Chủ nhật, 22/12/2024,


Tình yêu quê hương qua thơ lục bát Hoàng Trùng Dương (21/06/2009) 

     Quê hương và tình yêu xưa nay vẫn là những đề tài lớn cho mọi giai tầng và lứa tuổi trong xã hội. Riêng đối với  thi nhân Việt Nam, đây là nguồn thơ vô tận. Người ta làm thơ có lẽ vì nhiều nguyên nhân và động cơ khác nhau; có người làm thơ vì xúc cảnh sinh tình muốn mượn thơ để góp phần tô điểm thêm cho đời sống; người khác làm thơ như một nhu cầu. Với thành phần nầy, họ làm thơ như để đáp lại một tiếng gọi thiêng liêng nào đó tuy rất mơ hồ nhưng rất thôi thúc và có sức cuốn hút mãnh liệt. Có người xem thơ như một cứu cánh, một người bạn chân tình không bao giờ phản bội. Thơ đối với họ như một chiếc phao giữa biển đời mịt mùng sóng vỗ, như một bàn tay để vịn mà ngoi lên như Phùng Quán đã từng nói “Những lúc ngã lòng, vịn câu thơ đứng dậy”. Với họ,̣ thơ là duyên nợ một đời, chỉ có thể trả xong khi nhắm mắt xuôi tay. Với họ, một ngày còn thở là một ngày còn phụng sự nàng Thơ. Nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân đã viết “Thơ là một nghiệp, không phải một nghề”. Hơn ai hết, thi nhân thừa hiểu và nhận chân được cái nguyên lý rất quái ác nhưng cũng rất căn bản nầy. Thơ không đem lại cho họ vật chất đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, họ phải dùng một nghành nghề nào khác để mưu sinh và để họ còn được tiếp tục làm thơ. Người làm thơ, như con tằm đến phút cuối đời vẫn quặn người nhả ra những sợi tơ cho người dệt vải, lắm khi như cội mai già giữa trời đại hạn, thiếu phân bón, thiếu nước nhưng vẫn cố hút dăm ba giọt sương hiếm hoi để nở cho đời vài đóa hoa xuân. Xưa nay trên thế giới không thiếu gì những nhà thơ nổi tiếng đã sống và chết trong đói lạnh. Nếu người làm thơ trở nên vinh thân phì da nhờ thơ thì thơ chắc không còn chất thơ nữa.

 

     Vườn thơ Việt Nam hải ngoại vừa có thêm một đóa-hoa-thơ-hương-sắc mà người trổ ra nó là Hoàng Trùng Dương, một thi nhân xứ Quảng! Có lẽ vùng đất còn vương lệ Huyền Trân công chúa này đã được Tạo hóa chọn để mang đến cho đời món-quà-thơ vô giá của Người. Và chắc vì thế mà từ xứ Quảng, mỗi giọt nước, mỗi hòn sỏi, mỗi viên đá, mỗi chiếc lá, mỗi ngọn cây là một lời thơ. Gần như người xứ Quảng nào cũng là thi nhân tuy khả năng sáng tạo và tác động có phần khác nhau. Hoàng Trùng Dương, một người xứ Quảng cũng không vượt ra ngoài thông lệ ấy. Với anh, thơ là nghiệp, không phải nghề.

 

     Đọc thơ Hoàng Trùng Dương ta thấy thấm đượm một chất tình quê lai láng rạt rào lúc nào cũng sẵn sàng làm thi nhân rơi lệ:

 

“Hợp tan, tan hợp trong đời

Ta đi để giọt sầu rơi trên đèo” 

(Trên đỉnh đèo Hải Vân)

    

     Hình ảnh quê hương xứ Quảng với dòng sông Thu một thời thơ mộng và bóng núi xanh lam được anh ghi lại:

 

“Tôi yêu sông nước Thu Bồn

Yêu đồng lúa chín xóm thôn gặt về”

....

“Tôi yêu rặng núi xa mờ

Trường sơn hùng vĩ trơ trơ cuối trời”

(Yêu quê)

 

     Rồi khói lửa chiến tranh tràn tới và dòng sông Thu một thời thơ mộng trở nên:

 

“Đây sông Thu nhuộm máu đào

Nhớ về đất mẹ nghẹn ngào thở than

Còn đâu những chuyến đò ngang

Chèo đưa dưới ánh trăng vàng lung linh”

(Điêu Linh)

 

 

     Thi nhân không chỉ yêu hình ảnh của nơi đất Quảng anh đã sinh ra mà cả những vùng đất miền Nam khác. Tình yêu ấy đã thể hiện qua những câu thơ trữ tình sau:

 

“Miền Nam rợp bóng dừa xanh

Sông ngòi uốn khúc chảy quanh xóm làng”

(Đất đẹp miền Nam)

 

     Xa quê lòng luôn canh cánh nhớ về cố hương, quay về thăm lại lòng thi nhân càng bồi hồi xao xuyến bấy nhiêu:

 

“Bảy năm lưu lạc xứ người

Ta về thăm lại khung trời thân thương

Việt Nam ơi! Vạn dặm đường

Xa người ta vẫn tơ vương suốt đời”

(Ngày về)

 

     Có lẽ không có những câu thơ nào diễn tả nỗi lòng khách ly hương một cách cô động và cảm xúc như bốn câu trên.

 

     Về mặt kỹ thuật, thơ lục bát của Hoàng Trùng Dương đã cho thấy cố gắng vượt bậc của tác giả trong cách gieo vần và luật bằng trắc. Nói đến thơ lục bát, chắc có người cho rằng đây là thể thơ dễ viết nhất. Điều ấy không sai nhưng không hoàn toàn đúng. Thơ lục bát thoạt trông tuy đơn giản nhưng nếu vần luật không phân minh thì thơ sẽ chẳng ra thơ. Có nhiều thi sĩ rất thành công trong các thể loại thơ khác nhưng lại tỏ ra rất ái ngại với thể thơ lục bát. Trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, nhiều nhà thơ cố tạo ra một phong cách mới cho thơ lục bát nhưng kết quả như thế nào vẫn hãy còn rất mơ hồ. Nhưng ở thơ Hoàng Trùng Dương, nhà thơ khép mình trong khuôn khổ của thơ lục bát thuần túy, với tiết tấu, vần điệu và quy luật căn bản. Có lẽ nhờ thế mà người đọc tiếp nhận thơ anh dễ dàng hơn vì nó gần gũi với đại đa số quần chúng. Tình yêu quê hương sâu nặng được tác giả thể hiện qua những vần lục bát thuần túy càng làm tăng thêm sự bình dị cho từng câu thơ. Tình yêu ấy mộc mạc, giản đơn, nhưng đó là tình yêu quê hương da diết của của người thi sỹ lưu lạc xa quê.

Theo tác giả Vũ Đình Trường

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: