Thứ sáu, 03/05/2024,


Áo nâu – nét đồng quê dịu dàng (12/06/2009) 

ÁO NÂU

 

Phạm Đình Ân

Áo nào em mặc cũng xinh

Em càng xinh đến giật mình: áo nâu !

 

Sợi bông bùn đất nhuộm màu

Sắt son trải tự thuở đầu nguồn xa

Sáng màu báng mật nước da

Áo may khít, dáng đậm đà, tươi duyên.

 

Mẹ cha ăn chắc mặc bền

Rách vai, khéo lựa đường kim lại lành

Đời nghèo tạm áo ba manh

Nhường nhau hơi ấm trọn tình thủy chung.

 

Áo em nâu thật lạ lùng

Để anh thương tận đáy lòng khôn nguôi

Anh yêu em quá mất rồi

Em chưa biết, cả mọi người cũng chưa.

 

Tiếp đông vụ gối chiêm, mùa

Áo ai dầu dãi nắng mưa vun trồng

Áo em tựa cánh buồm giong

Vượt khơi biển lúa muôn trùng sóng chen.

 

Cho anh kề vai áo em

Nghìn hôn chỗ dính lấm lem đất bùn

Nghìn hôn chỗ áo bạc sờn

Động mùa vui tỏa hương thơm cánh đồng.

 

Anh yêu áo trắng, áo hồng

Lại càng yêu đến vô cùng: áo nâu !

 

 

     Chiếc áo nâu từ lâu đã đi vào đời sống lam lũ của người dân Việt Nam, và nó còn có mặt trong nhiều bài ca dao “Ơ này cô mặc áo nâu! Đầu đội nón lá đi đâu vội vàng hay Áo nâu ai mặc nên xinh. Cho duyên em lịch, cho tình anh say”. Nếu nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã cụ thể hóa đời sống lao động vất vả của người nông dân “Gái trai cũng một áo nâu nhuộm bùn”, thì nhà thơ Phạm Đình Ân đã hơn một lần gởi màu nâu trong “Sắc màu em yêu”: Em yêu màu nâu/ Áo mẹ sờn bạc/ Đất đai cần cù/ Gỗ rừng bát ngát, đã có viết về áo nâu theo cách riêng của mình. Khi nhìn người yêu mặc cái áo nền nã ấy, anh yêu đến quá mất rồi, yêu đến vô cùng: áo nâu!”

 

     Thuở xưa, khi cả dân tộc ta “đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên), thì người dân chỉ ước cơm ba bát, áo ba manh, đói không chết, rét không xanh. Phạm Đình Ân đã dùng thành ngữ để khắc họa sự vững bền, thủy chung của con người với áo nâu:

 

Mẹ cha ăn chắc mặc bền

Rách vai khéo lựa đường kim lại lành

Đời nghèo tạm áo ba  manh

Nhường nhau hơi ấm trọn tình thủy chung.

 

     Người ta thường thường nói “nhường cơm sẻ áo”. Tấm áo ấy là hơi ấm tình người. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết rất hay về cái tình của người đồng đội gởi lại chiếc áo nâu cuối cùng trước lúc hy sinh: “Chiếc áo nâu suốt một đời vá rách. Đêm công đồn anh gởi lại cho con”. Tố Hữu cũng viết: “Chết còn chút áo cho nhau. Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.

 

     Những hình ảnh tưởng đã cũ mòn ấy, Phạm Đình Ân đã khéo léo lồng vào những thành ngữ để kiệm lời, mà ý thơ vẫn dư ba. Bởi trong anh đã ẩn chứa một tình yêu màu nâu sâu sắc. Cho nên khi người con gái mặc áo nâu, tình yêu như được nhân lên gấp bội, đến tha thiết, đến giật mình trước vẻ đẹp tự nhiên:

 

Áo nào em mặc cũng xinh

Em càng xinh đến giật mình: áo nâu!

 

     Cô gái có nước da bánh mật, chắc khỏe, mặc áo nâu tưởng như thô kệch, nhưng nhà thơ đã có con mắt của nhà tạo mẫu cho nên cô gái ấy càng trẻ trung, mềm mại: Áo may khít, dáng đậm đà tươi duyên. Cô chẳng cần tô điểm với áo trắng, áo hồng. Cái màu nâu thật lạ lùng đó làm anh đam mê. Nó như đã ngấm vào máu thịt anh từ tấm bé nơi đồng chiêm, đồng mùa gối vụ, nơi dầu dãi nắng mưa. Anh đã tạo được sự liên tưởng bất ngờ, độc đáo:

 

Áo em tựa cánh buồm giong

Vượt khơi biển lúa muôn trùng sóng chen.

 

     Theo tôi, đây là hai câu “nổi gió” nhất của bài thơ. Đặt “màu nâu” của áo em trong màu vàng mênh mông của biển lúa, bức trang về cô gái lao động càng tỏa sáng trong thế vừa tĩnh vừa động. Nhà thơ Nguyễn Bính cũng rất tài hoa khi viết về màu nâu của cánh buồm cứ mờ xa tới khi mất hút vào trùng khơi trong buổi chia ly: “Anh đi đấy, anh về đâu/ Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.” (Không đề - 1939). Còn màu nâu của tà áo em ở thơ Phạm Đình Ân thì gần gũi lắm. Anh không sợ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều như Nguyễn Bính, mà trái lại, tận đáy lòng khôn nguôi, anh mãi mãi kề vai áo nâu để hôn nghìn bận chỗ áo bạc sờn, chỗ bùn đất lấm lem ấy.

 

     Ngày nay, chúng ta ít thấy áo nâu ở nông thôn và nó lại càng vắng bóng trên đường phố náo nhiệt. Phạm Đình Ân nhớ về một thời áo nâu, ngợi ca cái màu dân tộc ấy, ngợi ca tình yêu một thuở, cũng là hướng cảm xúc về cội nguồn, gợi lại một thoáng đẹp của hồn quê nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Lời bình tác giả LÊ XUÂN

-------------------------

- Tên thật   : Lê Xuân Bột

- Địa chỉ      : Nhà số: 55/5 CMT8 Cần Thơ

- Điện thoại: NR:  071. 828363  -  DĐ:  0947.615.119

- E-mail       : xuanbot@gmail.com

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: