Chủ nhật, 22/12/2024,


Bình chọn 99 bài thơ lục bát: Còn nhiều lúng túng (18/04/2008) 


Báo điện tử Tổ Quốc từng kêu gọi độc giả yêu thơ tham gia cuộc thi tuyển chọn 99 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ 20. Nhưng chính Ban tổ chức lại tỏ ra bối rối và do dự về cách thức triển khai kế hoạch “đãi cát tìm vàng” này.

Ban giám khảo gồm có 6 người. Nhà thơ Nguyễn Duy giữ ghế “chánh chủ khảo”, các ủy viên: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình Chu Văn Sơn, nhà thơ Mai Linh và hai thư ký hội đồng đến từ báo điện tử Tổ Quốc.

100 năm thi ca là một khoảng thời gian dài, 99 bài thơ lại không phải là một con số ít ỏi. Nhưng thể lệ cuộc thi quy định: Độc giả tham gia bình chọn sẽ phải tự tìm 99 bài lục bát theo họ là hay nhất, liệt kê ra và gửi về cho Ban tổ chức. Thời hạn nhận bài thi chỉ vỏn vẹn 6 tháng, từ 15/6 đến 15/12. Phương án này được đánh giá là một “thử thách” đối với tình yêu thơ của độc giả thời nay - thời mà sự gắn bó giữa người đọc và thi ca chỉ còn rất mong manh và lỏng lẻo. Một nhà thơ có mặt tại cuộc họp báo băn khoăn: “Sẽ có bao nhiêu người đủ kiên nhẫn 'nhặt' ra 99 bài thơ để 'săn' giải nhất trị giá 10 triệu đồng?”.


Nhà phê bình Chu Văn Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Trong các cuộc bình chọn top 100 bài thơ, tiểu thuyết tại nước ngoài, Ban giám khảo thường là những người làm công việc sơ tuyển. Họ giới thiệu một danh sách tác phẩm rất rộng, và nhiệm vụ của độc giả là chọn ra trong số đó những bài thơ họ yêu thích, hoặc đề xuất những bài không có trong gợi ý. Cách làm này đã được đề xuất tại cuộc họp báo, nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Chúng tôi chọn cách khó hơn này vì muốn qua đây, phục hồi khả năng tự đọc và niềm đam mê của độc giả đối với thể thơ lục bát”. Tuy nhiên, ông cũng thú nhận: “Nếu cứ nghe theo mọi ý kiến, chúng tôi cũng không biết rồi cuộc bình chọn này sẽ đi đến đâu. Nhưng Ban tổ chức sẽ nghiên cứu thêm về cách thức triển khai cuộc thi”.

Ngay từ đầu, nhà phê bình Chu Văn Sơn - ủy viên hội đồng ban giám khảo - đã khẳng định: “Chúng tôi tổ chức cuộc bình chọn này không phải là hành động đính chính lại những gì mà Trung tâm Văn hóa Doanh nhân đã làm mà muốn hướng đến một mục tiêu sâu hơn: tìm về mạch nguồn thi ca Việt”. Nhưng dường như tai tiếng của cuộc bình chọn 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ được tổ chức gần đây đã dấy lên nỗi lo lắng về sự nghiêm túc của các cuộc thi cũng như các giải thưởng tại VN. Nhà thơ Trần Ninh Hồ nói: “Tôi từng chứng kiến những giải thưởng mà trong số 9 thành viên ban giám khảo thì có 6 người dự thi và đoạt giải. Tại VN, có rất nhiều cuộc thi mà giám khảo thường kiêm luôn vai trò người dự thi và sau đó là người nhận giải. Tiện cả đôi ba đường. Theo tôi, đã tổ chức thi cử, phải giữ được uy tín bằng lối làm việc nghiêm túc và trung thực”. Nói vậy, nhưng chính ông khẳng định: “Ban giám khảo cuộc thi này tôi tin là rất sạch”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tâm sự: “Chúng tôi không thiếu lòng thành thật và sự công bằng. Nhưng lòng thành thật và sự công bằng trong trường hợp này, nhiều khi cũng không chính xác. Bởi có rất nhiều tiêu chí khi bình chọn thơ. Bên cạnh kết quả của độc giả, Ban giám khảo cũng sẽ có sự lựa chọn riêng và đưa ra những lý lẽ bảo vệ cho kết quả của mình”.

Lý giải cho việc giới hạn phạm vi vào thể thơ lục bát, nhà thơ Nguyễn Duy cho biết: “Đây là thể thơ thuần Việt, rất dễ làm, ai cũng có thể làm được đôi câu 6/8. Nhưng làm được thơ lục bát hay là rất khó. Lục bát là di sản tuyệt vời của dân tộc và chúng tôi muốn lưu giữ và tôn vinh di sản quý giá này”.

(Theo Lưu Hà)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: