Thứ năm, 25/04/2024,


Cậu tôi - nhà thơ Quan Huy Ích (19/06/2009) 

Khi tôi về làm rể thì cậu đã làm thơ tự bao giờ. Nhưng thật oái ăm, cậu làm thơ trong một môi trường những người thân không người nào liên quan đến văn chương nghệ thuật. Đối với mọi người, thơ văn là một tội lỗi, bị rẻ rúng và khinh bỉ.

 

Khi tôi về làm rể, cậu tôi - nhà thơ Quan Huy Ích đã là người thân thuộc của làng chữ nghĩa văn chương Hà Nội. Cậu bước vào làng thơ ca và giao du với giới văn nghệ sỹ Hà Nội rất sớm. Nghe đâu khi cậu mới chừng ở tuổi đôi mươi, cậu vừa chơi đàn vừa ca hát vừa làm thơ vừa soạn nhạc. Cứ gọi là đủ cả cầm kỳ thi họa. Khi nhắc đến cậu, nhiều người cùng trang lứa thường trầm trồ khen cậu là người đa tài.

Cậu tôi là người mê thơ hiếm có, mê đến nỗi suốt cả cuộc đời bị thơ "vật" lúc nào cũng hoảng hốt, ngơ ngẩn như người trời. Lần nào gặp tôi, cậu cũng nhấm nháy "vụng trộm" khoe rằng cậu mới làm mấy bài thơ hay lắm. Rồi sợ người khác biết, cậu lầm rầm đọc riêng cho tôi nghe. Đọc khẽ lắm, khẽ đến nỗi tôi nghe câu được câu chăng nhưng may thơ cậu giản dị nên tôi cũng từ từ đoán ra để kịp xuýt xoa tán tụng. Nghe tôi ngợi khen tâng bốc, cậu tôi sướng lắm, cậu ngẩn người cười ngây ngất thiên đường. Trông cậu khi ấy thấy thơ ca mới thần kỳ làm sao. Sở dĩ nghe tôi khen cậu sướng là vì cậu luôn cho rằng tôi là một nhà thơ có đẳng cấp.

Cậu tôi làm thơ miệt mài ròng rã mấy chục năm không ngừng, không nghỉ với một niềm tin tưởng sâu sắc rằng thơ của cậu là nỗi lòng và niềm ai ủi của biết bao người. Hơn thế, cậu còn tin tưởng rằng thơ của cậu không kém thơ của bất cứ nhà thơ Việt Nam hiện đại nổi danh nào. Tôi cho rằng tin tưởng của cậu không có gì là quá. Cậu là nhà thơ có tài và thơ cậu rất nặng tình. Không phải tôi là cháu mà khen cậu theo kiểu mấy nhà thơ làng chùa xóm trại con hát bố khen hay ầm ĩ cả tỉnh, nhưng công bằng mà nói, thơ cậu hình như hay hơn, được nhiều người đọc hơn thơ của không ít nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội.

Cho đến nay, cậu tôi tuyển chọn và đã xuất bản được sáu bảy tập thơ. Tập nào cũng chọn lựa kỹ càng, in ấn, trình bày cẩn thận, trang nhã, lịch duyệt. Những tập thơ tiêu biểu được người yêu thơ hay nhắc tới là: Hoa trái mùa, Lửa phượng, Lục Bát thơ, Thơ tình tuyển chọn, Thơ Bốn câu… Thơ Quan Huy Ích đa dạng và phong phú với đủ thể loại thơ, đủ thể tài và phong cách khác nhau. Đặc biệt, cậu rất sành thơ lục bát và thơ tứ tuyệt. Thơ lục bát của cậu đạt tới "phong cách thơ lục bát Quan Huy Ích" như thi sỹ Hoàng Cầm từng viết.

Có thể, như: Từ ngày xa mẹ xa nhà/ Bao lần đẫm gối lệ nhòa trắng đêm/ Nắng phai xô ngã bóng chiều/ Tưởng như bóng mẹ xiêu xiêu hiện về/ Thôi đành gặt gió bó mưa/ Ken vào ngực áo cho vừa nỗi đau/ Vắng em bến thiếu con đò/ Để run rẩy gió để nhờ nhờ trăng… 

Thơ cậu thuộc thi pháp thơ truyền thống, thơ thiên về tình cảm, trần tình, tự sự, giãi bày. Cấu tứ thơ đơn giản, chữ nghĩa giản dị đoan trang, nghiêm cẩn và thanh nhã. Cậu không có những tứ thơ bất ngờ, những ý thơ đột phá, cấu trúc tân kỳ và chữ lạ. Có thể vì thế mà thơ cậu chưa có sự bứt phá gây ấn tượng mạnh trong rừng thơ đất nước thời "lạm phát thơ" chăng? Chẳng hiểu là thế nào, mặc dù có bạn đọc khá đông đảo, được đồng nghiệp thơ trân trọng, nhưng thơ cậu hầu như không gây được sự chú ý của giới lý luận phê bình. Lý luận phê bình ngày nay kể cũng lạ chỉ biết ca ngợi những người đã được ca ngợi.

Tập thơ nào của cậu xuất bản xong cậu cũng trân trọng tặng tôi. Và tôi, đứa cháu rể đồng nghiệp phải đọc một cách kỹ lưỡng để khi gặp cậu còn kịp thời "có nhời với cậu". Tập nào của cậu đọc cũng khá. Cậu có nhiều bài thơ hay và nhiều câu thơ hay đọc là nhớ ngay. Bây giờ khi cậu ốm hom hem ngồi nhà, tới thăm cậu, tôi chợt ân hận sao trước đây khi đọc thơ cậu cứ khen suông, cậu cháu thì thầm khen ngợi động viên nhau hoài mà không viết bài nào in báo.

Lại nhớ, cách đây mấy năm trên báo chí có cuộc tranh luận quanh bài thơ "Đơn xin học" của cậu. Đây là một bài thơ nổi tiếng cậu viết khi còn rất trẻ. Thực ra, đó là bài thơ tán gái đúng nghĩa của nó và cậu làm nó để tán chính cái cô giáo mà sau này trở thành vợ cậu. Một bài thơ đã được nhạc sỹ phổ nhạc và đó cũng là bài hát nổi tiếng.

Chẳng hiểu nguồn cơn từ đâu mà một cô giáo mãi tận cực Nam đất nước lại quả quyết rằng bài thơ ấy là của Nguyễn Bính. Ác hơn, người ta còn đổ cho cậu cái tội đạo thơ. Thực ra họ thấy hay theo kiểu Nguyễn Bính và đoán là của Nguyễn Bính thế thôi chứ có bằng chứng nào đâu. Cái chính là họ không tin bài thơ hay và nổi tiếng như thế lại do ông Quan Huy Ích tên tuổi chưa đâu vào đâu viết ra.

Gặp tôi, cậu thất thần kể lể, than phiền, kêu khổ, mồ hôi vã ra như tắm trông cám cảnh lắm. Cứ như thể phen này người ta hò nhau cướp mất bài thơ "Đơn xin học" bảo bối của cậu. Cậu tôi là người yếu bóng vía, bài thơ đúng là của mình nhưng thấy người ta "đánh hội đồng" ầm ầm trên báo, cậu hoảng sợ buông xuôi muốn bỏ của chạy lấy người. Thế nhưng gặp tôi cậu lại có ý muốn tôi lên tiếng giữ bài thơ giúp cậu. Tôi nói, cậu đừng nói gì. Thơ của cậu thì đúng rồi. Bài thơ có số phận của nó. Họ làm gì, nói gì kệ họ, không ai cướp được thơ của cậu. Bài thơ có duyên nó mới được thế. Biết đâu từ "sự kiện" bài thơ này, người ta lại tìm đọc cậu nhiều hơn. Bài thơ "Đơn xin học" đúng là bài thơ định danh nhà thơ Quan Huy Ích. Nhân đây, xin chép lại bài thơ này:

Đơn xin học - Ước gì tôi được quen cô giáo/ Để đến xin cô học "vỡ lòng"/ Chỉ sợ trường đông, bàn ghế chật/ Ngại ngần… Cô có nhận thêm không?/ Nếu cô đồng ý nhận thêm tôi/ Nguyện sẽ yêu cô đến trọn đời/ Mãi mãi theo cô trong một lớp/ Suốt đời tôi chỉ học cô thôi.

Khi tôi về làm rể thì cậu đã làm thơ tự bao giờ. Nhưng thật oái ăm, cậu làm thơ trong một môi trường những người thân không người nào liên quan đến văn chương nghệ thuật. Đối với mọi người, văn chương chữ nghĩa đồng nghĩa với đói rách, bần hàn, phá tán, ngẩn ngơ, dấm dớ, hâm tỷ độ và hèn mọn. Thơ văn là một tội lỗi, bị rẻ rúng và khinh bỉ.

Dần dần tôi hiểu vì sao cậu chưa bao giờ nói chuyện văn chương chữ nghĩa công khai trước mặt mọi người với tôi và mỗi lần đọc thơ cho tôi nghe cậu đều tiến hành một cách vụng trộm và lén lút. Khổ thân cậu, khổ thân một tâm hồn thơ yếu đuối nhạy cảm, khổ thân một thi nhân giàu tiềm năng sáng tạo. Trong hoàn cảnh éo le của cậu cảm hứng thi ca mười phần thui chột chỉ còn một hai. Đã mang cái nghiệp vào thân nhưng hành triển cái nghiệp ấy như thế nào mới thành tựu thì quả là mỗi người một kiểu, một duyên, một phận.

Cậu tôi là con út của một gia đình khá giả ở Hà Nội có tám chị em, chỉ mình cậu là con trai. Ngày xưa xã hội trọng con trai lắm. Bởi thế, từ nhỏ cậu được cả nhà chăm bẵm, nhường nhịn, dạy dỗ và kỳ vọng đúng nghĩa cậu ấm Hà thành. Cậu muốn gì được nấy. Nhưng khốn nỗi cậu sớm tài hoa và muốn hơi nhiều. Cậu được nuông chiều học hết trường này trường nọ đủ cả đàn ca sáo nhị, văn chương chữ nghĩa. Chẳng hiểu sao chuyện học hành của cậu rồi ra cũng lang bang chẳng đâu vào đâu. Duy chỉ có niềm đam mê thơ phú, ca nhạc chưa bao giờ nguôi ngoai trong cậu.      

Mấy năm trước, mỗi khi có dịp tới sinh hoạt, họp hành tại Hội Nhà văn Hà Nội, tôi thỉnh thoảng gặp cậu ngồi uống bia cùng các nhà thơ Bằng Việt, Bùi Việt Mỹ, Phạm Khải, Đào Trung Việt, nhạc sỹ Đoàn Bổng… và một vài người khác, những dịp đó cậu thường hồ hởi giới thiệu với mọi người tôi là cháu cậu. Cậu cháu có dịp hàn huyên, dông dài thơ phú. Nhìn cậu chậm rãi đọc thơ, nhẩn nha bình phẩm tác phẩm này, tác phẩm khác, tôi chợt nghĩ sự đam mê và thanh lịch của các thi sỹ Hà Nội quả là rất đặc trưng riêng biệt.

Bây giờ cậu yếu rồi, các nhà thơ, nhạc sỹ bạn cậu, tôi vẫn đôi khi gặp nơi hội họp hay quán bia, quán rượu đâu đó nơi phố phường Hà Nội, chỉ có cậu là không còn sức họp hành, bia rượu, thơ phú cùng bạn văn Hà thành nữa. Ngồi với họ tôi thấy thiếu cậu. Tôi tự dưng thấy buồn, nhớ cậu và viết đôi dòng miên man về cậu - một nhà thơ, một nhạc sỹ tài hoa cả đời bị văn chương chữ nghĩa dẫn dắt lôi cuốn lãng đãng trong niềm đam mê bất tận.

 

Hà Nội, 5-5-2009

 

Nguyễn Linh Khiếu

(Nguồn: Báo CAND)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: