Thứ bảy, 04/05/2024,


Hà Nội trong nỗi nhớ người xa xứ (26/06/2009) 

     Hà Nội, trong con tim của những người 'phải ở xa con phố thân thương ngàn dặm, nhiều khi nhắm mắt lại phố lại ở đấy, mỉm cười...'  sống động như mới chỉ là ngày hôm qua”

     Con phố nhỏ lắm, ngắn lắm nơi đấy tôi sinh ra, lớn lên và trải qua một phần tuổi thơ của mình, đầu phố có hàng hoa sữa làm say lòng mẹ mỗi khi Thu về. Cuối phố có cây lim già quấn quít, nô đùa cùng đám trẻ. Vượt sang bên kia đã là phố Tuệ Tĩnh rồi, chếch ra phía trước cũng đã sang phố Nguyễn Du, cái góc giấy của tuổi thơ nó bé như vậy đấy, nhưng tuổi thơ lại vẽ lên được cả một bức tranh sinh động và nhiều màu sắc, bức tranh vô giá của bảo tàng cuộc sống..

     Tết đến, Xuân về, bức tranh có thêm màu hồng của hoa đào tươi thắm, màu xanh của chồi non, lá biếc, màu tía của chiếc áo bà mặc, màu lam của lá dong gói bánh, màu đỏ của ngọn lửa bánh chưng, màu vàng của sắc mai, sắc quất và màu đỏ của túi tiền mừng tuổi... Màu sắc và hương sắc quyện vào làm một, lòng người say say, đôi mắt cay cay, con tim đập rộn, ước gì lại được ngửi mùi pháo nổ, lại được cắn miếng bánh chưng, lại được chạy ào ra đường đón hạt mưa xuân rơi phảng phất, nhẹ nhàng.

     Í a, í ới..., bức tranh tô lên màu gỗ nâu nâu của con quay thân thuộc, của cái súng cao su tinh nghịch và tô lên cả cái màu xam xám viên đá chơi ô ăn quan. Bức tranh reo hò và nhảy múa, bức tranh thêu lên những gương mặt trẻ thơ hồn nhiên và hiếu động. Bức tranh thảng thốt, sững sờ vì cô bé nhà bên cạnh òa lên khóc; bức tranh sợ sệt, co ro vì gặp cơn thịnh nộ của bố, bức tranh còn bé lắm, nhỏ lắm, nhưng màu sắc của nó luôn đẹp một cách lạ kỳ...

     Mùa hè, tiếng ve, mùa sấu, hái, nhặt, ăn... nghịch ngợm, ném, quỷ sứ. Góc phố nhỏ lại rộn lên tiếng cười, tiếng nô đùa và cả tiếng bát đũa khua leng keng vọng ra từ quán phở. Góc phố được vẽ vào trong tranh với tất cả những gì tươi đẹp nhất, vỉa hè cáu bẩn bỗng trổ hoa, bác hàng xóm khó chịu bỗng hóa thành ông bụt, tiếng rao Tào Phớ khàn khàn hóa thành bản nhạc du dương và gốc cây xù xì như trở thành tòa lâu đài diễm lệ. Làm bạn với phố có mặt hồ Thuyền Quang và bóng cây công viên Thống Nhất, mặt nước xanh xanh đùa với cây với mây và trời đất, cảm giác được trở về nơi ấy mới thân thương, mới quen thuộc làm sao.


 

Thế rồi hoa sữa đam mê

Vào thu dìu dịu lối về Thiền Quang

 

Đường chiều chẳng ngại đò giang

Kìa ai mái tóc ngổn ngang gió lùa

 

Cái mùi hoa cứ như đùa

Bạc phơ mái phố cuối mùa heo may.

(Hoa sữa - Phạm Quế)


     Bức tranh không thể quên những ngày con phố oằn mình ra hứng chịu cơn mưa rào, ào ào xối xả. Mặt đường sủi bọt trắng, trời đất ngả nghiêng, bức tranh có một màu xám sợ sệt. Thương cho phố lắm, cây đổ, cành rơi, mọi người lại buồn lại nhớ, lại phải đỡ cây đứng dậy. Tháng củ mật, trời rét, con phố cô đơn, lặng lẽ, nó lại nhỏ hơn, vắng hơn và ngắn hơn bình thường.. Cố lên đi phố nhỏ nhé.., để rồi đến Tết Trung Thu ngày rằm, phố sẽ lại được no tiếng cười, no tiếng chân đi và phố sẽ không còn một mình nữa. Đèn ông sao, đèn cù, đèn kéo quân..., trẻ thơ nô đùa quanh con phố, chắc là phố đang mỉm cười đang vui lắm đấy nhỉ?



Bây giờ nuốt nhớ hoài mong

Vịn cầu Thê Húc thong dong gió trời

Ơi người Hà Nội tôi ơi

Yêu nhau mắc nợ cuộc đời là đây

(Thơ Trần Quang Hiển)


     Bây giờ phải ở xa con phố thân thương ngàn dặm, bức tranh tuổi thơ cũng đã khô mực rồi, nhớ lắm, nhiều khi nhắm mắt lại phố lại ở đấy, mỉm cười, bức tranh lại ở đấy, sống động như mới chỉ là ngày hôm qua. Người Hà Nội, sinh ra nơi phố nhỏ, lớn lên trên phố nhỏ, trưởng thành cùng phố nhỏ và dù có phải xa nó, vẫn luôn để nó ở trong tim. 

    'Phố nhỏ, ngõ nhỏ, nhà tôi ở đấy' câu hát thân thương và quen thuộc quá, nó gợi cho người Hà Nội xa quê về tất cả những cái gì gọi là hồn Hà Nội, tình Hà Nội

 

Nhớ chăng một thuở tri âm

Giờ đây xa cách vẫn thầm nhớ nhung

 

Mơ ngày Hà Nội tương phùng…

(Hà Nội ơi – Nguyễn Ngọc Lam)

 

 

----------------------------

Theo tác giả Hoàng Hiệp

(CHLB Đức)

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: