Thứ năm, 28/03/2024,


Hy vọng "đạo" thơ là sự nhầm lẫn? (22/06/2009) 

            Trong mấy ngày qua, cái tên “nhà thơ nữ VN Đào Kim Hoa” được các blogger ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan ngợi ca liên tục khi chính những vần thơ của bà đã làm blog của Hồng Đức Thanh (Đài Loan) đoạt giải thưởng blog tiếng Hoa xuất sắc nhất toàn cầu lần thứ tư. 

 

 

NẾU LÀ ĐẠO THƠ THẬT, THÌ NÊN SỬA SAI THẾ NÀO?

 

Có một chút hương trong mơ, cho đá mềm đi cho núi ấm lên - thơ của nhà thơ nữ VN Ðào Kim Hoa là tiêu đề blog của Hồng Ðức Thanh được in thành tập sách Bạn phải đến VN vừa ra mắt độc giả Ðài Loan ngày 11-6, lại tiếp tục tạo nên làn sóng hâm mộ của công dân mạng. Thế nhưng, khi tìm đọc những bài thơ của Ðào Kim Hoa, nhà văn - nhà báo Trang Hạ phát hiện đó thực chất là thơ của Hữu Thỉnh (Thư mùa đông, Thơ viết ở biển) và Lò Ngân Sủn (Người đẹp, Ðứng trước em). Câu thơ dùng làm tiêu đề trên blog của Hồng Ðức Thanh thực chất là câu thơ trong bài Thư mùa đông của Hữu Thỉnh (ảnh bên).

 

Vậy Ðào Kim Hoa là ai? Theo chúng tôi được biết, Ðào Kim Hoa chưa bao giờ được nhắc đến với tư cách là một nhà thơ, mà những nhà văn hội viên từng đi nước ngoài đều biết bà công tác ở ban đối ngoại Hội Nhà văn VN. Bà Hoa cũng là hội viên Hội Nhà văn VN sinh hoạt ở mảng dịch thuật. Thế tại sao thơ hay của Ðào Kim Hoa lại phổ biến rộng khắp trên blog tiếng Hoa? Tìm hiểu thì hóa ra vào tháng 9-2001, bà Ðào Kim Hoa với tư cách là một nhà thơ VN (mà hành trang là bốn bài thơ của Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn) đã tham dự Festival thơ quốc tế Ðài Bắc. Nhà thơ - dịch giả Trần Lê (Ðài Loan) là người đã chuyển ngữ bốn bài thơ trên sang tiếng Hoa.

 

Có một chi tiết hết sức thú vị là khi vào Google tìm kiếm từ khóa tên nữ nhà thơ Ðào Kim Hoa thì hiển thị hơn 20.000 trang tiếng Hoa liên quan, còn trang tiếng Việt rất lèo tèo, chủ yếu là thông tin về vụ xìcăngđan đạo thơ này. Ðạo thơ, mạo danh hay có sự nhầm lẫn như bà Hoa nói? Có lẽ nào ban tổ chức mời đích danh một người đến dự festival thơ chỉ để... đọc thơ người khác? Câu kết luận còn bỏ ngỏ, điều khiến chúng ta vừa cảm thấy hài hước vừa xót xa là những lời ca ngợi hồn nhiên thơ Việt kia đã... trao tặng nhầm người.

 

Chúng ta cũng thấy người thì giả danh nhưng thơ hay là có thật, tất nhiên không chỉ ở bốn bài thơ (mượn mà không hỏi) này mà còn ở những bài thơ khác của những nhà thơ khác. Ở đây chúng ta có quyền đặt câu hỏi rằng liệu lâu nay có sự khuất tất nào ở cửa đi nước ngoài của các nhà thơ, nhà văn VN hay không? Tại sao với những chương trình lớn như festival thơ quốc tế đầu tiên (Liên hoan thơ Ðài Bắc lần 2) với chủ đề Kinh đô thơ năm mở đầu - vinh danh thi ca châu Á-Thái Bình Dương lại không được phổ biến rộng rãi, không có sự xét chọn công khai?

 

Phía đơn vị tổ chức là Ðài Loan khi phát hiện vụ này, họ sẽ nghĩ gì về nhà thơ và đất nước VN? Họ muốn mời một nhà thơ chính hiệu đến kinh đô thơ dự lãm hay mời một cán bộ đối ngoại của Hội Nhà văn VN? Và còn niềm tin, tình cảm yêu thương mà những công dân mạng tiếng Hoa đã trót dành cho một nhà thơ nữ VN? Họ đâu biết rằng VN còn nhiều nhà thơ đương thời tài năng khác.

 

Giờ đây có lẽ cách sửa sai tốt nhất là giới thiệu thơ hay VN ra nước ngoài nhiều hơn nữa. Tất nhiên là thơ phải đúng người, tránh tình trạng thơ thì hay thật mà người thì... hay giả (!).

 

Theo Trần Nhã Thuỵ (Tuổi trẻ)

 

  _________________

 

      

        'TÔI HY VỌNG ĐÂY CHỈ LÀ SỰ NHẦM LẪN'

 

       Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ xung quanh nghi án này, nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó chủ tịch, kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn VN  (ảnh dưới)- cho biết:

 

      

       - Báo chí vừa đưa tin, vừa qua lại là hai ngày nghỉ nên tôi chưa nhận được báo cáo chính thức. Tuy nhiên chiều 20-6, chị Ðoàn Thị Lam Luyến - giám đốc Trung tâm bản quyền của hội, và anh Trần Hữu Tòng - phó ban kiểm tra - đã gọi điện cho tôi để báo cáo miệng và đề nghị làm rõ vụ việc. Tôi đã gọi điện cho chị Ðào Kim Hoa yêu cầu giải trình trong khi chờ đợi văn bản giải trình chính thức. Chị Ðào Kim Hoa đã giải trình qua điện thoại cho tôi - với tư cách trưởng ban kiểm tra của Hội Nhà văn như sau:

 

       Tháng 9-2001, chị Ðào Kim Hoa có nhận được giấy mời đích danh đi dự trại sáng tác văn học tại Ðài Bắc, thời gian một tháng. (Là phó ban đối ngoại của Hội Nhà văn rất nhiều năm nay, chị Hoa tham dự các chuyến công tác nước ngoài cùng các nhà văn VN là rất bình thường. Có điều tôi hơi ngạc nhiên là lần này phía bạn mời đích danh chị Hoa đi dự trại sáng tác).

 

       Trong khoảng thời gian ở trại sáng tác, ban tổ chức có mở một festival thơ và chị Hoa có lên đọc thơ. Trước khi đọc, chị có nói rõ: Tôi có làm thơ nhưng không hay, sau đây tôi xin đọc bốn bài thơ của hai nhà thơ rất nổi tiếng của VN và đã đọc thơ của anh Hữu Thỉnh và anh Lò Ngân Sủn. Sau mỗi bài thơ, chị đều có nói rõ chị (cùng một dịch giả Mỹ mà tôi quên tên) là người dịch bài thơ. Chị Hoa rất bất ngờ về những thông tin mà báo chí vừa đưa ra.

 

       Tôi cũng đã yêu cầu chị Trinh Bảo - phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, một dịch giả tiếng Trung - kiểm tra xem có thể trong tiếng Trung dịch giả có khi nào bị phát âm hay viết lẫn với tác giả không. Nhưng chị Trinh Bảo nói rằng khả năng đó rất khó xảy ra.

 

       * Nhưng thưa ông, làm sao có thể chỉ từ buổi đọc thơ mà phía Ðài Loan lại có văn bản để in. Ở nước ngoài, chuyện bản quyền rất chặt chẽ, chắc chắn phải có văn bản thỏa thuận chính thức thì người ta mới dám dịch, in và phát hành rộng rãi như vậy?

 

       - Thứ hai (tức hôm nay 22-6 - PV) này, Hội Nhà văn sẽ có công văn sang phía Ðài Loan để nhờ cung cấp thông tin về tất cả những tình tiết, người và việc liên quan. Nhưng theo tôi, trong trường hợp này, các nhà thơ bị cầm nhầm mất ít mà chị Hoa mất nhiều: danh dự, uy tín, sự nghiệp...

 

       Chị Hoa là người thực hiện chuyến đi một mình, nên những gì xảy ra trong chuyến đi chỉ có chị Hoa là người biết rõ nhất. Vì thế chị Hoa có quyền và nghĩa vụ phải chủ động liên lạc với cơ quan, đối tác đã mời mình để yêu cầu xác nhận lại những thông tin mà chị Hoa cho là chưa chuẩn xác. Chị Hoa nói có cung cấp bản dịch tiếng Anh của bốn bài thơ đó cho phía Ðài Loan, ghi rõ tác giả ở trên và hai dịch giả ở dưới, văn bản đó, nếu có, phải được đưa ra làm bằng chứng xác nhận.

 

       Chị Hoa cũng cần phải chủ động liên lạc với dịch giả Trần Lê để xác minh tất cả thông tin mà báo chí Ðài Loan đã đưa theo bản dịch của dịch giả này.

 

       * Thưa ông, còn nếu tất cả những cáo buộc về việc dịch giả Ðào Kim Hoa là sự thật?

 

       - Thì không thể chấp nhận được. Vì anh Hữu Thỉnh thì quá nổi tiếng ở VN, lại là lãnh đạo trực tiếp ở cơ quan chị Hoa; anh Lò Ngân Sủn cũng nổi tiếng, lại từng cùng cơ quan Hội Nhà văn. Bốn bài thơ của hai anh hầu như ai yêu thơ ở VN cũng thuộc. Cầm nhầm thơ con cóc của Nguyễn Trí Huân thì không ai biết, chứ cầm nhầm thơ Hữu Thỉnh và Lò Ngân Sủn thì khác gì tự sát trong văn chương. Cho nên tôi vẫn hi vọng đấy chỉ là sự nhầm lẫn.

 

       Nếu là sự thật, ngoài việc phải nhận những hình thức kỷ luật với tư cách hội viên Hội Nhà văn, chị Hoa còn phải đối mặt với công luận và với lương tâm mình, đó mới là sự trừng phạt nặng nề nhất.

 

Theo Việt Hoài (thực hiện)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: