Thứ tư, 17/04/2024,


Hơn 20 năm đánh đàn bằng... răng (13/06/2009) 

Hiện nay, trên sân khấu thành phố Hồ Chí Minh có nhiều người biết đến nghệ sĩ Đoàn Dự. Anh được mệnh danh là 'người đặc biệt' vì anh có khả năng dùng răng... đánh đàn. 
 

Dù bị bại liệt cả hai chân từ khi mới lên 6 tuổi, nhưng với niềm tin, nghị lực vượt lên số phận, nghệ sĩ Đoàn Dự đã luyện tập thành công ngón nghề độc nhất vô nhị Việt Nam hiện nay, đó là dùng răng đánh đàn...

 

Mong muốn của anh là cùng với ba con trai ra CD riêng, liên tục làm mới âm nhạc và được 'cắn đàn nữa, cắn đàn mãi, cắn đàn suốt đời' nhằm đáp lại thiện tình người mến mộ không chỉ riêng ở TP.Hồ Chí Minh, mà ở khắp nơi trên cả nước dành cho anh trong suốt thời gian qua và cả sau này.

 

Vượt lên số phận bằng âm nhạc

 

Đoàn Dự sinh năm 1949, là con thứ sáu trong một gia đình có 9 anh em. Năm lên 6 tuổi anh mắc bệnh và bị bại liệt cả hai chân, đến 12 tuổi mới bắt đầu vào học lớp 1. Căn bệnh bại liệt đã làm cuộc sống và con người Đoàn Dự thay đổi nhiều, nhất là trong đời sống tình cảm. Anh sống khép kín, hầu như không thích tiếp xúc với ai. Nỗi mặc cảm về đôi chân teo toắt, suốt ngày chỉ sển dưới nền nhà như một cậu bé đang tập đi khiến ông chán chường, đã toan tìm đến cái chết vài lần nhưng đều bị người nhà phát hiện.

 

Năm 14 tuổi, anh tự tìm lại 'nguồn sống' cho mình khi suốt ngày ôm lấy cây đàn trau chuốt tập từng nốt nhạc cơ bản. Anh kể: 'Ngày đó tôi rất ít hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp sẽ đến với cuộc đời mình. Nhưng khi làm quen với cây đàn, tự dưng tôi thấy cởi bỏ được rất nhiều u uất, chán nản, thậm chí là tìm thấy mình qua những nốt nhạc... chưa ra nhạc. Ban đầu cũng định tập chơi để giải khuây thôi, nhưng sau thì nghiện đàn và chỉ biết đến đàn như một người bạn thân yêu và tin cậy nhất... Đi đâu cũng kè kè cây đàn bên mình và giữ đàn như một vật báu không thể lơ đễnh. Thậm chí ngay cả bà xã nhiều khi không cả xem trọng bằng cây đàn, cho dù tôi yêu bà xã lắm lắm'.

 

Quá đam mê âm nhạc nên Đoàn Dự quyết tâm dồn hết tâm huyết âm nhạc, cho dù gia đình phản đối như thế nào đi chăng nữa. Học được một năm thì ông lọt vào 'tầm ngắm' của một số nhạc sĩ, nghệ sĩ Sài Gòn và để giúp ông thoả mãn với niềm đam mê âm nhạc, họ đã mời ông nay đây mai đó đi diễn cùng, nhiều nhất là ở nhà hàng tiệc cưới Quốc Thanh của nghệ sĩ Phước Sang và cả các chương trình... xổ số kiến thiết.

 

Thế nhưng, những ngày 'xa xưa đó' anh còn e dè và mặc cảm với bệnh tật nên không dám xuất đầu lộ diện, mà chỉ núp bên cánh gà 'cắn đàn'. Anh nói: 'Mặc cảm vì mình là người bị tật nguyền ngày ấy với tôi nặng nề lắm. Tôi sợ khi mình ngặt ngoẹo đi ra, khán giả sẽ chỉ cho rằng mình là một tay khuyết tật định làm trò kiếm tiền hơn là chơi đàn bằng răng phục vụ họ. Tôi sợ khán giả sẽ tẩy chay tôi và nhà hàng nơi tôi đến biểu diễn. Cơm đang không có ăn, mà còn 'bể sô' thì không còn gì nhục hơn nữa...

 

Đến năm 17 tuổi, anh em cùng đi diễn thường đặt rồi bồng bế tôi ra ngồi sẵn trên sân khấu, sau thì mới kéo màn, lâu dần tôi đâm quen và chẳng thấy ai phàn nàn gì nên tự chống nạng 'hiên ngang' ra, mà không còn cảm thấy... sợ hay run nữa'.

 

10 năm khổ luyện đánh đàn bằng... răng

 

Tên thật của Đoàn Dự là Lưu Văn Dự. Tên Đoàn Dự là do bạn bè anh đặt cho chỉ vì thấy Lưu Văn Dự giống với nhân vật Đoàn Dự trong 'Thiên Long bát bộ'. Lưu Văn Dự suốt đời có lẽ sẽ phải ôm cây đàn như ôm người tình nghệ sĩ và cũng phải chật vật lắm với cây ghita mới 'xứng' với cái tên bạn bè đặt cho đó. Nhưng rồi học mãi lối chơi đàn bằng tay, đi diễn loanh quanh các phòng trà, xa hơn là mấy tỉnh lẻ miền Tây hoài vậy kể ra cũng không có gì là độc đáo, nếu không muốn nói là đơn điệu. Chính vì cũng nhận ra điều đó nên bạn bè anh 'xúi' nên tìm một ngón chơi khác hẳn, lạ hẳn, độc đáo hẳn thì khán giả mới nhớ lâu, mới biết đến tài danh của mình.

 

Nghe theo lời bạn bè khuyên, Đoàn Dự bắt đầu khổ luyện cách chơi đàn ghita điện bằng... răng. Đoàn Dự kể: 'Ban đầu tưởng đơn giản, ai dè khó quá trời. Nếu không có lòng kiên trì và quyết tâm cao thì có chơi ra vàng, chứ chưa cần ra nhạc, cũng bỏ cho chắc. Vì rằng, tôi đã luyện rồi nên biết.

 

Những ngày đầu úp miệng vào những sợi dây, tập gảy bằng răng thì khó chịu lắm. Phần vì rất ngượng, phần vì ê hết cả hàm răng, còn môi thì bị dây đàn cứa đến chảy máu, không cả ăn cơm ăn cháo gì hết trơn. Có lần ôm lấy cần đàn đưa lên miệng rồi lại bỏ xuống vì cảm giác đau buốt hàm răng như mọi lần lại ám ảnh. Thậm chí tui đã tính bỏ cuộc. Thế nhưng rất may là nhờ có bà xã, các anh em nghệ sĩ, bạn bè động viên nên lại 'kháo đàn' với tất cả sự cố gắng và niềm tin tuyệt đối rằng mình sẽ thành công...'.

 

Và rồi sự kiên trì cùng với nghị lực không sợ khó, sợ khổ đó, cuối cùng ông đã thành công sau 10 năm luyện tập miệt mài (từ năm 1975 - 1985). Giờ đây, nghệ danh Đoàn Dự như 'sao lạ' trên đất Sài thành rồi. Thi thoảng người ta lại thấy panô, ápphích in tên Đoàn Dự sẽ chơi ghita bằng răng tại phòng trà này, nhà hàng hay khách sạn nọ. Chỉ có điều là 'sao' Đoàn Dự đi đâu, đến đâu đều phải có 'xế riêng', không thì chỉ có nước bó gối nhìn bà xã tất bật với công việc nội trợ hay vùi đầu vào từng nốt nhạc hướng dẫn cho các đệ tử tại gia mà thôi.

 

Cũng may là ba con trai của Đoàn Dự đều nối nghiệp cha và mỗi lần diễn ở đâu, các con ông cũng thay nhau làm 'xế' cho ông đi đến nơi về đến chốn. Còn đệ tử thì ông nhiều lắm, nổi tiếng nhất phải kể đến tay trống Khắc Triệu - phu quân của ca sĩ Cẩm Vân. Cách đây vài năm, cùng với ngón đàn bằng răng, Đoàn Dự còn động viên được một 'đệ tử già' là nhạc sĩ Khánh Dư chơi ghita bằng... lưng. Trước đây, nhạc sĩ Khánh Dư cũng 'bái' Đoàn Dự làm thầy, xin cho học món chơi ghita bằng răng, nhưng rồi vì 'kền' răng không chịu nổi do dây đàn giật nên Khánh Dư dù vẫn kêu Đoàn Dự là thầy, song cũng xin kiếu, thôi không học đàn bằng răng nữa.

 

Hiện giờ, nhà nghệ danh Đoàn Dự lúc nào cũng vang lên tiếng nhạc bởi gần chục đệ tử đến theo học. Đa số là em nhỏ bậc sơ cấp, con cái của bạn bè hoặc những người muốn con em mình theo lĩnh vực âm nhạc đến nhờ ông kèm cặp, chỉ bảo thêm. Tuy rất tâm huyết với việc làm này, nhưng Đoàn Dự lại không làm nó vì tiền mà vì đam mê với nhạc nhiều hơn nên không lấy tiền các em, cho dù hoàn cảnh gia đình ông cũng không mấy khá giả.

Mong được 'cắn đàn' khắp nơi

 

Tính đến nay, Đoàn Dự đã có hơn 40 năm làm nghề ca hát, trong đó 23 năm anh chơi đàn bằng răng. Anh đã cùng ba con trai lên danh sách hơn 20 nhạc phẩm không lời, dự tính sẽ ra CD riêng từ... lâu lắm rồi, nhưng hiềm nỗi chưa tìm đâu ra tiền để thực hiện ước mơ, nên chuyện ra CD riêng của anh vẫn chỉ là mơ ước.

 

Anh tâm sự: 'Tôi định cùng ba con sẽ ra một CD riêng về độc chiêu chơi ghita điện bằng răng nhưng rồi sơ qua, tính lại, để làm được việc đó có đến hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, kinh tế gia đình nhà tôi cũng eo hẹp lắm. Vợ tôi hàng ngày may, chạy chợ, còn tôi thì rong ruổi đàn hát cùng các con khắp nhà hàng này, đám cưới nọ chi phí cũng vừa đủ. Nhưng thôi, dù sao thì cũng vẫn phải tin tưởng rằng trước sau gì mình cũng làm được, tất nhiên là phải trước khi... răng rụng hết à nha'.

 

Ngoài tính thu CD riêng cùng ba con trai, Đoàn Dự còn rất muốn được 'mang răng đi cắn đàn xứ người', mà mong muốn lớn nhất chính là được ra Hà Nội biểu diễn. Ông nói: 'Ra Hà Nội biểu diễn là mong muốn lớn nhất của tôi. Tôi ra Hà Nội biểu diễn vì ngoài đó đã có rất nhiều người gọi điện, nhắn tin, gửi thư mong muốn được nhìn thấy tôi biểu diễn ghita bằng răng cho họ xem. Thế nhưng, rất khó để tôi đền đáp được những tấm chân tình ấy, không chỉ của khán giả Hà Nội mà còn rất nhiều khán giả ở mọi miền quê khác biết đến tôi nữa. Đó sẽ là một chuyến đi không phải vì tiền, nhưng cần phải có tiền thì mới đến được nơi tôi cần và muốn đến'.

 

Một đệ tử đang theo học trống với Đoàn Dự chen ngang câu chuyện: 'Thầy ơi, muốn được vậy phải tìm được nhà tài trợ. Thầy không thấy đó sao, hầu như liveshow của các nghệ sĩ, ca sĩ hiện nay đều phải có nhà tài trợ đó thôi'. Nắm lấy tay chồng, chị Thanh (vợ Đoàn Dự) động viên chồng: 'Anh đừng buồn, hẵng cứ luyện đàn và giữ... răng cho mạnh, rồi thể nào có ngày anh cũng sẽ được tri ân, thoả mãn với bà con ngoài Bắc...'.

 

Tôi viết những dòng này khi đã về Hà Nội, sau mấy ngày lòng vòng lượn quanh những phố phường thân quen đất thủ đô. Đôi khi, dừng lại hay đi qua nhà hát này, quán bar nọ, chợt thấy nhớ Đoàn Dự, canh cánh một câu hỏi: 'Đã có 'Mạnh Thường Quân' nào tài trợ cho anh ra Hà Nội chưa?'. Hẳn là chưa, vì nếu có, thể nào Đoàn Dự cũng gọi điện khoe ngay để tôi còn được đưa tin đến những người yêu quý, ngưỡng mộ anh biết rằng mọi người sẽ được xem anh chơi đàn bằng răng ở đâu đó trong những nhà hát, quán bar của Hà Nội giàu lòng mến khách này...


Huy Thông - Yên Khương

(Nguồn: Báo Lao Động)

                     

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: