưởng... Tôi hy vọng vào những người như Ngô Hoàng Quân. Vừa có chuyên môn tốt, có tấm lòng, thiết tha với sự nghiệp âm nhạc nước nhà, lại còn đang cố gắng chinh phục tiếng Anh nữa. Không có ngoại ngữ, dàn nhạc cũng không phát triển được”.

 

Năm 2001, Ngô Hoàng Quân được đề bạt và chỉ sau sáu tháng, anh chính thức đảm nhận vai trò Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Một nghệ sĩ có đẳng cấp làm quản lý là một thiệt thòi cá nhân nhưng sẽ đem lại lợi ích cho đơn vị và cho xã hội nếu người đó nhân đôi sự nỗ lực, lòng tận tụy và sự hy sinh. Ngô Hoàng Quân trong số đó. Kể từ khi nhậm chức, anh vận dụng được tối đa sức mạnh của tập thể để làm nên thương hiệu khiến cho nhiều tổ chức xã hội trong và ngoài nước tin tưởng và quan tâm. Do đó, nhạc cụ của dàn nhạc được nâng cấp toàn diện (giá trị tới nửa triệu USD) nhờ vào tài trợ của Nhật Bản, các buổi diễn được lên lịch đều, nhạc công nghệ sĩ trong dàn nhạc không còn cảnh mức lương “chết đói” như trước.

 

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tính đến nay vừa tròn nửa thế kỷ, trải qua những bước thăng trầm của đời sống, có giai đoạn bị trùng hẳn xuống, thoi thóp như chờ chết, giờ đây phục hưng mạnh mẽ. Hàng năm, dàn nhạc có gần 60 buổi diễn, một con số kỷ lục. Công ấy là của tập thể, nhưng cũng có phần của người đứng đầu, một nghệ sĩ hiểu mình, hiểu người, hiểu danh dự cá nhân nghệ sĩ sẽ hoàn hảo hơn khi không tách rời danh dự tập thể dàn nhạc.              

 

Bận bịu với vô vàn công việc của một nhà quản lý, một phụ trách nghệ thuật nhưng Ngô Hoàng Quân vẫn dành thời gian chăm chút cho tiếng đàn của mình. Anh vẫn xuất hiện trong vai trò soloist trên sân khấu Nhà hát với những bản concerto nổi tiếng, đòi hỏi đẳng cấp của người trình tấu.Nhờ những cố gắng như vậy, Ngô Hoàng Quân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú nhiều năm qua, được nhận Huy chương vì Sự nghiệp âm nhạc Việt Nam. Nhưng, với Ngô Hoàng Quân, ấn tượng sâu sắc của công chúng yêu nhạc cổ điển về tiếng đàn cello đằm thắm của anh là phần thưởng cao nhất và cũng là hạnh phúc hơn cả.

 

Trần Thị Trường

(Báo Tiền Phong)

           

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: